Gần 8 thế kỷ vọng cố hương: Lý Long Tường và dòng tộc Lý Hoa Sơn. Lớn lên khi triều Lý suy vong, triều Trần dần thay thế, Lý Long Tường đã cùng tôn thất nhà Lý vượt biển sang Cao Ly (nay là Triều Tiên và Hàn Quốc) lánh nạn truy sát. Được vua Cao Ly ưu ái phong tước hiệu, thực ấp, khi 80 tuổi Lý Long Tường vẫn cùng nhân dân Cao Ly đánh bại 2 cuộc xâm lăng của Mông Cổ. Từ đây, dòng họ Lý Hoa Sơn phát tích nhưng vẫn tưởng vọng về nơi chôn nhau cắt rốn ở VN.
Lễ trao tộc phả Hoàng thân Lý Long Tường - Ảnh: T.L
|
Lý nay lại về
Vào một ngày tháng 3.1994, người dân làng Báng (nay là P.Đình Bảng, TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) ngỡ ngàng thấy một công dân Hàn Quốc ngoại tứ tuần đang quỳ phục bái lạy trước sân rồng Đền Đô. Sau khi đoán già đoán non thì tất cả đều vỡ lẽ, đó là ông Lý Xương Căn, một doanh nhân người Hàn Quốc đang làm ăn tại VN và là người có công thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác Hàn - Việt. Mọi người ngỡ ngàng hơn khi biết Lý Xương Căn là hậu duệ đời thứ 31 của hoàng thúc Lý Long Tường. Đối chiếu với sử liệu ở Hàn Quốc và sử liệu ở VN thì Lý Long Tường là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông (trị vì từ năm 1138 - 1175). Bảy hoàng tử gồm Long Xưởng, Long Minh, Long Đức, Long Hòa, Long Ích, Long Trát và Long Tường. Như vậy, Lý Long Tường là em vua Lý Cao Tông (trị vì từ năm 1176 - 1210) và là chú vua Lý Huệ Tông (trị vì từ năm 1211 - 1225).
“Bao giờ rừng báng hết cây, Tào Khê hết nước Lý nay lại về”. Lời sấm truyền từ lâu tưởng đã đi vào quên lãng thì nay trở thành hiện thực. Đã gần 800 năm, ngày tôn thất họ Lý phải vượt biển rời quê hương đi lánh nạn trước cuộc tìm diệt của triều Trần. Người trong nước phải đổi họ Lý ra thành họ Nguyễn. Rừng báng ngút ngàn năm xưa nay đã nhường chỗ cho cánh đồng quanh năm xanh màu lúa. Con sông Tào Khê thuở nào nay đã cạn, chỉ để lại dấu tích bằng những dãy ao nằm bao bọc, che chở cho làng...
Nay thì họ Lý đã trở về với cội nguồn, nơi tổ tiên hơn nghìn năm trước đã sinh ra Thủy tổ Lý Công Uẩn.
Lý Long Tường lớn lên khi nhà Lý đang suy tàn và sự thay thế của triều Trần là tất yếu. Sách Đại cương lịch sử Việt Nam (tập I, NXB Giáo dục 1997) có một chi tiết ngắn ngủi: “Mùa xuân năm Bính Tuất (1226), Trần Thủ Độ giữ chức thái sư thống quốc, truất bỏ ngôi Thượng hoàng của Lý Huệ Tông... Trần Thủ Độ thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết, diệt trừ thế lực còn lại của nhà Lý. Một số hoàng thân tìm cách di cư ra nước ngoài như Lý Long Tường chạy sang Cao Ly”.
Năm 1226, Thái sư Trần Thủ Độ thanh trừng 300 tôn thất họ Lý vào ngày giỗ Lý Thái Tổ. Sự kiện đẫm máu này đã khiến Kiến Bình vương Lý Long Tường - thân vương duy nhất nắm nhiều quyền hành lo sợ sớm muộn gì ông cũng sẽ bị diệt. Để bảo toàn tính mạng và dòng họ, Lý Long Tường đã mang đồ thờ cúng, vương miện, long bào, bảo kiếm truyền quốc từ đời Lý Thái Tổ cùng gia thuộc qua cửa Thần Phù (Thanh Hóa) chạy ra Biển Đông.
Trên đường chạy nạn, đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, H.Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía đông Cao Ly (gần Busan ngày nay). Tương truyền rằng trước đó vua Cao Tông của nước Cao Ly nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương nam lên, vì vậy ông lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón ân cần và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại.
Năm 1253, quân Mông Cổ tiến công xâm lược Cao Ly. Lý Long Tường năm ấy xấp xỉ 80 tuổi vẫn đứng ra tổ chức kháng chiến, cùng với quan quân trong phủ và nhân dân chiến đấu đánh bại quân giặc. Nhà vua rất mừng vui, khen ngợi và cho đổi Trấn Sơn là Hoa Sơn, cấp cho Lý Long Tường 30 dặm vuông đất làm thái ấp để phụng thờ tổ tiên, cho lập bia ghi công trạng.
Sống ở Hoa Sơn, Lý Long Tường đặt hiệu là Vi Tử Động. Mục đích ra đi của Lý Long Tường là để giữ việc thờ cúng tổ tiên như trường hợp Vi Tử đời Ân đã làm, nên ông đặt hiệu là Tiểu Vi Tử và nơi ở là Vi Tử Động.
Lý Long Tường sinh được hai người con trai đều làm quan. Ở Hàn Quốc, dòng họ Lý gốc Việt này được gọi là Lý Hoa Sơn vì Hoa Sơn là quê hương đầu tiên khi Lý Long Tường nhập cư Cao Ly, và cũng gắn liền với tước hiệu Hoa Sơn Quân do vua nước Cao Ly phong tặng.
Tại Hoa Sơn có một ngọn núi gọi là Quảng Đại Sơn. Tương truyền rằng Lý Long Tường thường lên đó ngóng trông về quê nhà. Vì thế, ngọn núi mang tên “Vọng Quốc Đàn” hay “Vọng Cố Hương”. Kế thừa tình cảm từ vị tổ Lý Long Tường, các thế hệ con cháu họ Lý Hoa Sơn luôn hướng về quê cha đất tổ.