Họ tộc Nguyễn Duyhttp://honguyenduylangnghin.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 20/02/2024 18:225610
Bức thư dự cảm của người lính trẻ Lê Văn Huỳnh ở huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình
Chiến trường Thành cổ Quảng Trị rực lửa năm 1972. Người lính trẻ Lê Văn Huỳnh ở huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, trước lúc hy sinh 3 tháng, anh đã viết một bức thư với dự cảm mình sẽ nằm lại ở đất này và nhắn nhủ mẹ, vợ đừng buồn, bởi “coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”. Trong thư, anh còn nhắn nhủ gia đình, ngày hòa bình lập lại, có điều kiện thì đến địa điểm trong thư chỉ dẫn, để mang hài cốt của mình về quê nhà… PHÍA TRƯỚC LÀ TỔ QUỐC Thành cổ Quảng Trị trung tuần tháng Bảy đông nghịt người đến thăm viếng. Khói nhang ở khu hành lễ nghi ngút. Dòng người nối nhau đến tri ân dường như vô tận. Nhiều cựu chiến binh, cán bộ, người dân từ các tỉnh phía Bắc, phía Nam và cả ở trong tỉnh đến đây. Trong số đó, không ít người đã ngân ngấn nước mắt, khi nhìn thấy, nghe thuyết minh về những hiện vật, chứng tích liên quan đến trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được trưng bày ở Bảo tàng Thành cổ. Bảo tàng Thành cổ ở chiếc tủ kính có dòng chữ chú thích: Bức thư viết bằng dự cảm của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh vào ngày thứ 77 trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - Lúc mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng”. Trong tủ, 10 trang giấy úa màu với nét chữ viết tay “Toàn gia đình kính thương! Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã đi nghiên cứu bị mất trong lòng đất, thì gia đình khỏi thấy điều đó là đột ngột”; “Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi…, con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu,… mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”…
Bức thư có 10 trang, thì ở 2 trang đầu, anh Huỳnh dặn mẹ đừng buồn vì sự hy sinh của anh. Bốn trang tiếp theo, anh Huỳnh viết cho người vợ trẻ thiệt thòi, lúc lấy anh chưa được mấy ngày đã phải một mình đằng đẵng ngóng tin từ chiến trường. Anh dặn vợ, có điều kiện thì “hay cứ bước đi bước nữa, đời còn trẻ lắm”, và đọc bức thư cho mọi người nghe tại lễ truy điệu anh. Và nữa, anh còn nhắn nhủ “nếu thương anh thật sự thì khi hòa bình có điều kiện hãy vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về “Nhan Biều 1” nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng, về đấy sẽ thấy mộ ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn”… Những trang tiếp theo của bức thư, liệt sĩ gửi lời chào anh chị, người cháu với những lời yêu thương. “Lần đầu tiên đến đây, xem các di vật, nghe kể các câu chuyện mới biết về sự khốc liệt của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tôi thực sự xúc động, lấy làm ngạc nhiên trước bức thư của liệt sĩ Huỳnh, biết trước sẽ hy sinh song vẫn bình thản. Liệt sĩ thương mẹ, yêu vợ và gia đình, chấp nhận đau lòng vì biết rõ người thân của mình sẽ đau khổ, nhưng cuộc chiến còn phía trước, nên anh phải tiến lên”. BỨC THƯ THIÊNG VÀ HÀNH TRÌNH TrỞ VỀ QUẢNG TRỊ Biên thư trong những ngày bom đạn giập nát trời Thành cổ Quảng Trị, thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được gửi cho gia đình anh. Song cơ duyên, ông Trần Khánh Khư ở khu phố 5, phường 2, thị xã Quảng Trị - nguyên là Trưởng ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị thời điểm 1998-2007 đã phát hiện, thuyết phục gia đình liệt sĩ đưa bức thư trở lại Thành cổ Quảng Trị. Ông Khư nhớ lại. Năm 2002, ông được một số cựu sinh viên chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị tổ chức chuyến đi về thắp hương cho liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Chuyến đi này trùng dịp 49 ngày tìm thấy và đưa hài cốt của liệt sĩ Huỳnh từ Quảng Trị về quê tại xã Lê Lợi huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình. Sau khi viếng tại nghĩa trang và tham gia các nghi lễ ở nhà của liệt sĩ, ông được gia đình tiết lộ về bức thư của liệt sĩ để lại. Biết ông Khư gắn bó với Thành cổ Quảng Trị, gia đình đồng ý cho ông đọc bức thư. Ông đọc từng chữ, từng câu người run lên xúc động… Nhận thấy bức thư là một kỷ vật linh thiêng của liệt sĩ, trong bức thư không chỉ có lời gửi gắm cho mẹ, cho vợ, cho anh chị và cháu mà cả tình yêu thương, sự tôn trọng, sự hy sinh vì quê hương, nên ông Khư mạnh dạn đề xuất với gia đình xin đưa thư về trưng bày ở Thành cổ Quảng Trị. Lúc đó, vợ và anh trai liệt sĩ Huỳnh im lặng. Ông Khư nói, nếu bức thư được đưa về Thành cổ Quảng Trị, sẽ được lan tỏa rộng hơn, sâu hơn và có ý nghĩa giáo dục lớn hơn cho các thế hệ mai sau. Tiếp đó, nhiều người đi trong đoàn đều lên tiếng thì mẹ, vợ và anh trai liệt sĩ Huỳnh đã đồng ý để ông Khư đưa bức thư thiêng về Thành cổ trưng bày. Vào cuối năm 2002, nhân buổi lễ tất niên tại Thành cổ với sự có mặt của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin và thị xã Quảng Trị cùng cán bộ, nhân viên, ông Khư mang bức thư của liệt sĩ ra đọc. Mọi người nghe xong đều xúc động, thậm chí không dám tin vào những gì viết trong thư. Các đoàn khách đến viếng ở Thành cổ, được nghe đọc bức thư ai cũng rưng rưng, nhiều người không cầm được nước mắt, khóc òa. Trong 81 ngày đêm lịch sử mùa hè đỏ lửa 1972 chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bất chấp mọi hiểm nguy, vượt sông Thạch Hãn giữa mưa bom, bão đạn chiến đấu ngoan cường để bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Máu xương các anh đã hòa vào dòng sông Thạch Hãn linh thiêng và nằm lại trong lòng đất mẹ Thành cổ- Quảng Trị anh hùng khi tuổi đôi mươi. Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, thị xã Quảng Trị đã tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh và đấu tranh ngoại giao, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975.