1. Quần thể di tích danh thắng Yên Tử
Quần thể di tích danh thắng Yên Tử gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam - dòng Phật giáo cổ do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỉ thứ 13. Đồng thời cũng là một trong những ngôi chùa Việt Nam nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến hành hương mỗi năm.
Yên Tử có độ cao hơn 1000 m với rất nhiều ngôi chùa rải rác. @internet
Phần lớn, mọi người tìm đến đây để khấn Phật, cầu an yên, vãn cảnh chùa hoặc đi hành hương đầu năm. Kéo dài từ chân núi đến đỉnh cao, Yên Tử có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng, am, tháp như chùa Đồng, chùa Quỳnh Lâm, chùa Giải Oan, Vân Tiên, Bảo Sái, Thanh Long, Hoa Yên, Cầm Thực…
Do được gọi là quần thể di tích, nên nơi đây được chia thành khá nhiều khu di tích riêng để tiện cho việc quản lý và tham quan, bao gồm: Khu di tích lịch sử nhà Trần (có thể kể đến Trù Phong Tự, đền An Sinh, am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm…), Khu di tích Tây Yên Tử (Chùa Am Vãi, Khu di tích - danh thắng Suối Mỡ, chùa Vĩnh Nghiêm, ...), Khu di tích Đông Yên Tử, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (Khu di tích Côn Sơn, Khu di tích Kiếp Bạc và Chùa Thanh Mai), Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (bãi cọc Yên Giang, miếu Vua Bà, đền Trần Hưng Đạo…).
Trong đó, khu di tích Đông Yên Tử chính là khu vực có nhiều người hành hương lễ Phật và phát triển các hình thức du lịch tín ngưỡng nhất. Đây là nơi tọa lạc của những địa danh và những ngôi chùa Việt Nam nổi tiếng như chùa Đồng, chùa Giải Oan, chùa Một Mái, chùa Suối Tắm, Am Ngự Dược…
2. Quần thể chùa Hương
Quần thể chùa Hương là một trong những quần thể chùa Việt Nam lâu đời ở phía Bắc. Chùa Hương nằm khá xa trung tâm Hà Nội và có mùa lễ bắt đầu vào tháng Giêng âm lịch hàng năm. Sẽ thật thiếu sót nếu không liệt kê chùa Hương vào danh sách các điểm viếng chùa Việt Nam nổi tiếng. Cái tên Chùa Hương là cách gọi dân gian, để rút gọn và thuận tiện trong giao tiếp. Trong thực tế, chùa Hương (hay Hương Sơn) là cả một quần thể văn hóa tôn giáo lâu đời của nước ta, với số lượng chùa lên đến con số hàng chục, chưa kể các ngồi đền và đình thờ rải rác khác.
Quang cảnh quần thể chùa Hương với suối Yến hiền hòa. @internet
Ngôi chùa nổi tiếng trong quần thể này, và cũng là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương đến cầu an, vãn cảnh chính là chùa Trong, ngôi chùa tọa lạc trong động Hương Tích. Còn lại, cái đình/ chùa/ đền như chùa Thiên Trù, chùa Thanh Sơn, chùa Bảo Đài… nằm rải rác dọc suối Yến hiền hòa.
Thường khi đi chùa Hương bạn sẽ “quen thuộc” khi nghe thấy ngồi đò vãn cảnh, vừa để thư giãn, mà cũng vừa để cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái trôi theo dòng nước. Thêm một lưu ý cho bạn về một số đặc sản bạn nên thử khi đến chùa Hương: rau sắn, chè củ mài, quả mơ…
3. Quần thể chùa Bái Đính
Trước cả những cái tên đang “làm mưa làm gió” tình hình du lịch Ninh Bình như Hang Múa, Tuyệt Tình Cốc… thì vùng đất này đã nổi tiếng với quần thể chùa Bái Đính từ những năm 2010 – khi mà ngôi chùa này là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam.
Toàn cảnh quần thể chùa Bái Đính. @internet
Nằm ở cửa ngõ phía Tây của khu di tích cố đô Hoa Lư, trên địa phận huyện Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình. Chùa Bái Đính là ngôi chùa Việt Nam đã ghi tên vào danh sách kỷ lục những ngôi chùa lớn nhất ở dải đất hình chữ S với diện tích khuôn viên khoảng 539 ha. Không dừng lại ở đó, ngôi chùa Việt Nam này còn nắm giữ những kỷ lục lớn khác của châu Á và Việt Nam như: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...
Khái niệm “chùa Bái Đính” thật ra bao gồm cả hai khu: chùa Bái Đính mới (khoảng 80 ha) và chùa Bái Đính cổ (diện tích khoảng 27 ha). Với kiến trúc đồ sộ và mang đậm dấu ấn kiến trúc Á Đông, nơi đây luôn nằm trong top những ngôi chùa Việt Nam linh thiêng nhất. Hàng năm, tại chùa có lễ hội chùa Bái Đính, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, mùng 6 tết khai mạc và sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch (khoảng tháng 4,5 dương lịch).
Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần: nghi thức thắp hương tưởng nhớ công đức (phần lễ) và phần hội gồm các trò chơi dân gian, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm đất Cố đô…
4. Chùa Bà Tây Ninh
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất khu vực phía Nam nước ta, với độ cao khoảng 986 m và là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Có rất nhiều người thường xuyên tìm đến đây để viếng chùa Bà, tọa lạc trên núi Bà Đen, hay còn gọi là Linh Sơn, Tiên Thạch, chùa Phật, chùa Thượng. Cùng với chùa Hang (chùa Linh Sơn Long Châu) và chùa Trung (chùa Linh Sơn Phước Trung), chùa Bà Tây Ninh là một trong những ngôi chùa Việt Nam nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước.
Chùa Bà Tây Ninh. @internet
Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVIII và đã qua nhiều lần trùng tu. Hằng năm, khách thập phương hành hương núi Bà để đi chùa cầu nguyện rất đông; thông thường là vào dịp Tết nguyên đán kéo dài cả tháng Giêng, và lễ vía Bà vào ngày 5 - 6 tháng năm âm lịch (khoảng tháng 6 dương lịch).
Khi đến đây, bạn có thể sử dụng hệ thống cáp treo (dài khoảng 1225 m), để đi từ chân núi lên chùa Linh Sơn Tiên Thạch hoặc với những ai ưa thách thức, mạo hiểm, bạn cũng có thể leo bộ lên chùa.
5. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt – Đà Nẵng
Ở Đà Nẵng hiện có đến ba ngôi chùa Linh Ứng và ngẫu nhiên sao khi cả ba đều tọa lạc ở những vị trí “đắc địa”. Ngôi chùa thứ nhất là chùa Linh Ứng Non Nước, nằm trên hòn Thủy sơn của Ngũ Hành Sơn; thứ hai là Chùa Linh Ứng Bà Nà. Và cuối cùng là chùa Linh ứng Bãi Bụt, Sơn Trà, nằm ở lưng chừng núi – bán đảo Sơn Trà. Trong cả ba ngôi chùa này, chùa Linh Ứng Bãi Bụt nằm trong top những ngôi chùa Việt Nam được nhiều người biết đến. Có lẽ một phần vì đây là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất trong 3 ngôi chùa.
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt nhìn từ trên cao. @internet
Chùa Linh Ứng Tự Bãi Bụt cũng là ngôi chùa Việt Nam khá đặc biệt vì nơi đây có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất nước ta. Khi đứng ở bất kỳ đâu tại thành phố biển Đà Nẵng thì bạn cũng có thể nhìn thấy được Tượng Phật Bà. Đây là tượng Phật cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với chiều cao lên đến 67 m và đường kính tòa sen 35 m, tương đương một tòa nhà 30 tầng.
Ở một thành phố phát triển du lịch như Đà Nẵng, lại “sớ hữu” một ngôi chùa nổi tiếng cả về sự linh thiêng lẫn kiến trúc đồ sộ, chùa Linh Ứng Tự Bãi Bụt từ lâu đã trở thành một ngôi chùa Việt Nam rất nổi tiếng ở khu vực miền Trung. Hàng năm, có rất nhiều du khách thập phương đến đây cầu nguyện, đặc biệt vào các dịp lễ Tết. Không chỉ vậy, khi đến đây, nhìn thấy nét mặt hiền hòa, hướng mặt ra biển của tượng Đức Quan Thế Âm cũng khiến nhiều người cảm thấy lòng thanh thản và bình yên.
Đứng từ trên chùa Linh Ứng, bạn có thể nhìn được toàn bộ cảnh thành phố, núi rừng và biển đảo Sơn Trà một cách hoàn hảo nhất; xa xa là núi Ngũ Hành Sơn cùng bãi biển bao quanh bởi bờ cát dài trắng mịn đã hiện ra tỏ tường. Buổi tối, nếu đứng từ cổng chùa nhìn xuống, bạn có thể chiêm ngưỡng nét đẹp của thành phố Đà Nẵng khi đêm về, với những vệt đèn thắp sáng cả một đường phố biển.
6. Chùa Thiên Mụ - Huế
Sẽ thật thiếu sót nếu trong danh sách các ngôi chùa Việt Nam nổi tiếng không nhắc tên chùa Thiên Mụ. Chùa Thiên Mụ, còn có tên gọi khác là chùa Linh Mụ, nằm trên đồi Hà Khê thuộc tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía tây.
Khi nhắc về hình ảnh chùa Thiên Mụ, người ta thường nhớ ngay đến tháp Phước Duyên, trước là Từ Nhân Tháp; được xây dựng vào năm 1844 bởi vua Thiệu Trị. Tháp cao 21 m với hình bát giác và có bảy tầng. Mỗi tầng của tháp Phước Duyên thờ một vị Phật khác nhau. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện.
Ngày nay, vượt qua những khoảng thời gian khó khăn và đau thương trong quá khứ, chùa Thiên Mụ lại hiền hòa soi bóng bên sông Hương, trở thành một nơi mà du khách thập phương đến đây chiêm bái lễ phật, dâng hương và cầu an. Không chỉ vậy, chùa Thiên Mụ còn trở thành biểu tượng gắn với nét đẹp hiền hòa của cố đô Huế, trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cho du lịch của Huế và du lịch Việt Nam nói chung.
Chùa Thiên Mụ lại hiền hòa bên dòng sông Hương, trở thành nơi để mọi người tìm đến cầu an, vãn cảnh. @internet
7. Chùa Một Cột – Hà Nội
Không chỉ ngoài ý nghĩa tâm linh, chùa Một Cột còn là ngôi chùa Việt Nam nổi tiếng bởi niên đại lâu đời và là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Chùa Một Cột có tên khác là chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài, nằm trong quần thể chùa Diên Hựu thuộc phía Tây hoàng thành Thăng Long xưa. Hiện nay chùa Một Cột thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.
Chùa Một Cột - biểu tượng của thủ đô Hà Nội. @unknown_maru
Chùa Một Cột là một trong những điểm viếng chùa Việt Nam thân quen với du khách trong và ngoài nước, hiếm có ai đặt chân đến vùng đất thủ đô mà chịu bỏ qua cơ hội ghé thăm ngôi chùa cổ này. Cấu trúc độc đáo với sức mạnh hoàn toàn dựa vào phần thân trụ mang 8 cánh gỗ, trông như một bông sen đang nở, giá trị tâm linh sâu sắc cũng như bề dày lịch sử, văn hóa; chùa Một Cột hiển nhiên trở thành điểm đến du lịch không thể bỏ qua tại Hà Nội.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cùng một ngày vì những địa điểm này không cách nhau quá xa.
8. Chùa Vĩnh Nghiêm – Sài Gòn
Nếu có cơ hội đi ngang qua ngôi chùa này vài lần bạn sẽ nhận ra một điều là… chùa Vĩnh Nghiêm luôn luôn đông. Dù không phải lúc nào cũng đông nghịt người chen chân, nhưng hầu như vào thời điểm nào trong ngày cũng có khách thập phương đến cầu an, chiêm bái - đủ để bảo chứng cho danh tiếng của ngôi chùa lớn tại Sài Gòn này.
Chùa Vĩnh Nghiêm hiện tọa lạc tại số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần cầu Công Lý), quận 3, TP.HCM. @chuanoitieng
Vào những ngày xuân, rất nhiều người dân Sài Gòn và các tỉnh thành lân cận đến đây để cầu an, dâng hương cúng dường hoặc đơn giản là vãn cảnh chùa. Chùa Vĩnh Nghiêm, bên cạnh những ý nghĩa tâm linh, còn được biết đến vì cấu trúc độc đáo, trang nghiêm và đồ sộ với diện tích lên đến 6.000 m2. Chùa có cổng tam quan, khu tòa trung tâm với chính điện và các bảo tháp (Tháp Quán Thế Âm cao 7 tầng, tháp Xá Lợi Cộng đồng và tháp đá Vĩnh Nghiêm).
9. Chùa Bà Thiên Hậu – Sài Gòn
Chùa Bà Thiên Hậu ở Sài Gòn là một trong những ngôi chàu Việt Nam có tuổi đời hàng trăm năm. Ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng năm 1760 bởi một nhóm người Hoa. Vào các ngày mùng một, ngày rằm, Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu và đặc biệt là vào ngày lễ vía Bà (23/3 Âm Lịch, thường rơi vào khoảng tháng 4 Dương Lịch), rất nhiều người dân Sài Gòn và cả khách du lịch lẫn du khách nước ngoài đều đến đây để khấn bái cũng như hòa mình vào không khí ngày chiêm lễ tại đây.
Nếu không thích sự đông đúc, bạn có thể đến đây vào ngày thường để có thể tham quan tất cả những dấu ấn lịch sử nơi đây. @internet
10. Chùa Hoằng Phúc – Quảng Bình
Chùa Hoằng Phúc cũng là một ngôi chùa Việt Nam khá cổ, có từ những năm đầu của thế kỷ XVIII tại Quảng Bình. Ngôi chùa này trước là Am Tri Kiến, sau đổi thành chùa Kính Thiên, hay còn gọi là “chùa Vua” (do có lần Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã ghé chùa dâng hương lễ Phật nhân một chuyến đi vào miền trung) hoặc chùa Hoằng Phúc (được vua Minh Mạng cho đổi lại).
Ở đây còn có quả chuông đồng đúc từ thời vua Minh Mạng cho đặt đúc khi đổi tên chùa chính thức thành Hoằng Phúc. Vì vậy, khi đến đây, bạn không chỉ là vãn cảnh chùa cổ, dâng hương cầu an mà còn có thể khám phá và tìm hiểu thêm về một khía cạnh lịch sử và tôn giáo của nước mình.
Chùa Hoằng Phúc là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung, tọa lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. @internet
Hiện tại, chùa Hoằng Phúc đã được phục dựng lại, nên bạn sẽ thấy nhiều nét “hiện đại mới toanh” trong khuôn viên ngôi chùa này. Nhưng dù vậy, Hoằng Phúc vẫn là một trong những điểm viếng chùa nổi tiếng Việt Nam và xứng đáng để bạn ghé thăm thử một lần.
Trên đây là 10 ngôi chùa Việt Nam linh thiêng và nổi tiếng để bạn có thể cùng gia đình vãn cảnh đầu năm.