Họ tộc Nguyễn Duyhttp://honguyenduylangnghin.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 10/01/2024 03:111700
Tư liệu lưu trữ tại Thư viện Quốc gia 2 TPHCM và một số tài liệu khác được biết trước ông Bùi Viện đó có một người Việt Nam sang Mỹ
Bỏ quê trốn đi biệt tích Các nguồn sách báo xưa nói tới người Việt Nam đầu tiên đi sang Mỹ là ông Bùi Viện (1841 – 1878). Ông là một nhà ngoại giao, làm quan dưới triều Nguyễn. Bùi Viện quê ở làng Trình Phố, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đến Mỹ năm 1873, được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ tiếp và hứa sẽ hợp tác nếu có quốc thư. Lần thứ hai, ông Bùi Viện trở lại Mỹ với bức thư của vua Tự Đức, bị Tổng thống Mỹ Ulysses Grant từ chối nên cuộc bang giao không thành. Nhưng năm 1998, ông Mai Thanh Hải tìm thấy một số tư liệu lưu trữ tại Thư viện Quốc gia 2 TPHCM và một số tài liệu khác được biết trước ông Bùi Viện đó có một người Việt Nam sang Mỹ rồi. Đó là ông Trần Trọng Khiêm (còn có tên khác là Lê Kim), người làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vị, phủ Lâm Thao (nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Ông Trần Trọng Khiêm sinh năm 1821 trong một gia đình nho học thuộc vùng quê có truyền thống hiếu học và yêu nước. Thuở nhỏ ông Khiêm cùng học với người anh là Trần Mạnh Trí. Cả hai anh em đều học giỏi, hay chữ. Người anh đi thi, phạm húy, suýt bị tội, ông Khiêm ngán ngẩm con đường khoa cử, bỏ đi buôn gỗ, giao thiệp và quen thân nhiều người dọc sông Thao, sông Cái (sông Hồng), từ Yên Bái qua Bạch Hạc, Việt Trì xuống đến phố Hiến (Hưng Yên). Năm 20 tuổi ông Khiêm lấy vợ người họ Lê cùng làng. Do điều kiện buôn bán nên ông thường vắng nhà, tên cai tổng trong làng luôn tìm cách quyến rũ vợ ông. Một sớm bà đi chợ, tên cai tổng cho lính bắt cóc đưa về nhà cưỡng hiếp. Bà không chịu, chống cự lại nên bị cai tổng đánh chết và vứt xác mất tích. Khi ông Khiêm về nhà nghe chuyện liền cầm dao giết chết tên cai tổng để trả thù cho vợ. Xong ông bỏ quê quán trốn đi biệt tích. Thăng trầm nơi đất khách Ông xuống phố Hiến rồi theo các tàu buôn của nước ngoài. Ông làm thủy thủ trên tuyến đường biển từ Hương Cảng (Hồng Kông), Hoàng Tân (Yokohama – Nhật Bản), London (Anh), Amsterdam (Hà Lan)… Trần Trọng Khiêm nói thông thạo tiếng Quảng Đông, tiếng Anh. Khoảng năm 1847 – 1848, Trần Trọng Khiêm tới Mỹ, bỏ tàu lên bờ tìm cách sinh sống lâu dài. Khoảng năm 1854 – 1855, Trần Trọng Khiêm rời Mỹ, tìm cách quay về quê hương và như vậy, ông Khiêm đã sống và làm nhiều nghề trên đất Mỹ trong khoảng 7 – 8 năm. Suốt thời gian trốn chạy giữa năm 1843, làm nghề thủy thủ đường biển và trên đất Mỹ, ông Khiêm đều khai tên tuổi theo họ vợ là họ Lê và tên là Kim gần gũi với cách phát âm tên Khiêm – còn giấy tờ ghi theo lối Mỹ là Lee Kim. Vào những năm đầu khi ông Trần Trọng Khiêm tới Mỹ, đất nước này đang mở chiến tranh 1846 – 1848 với Mexicô ở phía Nam, Mỹ thắng trận, chiếm được một vùng đất bao la của Mexicô. Ông Khiêm cùng nhiều người Hoa kéo lên bờ biển phía Tây nước Mỹ, nơi phần đất mới chiếm được của Mexicô, liên tiếp tai nạn núi lửa và động đất, đầy rẫy thú dữ trên núi, trong rừng, nhưng nguy hiểm hơn cả, vùng này không có nô lệ da đen và cũng rất ít người bản địa da đỏ, thực dân da trắng coi dân da vàng là nguồn nhân công chủ yếu đẩy vào làm các việc nguy hiểm nhất khai phá rừng rậm hoang vu… Trần Trọng Khiêm cảm thấy cái chết rình rập ngày đêm, nên cùng một số người Quảng Đông bỏ trốn lên phía Bắc, chen chúc vào đám người đi đào vàng, tìm vận may. Sốt rét và rắn độc là hai kẻ thù đáng sợ nhất của dân đào vàng thời đó. Ông Khiêm trở về California, nhờ trí thông minh của mình, ông tự rèn luyện thành một nhà báo tự do và sau đó trở thành một bình bút thường trực của báo hằng ngày Daily Evening, với đề tài chủ yếu là cuộc sống khủng khiếp của nô lệ và kẻ đi làm thuê ở nước Mỹ. Về nước dựng thành Khoảng cuối năm 1854 đầu năm 1855, ông Khiêm lại xuống tàu quay về châu Á. Về tới đất nước, ông chưa dám về quê nhà. Ông viết một bức thư nhờ một Hoa kiều về Hải Phòng thuê tiền một ông khách trú đóng vai thầy lang mang thư của ông lên Phú Thọ tìm gặp và trao thư cho người anh Trần Mạnh Trí đang làm thầy đồ dạy chữ cho trẻ nhỏ ở trong vùng. Trong thư gửi anh, ông Khiêm không đề tên thật mà vẫn ghi là Lee Kim, nhưng khi xem thư, ông anh Trần Mạnh Trí nhận biết qua nét chữ và qua ý từ ngầm trong thư. Lúc này, Tự Đức đã lên ngôi vua, vừa mới bức tử anh ruột là Hồng Bảo để yên vị. Ngoài Bắc Hà các đảng cướp Quảng Nghĩa Đường, Lực Thăng Đường và Đức Thắng Đường từ bên Trung Quốc tràn sang đánh phá nhiều tỉnh miền núi và vùng trung du và sau đó Cao Bá Quát, Lê Duy Cư, Tạ Văn Phụng… nổi lên. Ông Trần Mạnh Trí không tin chắc ở ông thầy Tàu, nên khéo léo từ chối viết thư trả lời em, mà chỉ nhắn miệng rằng: Gia đình ở nhà bình yên, nhưng người đi xa chưa nên về lúc này. Ông Trần Trọng Khiêm nhận được tin nhắn cũng hiểu được thời cuộc, bèn đóng vai người Minh Hương (gốc Hoa) đáp tàu biển về Bến Nghé – Sài Gòn rồi chuyển sang ghe nhỏ, lên tận miền Tân Thành, tỉnh Định Tường khai hoang lập ấp. Từ đấy ông Khiêm chiêu mộ thêm người đến mở rộng việc khai hoang, dựng thành Hòa An (nay là vùng Thanh Hưng – Đồng Tháp). Dân ấp càng ngày càng đông. Họ suy tôn ông Khiêm làm Hương cả, sống thì chỉ huy mọi người bàn việc làm, cư trú, bảo vệ, chết thì làm thành hoàng. Tại vùng quê này, ông Khiêm lập gia đình với một cô gái thông thạo nghề ruộng đồng thời rất giỏi nghề sông nước. Ông bà có với nhau 5 người con trai, lấy họ Lê theo như giấy tờ, nhưng đều đệm chữ Xuân ở giữa để ghi nhớ quê gốc của mình là làng Xuân Lũng, gốc tổ Phú Thọ, Bắc Kỳ. Dựng thành chống thực dân Pháp Năm 1859, Pháp đánh Gia Định rồi chiếm Biên Hòa, Định Tường buộc Tự Đức phải ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862), nhượng đất miền Đông Nam Bộ cho thực dân Pháp. Trương Định (1820 – 1864) hô hào nhân dân tham gia nghĩa quân đánh Pháp. Vùng Đồng Tháp có ông Võ Duy Dương giàu lòng thương người được tặng mỹ từ Thiên hộ, lại giỏi võ nghệ, giỏi dùng 5 quả linh bằng sắt, nên nhân dân thường gọi là ông ngũ linh Thiên hộ Dương. Nghe lời Trương Định ông Võ Duy Dương lập nhiều đoàn quân đi đánh Pháp, liên tục chiến đấu mặc dù Trương Định đã hy sinh. Trần Trọng Khiêm cũng đưa cả làng ấp Hòa An vào tham gia chiến đấu chống Pháp. Dựa theo mô hình chiến lũy của tướng Mỹ Suter đã dựng ở phòng tuyến California, ông Kim cũng cho đắp các đồn để bảo vệ Đồng Tháp Mười. Đội quân Hòa An do ông Khiêm chỉ huy đã đánh thắng Pháp nhiều trận ở vùng Cai Lậy, Mỹ Tho, Cao Lãnh, My Trà… Cuối năm 1868, trong một trận quyết chiến ở Đồng Tháp Mười, ông Khiêm bị trúng đạn địch và hy sinh. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông dặn anh em nghĩa quân hãy tiếp tục bền gan chiến đấu tới cùng. Ông cũng dặn vợ đem đàn con nhỏ lánh qua vùng Rạch Giá, nhắc con cháu đừng bao giờ cúi đầu làm nô lệ. Sau này các con trai ông lớn lên chia nhau đi lập nghiệp ở các vùng đất thuộc các tỉnh Tây Ninh, Phước Long, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… đến nay đã sáu bảy đời những vẫn giữ đúng họ Lê có lót chữ Xuân để luôn ghi nhớ quê tổ xưa là vùng đất Xuân Lũng, tỉnh Phú Thọ. Mộ ông tại làng Hòa An có câu đối: Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh Chính khí nêu cao, tinh thần Hùng Nhị còn truyền hậu thế.