Cây bồ đề thiêng, bước chân của những người lính trong đêm vắng, cuộc viếng thăm của người đồng đội “đặc biệt”... những chuyện chỉ có ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Bước chân đến nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn chúng ta kính cẩn nghiêng mình viếng hương hồn 10.263 anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ tại đây. Trong dòng cảm xúc lâng lâng của sự biết ơn, được các cán bộ quản trang kể cho nghe chuyện về cây bồ đề thiêng, bước chân của những người lính trong đêm vắng, cuộc viếng thăm của người đồng đội “đặc biệt”... những chuyện chỉ có ở nghĩa trang này.
“Mái nhà chung” của những người lính
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi an nghỉ của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa hoành tráng, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng biết ơn và sự tôn vinh, tri ân của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chiến tranh khốc liệt, để lại những con số khiến nhiều người không hỏi giật mình, xót xa. Cả nước có 72 nghĩa trang, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia với hơn 60.000 liệt sĩ yên nghỉ. Trước mất mát to lớn đó, ngay từ trong những năm tháng chiến sự còn xảy ra, Tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn đã đề xuất nên quy tập các liệt sĩ nằm rải rác trên dọc tuyến đường Trường Sơn và đất bạn Lào, Campuchia lại một nơi, như một “mái nhà chung” để đồng bào, đồng chí và nhất là các gia đình tiện lui tới thăm viếng.
Đề xuất này sau đó đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bộ Chính trị thông qua, đồng thời giao cho Đoàn 559 đi khảo sát và chọn địa điểm. Sau khi cân nhắc, địa danh đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã được lựa chọn.
Công trình này đã được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Nơi đây hiện quy tụ 10.263 phần mộ của các liệt sĩ, với tổng diện tích 140.000m2.
Tại đây có 6 bức phù điêu được chạm khắc trên đá nguyên khối, khắc họa những hình ảnh tiêu biểu của các binh chủng hợp thành bộ đội Trường Sơn, với khẩu hiệu: “Mở đường mà tiến - Đánh địch mà đi”. Đài tưởng niệm tại nghĩa trang được xây bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng.
Phần lớn những liệt sĩ đã ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi. Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ đã chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng khi kết thúc chiến tranh, họ không quay trở về nhà mà yên nghỉ lại nơi này.
Cơ duyên với “cây sinh ra từ lòng Phật”
Năm 1976, sau khi nghĩa trang được hoàn thiện, chuẩn bị khánh thành thì ban quản trang phát hiện một cây bồ đề cao khoảng 20cm mọc lên ngay sau đài tưởng niệm. Đứng trước cây bồ đề nhỏ bé có nguồn gốc tâm linh của đạo Phật, Trung tướng Nguyên rất xúc động. Ông giao cho ban quản trang vun đất và chăm sóc cây cẩn thận. Khác với hàng trăm loại cây ở nghĩa trang, cây bồ đề lớn rất nhanh và chia thành 3 nhánh ôm ấp lấy 3 cạnh của Đài tưởng niệm "Tổ quốc ghi công".
Năm 1999, khi bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có kế hoạch cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm, nhiều người có ý chuyển cây bồ đề để lấy mặt bằng. Từ Hà Nội, vị tướng già lại lặn lội vào Quảng Trị đề nghị phải giữ nguyên chỗ cho cây bồ đề. Giờ đây, hàng vạn người dân khi đến thăm viếng nghĩa trang đều đứng trang nghiêm dưới gốc cây bồ đề toả rợp bóng mát.
Trong sổ lưu niệm ở nghĩa trang, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết về cây bồ đề: "Đây là một sự tích có tính huyền thoại, một phúc âm, một điềm lành của liệt sĩ an nghỉ nơi này. Mọi người cùng nhau giữ lấy cây bồ đề thiêng, tài sản của liệt sĩ Trường Sơn an nghỉ nơi đây".
ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - người có thâm niên gần 20 năm làm nhiệm vụ tại đây cho biết, trong diện tích bán kính 10km đổ lại, không có một cây bồ đề nào sinh sống. Thế mà cây bồ đề mọc ở đây, theo năm tháng lớn nhanh như thổi, trở thành cây cổ thụ và ôm lấy tượng đài một cách tương xứng, giống như mái nhà che chở giữa nghĩa trang. Điều này khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên.
Đến nay, với tuổi đời ước khoảng hơn 40 năm, cây bồ đề to lớn hơn nhiều so với những cây thường thấy cùng năm tuổi ở các nơi khác. Cây cao khoảng 25m, rợp bóng mát quanh năm. Nhiều đoàn cựu chiến binh khi về thăm viếng liệt sĩ tại nghĩa trang thường ngồi dưới tán bồ đề, đánh đàn ghi ta và cùng hát cho đồng đội nghe. Nhiều đoàn phật tử, nhà sư trong và ngoài nước khi đến đây đều ngỡ ngàng thốt lên, không thấy cây bồ đề nào đẹp như thế, bồ đề mọc ở vùng đất thiêng.
Những chuyện xúc động
Nhiều năm công tác ở nghĩa trang, làm nhiệm vụ chăm sóc phần mộ liệt sĩ, hướng dẫn cho khách và thân nhân đến thăm viếng, ông Ái kể, có những câu chuyện tâm linh xúc động mà chính ông và các quản trang đã gặp mà không thể lý giải. Ông Ái không tin vào những điều mê tín dị đoan, nhưng những câu chuyện tâm linh nghĩa tình tại nghĩa trang Trường Sơn thì ông tin và trân trọng. Ông nói rằng: “Người ta thường nói, chết là hết, nhưng tôi nghĩ chết chưa phải là hết, linh hồn vẫn sống mãi”.
Bằng giọng chậm rãi, ông Ái cho biết, đêm 14/11/2001, ông cùng đồng chí Chủ tịch Công đoàn cơ quan lên khu nghĩa trang thắp hương. Khi đến thì cả 2 cùng thấy có một người ngồi bên cạnh tượng đài. Ông Ái đánh tiếng từ xa, nhưng không thấy người đó trả lời nên tiến đến gần hơn, bỗng người này đi thụt lùi. Linh tính có chút mách bảo, ông và đồng chí Chủ tịch Công đoàn nhìn nhau rồi thắp hương và hỏi: “Chúng tôi lên đây thắp hương và có vài lời với các anh hùng, liệt sĩ, anh ở đâu đến đây sao không nói gì cả”.
Lúc đó, người ấy mới đáp lại: "Tôi cũng là liệt sĩ, nhưng tôi ở nơi khác đến đây thăm anh em". Nghe vậy, ông Ái và người bạn đồng hành không khỏi vã mồ hôi. Khi 2 anh ngẩng mặt lên thì không thấy người ấy đâu nữa...
Hơn 30 năm gắn bó với nghĩa trang, chăm sóc từng phần mộ các liệt sĩ, anh Nguyễn Tất Quang vẫn run run khi kể với chúng tôi, vào những đêm vắng của đầu thập niên 90, anh em quản trang vẫn thường nghe những tiếng hô "tập hợp", "xung phong". “Tôi vẫn nhớ như in, mùa hè 1993, khi chúng tôi đang ăn cơm tối thì tất cả đều nghe tiếng chân rầm rập hành quân. Ban đầu, cả ban nghĩ chắc có đơn vị nào hành quân qua đây vào thăm viếng đồng đội, anh em vội bỏ bữa ăn chạy lên tiếp khách. Song tuyệt nhiên không có một bóng người. Sau đó, cả ban quản trang thắp hương cho các anh, ai cũng khóc”, anh Quang kể lại.
Tháng 7/1996, anh Quang đang nằm ngủ bỗng mơ màng gặp một chiến sĩ, quần áo chỉnh tề xưng là quê ở Thái Bình và nhắn lại: "Mai mẹ tôi vào, mẹ tôi già yếu lắm rồi không biết tôi ở đâu, nhờ anh chỉ giùm". Sáng sớm, anh Quang cùng mọi người đang ăn sáng thì gặp một bà cụ đi thẳng đến chỗ anh Quang ngồi rồi cụ nhờ tìm mộ con. Nhớ lại giấc mơ kỳ lạ đêm qua, anh Quang cầm tay dẫn cụ một mạch đến chỗ liệt sĩ nằm, rồi đọc tên tuổi, quê quán, năm hy sinh (1968) cho bà cụ. Cụ ngồi sụp xuống bên mộ con khóc nức nở trong trưa nắng chói chang Quảng Trị.