Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 6 (1514)
Niên hiệu Hồng Thuận thứ 6, rồng bay năm Giáp Tuất, gặp lúc mở khoa thi, sĩ tử bốn phương gặp nhau ở chốn xuân vi để đua tài nghệ đông đến 5.700 người. Qua bốn trường chọn được hạng trúng cách 43 người. Ngày 27 tháng 4 cho gọi vào Điện thí. Hoàng thượng sai Tá lý Hiệp mưu Kính thận Trinh ý công thần Đặc tiến Khai phủ Kim tử Vinh lộc đại phu Tả Bình chương quân Quốc trọng sự Nhập nội Kiểm hiệu Thượng tướng Thái uý Lượng quốc công Thượng trụ quốc Lê Phụ, Phụng trực đại phu Lại bộ Thượng thư Tri Chiêu văn quán Tú lâm cục Tư chính Thượng khanh Đàm Thận Huy, Gia hạnh đại phu Công bộ Hữu Thị lang Khuông mỹ doãn Lê Tán Tương, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thiếu bảo Lễ bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ kiêm Quốc tử giám Tế tửu tri kinh diên sự Đôn Thư bá trụ quốc Lê Tung, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Lễ bộ Thượng thư Lễ bá Trụ quốc Nguyễn Bá Thuyên, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Hộ bộ Thượng thư Tri Chiêu văn quán Tú lâm cục Cẩn Lễ nam Chính trị Thượng khanh Đoàn Mậu, Quang nghiệp đại phu Thượng thư Đông các Đại học sĩ Nhập thi Kinh diên Chính trị khanh Đỗ Nhạc chia giữ các việc. Khi dâng quyển lên đọc, Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ tự cao thấp. Ban cho bọn Nguyễn Đức Lượng đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Vũ đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Bỉnh Di đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Thứ tự ban ơn nhất nhất đều theo lệ cũ. Bộ Lễ xin khắc đá dựng bia ở nhà Thái học để truyền lâu dài. Nhưng trong nước gặp lúc tai ách1, dấy việc binh đao, đường sá đi lại không thông, nên việc dựng đá đề danh chưa kịp làm. Hoàng thượng cả dấy nghĩa quân khôi phục cơ đồ, ngay khi vừa dẹp tan giặc trở về kinh đô liền sai quan Bộ Công khắc đá, giao cho thần soạn bài ký. Thần kính vâng lời ngọc, kính cẩn cúi đầu rập đầu chúc mừng cho nền tư văn và các sĩ tử, không dám viện cớ vụng về nông cạn chối từ.
Kính nghĩ: Trời đất đối với muôn vật phú cho nguyên khí vận chuyển bốn mùa để hoàn thành công hóa dục. Đế vương đối với muôn dân, thực nhờ các bề tôi tài giỏi chia giữ các chức mà đạt tới cuộc thái bình thịnh trị. Trên từ Nhị đế (Nghiêu, Thuấn), Tam vương (Hạ, Thương, Chu), dưới đến cuộc hưng thịnh của các triều Hán, Đường, Triệu, Tống không triều nào không coi việc sử dụng nhân tài là việc cấp bách. Nhưng lề lối đào tạo tuyển chọn, cách thức khích lệ biểu dương chưa đời nào có được quy mô to rộng, khuôn phép tốt đẹp rõ ràng đầy đủ như các bậc liệt thánh triều ta.
Kính nghĩ: Hoàng thượng hoàn thành sự nghiệp trung hưng, lập công làm rạng rỡ các đời trước. Thánh học tinh thông, thấm nhuần nguồn đạo, cổ vũ giáo hoá văn trị cách tân. Mùa xuân năm Mậu Dần, Hoàng thượng đích thân ngự ở hiên điện ra đề thi cho sĩ tử. Mùa hạ năm Canh Thìn lại đặt ân khoa để lấy hiền tài. Đến năm Tân Tị lại cho dựng đá đề danh người thi đỗ khoa Giáp Tuất để bổ sung thiếu sót và để kịp thời biểu dương khuyến khích. Đó chẳng phải là thịnh ý sùng Nho của Hoàng thượng hay sao!
Vả lại các Tiến sĩ thi đỗ khoa này tuỳ theo tài năng đã được bổ dụng, phục vụ tại các bộ viện, hoặc theo hầu hạ trong cơn hoạn nạn, hoặc giúp sách lược đánh dẹp, hoặc giúp sửa sang chính sự, soạn thảo giấy tờ, tiết tháo tài năng đại thể đã tỏ rõ. Nay lại được ơn vua tô điểm, lòng cảm kích phải như thế nào cho xứng đáng? Ắt phải đem lòng trung chính phụng thờ, ắt phải trọn đời lo nghĩ đền đáp. Trước lo phận sự, sau mới tới tài năng; trước phải trau dồi khí tiết, sau mới tới tài nghệ; trước phải nên đức hạnh, sau mới tới văn chương. Hãy làm mây lành sao tỏ nêu điềm tốt cho đời, làm ngọc sáng vàng ròng để làm của báu cho nước, làm giáo làm gươm để dẹp trừ tiếm loạn, làm bậc tiên giác như cây kỷ cây tử để vững chắc rường cột. Hoặc làm lúa làm gạo, làm vải lụa để giúp dân nghèo, hoặc làm sâm linh kỳ truật để bồi bổ khí mạch quốc gia, khiến cho cuộc trị bình của nước nhà bước lên chốn vẻ vang tươi sáng, đặt thiên hạ vào thế yên như núi Thái Sơn, ngõ hầu trên không phụ thánh đức biểu dương, dưới không phụ với sở học ngày thường. Được thế thì công danh sự nghiệp này sẽ cùng bia đá kia không mục. Nếu không được như vậy thì hiền hay không hiền, trung hay tà, phải trái nên hư phân biệt rõ ràng, ngọc có vết không thể che đậy. Người đời sẽ chỉ vào tên mà bàn tán, công luận thật nghiêm xét, há chẳng đáng sợ lắm sao?
Thần dám lấy đó làm lời răn các sĩ tử được đề danh, cũng là để tự răn mình và để soi sáng cho người đời sau khi xem bia đá này.
Trinh ý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thiếu bảo Lại bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ Nhập thị Kinh diên Chính trị Thượng khanh Vũ Duệ vâng sắc soạn.
Trung trinh đại phu Trung thư giám Điển thư Khuông mỹ Thiếu doãn Chu Đình Bảo vâng sắc viết chữ (chân).
Thông chương đại phu Kim quang môn Đãi chiếu Tư chính khanh Phạm Đức Mạo vâng sắc viết chữ triện.
Bia dựng ngày 17 tháng 4 niên hiệu Quang Thiệu thứ 6 (1521).
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
NGUYỄN ĐỨC LƯỢNG 阮德亮2 người huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên.
NGUYỄN CHIÊU HUẤN 阮昭訓3 người huyện Yên Phú phủ Từ Sơn.
HOÀNG MINH TÁ 黃明佐4 người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 20 người:
NGUYỄN VŨ 阮瑀5 người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.
NGUYỄN TỰ CƯỜNG 阮自強6 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
PHẠM CHÍNH NGHỊ 范正毅7 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
ĐOÀN QUẢNG PHU 段廣敷8 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.
NGUYỄN NGUYÊN TÁN 阮元贊9 người huyện Thanh Lan phủ Tân Hưng.
PHẠM THỌ CHẤT 范壽質10 người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.
NGUYỄN ĐÔN CUNG 阮敦恭11 người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.
NGUYỄN ĐỐC TÍN 阮篤信12 người huyện An Lão phủ Kinh Môn.
NGÔ TÒNG CỦ 吳從矩13 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
NGUYỄN TRỌNG HIỆU 阮仲效14 người huyện Siêu Loại phủ Thuận An.
NGUYỄN VĂN KIỆT 阮文傑15 người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.
LẠI GIA PHÚC 賴嘉福16 người huyện Phúc Yên phủ An Bình.
NGUYỄN DOÃN KHÂM 阮允欽17 người huyện Phụ Dực phủ Thái Bình.
CHỬ SƯ ĐỔNG 褚師董18 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
HÀ CẢNH ĐẠO 何景道19 người huyện Siêu Loại phủ Thuận An.
ĐỖ CẢNH 杜景20 người huyện Phụ Dực phủ Thái Bình.
NGUYỄN CHÍNH TUÂN 阮政恂21 người huyện Sơn Vi phủ Lâm Thao.
NGUYỄN ĐẠM 阮澹22 người huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng.
LÊ THỜI BẬT 黎時弼23 người huyện Nghi Dương phủ Kinh Môn.
TRỊNH BÁ 鄭霸24Ứngười huyện Phú Lương phủ Phú Bình.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 20 người:
NGUYỄN BỈNH DI 阮秉彝25 người huyện Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng.
NGUYỄN DOÃN TUY 阮允綏26 người huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai.
ĐỖ VĂN NGUYÊN 杜文沅27 người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.
NGUYỄN CHUYÊN MỸ 阮專美28 người huyện An Lão phủ Kinh Môn.
PHẠM LÂN ĐỊNH 范麟定29 người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.
NGUYỄN BỈNH ĐỨC 阮秉德30 người huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên.
BÙI CÔNG PHỤ 裴公輔31 người huyện Kim Hoa phủ Bắc Hà.
PHẠM MINH DU 范明猷32 người châu Tân An phủ Hải Đông.
VŨ QUANG TÚC 武光肅33 người huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn.
NGUYỄN ĐIỂN KÍNH 范典敬34 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
PHẠM KÍNH TRUNG 范敬忠35 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
PHAN DOÃN THÔNG 潘允聰36 người huyện Bạch Hạc phủ Tam Đới.
LÊ DUY LƯƠNG 黎維良37 người huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng.
VŨ HỮU NGHIÊM 武有嚴38 người huyện Gia Lâm phủ Thuận An.
ĐOÀN SƯ ĐỨC 段師德39 người huyện Lương Tài phủ Thuận An.
NGUYỄN CẢNH QUYNH 阮景駉40 người huyện Giáp Sơn phủ Kinh Môn.
NGUYỄN CHÂU MẠO 阮珠瑁41 người huyện Yên Lãng phủ Tam Đới.
NGUYỄN KÍNH HOÀ 阮敬和42 người huyện Thanh Đàm phủ Thường Tín.
NGUYỄN HANH GIA 阮亨嘉43 người huyện Vĩnh Xương phủ Phụng Thiên.
TRẦN VIÊN 陳員44 người huyện Chương Đức phủ Ứng Thiên.
Chú thích:
1. Chỉ cuộc biến loạn của Lê Uy Mục.
2. Nguyễn Đức Lượng (1465-?) người xã Canh Hoạch huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Dân Hòa huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lễ. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư.
3. Nguyễn Chiêu Huấn (?-?) người xã Yên Phong huyện Yên Phong (nay thuộc xã Vạn An huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
4. Hoàng Minh Tá (?-?) người xã Hoàng Xá huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Cẩm Điền huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thừa chính sứ. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Minh Tá.
5. Nguyễn Vũ (1457-1516) người xã Thiên Mỗ huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Đại Mỗ huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Binh, Thượng thư Bộ Hình kiêm Bảo Thiên điện Đại học sĩ, Hàn lâm Thừa chỉ, Nhập thị Kinh diên.
6. Nguyễn Tự Cường (?-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hiến sát sứ. Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, ông dấy binh chống cự rồi thua trận bị bắt, uống thuốc độc tự tử. Sau nhà Lê Trung hưng phong làm phúc thần.
7. Phạm Chính Nghị (1486-?) người xã Hoa Cầu huyện Lang Tài (nay thuộc xã An Thịnh huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước Văn Trường bá.
8. Đoàn Quảng Phu (?-?)người xã Hoa Đường huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ. Có tài liệu ghi ông là Đoàn Đức Phu.
9. Nguyễn Nguyên Tán (?-?) người xã Biền Hàn huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Hưng huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Đông các.
10. Phạm Thọ Chất (?-?) người xã Cao La huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Dân Chủ huyện Tứ Kì tỉnh Hải Dương). Ông làm quan với nhà Mạc đến chức Thượng thư.
11. Nguyễn Đôn Cung (?-?) người xã Lỗi Dương huyện Tứ Kỳ (nay thuộc huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Ngự sử, tước bá.
12. Nguyễn Đốc Tín (?-?) người xã Thạch Lựu huyện Yên Lão (nay thuộc xã An Thái huyện An Lão Tp. Hải Phòng). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước hầu.
13. Ngô Tòng Củ (?-?) người xã Hà Vĩ huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Liên Hà huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lễ.
14. Nguyễn Trọng Hiệu (1486-1559) người xã Đại Đồng huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Đại Đồng Thành huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan nhà Lê đến chức Thượng thư, tước bá. Sau ông ra làm quan cho nhà Mạc, giữ các chức Hàn lâm viện, Quốc tử giám Tế tửu, tước hầu.
15. Nguyễn Văn Kiệt (?-?) người xã An Lao huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã An Thanh huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.
16. Lại Gia Phúc (?-?) người xã Mỹ Xá huyện Đông Yên (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Thị lang.
17. Nguyễn Doãn Khâm (?-?) người làng Địa Linh huyện Phụ Dực (nay thuộc xã An Bài huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Lại bộ Tả Thị lang. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Khắc Khâm.
18. Chử Sư Đổng (?-?) người xã Hội Phụ huyện Đông Ngàn (nay là thuộc xã Đông Hội huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thượng thư.
19. Hà Cảnh Đạo (1491-?) người xã Đạo Tú huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Song Hồ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư kiêm Đô Ngự sử, tước Sùng Lễ bá.
20. Đỗ Cảnh (?-?) người làng An Bài huyện Phụ Dực (nay thuộc xã An Bài huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Thị lang.
21. Nguyễn Chính Tuân (?-?) người xã Xuân Lũng huyện Sơn Vi (nay thuộc xã Xuân Lũng huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ). Ông giữ các chức quan, như Đoán sự, Thượng thư, tước Ngọc Quận công. Khi nhà Mạc tiếm ngôi, ông giữ phẩm tiết. Sau triều Lê Trung hưng tôn ông là bậc tiết nghĩa. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Sĩ Tuân.
22. Nguyễn Đạm (?-?) người xã Đoàn Lâm huyện Gia Phúc (nay thuộc xã Thanh Tùng huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương), trú quán xã Hoa Bằng (nay cùng huyện). Ông làm quan Thừa chính sứ.
23. Lê Thời Bật (?-?) người xã Lê Xá huyện Nghi Dương (nay thuộc xã Tú Sơn huyện Kiến Thụy Tp. Hải Phòng). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước Văn Uyên hầu.
24. Trịnh Bá (?-?) người xã Cù Đàm huyện Phú Lương (nay thuộc huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Binh. Có tài liệu ghi ông người xã Lệ Trạch.
25. Nguyễn Bỉnh Di (?-?) người xã Ô Mễ huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Hưng Đạo huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Binh.
26. Nguyễn Doãn Tuy (?-?) người xã Khánh Hiệp huyện Đan Phượng (nay thuộc thôn Thượng Hiệp xã Tam Hiệp huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Cấp sự trung. Khi vua Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa, ông không đi theo. Đến khi Chiêu Tông lấy lại được kinh đô, ông vào yết kiến, vua sai lực sĩ đem chém.
27. Đỗ Văn Nguyên (1486-?) người xã Mễ Trì huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Mễ Trì huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội), trú quán xã Quả Hối (nay là xã Mỹ Đình huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thị lang. Có tài liệu ghi ông là Đỗ Văn Hãng.
28. Nguyễn Chuyên Mỹ (?-?) người xã Thạch Lựu huyện Yên Lão (nay thuộc xã An Thái huyện An Lão Tp. Hải Phòng). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước Văn Đẩu hầu.
29. Phạm Lân Định (1484-?) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thừa chính sứ.
30. Nguyễn Bỉnh Đức (?-?) người phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Thịnh Quang quận Đống Đa Tp. Hà Nội), trú quán xã Hương Canh huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Xuân Phương huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, Thiếu phó kiêm Đông các, tước Liêm Quận công và được ban họ Mạc.
31. Bùi Công Phụ (?-?) người xã Đồng Lạc huyện Kim Hoa (nay thuộc xã Tiên Dược huyện Sóc Sơn Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thượng thư.
32. Phạm Minh Du (1491-?) người xã Cẩm Hà huyện An Lão (nay thuộc huyện An Hải Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Thừa chính sứ. Có tài liệu ghi ông người xã Cẩm Bồ huyện Tiên Minh (nay thuộc huyện Tiên Lãng Tp. Hải Phòng).
33. Vũ Quang Túc (?-?) người xã Vĩ Vũ huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Vũ Ninh thị xã Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan với nhà Mạc đến Thượng thư, tước Dục Lễ hầu. Ông nguyên tên là Vũ Tuân .
34. Nguyễn Điển Kính (?-?) người xã Đào Xá huyện Lang Tài (nay thuộc xã Trung Chính huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan với nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước Văn Ninh hầu và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Có tài liệu ghi ông là Phạm Điển Kính.
35. Phạm Kính Trung (?-?) người xã Lai Xá huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phú Lương huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan nhà Mạc đến Đại lý tự khanh, tước hầu.
36. Phan Doãn Thông (?-?) người xã Kiên Cương huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Hữu Thị lang.
37. Lê Duy Lương (?-?) người xã Cẩm Đới huyện Trường Tân (nay thuộc xã Thống Nhất huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Thượng thư, tước bá.
38. Vũ Hữu Nghiêm (?-?) người xã Cửu Cao huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Cửu Cao huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.
39. Đoàn Sư Đức (?-?) người xã Văn Xá huyện Lương Tài (nay thuộc xã Phú Hòa huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan nhà Mạc, đến chức Thượng thư, tước Hà Văn hầu và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
40. Nguyễn Cảnh Quynh (?-?) người xã Vụ Nông huyện Giáp Sơn (nay thuộc xã Đại Bản huyện An Hải Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Hàn lâm viện Kiểm thảo.
41. Nguyễn Châu Mạo (1490-?) người xã Khê Ngoại huyện Yên Lãng (nay thuộc xã Văn Khê huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Đô Ngự sử.
42. Nguyễn Kính Hoà (1485-?) người xã Diên Trường huyện Thanh Đàm (nay thuộc huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đô Cấp sự trung.
43. Nguyễn Hanh Gia (?-?) người phường Đông Các huyện Vĩnh Xương (nay thuộc quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Kiểm thảo.
44. Trần Viên (?-?) người xã Nhật Cốc huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây), trú quán xã Thượng Cát huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kim Bài huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang.
Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức năm thứ 3 (1529)
Hoàng thượng lên ngôi báu đã 3 năm, mở ra vận hội trời đất văn minh. Gặp năm mở khoa thi lớn, sĩ tử hát thơ Lộc minh tới kinh đô ứng thí đông đến 4.000 người, cùng nhau tranh đua tài nghệ chốn xuân vi, chọn được hạng xuất sắc 27 người.
Ngày 18 tháng 2, Hoàng thượng ngự ở hiên điện, đích thân ra đề văn sách hỏi về đạo trị nước. Sai Đề điệu là Thái bảo Diệm quốc công Mạc Kim Phiêu, Binh bộ Thượng thư Khánh Khê hầu Mạc Ninh Chỉ cùng các quan hữu ti chia giữ các việc.
Hôm sau quan Độc quyển là Lễ bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ Văn Đàm bá Nguyễn Thanh, Lại bộ Thượng thư Quốc tử giám Tế tửu Bỉnh Lễ bá Đinh Trinh dâng quyển đọc. Hoàng thượng xem xét, định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Đỗ Tông 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Vân Quang 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hữu Hoán 16 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.
Ngày 24, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, sai gọi loa xướng tên người đỗ. Bộ Lại ban ân mệnh, bộ Lễ rước bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học. Ngày hôm đó lại ban cho tiền bạc có thứ bậc khác nhau. Ngày 27 ban cân đai áo mũ nhiều hơn lệ thường. Ngày 28 ban yến tại Bộ Lễ. Ngày mồng 7 tháng 3 cho phép vinh qui, ban tiền theo thứ bậc khác nhau, ơn huệ thật nồng hậu. Hoàng thượng lại sai quan Bộ Công mài đá, từ thần soạn bài ký. Bọn thần kính vâng mệnh sáng, chúc mừng cho nền tư văn, cung kính cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Khí chân nguyên hòa hợp thì hào kiệt xuất hiện trong thiên hạ, vua sáng tôi hiền gặp gỡ, cơ trời cảm ứng, há phải chuyện tình cờ. Nhưng kẻ sĩ hào kiệt do khoa mục tiến thân kể từ họ Hữu Ngu1 hỏi quan nhạc mục mà ý tốt mở khoa mục bắt đầu, đời Thành Chu cất nhắc nhân tài mà phép tốt khoa mục gây mầm từ đó. Từ đời Hán đến Đường, Tống cùng là các bậc anh minh của nước Việt ta đều lấy việc đó làm bậc thang cho hào kiệt tiến thân.
Kính nghĩ thánh triều: Thánh thiên tử 2 sẵn tư chất hơn đời, nắm vận hội lớn, đem võ công dẹp yên thiên hạ, phô bày văn giáo để đào tạo nhân tài, sửa sang trường học để rộng đường nuôi dưỡng vui vầy giáo hóa, ban học qui để chấn chỉnh tác thành, tô điểm nhân văn, đổi mới khoa mục. Phàm quy chế thi cử, ơn vinh ban thưởng theo thứ bậc, so với thủa xưa thực rõ ràng đầy đủ.
Kẻ sĩ được gặp gỡ vua thánh anh minh, gội nhuần giáo hóa, dự vào hạng anh hùng, bước vào đường vinh hiển, lại được nêu họ tên lâu dài trên bia đá, há chẳng vẻ vang may mắn lắm sao? Vậy nên mang đội ơn sâu, dốc lòng thực tiễn, lấy trung liêm dồi tiết cứng, lấy lễ nghĩa làm phép thường, giữ lòng thẳng thắn, chẳng lệch chẳng xiên, làm nên sự nghiệp lớn lao bền vững. Phải làm sao như Lã Văn Dương lấy chính đạo giữ mình mà giúp cuộc thịnh trị trong đời thái bình hữu đạo, như Hàn Ngụy Công áo mũ chầu vua mà thiên hạ yên như bàn thạch; khiến mọi người phải ca ngợi là vị Trạng nguyên chân chính, vị Tiến sĩ lừng danh. Được như thế trên không phụ thánh thiên tử cho đặt khoa thi, dưới không phụ với sở học thường ngày, thì công lao sự nghiệp vĩ đại quang minh sẽ làm rạng rỡ cho tấm đá này. Thảng hoặc có người ngoài vuông nhưng trong tròn, trước trinh trắng mà sau tì vết, điều nhìn thấy không đúng với điều được nghe, việc làm trái với sở học thì chỉ làm lụy cho khoa mục, làm tì vết cho bia đá này, há chẳng nên tự răn hay sao?
Than ôi! Lẽ trời ở trong lòng, hiện ra thì thấy rõ, thánh hóa ban tới người dân, lâu ngày tất cũng rõ rệt. Bia đá này dựng ở nhà Thái học, chẳng những để tỏ thành ý sùng Nho của Thánh thượng, nêu cao ý chuộng văn của triều đình trong buổi đầu mà còn khích lệ nhân tâm, bồi dưỡng sĩ khí để phù hợp với giáo hoá hiện nay cho đến vô cùng. Sau này các sĩ tử gặp nhau, mắt nhìn bia, miệng đọc bia, chẳng ai mà không cảm kích phấn khởi, lấy khoa mục để tự động viên mình thấy ơn sâu mà gắng sức, nối nhau xuất hiện mà giúp cuộc thái bình thịnh trị muôn thuở cho nước nhà, xây đắp xã tắc muôn năm được bền vững. Như thế thì bia đá này dựng lên, công dụng há phải chỉ là bổ ích nhỏ hay sao?
Đồng đức công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lễ bộ Thượng thư Thái tử Thái bảo Đông các Đại học sĩ Thiếu bảo Thông Quận công thượng trụ quốc Nguyễn Thì Ung cùng Phụng trực đại phu Đông các Hiệu thư Tư chính Thượng khanh Nguyễn Cư Nhân3 vâng sắc soạn.
Thông chương đại phu Trung thư giám Chính tự Tư chính khanh Nguyễn Ngạn Chiêu vâng sắc viết chữ (chân).
Thông chương đại phu Kim quang môn Đãi chiếu Tư chính khanh Nguyễn Tấn vâng sắc viết chữ triện.
Bia dựng tiết đông chí, tháng trọng đông năm Kỷ Sửu 4 niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529).
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
ĐỖ TỔNG杜綜5 người xã Lại huyện Văn Giang.
NGUYỄN HÃNG阮沆6 người xã Vũ Lăng huyện Thượng Phúc.
NGUYỄN VĂN HUY阮文徽7 người xã Vĩnh Cầu huyện Đông Ngàn.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 8 người:
NGUYỄN VÂN QUANG 阮雲光8 người xã Bình Sơn huyện Đông Ngàn.
TRẦN THỤY 陳瑞9 người xã Ngọc Bộ huyện Thái Bình.
PHẠM HUY 范輝10 người xã Mặc Khê huyện Thanh Lâm.
ĐẶNG LƯƠNG TÁ 鄧良佐11 người xã Đặng Xá huyện Thạch Thất.
NGUYỄN HOẢNG 阮恍12 người xã Đức Thắng huyện Hiệp Hòa.
NGUYỄN DOÃN ĐỊCH 阮允迪13 người xã Hoàng Vân huyện Hiệp Hòa.
PHÍ THẠC 費碩14 người xã Hương Ngải huyện Thạch Thất.
NGUYỄN CHIÊU KHÁNH 阮昭慶15 người xã Yên Sở huyện Đan Phượng.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 16 người:
NGUYỄN HỮU HOÁN 阮有煥16 người xã Xuân Ứng huyện Quang Phúc.
NGUYỄN ĐỊCH GIÁO 阮迪教17 người xã Thượng Cốc huyện Gia Lộc.
LÊ THỰC 黎湜18 người xã Ngọc Bộ huyện Văn Giang.
HOÀNG KHẮC THẬN 黃克慎19 người xã Đại Lý huyện Thuần Lộc.
LÊ TẢO 黎藻20 người xã Phúc Khê huyện Từ Liêm.
NGUYỄN QUÝ LƯƠNG 阮貴良21 người xã Địa Linh huyện Phụ Dực.
NGUYỄN ĐỨC KÝ 阮德驥22 người xã Đan Nhiễm huyện Văn Giang.
AN KHÍ SỬ 安器使23 người xã Nhĩ Độ huyện Nam Xương.
VŨ NGUNG 武嵎24 người xã Đoàn Lâm huyện Gia Lộc.
CHU TAM DỊ 朱三異25 người xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn.
PHAN TẾ 潘濟26 người xã Nguyễn Xá huyện Thạch Thất.
ĐINH THỤY 丁瑞27 người xã Tùng Quan huyện Đông Yên.
PHẠM KINH BANG 范經邦28 người xã Thì Trung huyện Thanh Oai.
LƯƠNG NHƯỢNG 梁讓29 người xã Nội Trà huyện Yên Phong.
NGUYỄN DƯƠNG 阮洋30 người xã Trà Lâm huyện Siêu Loại.
NGUYỄN QUANG TÁN 阮光贊31 người xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong.
Chú thích:
1. Họ Hữu Ngu: Chỉ vua Thuấn.
2. Chỉ Mạc Đăng Dung: Niên hiệu Minh Đức (1527-1529).
3. Nguyễn Cư Nhân thi đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Dần Quang Thiệu thứ 3 (1518) đời Lê Chiêu Tông. Xem chú thích 13, Bia số 13.
4.Đồ duy xích phấn, biệt danh của năm Kỷ Sửu.
5. Đỗ Tổng (1504-?) người xã Lại Ốc huyện Tế Giang (nay thuộc xã Long Hưng huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hình, Đông các Đại học sĩ.
6. Nguyễn Hãng (1488-?) nguyên quán xã Vũ Lăng huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Thắng Lợi huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây), trú quán xã Thắng Lãm (nay thuộc xã Phú Lương huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Thị lang, Đông các Đại học sĩ.
7. Nguyễn Văn Huy (1486-?) người xã Vịnh Cầu huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lễ.
8. Nguyễn Vân Quang (1484-?) người xã Bình Sơn huyện Đông Ngàn (nay thuộc huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Đô Cấp sự trung. Có tài liệu ghi ông tên là Nguyễn Quang Vân và nguyên quán xã Yên Trừ.
9. Trần Thụy (?-?) người xã Ngọc Bộ huyện Đại An (nay thuộc xã Yên Nhân huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo. (Có tài liệu ghi ông là Trần Nhụ).
10. Phạm Huy (?-?) người xã Mặc Khê huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Minh Tân huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tham chính.
11. Đặng Lương Tá (?-?) người xã Đặng Xá huyện Thạch Thất (nay thuộc xã Bình Phú huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử.
12. Nguyễn Hoảng (1490-?) người xã Đức Thắng huyện Hiệp Hòa (nay thuộc xã Đức Thắng huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Hình, tước Đạm Khê bá.
13. Nguyễn Doãn Địch (1490-?) người xã Hoàng Vân huyện Hiệp Hòa (nay là xã Hoàng Vân huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Mỹ Trai bá. Có tài liệu ghi ông người xã Hoàng Phỉ cùng huyện.
14. Phí Thạc (1508-1585) người xã Hương Ngải huyện Thạch Thất (nay là xã Hương Ngải huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình, tước Phúc Thủy hầu. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo.
15. Nguyễn Chiêu Khánh (1496-?) người xã Yên Sở huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Yên Sở huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. Ông làm quan đến Hàn lâm. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Chiêu Nghĩa và tài liệu khác lại ghi là Nguyễn Chiêu Độ.
16. Nguyễn Hữu Hoán (?-?) người xã Xuân Áng huyện Quang Phúc (chính là huyện Tân Phúc, sau đổi là Tiên Phúc, văn bia đã nhầm chữ Tiên thành chữ Quang ). Xã Xuân Áng đã chia làm 2 thôn, thôn Xuân Dục Đoài thuộc xã Phù Linh và thôn Xuân Dục Đông thuộc xã Tân Minh (nay đều thuộc huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
17. Nguyễn Địch Giáo (?-?) người xã Thượng Cốc huyện Trường Tân (nay thuộc xã Gia Khánh huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
18. Lê Thực (1494-?) người xã Ngọc Bộ huyện Tế Giang (nay thuộc xã Long Hưng huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Thị lang, tước Văn Hợp bá.
19. Hoàng Khắc Thận (1505-?) người xã Đại Lý huyện Thuần Lộc (nay thuộc xã Đại Lộc huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Lại bộ Thượng thư, tước Hoàng Trung hầu.
20. Lê Tảo (1501-?) người xã Phúc Khê huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Phú Minh huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội), trú quán xã Cổ Nhuế (nay là xã Cổ Nhuế cùng huyện). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại, tước Hành Viễn bá. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư, tước công.
21. Nguyễn Quý Lương (?-?) người xã Địa Linh huyện Phụ Dực (nay thuộc xã An Bài huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Tham chính.
22. Nguyễn Đức Ký (1502-?) người xã Đan Nhiễm huyện Tế Giang (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Tổng binh phủ Cao Bằng, tước Đổng Sơn bá.
23. An Khí Sử (1506-?) người xã Nễ Độ huyện Nam Xương (nay thuộc huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Thị lang. Có tài liệu ghi ông là Ngô Khí Sử.
24. Vũ Ngung (1508-?) người xã Đoàn Lâm huyện Gia Lộc (nay thuộc xã Thanh Tùng huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư, tước Trãi Sơn hầu. Khi mất, ông được tặng tước Quận công.
25. Chu Tam Dị (1494-?) người xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm viện Kiểm thảo. Có tài liệu ghi ông là Tống Tam Dị.
26. Phan Tế (1510-?) người xã Nguyễn Xá huyện Thạch Thất (nay thuộc xã Thạch Xá tỉnh Hà Tây), trú quán xã Nhật Xá huyện Duy Tiên (nay thuộc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan đến Thừa chính sứ, tước nam.
27. Đinh Thụy (?-?) người xã Tùng Quan huyện Đông Yên (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm viện Kiểm thảo. Có tài liệu ghi ông người xã Sài Quất hoặc Tử Quất.
28. Phạm Kinh Bang (?-?) người xã Thời Trung huyện Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
29. Lương Nhượng (1501-?) người xã Nội Trà huyện Yên Phong (nay thuộc huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tham chính.
30. Nguyễn Dương (1504-?) người xã Trà Lâm huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Trí Quả huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông là em của Nguyễn Dần, ông nội Nguyễn Cổn và làm quan Tự khanh.
31. Nguyễn Quang Tán (1502-?) người xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc