Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Thứ tư - 18/09/2024 21:33 36 0

Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Chữ quốc ngữ ra đời

Chữ quốc ngữ ra đời

“Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”
Từ xưa, nước ta dùng chữ Hán làm văn tự chính thức: học hành, thi cử, viết công văn, ghi sử sách, sáng tác văn chương… đều bằng chữ Hán cả. Song một văn tự ngoại lai dù có thông dụng đến đâu cũng không thể đáp ứng yêu cầu truyền tải lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của người Việt. Chính vì vậy chữ Nôm “đọc lên thế nào hiểu thế ấy” đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán không đáp ứng nổi.
Chữ Nôm là văn tự xây dựng trên cơ sở đường nét, cấu tạo của chữ Hán để ghi chép tiếng Việt. Như vậy, để biết chữ Nôm, nhất thiết phải giỏi chữ Hán. Chữ Nôm lại quá phức tạp, nhiều khi cùng một chữ, mỗi người viết một cách, hoặc nhìn một chữ, mỗi người đọc (và hiểu) một cách. Sự phiền phức ấy khó mà khắc phục!

Sự ra đời của chữ Quốc ngữ

Văn hoá phương Tây, trong đó có bảng chữ cái La tinh đã giúp giải quyết bế tắc đó. Nửa đầu thế kỉ 16, nước ta bắt đầu có sự tiếp xúc trực tiếp với phương Tây. Năm 1533, giáo sĩ Ignatio của đạo Cơ Đốc theo đường biển vào Đàng Ngoài, lén lút truyền đạo tại Nam Định. Năm 1596, giáo sĩ Diago Advarte đến Đàng Trong. Số người theo đạo đông dần, họ thành lập Giáo đoàn cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, trong đó Giáo đoàn Đàng Ngoài (Mission de Tonkin) do giáo sĩ Alexandre de Rhodes lập năm 1627.
Đến truyền đạo, đương nhiên họ phải học tiếng Việt và để học, họ phải ghi lại được tiếng nói của người bản xứ. Họ đã dùng chữ cái La tinh để phiên âm ngôn ngữ của người Việt. Điều này đã khiến chữ quốc ngữ ra đời. Có thể nói chữ quốc ngữ là thành quả chung của nhiều giáo sĩ đến từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, Hà Lan với sự hỗ trợ to lớn của rất nhiều giáo dân người Việt. Từ năm 1622, giáo sĩ Francesco Di Pina đã phát triển một hệ thống kí âm dùng chữ cái áp dụng cho ngữ âm và thanh điệu tiếng Việt, soạn một văn tuyển và viết cuốn sách ngữ pháp đầu tiên. Năm 1624, ông mở trường dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, một trong số những “học viên” đầu tiên chính là… Alexandre de Rhodes.
Dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển chữ quốc ngữ là việc xuất bản quyển Tự điển An Nam, Bồ Đào Nha, La tinh (nguyên bản Dictionarum Annamitum, Lusitanum et Latinum) do Alexandre de Rhodes biên soạn, in ở Roma năm 1651. Cũng năm ấy, ông cho in một cuốn sách nữa bằng tiếng Việt là Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức chúa Trời. Ngoài ra còn phải kể đến cuốn Tự điển Việt – Bồ của giáo sĩ Gaspar de Amaral và Tự điển Bồ – Việt của Antoine De Barbosa.
Nói đến công lao của những người đầu tiên đóng góp vào sự hình thành chữ quốc ngữ, không thể không nhắc đến Alexandre de Rhodes, một giáo sĩ dòng Tên mà trong các sách vở cũ gọi ông là A-lịch-sơn Đắc Lộ. Ông sinh năm 1593 tại Avignon, miền nam nước Pháp trong một gia đình gốc Do Thái, là một vị linh mục cường tráng và lạc quan, có kiến thức sâu rộng về thiên văn học và toán học, biết tới 13 thứ tiếng trên thế giới.
Đầu năm 1625, Alexandre cùng với bốn cha dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản cập bến Hội An, bắt đầu công việc truyền đạo của mình. Ông nhớ lại:
“Khi tôi vừa đến Đàng Trong, nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ có cha Francesco Di Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha kia. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt”… “Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa, chỉ trong vòng bốn tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau sáu tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt.”

Ông bắt đầu học tiếng Việt với thầy dạy là một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi và “Chỉ trong vòng ba tuần lễ, cậu bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng ba tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé.”
Nói được tiếng Việt, ông đã truyền giáo dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong và chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài.
Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Alexandre de Rhodes, nhưng các hoạt động truyền giáo của ông ở đây rất bấp bênh và trôi nổi. Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất đến sáu lần. Nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều tìm cách trở lại Việt Nam khi cơ hội cho phép. Năm 1651, ông cho in cuốn Tự điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) dựa trên các kí tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó. Sự kiện này thường được coi là đánh dấu sự ra đời chính thức của chữ Quốc ngữ. Linh mục Léopold Cadière đánh giá rất cao vốn hiểu biết tiếng An Nam sâu sắc của “cố Đắc Lộ”: “Mọi điều liên quan đến tiếng An Nam, phương ngữ Bắc Bộ và phương ngữ Nam Kì đều không phải là bí mật đối với ông… Ông còn cho chúng ta biết về thực trạng của tiếng An Nam cổ, những phong tục, tập quán ngày nay không còn và những thông tin mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác… Thêm nữa, về nghĩa của các từ, cuốn sách là một sự đảm bảo tuyệt đối, những khái niệm ngữ pháp ông thêm vào cuốn từ điển cho thấy ông hiểu biết sâu sắc về cấu trúc đôi khi rất phức tạp và tinh tế của cú pháp An Nam.”
Alexandre de Rhodes mất ngày 5 tháng 11 năm 1660 ở Isfahan, Ba Tư, 15 năm sau lần cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam. Chữ quốc ngữ thời mới phôi thai đương nhiên rất nghèo nàn, ví dụ Tự điển của Alexandre de Rhodes chỉ có 8000 từ, cách viết cũng khác nhiều và nếu so với chữ quốc ngữ ngày nay chỉ giống 45%. Số người sử dụng cũng chỉ quanh quẩn trong phạm vi nhà thờ Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, trong 300 năm tồn tại, nó đã được cải tiến nhiều lần để hợp lí hơn, chính xác hơn.
Giới nho sĩ và quan lại xuất thân nho học ban đầu bài xích loại văn tự mới này, nhưng dần dần họ nhận ra tính ưu việt của nó nên chẳng những chấp nhận mà còn cổ vũ dân chúng học chữ quốc ngữ.
Nhưng cũng phải đến đầu thế kỉ 20, nhờ hoạt động tích cực và hiệu quả của các nhà chí sĩ, trí thức theo xu hướng canh tân đất nước, đặc biệt do tác động của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907 – 1908) và Hội Truyền bá quốc ngữ (thành lập năm 1938), chữ quốc ngữ mới được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Và từ mùa thu năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chữ quốc ngữ đã trở thành văn tự chính thống của nước ta.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,450
  • Tổng lượt truy cập808,364
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây