“Lạc Viên tiểu sử” là cuốn hồi ký của Tôn Thất Đàn, một trọng thần dưới triều Nguyễn. Ông từng kinh qua rất nhiều chức vụ từ địa phương tới trung ương, thậm chí là trong “tứ trụ triều đình” dưới thời các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Mặc dù là cuốn tự truyện kể về quá trình học hành, quan lộ của bản thân nhưng thông qua ngòi bút của một người từng trải chính trường, nắm giữ nhiều trọng trách trong triều đình, “Lạc Viên tiểu sử” của Tôn Thất Đàn đã hé mở nhiều thâm cung bí sử mà có lẽ chỉ khi đọc cuốn hồi ký này chúng ta mới biết tường tận cụ thể…
KỲ I: TÔN THẤT ĐÀN VÀ HỒI KÝ “LẠC VIÊN TIỂU SỬ”
- Số phận long đong của “Lạc viên tiểu sử”
Năm 2012 trong chuyến công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế chúng tôi may mắn được tiếp cận gia đình ông Tôn Thất Lôi, một hậu duệ, là con trai ruột của Tôn Thất Đàn thông qua sự giới thiệu của nhà nghiên cứu Phan Thuận An. Gia đình ông Tôn Thất Lôi hiện đang sinh sống trong chính ngôi nhà cổ của cụ Tôn Thất Đàn tại thôn Lại Thế xã Phú Thượng huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây chúng tôi không khỏi bất ngờ trước khối tư liệu đồ sộ mà gia đình đang lưu giữ gồm một số tư liệu Hán Nôm, rất nhiều sắc phong, văn bằng chứng nhận của Nam triều và Pháp cho Tôn Thất Đàn và các con cháu trong gia tộc. Đặc biệt trong số tư liệu đó có bản gốc cuốn hồi ký “Lạc Viên tiểu sử”
Nhà thờ ông Tôn Thất Đàn tại thôn Lại Thế xã Phú Thượng huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế
Qua trao đổi trực tiếp với ông Tôn Thất Lôi, chủ nhân đang nắm giữ cuốn hồi ký và tham khảo bài viết của ông Lê Xuân Ninh, con rể cả của Tôn Thất Đàn viết từ tháng 4 năm 1980 in kèm trong các tư liệu gia đình, chúng tôi được biết bản chính thức của cuốn hồi ký này đã thất lạc, bản hiện tại đang lưu là bản thảo viết nháp. Tuy nhiên đây là bản viết tay gốc, không phải bản in hay sao lại sau này.
Theo bài viết của ông Lê Xuân Ninh, năm 1943 ông về làm rể gia đình Lạc Viên (Lạc Viên có nghĩa là “vườn vui”), ông đã được thấy trong tủ sách chữ Hán của gia đình một tập hồi ký do chính nhạc phụ ông ghi chép. Thời điểm đó với năng lực chữ Hán có hạn nhưng ông đã nhận thức được giá trị của tập sách “về mặt xã hội và lịch sử”. Tuy nhiên sau đó do nhiều diễn biến của lịch sử, tập hồi ký đã bị lưu lạc cùng với những biến động long đong của toàn bộ gia tộc. Phải đến sau năm 1975 gia đình mới có điều kiện và mong muốn tìm lại “món gia tài vô giá” kia. Nhưng mãi vẫn chưa thể tìm lại được tập bản thảo hoàn chỉnh ông đã đọc năm 1943, mà chỉ tìm thấy một bản nháp phác thảo không trọn vẹn gồm 3 quyển. Trong bài viết ông Lê Xuân Ninh cũng đề cập đến một tập thơ chữ Hán và một tập nhật ký sang Pháp bằng chữ quốc ngữ của Tôn Thất Đàn giờ cũng không còn tìm thấy.
- Tôn Thất Đàn và hồi ký “Lạc viên tiểu sử”
Tôn Thất Đàn (1871-1936) là một đại thần dưới triều Nguyễn. Ông tên hiệu Lạc Viên, húy là Đàn, còn có tên tự là Hinh Nhi, xuất thân gia đình tông thất hoàng tộc. Ông trải qua 35 năm hoạn lộ, từng kinh qua các chức vụ từ Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Bố chính, Tuần phủ, Tổng đốc tại rất nhiều địa phương trong cả nước, cho đến Tham tri, Thượng thư các bộ ở trung ương dưới thời các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.
Mặc dù cuối con đường công danh ông thậm chí đã làm quan đến Thượng thư Bộ Hình, Hiệp tá Đại học sĩ sung Cơ Mật viện đại thần tức một trong những vị trí chủ chốt của bộ máy triều đình nhưng chỉ sau một tờ Dụ của vua Bảo Đại ngày 2 tháng 5 năm 1933, ông cùng 4 đại thần khác của triều đình bỗng nhiên bị phế chức.
“Lạc Viên tiểu sử” là cuốn hồi ký của Tôn Thất Đàn viết bằng chữ Hán Nôm, đến nay chưa rõ ông chắp bút từ khi nào nhưng câu chuyện được bắt đầu từ khi ông sinh ra năm 1871 cho đến sau khi ông bị phế chức về nghỉ hưu năm 1934. Tuy là cuốn tự truyện kể về quá trình học hành, quan lộ của bản thân nhưng thông qua ngòi bút của một người từng trải, lại kinh qua rất nhiều vị trí công tác, đi nhiều nơi cả trong và ngoài nước; hồi ký “Lạc Viên tiểu sử” đã phần nào vẽ nên bức tranh thực trạng bộ máy triều đình nhà Nguyễn giai đoạn mạt kỳ, tình hình đất nước, đời sống nhân dân giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đặc biệt nhiều thâm cung bí sử giai đoạn cuối cùng của triều Nguyễn đã hé lộ qua cuốn hồi ký này.
Cuốn hồi ký gồm 3 quyển được viết tay trên giấy bổi bằng chữ Hán Nôm, chữ viết hành thảo. Văn bản ở dạng bản thảo có gạch xóa sửa chữa khá nhiều, khổ giấy khoảng 13x19 cm, hầu hết đã sờn mép và rách góc. Trao đổi với gia chủ, chúng tôi được biết cuốn hồi ký này ban đầu gồm 5 quyển nhưng hiện nay chỉ còn 3 quyển.
Khi đọc và khảo cứu sâu về nội dung chúng tôi nhận thấy 3 quyển còn lại là các tập 1, 4 và 5; hai quyển đã mất là tập 2 và 3. Về thời gian ba tập còn lại được xác định cụ thể như sau:
+ Tập 1 từ năm 1871 đến năm 1902 viết về gia cảnh và giai đoạn từ khi Tôn Thất Đàn chào đời, quá trình học tập phấn đấu cho đến khi được bổ làm Tri huyện Bình Khê tỉnh Bình Định, sau đó lại bổ làm Tri huyện huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa.
+ Tập 2 và tập 3 từ năm 1903 đến năm 1920, đã bị mất.
+ Tập 4 từ năm 1920 đến năm 1926 trải qua các giai đoạn ông làm Tham tri Bộ Binh, Tuần phủ Trị Bình, Tổng đốc An Tĩnh và được triệu về Kinh giữ chức Thượng thư Bộ Hình sung Cơ Mật viện Đại thần.
+ Tập 5 viết về giai đoạn từ năm 1926 khi ông được bổ giữ nhiều trọng trách tại Kinh cho đến sau khi ông về nghỉ hưu năm 1934.
- Tôn Thất Đàn qua tư liệu gia tộc và Châu bản triều Nguyễn
Căn cứ trên các tài liệu còn lại của gia đình như văn bằng, sắc phong kết hợp với thông tin của 3 tập hồi ký hiện còn và tài liệu Châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I có thể tóm tắt cuộc đời và hành trạng của Tôn Thất Đàn như sau:
Tôn Thất Đàn sinh ngày 10 tháng Giêng năm Tân Mùi (tức năm Tự Đức thứ 24-1871) tại thôn Lại Thế, tổng Đường Anh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay là thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Thân phụ ông là Tôn Thất Nhẫn lúc đó đang làm Tri phủ Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, thân mẫu là bà Trần Thị Phượng. Sau khi ông sinh được 3 tháng thân phụ được bổ làm Tri phủ Lý Nhân tỉnh Hà Nội, sau lại chuyển sung làm Bang biện tỉnh Thanh Hóa. Năm ông 3 tuổi cha ông vì nhiễm sơn lam chướng khí mà qua đời, từ lúc này gia đình sống trong cảnh thanh bạch nhưng mẹ ông vẫn tần tảo nuôi 4 người con học hành.
Năm 20 tuổi (1890) Tôn Thất Đàn sát hạch trúng vào trường Quốc Tử giám hạng tôn sinh, năm sau ông thi Hương lần đầu nhưng không đỗ. Khoa thi năm Đinh Dậu (1897) ông đậu Cử nhân trường thi Thừa Thiên.
Năm 1898 ông được bổ lần đầu làm Hàn Lâm viện Biên tu[1], cũng năm đó ông vào học tiếng Pháp tại trường Quốc học Huế.
Năm 1900 ông được bổ làm Tu soạn thự Trước tác Viện Hàn lâm, tháng 11 năm đó được bổ Thự đồng Tri phủ lãnh Tri huyện huyện Bình Khê tỉnh Bình Định nhưng mới được mấy tháng thì mẹ mất ông phải về Huế chịu tang.
Năm 1902 sau khi mãn tang ông tiếp tục được bổ làm Tri huyện huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ hàm Đồng Tri phủ. Cuối đời vua Thành Thái (năm thứ 19) ông được giữ nguyên hàm bổ lãnh Tri phủ phủ Diễn Châu tỉnh Nghệ An[2].
Năm Duy Tân thứ nhất (1907) Bộ Hình xem xét việc Tổng đốc Thanh Hóa đệ trình vụ án ở huyện Hậu Lộc do Tôn Thất Đàn (thời còn làm Tri huyện) chịu trách nhiệm xét xử thời hạn quá chậm trễ, theo lệ xử phạt giáng 3 cấp và 1 năm lương bổng. Năm 1908 Bộ Hình xét lại thấy tỉnh ấy có đường xe lửa đi qua tội phạm bỏ trốn khó bắt lại được, vả lại các nhân chứng đều quá già yếu hoặc đã chết vì vậy đã rộng xét cho Tôn Thất Đàn được miễn lệ giáng phạt nhưng vẫn cho ghi vào lý lịch[3].
Năm 1910 ông được bổ làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên. Năm Duy Tân thứ 7 (1913) không rõ vì lỗi gì[4] ông bị Phủ Phụ chính xét xử giáng phạt 1 cấp vẫn cho giữ nguyên hàm Hồng lô tự khanh lãnh Án sát sứ Quảng Bình. Sau đó tháng 11 ông được tin vợ mất phải về quê 1 tháng để lo tang sự.
Năm 1915 Tôn Thất Đàn được đổi bổ làm Án sát tỉnh Quảng Nam. Năm 1917 lại bổ làm Bố chánh sứ An-Tĩnh, năm 1919 đổi làm Bố chánh sứ tỉnh Bình Thuận, sau thăng Thự Tuần phủ tỉnh Bình Thuận vẫn lãnh Bố chánh sứ.
Tháng 5 năm Khải Định thứ 5 (1920) Tôn Thất Đàn được bổ làm Tả Tham tri Bộ Binh kiêm Phó sứ Ty Binh mã Hộ thành. Tuy nhiên sau đó 1 năm ông trở lại làm Tuần phủ Trị-Bình (Quảng Bình-Quảng Trị).
Năm 1923 ông được bổ làm Tổng đốc An-Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh). Năm 1926 sau sự kiện con trai thứ của ông mất vì tai nạn lật xe ông đau buồn nên kiên quyết từ quan nhưng Viện Cơ mật không chuẩn y, tháng 7 năm đó ông được triệu về Kinh giữ chức Thượng thư Bộ Hình sung Cơ mật viện Đại thần.
Năm 1928 ông được sung Hiệp tá Đại học sĩ Cơ mật viện Đại thần vẫn lãnh Thượng thư Bộ Hình kiêm Tôn Nhân phủ. Năm 1932 ông giữ nguyên hàm sung Đô sát viện, năm 1933 được phong tước Phò Nhơn nam.
Năm 1932 vua Bảo Đại về nước sau 10 năm theo học tại Pháp, ngay sau đó nhà vua ban Dụ tuyên bố chính thức nắm quyền đồng thời chấm dứt vai trò của Hội đồng Phụ chính. Ngày 2 tháng 5 năm 1933 vua Bảo Đại lại ban hành một đạo Dụ “cải cách Chính phủ”, đồng thời phê chuẩn cho Tôn Thất Đàn lúc đó là Thượng thư Bộ Hình cùng với 4 Thượng thư khác là Nguyễn Hữu Bài Thượng thư Bộ Lại, Võ Liêm Thượng thư Bộ Lễ, Phạm Liệu Thượng thư Bộ Binh và Vương Tứ Đại Thượng thư Bộ Công đều “được về hưu trí”[5]. Bắt đầu từ đây ông sống cuộc đời của một cựu thần “nhàn hạ đọc sách, chơi trăng ghẹo gió, không màng đến việc triều đình”[6].
[1] Châu bản triều Thành Thái, 51/156.
[2] Châu bản triều Thành Thái, 71/21.
[3] Châu bản triều Duy Tân, 16/55.
[4] Vì hồi ký giai đoạn này bị mất, Châu bản triều Nguyễn cũng không ghi rõ ông bị lỗi gì.
[5] Sự kiện này đã được Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn, một nhà thơ đương thời mô tả rất thú vị như sau:
Năm cụ khi không rớt cái ình
Đất trời sấm dậy thảy đều kinh
Bài không đeo nữa xin dâng Lại
Đàn chẳng ai nghe khéo dở Hình
Liệu thế không xong Binh chẳng được
Liêm đành giữ tiếng Lễ đừng rinh
Công danh thôi thế là hưu hỉ
Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.
Bài thơ dí dỏm, đặc biệt tại mỗi câu đều nhắc đến Tên và Bộ đảm nhiệm của 5 vị Thượng thư mới bị phế chức.
[6] Trích hồi ký “Lạc viên tiểu sử”, tập 5, trang 139.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc