Số phận các thái giám trong cung đình Việt Nam

Thứ hai - 09/09/2024 02:18 37 0

Số phận các thái giám trong cung đình Việt Nam

Số phận các thái giám trong cung đình Việt Nam

Thái giám trong lịch sử Việt Nam tồn tại dưới các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Do không có bộ phận sinh dục nên con người của thái giám tiếng nói cũng như tính cách rụt rè thiên về nữ nhiều hơn nam.

Thái giám, hay hoạn quan là một chức quan tuy địa vị thấp nhưng chiếm vị trí quan trọng trong hậu cung xưa. Cuộc đời của họ ngoài những thăng trầm biến cố theo thời cuộc, còn phải chịu thêm đủ nỗi nặng nề, thương tâm. Một trong số đó là cảm giác đơn độc, cô quạnh cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay.
Chấp nhận "tịnh thân" đổi lấy vinh dự cho dòng tộc
Vốn từ tiếng Việt nhắc tới những vị thái giám với vô số danh từ điển hình như quan hoạn, quan thị, quan giám. Trong những từ đó đã bao hàm cả những khiếm khuyết về thể năng không thể bù đắp của những thái giám. Không hiếm người làm thái giám bởi khi sinh ra họ đã phi nam phi nữ, không có bộ phận sinh dục của đàn ông hoặc đàn bà.
Nhưng phần đông là những người tự nguyện “tịnh thân” đặng thiến bộ phận sinh dục để được vào hầu hạ trong cung. Bởi thân làm thái giám, họ đã có thể giúp cả họ, cả tổng được nhờ. Cái nhờ ấy lớn lao tới mức nhiều gia đình sẵn sàng hi sinh dòng giống nối dõi của gia tộc cho sự "cả làng còn nhờ", để đổi lấy vinh quang và sự tôn trọng của mọi người. Nhiệm vụ chính của các thái giám thường là tổ chức và quản lý chốn hậu cung, cùng một số chuyện tế nhị khác.
Suốt đời họ phụng sự trong cung và lớn lên họ kết nghĩa với nhau, có thể cùng giới hoặc khác giới.

Họ dùng sức đàn ông để phục vụ những việc nặng nề, sai bảo ở trong cung, nhưng trong cung toàn phụ nữ không chồng hoặc chỉ một ông chồng…Cũng bởi môi trường sống và tâm lý phức tạp nên không ít nghiên cứu về các thái giám còn được sử dụng trong nghiên cứu về đồng tính luyến ái ngày nay.
Song hành cùng lịch sử dẫu bị chối bỏ công lao
Cũng do có thuận lợi được sống gần “thiên tử”, được nhiều ân sủng và nắm được những “thâm cung bí sử” trong triều nên thường họ cùng liên kết với nhau để thực hiện âm mưu nào đó. Không ít triều đình rối ren, thậm chí bị đảo chính cũng là có phần góp sức không nhỏ của thái giám.
Rút kinh nghiệm từ những bậc tiền bối bị thái giám nổi loạn chuyên quyền, thời vua Minh Mạng (1820 – 1841) đã ban hẳn một chiếu chỉ riêng dành cho thái giám: “Cho họ người nào việc ấy để sai khiến hầu hạ nhưng mãi mãi không cho dự vào giai và phẩm hàm quan chức.
Vì chức vụ của họ là để nội đình sai khiến và truyền lệnh mà thôi. Tất cả triều chính và việc ngoài đều không được tham dự, kẻ nào vi phạm phải trừng trị nặng, không khoan tha. Trẫm đã dặn dò, hết sức mưu tính sâu xa cho đời sau…”.
Sống quạnh hiu, chết nương nhờ cửa Phật
Tại Huế, bên cạnh những lăng tẩm lỗng lấy, không mấy người không biết tới chùa Từ Hiếu. nơi nương mình lặng lẽ của những người hầu cận vốn chiếm vai trò khá quan trọng trong cung đình xưa, nhưng tên tuổi cũng như vị trí của họ chưa bao giờ được đề cao. Họ là những thái giám chốn hậu cung.
Ngôi chùa là nơi “cưu mang” các quan thái giám trong triều Nguyễn, vốn không có con nối dõi, họ bày tỏ nguyện vọng với nhà vua, sau khi nhắm mắt xuôi tay, họ được chôn trong ngôi chùa này đặng có người lo hương khói.
Cảm thông với ước nguyện chính đáng này, vua Tự Đức đã xuống chỉ dụ chấp thuận. Họ đã đóng góp công đức vào ngôi chùa, để sau khi chết họ được mai táng, phục tự và cúng giỗ nơi này.
Khuôn viên chùa Từ Hiếu, nơi có nghĩa trang thái giám với 25 ngôi mộ.

Vì thế, ngoài tên Từ Hiếu, chùa còn được nhiều người quen gọi là chùa Thái giám. Hiện nay, trong vườn chùa Từ Hiếu có đến 25 ngôi mộ của Thái giám triều Nguyễn. Trước mỗi ngôi mộ đều có tấm bia ghi rõ tên họ và chức vụ của từng người.
Nhiều mảnh đời chung tâm nguyện nhỏ nhoi
Về cuối đời, các thái giám triều Nguyễn lúc bấy giờ phải cư trú ở một ngôi nhà phía Bắc hoàng thành gọi là Cung giám viện. Khi chết, số phận họ vô cùng bi thảm, không được chôn gần lăng tẩm hoặc những chốn linh thiêng và cũng chẳng được ai thờ cúng vì không có con cháu. Để tránh bát hương trở nên lạnh lẽo khi “về trời”, nhiều người đã chọn con nuôi để dạy dỗ và lo hậu sự về sau.
Theo tục lệ, cứ đến rằm tháng 11 hàng năm, chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ những người đã mất, trong đó có thái giám triều Nguyễn. Có lẽ, một phần nhờ sự lãng quên của người đời, mà mặc dù trải qua các giai đoạn chiến tranh ác liệt nhưng phần lớn những ngôi mộ này vẫn nguyên vẹn và đa phần đều đọc được rõ chữ.

Nghĩa trang thái giám hiu quạnh trong chùa Từ Hiếu

Theo lời dịch lại của một sư cụ trong chùa, thì xúc động nhất là lời lẽ trên tấm bia trước cổng nghĩa trang khiến hậu thế không khỏi chạnh lòng: Bia đề: “Trong đời sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên bình. Khi ốm đau, chúng tôi lui về đây và sau khi chết, chúng tôi sẽ được chôn chung ở đây. Dù sống hay chết, chúng tôi vẫn tìm thấy được ở đây sự yên bình”.
Phận đời đưa đẩy đã khiến nhiều thái giám có một nỗi sợ mãnh liệt lớn hơn cả cái chết, chết ở đâu, chết lúc nào… theo họ giờ không quan trọng mà quan trọng nhất là được chết toàn thây, được chết cạnh cái mà mình đã cắt bỏ đi để khi về thế giới bên kia mình được chứng nhận là đã trải qua một kiếp con người. Đó cũng là cái kết “đáng buồn thay” cho cuộc đời của những con người “sinh ra chẳng được mấy ai chấp nhận”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,718
  • Tổng lượt truy cập808,632
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây