Kỳ 2: Hé mở nhiều thâm cung bí sử triều Nguyễn

Thứ tư - 21/08/2024 19:47 45 0

Kỳ 2: Hé mở nhiều thâm cung bí sử triều Nguyễn

Từ hồi ký của một cựu đại thần hé mở nhiều thâm cung bí sử triều Nguyễn. Kỳ 2: Hé mở nhiều thâm cung bí sử triều Nguyễn

“Lạc Viên tiểu sử” mặc dù được viết dưới con mắt chủ quan của một cựu thần triều Nguyễn, tuy nhiên đây là một tư liệu gốc rất quý cung cấp nhiều thông tin giá trị về một giai đoạn lịch sử Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng. Tư liệu này cũng giúp bổ trợ những thiếu hụt mất mát của các nguồn tư liệu chính thống như Châu bản triều Nguyễn hay một số tư liệu chính sử giai đoạn cuối triều Nguyễn.
Là người từng trải, kinh qua nhiều vị trí công tác tại nhiều địa phương từ cấp huyện, phủ, tỉnh, địa hạt rồi lên trung ương giữ các vị trí từ Tham tri, Thượng thư sung các tước hàm cao nhất như Đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần… có thể nói Tôn Thất Đàn là người có rất nhiều kinh nghiệm chính trường. Có lẽ vì thế ông có con mắt nhìn khá thấu đáo về chính sự của nhà Nguyễn giai đoạn cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.

Tiếc rằng hồi ký đã bị thất lạc mất hai tập từ năm 1902 đến năm 1920 nên giai đoạn cuối thời vua Thành Thái, toàn bộ thời vua Duy Tân và nửa đầu thời vua Khải Định chúng ta không có thông tin. Tuy nhiên tại hai tập cuối 4 và 5 của hồi ký ông đã ghi chép khá chi tiết một số sự kiện quan trọng của đất nước cũng như triều đình như: sự kiện vua Khải Định mất và đám tang vua Khải Định năm 1926; phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh năm 1930; sự kiện phái đoàn Nam triều sang Pháp dự đấu xảo đồng thời thuyết phục vua Bảo Đại sớm về nước nắm chính sự năm 1931; sự kiện vua Bảo Đại về nước chính thức nắm quyền năm 1932 và bãi chức 5 Thượng thư cũ, bổ nhiệm 5 Thượng thư mới năm 1933; sự kiện một số cựu thần bàn cách can gián vua Bảo Đại lấy vợ người Công giáo…
Qua đó những hoạt động trong nội bộ triều đình cùng bức tranh về một giai đoạn lịch sử của đất nước đã phần nào được hiện ra. Dưới ngòi bút của ông có thể nhận thấy tình hình triều chính giai đoạn này ngày càng suy bại phức tạp.

Trang đầu cuốn hồi ký Lạc viên tiểu sử. Nguồn: Bản sao tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

- Náo loạn việc chọn người kế vị và đám tang lộn xộn của vua Khải Định
Năm 1925 vua Khải Định bệnh nặng, người Pháp đôn đáo chuẩn bị tôn Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy lên kế nghiệp. Một số người trong Hoàng phái có mưu đồ tiếm vị thì phao truyền nhiều lời dị nghị cho rằng Đông cung Hoàng Thái tử không phải là con của Hoàng đế Khải Định. Tin đồn được các quan trong triều ngấm ngầm truyền tai nhau ngày càng lan rộng, khiến triều đình đã rối ren lại càng thêm rối. Quan Phụ chính và các quan đầu triều đều bất lực, đứng ngồi không yên. Tuy nhiên người Pháp vẫn kiên định chọn Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy để lên ngôi kế vị.
Trong lúc đó, Đại thần Nguyễn Hữu Bài[1] ngày càng mạnh thế lộng quyền lấn át Phụ chính thần Tôn Thất Hân, các đại thần như Hồ Đắc Trung thì hùa theo phụ họa, Võ Liêm, Trần Đình Bá thì nhắm mắt phục tùng. Tháng 8 năm đó mưu đồ của nhóm Bửu Trác bị bại lộ, kéo theo hàng loạt quan chức liên đới khiến cả triều đình náo loạn.
Ngày 20 tháng 9 năm Ất Sửu (tức ngày 6 tháng 11 năm 1925) Hoàng đế Khải Định băng hà, triều đình lúc này càng rối, không ai chịu ai. Ngày cử hành tang lễ, theo lệ các quan sắp hàng ở sân giữa đợi tân Hoàng thượng cử hành lễ ở sân trên, nhưng các quan Tây, nhà buôn Tây mang theo phụ nữ, con cái, người hầu đều lên sân trên đứng xem rất lộn xộn làm cho buổi cử hành tang lễ mất đi sự trang nghiêm. Điều này khiến Tôn Thất Đàn rất đau lòng ông trở về làm đơn trình lên Viện Cơ mật xin từ chức nhưng các đại thần trong triều đều can ngăn.
- Ứng phó với cuộc chính biến Xô Viết Nghệ Tĩnh
Năm 1930 tình hình chính trị, an ninh trật tự tại một số tỉnh miền Trung đặc biệt là tại Nghệ An, Hà Tĩnh rất căng thẳng. Theo nhận định của Tôn Thất Đàn là do “chính lệnh có nhiều thiếu sót, khiến lòng dân không phục”. Vả lại viên Công sứ Guilleminet “vốn là một võ quan, tính tình nóng nảy, làm việc thất sách, chỉ vì hấp tấp dùng lính Tây để tàn sát, nên dễ kích động nhân dân phẫn nộ, khiến họ không tiếc mạng ngày càng nổi lên kịch liệt[2].
Trong lúc tình hình vô cùng gấp gáp, Tổng đốc An-Tĩnh Hồ Đắc Khải tự xét thấy bất lực xin từ chức, các đại thần trong triều đều đùn đẩy không ai chịu đi thay, Tôn Thất Đàn mặc dù đã nhiều lần từ chối nhưng cuối cùng vẫn được quan Pháp và các quan Nam triều đồng thuận tiến cử làm Khâm sai đến An-Tĩnh để trấn yên tình hình tại đây. Trước khi nhận lệnh lên đường, Tôn Thất Đàn đã soạn thảo một chương trình gồm 12 điểm làm tiêu chí cho việc giải quyết tình hình bất ổn tại vùng này. Trong đó nêu rõ:
- Việc đánh dẹp không nên dựa vào bắn giết, quan quân gặp đoàn biểu tình chỉ được bắn lên trời để thị uy;
- Nếu người biểu tình chỉ cầm cờ không dùng khí giới thì không được tự tiện nổ súng, chỉ dùng roi gậy để giải tán;
- Quan quân bắt được cộng sản chỉ được giao cho quan trên tra xét kết án, không được tự tiện đánh chết hoặc làm bị thương;
- Quan quân lỡ bắn chết hoặc bị thương người nào đều tùy theo nặng nhẹ cấp tiền tuất để tránh oan uổng;
- Những mệnh lệnh gần đây của chính quyền có điều gì bất tiện cho dân như các loại thuế bị thu lạm đều cho bàn bạc lại để thay đổi;
- Những người bị bắt giam phải cứu xét cẩn thận nếu có oan uổng lập tức phóng thích…[3].
Có thể nói những biện pháp cấp bách mà Tôn Thất Đàn dự kiến thực hiện đều rất nhân văn trong bối cảnh ông bắt buộc phải nhận lệnh đến trấn áp bạo loạn tại vùng này. Tuy nhiên tại đây việc phối hợp giữa ông và quan Công sứ Pháp có nhiều bất đồng khiến tình hình không mấy dịu nhẹ. Điều này đã làm cho Tôn Thất Đàn day dứt nhiều 
năm sau đó.

https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2022/10/18/3-trang-viet-ve-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh-213556-181022-50.jpg
Trang viết về sự nổi dậy của nhân dân Nghệ An-Hà Tĩnh (tức phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh)

- Chuyến Tây du và việc thuyết phục nhà vua bất thành
Năm 1931 Tôn Thất Đàn dẫn đầu đoàn phái bộ của Nam triều sang Pháp thăm vua Bảo Đại và dự hội chợ đấu xảo Paris. Đoàn khởi hành ngày 1 tháng 4 trên con tàu Chantilly và cập cảng Marseille (nguyên văn: Mã Tái) ngày 9 tháng 5. Ông cùng phái đoàn ở lại Marseille mấy hôm, sau đó đáp xe lửa lên Paris (thành Ba Lê) để yết kiến vua Bảo Đại.
Tại đây Tôn Thất Đàn báo cáo tường tận tình hình trong nước, đặc biệt là chính biến tại Nghệ An-Hà Tĩnh, Hoàng thượng nghe việc nhân dân lầm lạc dẫn đến đổ máu thì vô cùng xót thương, truyền sớm tìm cách để dẹp loạn. Tôn Thất Đàn nhân đó đề nghị nhà vua sớm hồi loan để chỉnh đốn quốc sự. Nhưng vua Bảo Đại nói rằng: “Trẫm học chưa tốt nghiệp, hồi loan chưa có lợi ích, cần lưu lại ba năm nữa vào đại học để tìm phương pháp chính trị, hấp thụ chính sách văn minh để khai hóa quốc dân mới mong đạt được mục đích của việc du học”. Tôn Thất Đàn lại thuyết phục: “Dân trông vua như trông tuổi, xin Hoàng thượng nắm rõ các việc then chốt, hiểu rõ đại thể rồi mua sách về nước từ từ nghiên cứu, như thế việc học của Hoàng thượng mới mong phát huy sáng tỏ, mà việc nước cũng có phương hướng chủ trương, thì rất may cho xã tắc cho thần dân”[4]. Tuy nhiên việc thuyết phục không thành, vua Bảo Đại tiếp tục ở lại nước Pháp du học.
Ngày 11 tháng 7 Tôn Thất Đàn cùng phái đoàn lên tàu LAthos (La Tốc) trở về nước. Sau chuyến đi này ông viết cuốn “Tây hành nhựt ký” ghi chép lại toàn bộ hành trình Tây du nhưng cuốn này đến nay đã bị thất lạc.
- Cái giá của sự canh tân
Năm 1932, cuối cùng vua Bảo Đại cũng nghe theo thuyết phục của quần thần và về nước, triều đình chuẩn bị đón rước nhà vua rất long trọng. Các quan đại thần trong triều đều muốn tranh thủ lúc vua mới về đang cần nắm bắt tình hình trong nước nên tranh nhau đến thưa bẩm lấy lòng, gây sự chú ý với nhà vua hòng được quan tâm ưu ái. Vì thế tạo ra mối cạnh tranh ngấm ngầm, thậm chí chèn ép nói xấu lẫn nhau.
Tuy nhiên vua Bảo Đại cũng rất tinh ý, ông nhận ra điều đó nên sau một thời gian nắm tình hình, ngày 8 tháng 4 năm Bảo Đại thứ 8 (tức ngày 2/5/1933) tại cuộc hội thương giữa chính phủ Pháp và Nam triều ở Viện Cơ mật do quan Toàn quyền chủ trì, vua Bảo Đại đã tuyên cáo bản Dụ về cải cách chính sự trong nước. Trong đó nêu rõ: “Các quan đại thần các bộ bây giờ là tiêu biểu cho một cái chế độ đã cũ rồi, không phù hợp với chế độ tân thời nữa, nên từ khi ta hồi loan các quan đã hiểu rõ nghĩa vụ của mình là nên lui về để nhường chỗ cho các bậc tân tiến”. Sau đó chuẩn cho các đại thần Thượng thư của 5 Bộ Lại, Lễ, Hình, Binh, Công gồm Nguyễn Hữu Bài, Võ Liêm, Tôn Thất Đàn, Phạm Liệu, Vương Tứ Đại được giữ nguyên hàm về nghỉ hưu, đồng thời đình đặt chức Viện trưởng Viện Cơ mật.
Bản Dụ cũng đồng thời phê chuẩn bổ nhiệm 5 Thượng thư mới gồm Thượng thư Bộ Hộ Thái Văn Toản cải thụ Thượng thư Bộ Lễ kiêm sự vụ Bộ Công; Tổng đốc Bình Phú Hồ Đắc Khải thăng thụ Thượng thư Bộ Hộ; Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh kiêm Thượng thư Bộ Học; Tuần phủ Bình Thuận Ngô Đình Diệm thăng thụ Thượng thư Bộ Lại; Tuần phủ Bắc Giang Bùi Bằng Đoàn thăng thụ Thượng thư Bộ Hình, tất cả đều sung Cơ Mật viện. Bản Dụ có hiệu lực ngay ngày hôm đó.

https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2022/10/18/anh-chup-man-hinh-2022-10-18-luc-21-42-15-214333-181022-27.png
Trang viết về sự kiện bãi chức 5 Thượng thư trong đó có Tôn Thất Đàn

Sự kiện bãi chức 5 Thượng thư thuộc phái bảo thủ để bổ nhiệm 5 Thượng thư thuộc phái tân tiến đã khiến cả triều đình và chính giới trong nước một phen choáng váng. Tại buổi hội thương Tôn Thất Đàn thừa nhận: “Nay nhân cải cách tân chính toàn dùng ban tân học, thiểm chức biết ít tiếng Pháp nên được hưu trí vốn đã mãn nguyện rồi”.
Mặc dù thừa nhận không còn hợp với xu thế mới, chấp nhận về nghỉ ngơi “rong chơi đùa trăng ghẹo gió, làm vườn trồng hoa, xem núi ngắm biển” nhưng Tôn Thất Đàn vẫn không khỏi đau đáu về công việc của triều đình. Bởi lẽ “Hoàng thượng tuổi còn non trẻ, lại Tây học từ nhỏ, khó nắm bắt được lễ tục nước nhà”. Vì vậy khi nghe tin vua Bảo Đại chuẩn bị nạp Hoàng hậu là người theo Công giáo, lại mang quốc tịch Pháp[5] Tôn Thất Đàn vô cùng lo lắng cho tương lai của xã tắc và việc thờ phụng tông miếu hoàng thất. Ông đã bàn với các cựu thần dâng sớ can gián, tuy nhiên việc khuyên ngăn này cũng không thành.

https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2022/10/18/5-vi-thuong-thu-tu-trai-qua-phai-ho-dac-khai-pham-quynh-thai-van-toan-ngo-dinh-diem-bui-bang-doan-213556-181022-82.jpg
5 Thượng thư mới được bổ nhiệm, từ trái qua phải: Hồ Đắc Khải, Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản,
Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn. Nguồn: Sưu tầm

- Nhận định về “Lạc Viên tiểu sử” và con người Tôn Thất Đàn
“Lạc viên tiểu sử” mặc dù là cuốn hồi ký cá nhân viết về cuộc đời và sự nghiệp của Tôn Thất Đàn, nhưng vì ông là một quan lớn trong triều đình, lại là người thuộc dòng dõi hoàng tộc, kinh qua rất nhiều chức vụ từ địa phương đến trung ương, làm quan trải qua 4 đời vua, vì vậy nhiều thâm cung bí sử trong nội bộ triều đình qua hồi ký của ông đã được hé lộ. Từ đó cung cấp thêm nhiều thông tin giá trị về một giai đoạn của lịch sử Việt Nam mà các nguồn sử liệu chính thống không ghi chép hoặc ghi chép chưa đầy đủ như:
- Cuộc nổi dậy của nhân dân Nghệ An - Hà Tĩnh (còn gọi là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh), nguyên nhân sâu xa và các biện pháp đối phó của triều đình cũng như của chính quyền thực dân Pháp;
- Tình hình và đời sống của người dân tại các địa phương thuộc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, nơi Tôn Thất Đàn từng làm quan qua các cấp từ Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Bố chính, Tuần phủ, Tổng đốc;
- Tình hình nước Pháp năm đầu 1930s khi Tôn Thất Đàn dẫn đầu phái đoàn cấp cao của triều đình An Nam công du qua một số thành phố như Marseille, Vichy, Bordeaux, Paris… Và như ông nhận xét: “Nước Pháp có phương pháp hay để đào tạo quốc dân, già trẻ đều biết bảo tồn công lý”;
- Tình trạng lục đục mâu thuẫn trong nội bộ triều đình An Nam, các quan trong triều thường tị hiềm, nghi kị, cảnh giác, đối phó lẫn nhau;
- Tệ nạn mua quan bán tước trong chính quyền từ thấp đến cao, như chính ông từng than thở: “vì không biết cậy nhờ nên chỉ được bổ chức quan nhỏ làm Tri huyện”;
- Hay sự can thiệp quá sâu của người Pháp trong tất cả các vấn đề của An Nam. Tôn Thất Đàn từng thẳng thắn đáp trả Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp khi dè bỉu việc các quan An Nam nhiều người ăn hối hối lộ rằng: “Về quyền nội trị, Nam triều không được tự thuyên bổ quan lại, xét xử án kiện đều phải bàn với quý bảo hộ phúc y mới được thi hành, vậy thì quan lại có năng lực hay không, chính sự được mất thế nào, không chỉ một mình Nam triều gánh vác trách nhiệm[6].
Nhiều chi tiết có lẽ chi khi đọc cuốn hồi ký này chúng ta mới biết tường tận cụ thể như chuyện đám tang lộn xộn của vua Khải Định; chuyện tin đồn Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy không phải là con vua Khải Định; chuyện đón rước vua Bảo Đại về nước từ cảng Đà Nẵng đến Huế, trong khi Quảng Nam cờ xí rợp trời đẹp đẽ còn Huế thì u ám, cờ xí phần nhiều rách rưới; chuyện các quan ngầm bàn nhau can gián nhà vua lấy vợ người Công giáo…
“Lạc viên tiểu sử” cũng thể hiện rõ về con người Tôn Thất Đàn. Qua hồi ký chúng ta nhận thấy ông là người khá ngay thẳng, chính trực, yêu nước, thương dân, luôn lo lắng cho triều đình và vận mệnh quốc gia. Nhiều lần ông thẳng thắn đề đạt chính kiến hoặc can gián các đại thần trong nhiều quyết sách quan trọng của triều đình. Ông cũng nhiều lần bày tỏ bất bình với thái độ lộng quyền của quan Viện trưởng Cơ mật Nguyễn Hữu Bài khi lấn lướt Phụ chính thần Tôn Thất Hân. Khi được giao đến trấn áp bạo loạn tại vùng An - Tĩnh ông đưa ra các biện pháp khá nhân văn như chủ trương mềm dẻo thuyết phục chứ không dùng vũ lực để tránh đổ máu cho dân. Là người thường được giao trọng trách xét xử, hình luật như Án sát tại các địa phương hay Tham tri, Thượng thư tại Bộ Hình, Tôn Thất Đàn thể hiện là người làm việc quyết đoán, công minh, không vị tình riêng, vì vậy nhiều vụ án lớn kéo dài tại nhiều địa phương sau khi được ông xét xử giải quyết hầu hết đều khiến nhân dân tâm phục khẩu phục. Bản thân ông khi thấy bất bình với những việc của triều đình đều không ngại ngần đệ đơn xin từ chức.
Tuy nhiên cuốn hồi ký cũng làm bộc lộ khá nhiều hạn chế của chính bản thân Tôn Thất Đàn. Ông mang nặng tư tưởng của một Nho thần thủ cựu, luôn muốn noi theo điển lệ cũ, bảo tồn cựu chế, đề cao tính dòng tộc, tự tôn người trong hoàng thất nên luôn đòi hỏi can thiệp vào triều chính. Khi vua Bảo Đại về nước, ông là một trong số các đại thần tích cực ngăn cản nhà vua thi hành các chính sách canh tân. Bởi lẽ ông cho rằng nhà vua còn trẻ tuổi, non nớt về chính trị, không nắm được điển lễ quốc gia. Vì vậy khi vua Bảo Đại muốn giản tiện bớt một số nghi thức rườm rà trong trong triều ông và các quan đại thần đều kịch liệt phản đối. Đây cũng là nguyên do khiến vua Bảo Đại quyết tâm sớm bãi bỏ những quan lại thủ cựu để thay thế bằng các quan lại có tư tưởng tiến bộ. Những năm cuối của cuộc đời làm quan, mặc dù luôn bày tỏ mong muốn về nghỉ hưu, thừa nhận việc mình không còn hợp với thời cuộc nhưng ông vẫn luôn muốn can dự vào mọi vấn đề của triều đình. Thậm chí kể cả khi đã nghỉ hưu nhưng nghe trong triều có việc là ông đều đôn đáo lo toan, mong được tham vấn.
“Lạc viên tiểu sử” mặc dù đang viết dang dở, mới dừng đến việc can gián nhà vua cưới vợ (đầu năm 1934) và bị mất 2 tập ở giai đoạn hoạt động chính trị sôi nổi nhất của Tôn Thất Đàn (từ 1902 đến 1920), tuy nhiên câu chuyện trong hồi ký cũng đã đi qua gần như toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông, vì sau đó 2 năm là ông mất (năm 1936). Có thể nói “Lạc viên tiểu sử” chính là câu chuyện kể biên niên về chính trường của nhà Nguyễn, cũng là bức tranh phản ánh phần nào giai đoạn mạt kỳ của chế độ quân chủ cuối cùng tại Việt Nam./.

[1] Nguyễn Hữu Bài lúc đó là Thượng thư Bộ Lại Võ Hiển điện Đại học sĩ đứng đầu Viện Cơ mật, vì vậy trong hồi ký Tôn Thất Đàn thường gọi ông là Viện trưởng.
[2] Trích hồi ký “Lạc viên tiểu sử”, tập 5, trang 43-46.
[3] Trích hồi ký “Lạc viên tiểu sử”, tập 5, trang 59-62.
[4] Trích hồi ký “Lạc viên tiểu sử”, tập 5, trang 83-85.
[5] Tức Nam Phương Hoàng hậu.
[6] Trích hồi ký “Lạc viên tiểu sử”, tập 5, trang 93.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,926
  • Tổng lượt truy cập808,840
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây