Ngôi mộ phát tích dòng họ Nguyễn Duy
Tục truyền rằng: họ Nguyễn sơ khai di cư đến lập ấp mở làng trong số đó có hai anh em, họ thường khai hoang cày cấy ở phía nam cồn cát hình con voi, về sau gọi là Mã Cả.
Một dạo có ông thầy địa lý người Tầu (Trung Quốc ngày nay) hay qua lại, ông thầy địa lý này luôn được hai anh em người nông dân họ Nguyễn giúp đỡ ăn uống nghỉ ngơi chu đáo, cảm kích trước tấm lòng tốt đó ông đã chọn cho hai anh em một ngôi đất (Âm phần) và dặn rằng “Mang hài cốt của cha mẹ táng vào đây”, con cháu sau này sẽ được phúc lộc bền lâu.
Ngôi đất hai đầu phình to giữa thắt lại hình cái chày gồm có huyệt chính và huyệt phụ, thế đất lợi phong thủy, âm dương hòa hợp sẽ phát lộc phát tài mãi cho con cháu đời sau.
Ít năm sau ông thầy địa lý người Tầu ấy lại đến, ông vẫn được hai người anh em họ Nguyễn tiếp đón niềm nở ân cần đối xử như người thân trong gia đình, lần này ông giúp gia đình cắm hướng cho nhà thờ và tặng ân nhân của mình một lời truyền đó là: “Vạn tuế vô bạch đinh, vạn tuế vô thụ hình”: nghĩa là: “Đời đời con cháu không ai nghèo hèn, mọi thời thế không ai vi phạm tù tội”
Ngôi đất ấy “Âm phần” và phần mộ trải qua gần ngàn năm luôn được gọi là “Ngôi mộ phát tích” của dòng họ Nguyễn Duy hiện nay vẫn còn tồn tại khu bụng voi xứ Mã Cả làng Nghìn, con cháu truyền đời gìn giữ khói hương, nhưng tên húy và ngày mất của người dưới mộ không lưu truyền lại cho hậu thế. Đây được coi là mộ phần Đức Viễn tổ đầu tiên dòng họ Nguyễn Duy làng Nghìn hiện nay.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Ý kiến bạn đọc