Ngã ba Đồng Lộc

Thứ sáu - 16/02/2024 20:47 251 0

Ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc: Quần thể di tích ý nghĩa tiêu biểu
Năm 2018 là năm đánh dấu tròn 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc. Đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, chúng ta không chỉ cảm nhận được sự thay da đổi thịt của một vùng đất được mệnh danh là “vùng đất chết”, mà còn được tham quan quần thể di tích với nhiều hạng mục công trình ý nghĩa, tiêu biểu.
 
Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1995, Đảng và Nhà nước giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các hạng mục công trình tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, chúng ta không chỉ cảm nhận được sự thay da đổi thịt của một vùng đất được mệnh danh là “vùng đất chết”, mà còn được tham quan quần thể di tích với nhiều hạng mục công trình ý nghĩa, tiêu biểu.
Tượng đài Chiến thắng
Tượng đài chiến thắng nằm dưới thung lũng, nơi ngày xưa chi chít hố bom. Phía trước mặt tượng đài là Ngã Ba - nơi giao nhau của 3 tuyến đường huyết mạch giao thông và dãy núi Mũi Mác. Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc là biểu tượng của sức mạnh, ý chí quyết thắng, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích... Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các vầng mây biểu trưng hoà bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Đồng Lộc.
Quanh chân tượng đài xếp hình cánh cung là những bức phù điêu miêu tả không khí sôi nổi khẩn trương của lực lượng TNXP, công nhân giao thông, bộ đội, dân quân, lái xe, Nhân dân Đồng Lộc và các xã lân cận san đường, lấp hố bom, bắn máy bay địch, phá bom... dẫn đường cho xe qua. Tượng đài được khởi công vào ngày 15/7/1995 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Đồng Lộc 15/7/1998.
Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc
Nằm ở lưng chừng đồi, cách mặt đường 50 m, ở khoảng giữa tuyến đường từ ngã ba đến khu mộ 10 Nữ liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Nhà bia được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng năm 1995, ghi danh gần 4.000 liệt sĩ TNXP hy sinh trên toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Chiến trường Ngã ba Đồng Lộc.
Cột biểu tượng ngành ciao thông vận tải
Cột biểu tượng lưu niệm của ngành giao thông vận tải nằm ngay chính giữa ngã ba, nơi giao nhau của 3 tuyến đường Lạc Thiện - Đồng Lộc, Khe Giao - Đồng Lộc, Ba Giang - Đồng Lộc.
Cột biểu tượng được khởi công xây dựng vào tháng 12/1991 và khánh thành vào ngày 26/3/1992. Trải qua 26 năm, công trình đã bị xuống cấp. Nhân Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, công trình được đầu tư xây dựng mới bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Đài tưởng niệm các liệt sĩ của ngành giao thông vận tải
Đài tưởng niệm các liệt sĩ ngành giao thông vận tải được xây dựng trên khu vực nhà bia cũ, cạnh chân núi Trọ Voi, mở rộng quy mô lên 2.960 m2. Công trình gồm: Đài biểu tượng cao 9,68 m, có diện tích bề mặt 256 m2; 14 bia ghi danh có kích thước cao 2,5 m, rộng 1,5 m; 01 bia dẫn tích cao 2,5 m, rộng 2,2 m; 01 lư hương cao 0,62 m, rộng 0,94 m và trụ biểu tượng cao 2,5 m bằng chất liệu đá hoa cương; khuôn viên sân vườn tổng thể. Kinh phí xây dựng Đài tưởng niệm được trích từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thuộc dự án Cải tạo nâng cấp QL15A đoạn nối QL1A (TP. Hà Tĩnh) - đường Hồ Chí Minh (Phúc Đồng), tỉnh Hà Tĩnh.
Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc
Cách nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc chừng 30 m, cùng nằm ở dãy đồi Trọ Voi cao vút thông xanh là khu mộ của 10 cô gái TNXP tuổi từ 17-24 thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 - Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Cả 10 cô gái cùng hy sinh vào lúc 16h ngày 24/7/1968 (tức ngày 29-6 Mậu Thân). Thi hài của 10 cô trước đây được mai táng tại đồi Bãi Dịa cách núi Trọ Voi 1 km, năm 1976 phần mộ các chị được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc, năm 1990 chuyển về khuôn viên Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Năm 2000, khu mộ được tôn tạo, mở rộng diện tích, trang nghiêm, thoáng đãng. Hố bom nơi 10 cô hy sinh vẫn còn nằm nguyên vị trí cũ.
Nhà truyền thống TNXP toàn quốc và Sa bàn điện tử
Nhà trưng bày truyền thống TNXP toàn quốc là nơi lưu giữ, tái hiện lịch sử TNXP tráng liệt, rõ nét. Gian chính diện có tượng Bác Hồ, bộ đội và TNXP; gần 1.000 hiện vật gồm: Đồ đạc sinh hoạt, dụng cụ chiến đấu của các lực lượng như: Xe bò, xe cút kít, ống nhòm, xắc cốt, bộ đội với nòng pháo cao xạ, công nhân giao thông với máy xúc, máy ủi...; 345 ảnh tư liệu ảnh chụp trong giờ chiến đấu, sinh hoạt đời thường, cảnh ca hát của TNXP... và những câu khẩu hiệu biểu hiện lý tưởng cháy bỏng của thế hệ thanh niên trong kháng chiến được trưng bày trong cả 3 gian phòng lớn thể hiện cuộc sống lao động, chiến đấu của các lực lượng và TNXP trên mọi ngả đường với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Địch phá một, ta làm mười”; đồng thời phản ánh cuộc sống sôi động, đầy chất thép nhưng cũng rất lãng mạn của các lực lượng tại chiến trường Đồng Lộc khốc liệt và các chiến trường khác trên cả nước.
Đặc biệt, phòng trưng bày có những hiện vật quý như: Bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ; lọn tóc thề của chị Võ Thị Tần gửi tặng người yêu Nguyễn Đức Hồng; áo của chị Võ Thị Hợi, chị Nguyễn Thị Xuân; dây điện và thỏi nam châm phá bom của anh hùng Vương Đình Nhỏ; bát ăn của các cô, sổ lý lịch, sổ ghi bài hát của chị Trần Thị Hường; chiếc mũ cối của chiến sỹ Trần Văn Ca trung đoàn 210 bị thương nặng vẫn ngồi trên mâm pháo... và cuốn nhật ký của chị Nguyễn Thị Hường; ảnh 10 cô chụp từ máy bay cảnh tượng Đồng Lộc, mảnh bom từ trường... Ngoài ra còn những hiện vật ngoài trời như: Pháo 57 mm, pháo 37 mm, máy ủi, ô tô Gát 63, Gát 57, Máy bay AD6....
Sa bàn điện tử tái hiện lại chiến trường khốc liệt Đồng Lộc 50 năm trước cũng như ý chí quyết tâm thông đường, thông xe, tinh thần dũng cảm, can trường của quân và dân ta tại “Toạ độ chết” Đồng Lộc. Hiện nay, sa bàn được nâng cấp để phục vụ du khách nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc. 
Đồi La Thị Tám
Từ đỉnh núi Mòi, nằm ở phía trái của Ngã ba Đồng Lộc, giữa trọng điểm đánh phá của địch, với chiếc ống nhòm nhỏ, sau mỗi lần máy bay Mỹ ném bom, La Thị Tám lại như con thoi chạy lên đồi căng mắt theo dõi quả nào phát nổ, quả nào chưa nổ để chạy xuống ngã ba Đồng Lộc cắm cờ tiêu báo cho công binh xử lý. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, bàn chân bỏng rát và in thành vệt mòn qua những bãi bom nổ chậm, La Thị Tám đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả. Giờ đây quả đồi đó được đặt tên Đồi La Thị Tám - Nơi ghi dấu hành động anh hùng của “Người con gái Sông La”. Ngày 22/12/1969, nữ TNXP La Thị Tám được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực vũ trang Nhân dân khi mới 20 tuổi. Hiện nay, nữ anh hùng La Thị Tám đang sinh sống tại thành phố Hà Tĩnh.
Tháp chuông Đồng Lộc
Tháp chuông được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/2009 và khánh thành vào ngày 02/1/2011, nhân dịp chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Tháp chuông do Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế. Tháp cao 37 m, gồm 7 tầng, 8 mái, hình bát giác đều, kết hợp, khai thác theo hình thức đài tháp và lầu vọng cảnh truyền thống, được cách tân ở phần thân tháp. Tầng trên cùng của tháp treo quả chuông nặng 5,7 tấn, cao 3,7 m, đường kính 1,95 m, đúc bằng đồng nguyên khối. Hệ thống đèn chiếu sáng gồm 356 bộ đèn được lắp đặt bao phủ cả trong tháp và ngoài tháp từ tầng 1 đến tầng 7, với ánh sáng lung linh huyền ảo, có tầm xa nhiều km.
Công trình với 100% kinh phí là đóng góp công đức của các tổ chức doanh nghiệp và Nhân dân. Công trình thể hiện lòng biết ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Cụm tượng 10 cô gái TNXP Ngã Ba Đồng Lộc
Công trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Hà Tĩnh khởi công xây dựng vào tháng 8/2008, là biểu tượng cho các lực lượng chiến đấu và hy sinh tại Đồng Lộc cũng như các anh hùng liệt sĩ trong cả nước, là tượng đài của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Công trình do Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Mỹ thuật Việt Nam thiết kế, các chuyên gia đầu ngành Mỹ thuật và Điêu khắc do Bộ Văn hóa - Thể thao (lúc bấy giờ) giới thiệu, Doanh nghiệp tư nhân Hoàn Hảo thi công. Nghệ nhân tạc tượng Ninh Bình thực hiện trên chất liệu đá Thanh Hoá. Công trình do cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường Đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo trong toàn quốc và các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đóng góp để hưởng ứng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc
Thể theo nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân Hà Tĩnh và đồng bào cả nước; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao động, Báo Đầu tư, Quỹ Tấm Lòng Vàng - Báo Lao động đã phối hợp tổ chức quyên góp công đức để xây dựng Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc. Công trình lịch sử - văn hóa có ý nghĩa to lớn giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ hôm nay và mai sau. Công trình là hạng mục quan trọng trong quy hoạch tổng thể Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, khởi công xây dựng năm 2016 và hoàn thành trong tháng 4/2018. Công trình gồm các hạng mục: đền chính, nhà hậu, nghi môn, bậc cấp đường lên đền, bình phong, am hóa vàng, điện chiếu sáng, nhà vệ sinh, cảnh quan tổng thể sân vườn.
Công trình Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc được xây dựng từ nguồn kinh phí đóng góp công đức, những tấm lòng vàng của các doanh nhân, doanh nghiệp, cán bộ, Nhân dân trong nước và một số doanh nhân, đồng bào người Việt ở nước ngoài.
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một trong những điểm du lịch thu hút du khách thập phương, nhất là trong hành trình du lịch tâm linh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Bình quân mỗi năm Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón từ 250.000-300.000 lượt du khách về tham quan, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết.
Mảnh đất Đồng Lộc huyền thoại giờ đã lành vết thương, hồi sinh thay da đổi thịt trong diện mạo mới. Đảng bộ và Nhân dân xã Đồng Lộc đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng xã Đồng Lộc trở thành Thị trấn đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc.
Vườn hoa và Đài tưởng niệm Nhân dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc
Công trình Vườn hoa và Đài Tưởng niệm Nhân dân hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc được khởi công vào ngày 11/8/2013. Công trình có diện tích 3.000 m2. Nguồn kinh phí xây dựng công trình do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 phát tâm công đức.
Tại chiến trường Đồng Lộc, từ năm 1964-1972, đã có 1.226 người dân Can Lộc bị bom đạn kẻ thù sát hại, anh dũng hy sinh góp phần làm nên chiến thắng Đồng Lộc.
Sau hơn 4 tháng thi công, ngày 21/12/2013, công trình được khánh thành và trở thành một địa chỉ nhằm tưởng niệm, tri ân sự hy sinh cao cả của nhân dân đã ngã xuống tại chiến trường Đồng Lộc. Đây cũng là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay2,301
  • Tháng hiện tại49,254
  • Tổng lượt truy cập810,168
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây