Làng Đông Linh, tên gọi khác là Địa Linh vốn là vùng đất hình thành tương đối sớm thời vua Hùng nằm cạnh sông Hóa, thuộc xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, nay là thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ. Đầu thế kỷ I, Địa Linh vẫn còn đầm lầy, nổi lên nhiều gò đống do phù sa hai con sông chính là Cô và Hóa tạo nên, cư dân khắp nơi đổ về khai phá đất đai, dựng nhà lập nghiệp. Thần tích làng Đông Linh còn ghi, cuối thế kỷ X, một số dòng họ Phạm, Bùi, Phùng, Hoàng, Nguyễn, Nguỵ đến đây khai hoang, lập ấp.
Theo các tài liệu khảo cứu, dưới thời Lý - Trần, làng Đông Linh thuộc huyện Đa Dực, thời Lê đổi thành Phụ Phượng thuộc đạo Sơn Nam. Làng Đông Linh cuối thế kỷ XIX bao gồm cả làng Dục Linh của xã An Ninh hiện nay, do hình thành từ dải sa khoáng của các con sông, phía Tây hình thành sớm, phía Đông muộn hơn nên hai làng đều thờ chung thành hoàng, dân gian thường gọi nôm na là Tây Địa Linh và Đông Địa Linh. Khảo cứu lịch sử, văn hóa làng Đông Linh, bia ký năm Vĩnh Hựu (1737) còn ghi lời răn dạy con cháu trong làng của tiền nhân, trích đăng như sau: “Võ dĩ cường năng, nhược vô dĩ phú, bần vô hòa, âm bản vô háo tranh trụy. Phụ từ, tử hiếu, huynh hữu đệ cung, phu nghĩa phụ thỉnh, kính trưởng từ âu, vô dĩ phú như kiêu, phú như báo lễ, vô dĩ bản nhi xiễn, bần tự lạc, kiến nhân chí thiện, tác kính chí vật, mị tật nhi hĩ, ngọc dâu nơi kiến, nhân chi bất thiện, tắc cầm chi vật...”. Tạm dịch là: Không sợ bạo lực, coi thường phú quý, nghèo mà tranh tụng nhau là không tốt, cha hiền thì con hiếu, vợ chồng, anh em đoàn kết, thương yêu, kính già yêu trẻ, giàu không kiêu, giàu có càng phải giữ lễ, nghèo phải giữ cốt cách không thèm xu nịnh, phận nghèo nhưng vẫn vui, thấy người làm điều thiện không màng chi tiền bạc... Từ mảnh đất địa linh thêm phần giáo dưỡng đủ đầy, các dòng họ trong làng đoàn kết, gắn bó cùng chung sức xây dựng môi trường trong sạch, hiếu học cho con cháu. Câu đối đình Đông Linh khắc: “Văn vật thịnh hưng tuy vãng tiết/Tử tôn phục thủy liệt tư đình”.
Dưới thời phong kiến, Đông Linh là làng văn hiến, trong số 120 tri thức đại khoa, làng Đông Linh có 4 Tiến sĩ và Hoàng giáp. Bia ký của làng còn khắc ghi nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Đình Đông Linh là công trình kiến trúc quy mô lớn, có giá trị cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ và đá đầu thế kỷ XIX, đình được xây dựng, tôn tạo và bảo vệ khá tốt đến ngày nay. Đình thờ thành hoàng làng là nhân thần, công thần khai quốc triều Lê sơ, danh tướng Phạm Bôi (tức Lê Bôi). Danh tướng Phạm Bôi sinh ngày 15 tháng 2 năm Đinh Mão (1397) tại làng Đông Linh, thân phụ ông là Phạm Chương, thân mẫu ông là Phan Thị Tố. Từ nhỏ Phạm Bôi đã nổi tiếng là người học giỏi, thích tập võ nghệ... Phạm Bôi là thủ lĩnh của đội quân 500 người, tự vũ trang, tự xây dựng các đồn lũy ngay tại làng Nghìn và chặn đánh giặc Minh. Ông là 1 trong số 18 người được Lê Lợi chọn dự Hội thề Lũng Nhai. Theo các tài liệu khảo cứu, cuối thế kỷ XIV, triều đình nhà Trần suy vi, vận nước điêu linh, Hồ Quý Ly, một đại quan quý tộc thuộc hoàng thân quốc thích nhà Trần đã dần tiếm ngôi, nắm quyền lực điều hành triều chính; năm 1400, triều Trần suy diệt, nhà Hồ lên ngôi. Vừa tiếm ngôi, nhà Hồ gặp phải cảnh trong loạn, ngoài xâm lăng, mối xung đột biên cương phía Nam với Chăm pa lại nổi lên, phương Bắc nhà Minh rình rập xâm chiếm Đại Việt nhằm rửa mối hận thua đau thời nhà Trần. Năm 1406, nhà Minh phái đạo quân lấy cớ hộ tống Trần Thiêm Bình lưu vong đất bắc về nước hòng dựng lên một triều đại hậu Trần làm bù nhìn cho nhà Minh xâm lược Đại Việt nhưng nhà Hồ đã nhanh tay mai phục, đánh tan đạo quân nhà Minh, bắt sống Trần Thiêm Bình đem về kinh đô Thăng Long xử tội. Biết tin đạo quân hộ tống bị mai phục, nhà Minh cay cú lùa 20 vạn binh ồ ạt kéo sang nước ta, nhà Hồ cầm cự được nửa năm thì thất thủ, hào khí Đông A từng ba lần đánh tan Nguyên Mông, giữ đất nước hòa bình 5 thế kỷ tan biến; năm 1414, quân Minh kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Đại Việt, lập chính quyền đô hộ, đất nước rơi vào tay nhà nước phong kiến phương Bắc.
Sử cũ chép, sau Hội thề Lũng Nhai, cuối năm Đinh Dậu (1417) đã có 30 tướng võ trong đó có Lê Bôi, Lê Thạch, Đinh Lễ, Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân, Nguyễn Lý... một số văn thần như Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng... cùng hơn 200 quân “Thiết đột”, 500 nghĩa sĩ và dũng sĩ, 1.000 quân “Khinh dũng” và “Hộ vệ”, 4 thớt voi... Chiến thuật đánh giặc của nghĩa quân Lam Sơn là “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy yếu chống mạnh” nên ngay trong những ngày đầu gian khổ mặc dù kẻ thù ngày đêm lùng sục vây ráp hòng tiêu diệt nghĩa quân, Lê Bôi chỉ huy nghĩa quân lập nhiều chiến công hiển hách. Trong trận Bồ Hải (12 - 1424), Lê Bôi cùng các tướng Lê Lễ, Lê Sát... dùng phục binh đại phá giặc Minh diệt hàng nghìn giặc, trong đó có Đô ty Chu Kiệt khiến bọn Trần Trí, Sơn Thọ phải nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An cố thủ. Tháng 7 năm 1425 trong trận đánh mở rộng vùng căn cứ Tân Bình - Thuận Hóa, tướng quân Lê Bôi, Lê Ngân, Lê Văn An đem nghĩa binh chi viện cho Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ góp phần giải phóng nhanh Thuận Hóa mở ra cục diện mới cho nghĩa quân Lam Sơn từ thế bị động chuyển sang thế chủ động tấn công. Sau khi đại thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi, lập triều Lê sơ. Cùng nhiều danh tướng công thần khác, Lê Bôi lại ra sức giúp vua an dân trị quốc, tăng cường quốc phòng mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương, được Lê Thái Tổ tin yêu trọng dụng. Khi Lê Thái Tổ băng hà, Lê Thái Tông lên ngôi, Lê Bôi được triều đình giao làm “Đông đạo hành quân tổng quản” lo việc quân cơ quốc sự. Lê Thái Tông mất, Lê Nhân Tông kế vị, Lê Bôi được giao giữ chức “Nhập nội hành khiển” tước Thái bảo, ông lại ra sức phò vua, giúp nước. Liên tiếp ba năm (1444 đến 1446) vua nước Chiêm là Bi Cai quấy phá cướp bóc miền Châu Hóa, vua Lê Nhân Tông sai Thái bảo Lê Bôi cùng tổng quản Lê Khả đem quân bình Chiêm, bắt sống Bi Cai, góp phần giữ vững vùng đất phương Nam. Cuối triều Lê sơ, triều đình xảy ra sự biến thoán nghịch Thái tử Nghi Dân cùng đồng bọn đang đêm trèo tường thành vào cung giết chết vua Lê Nhân Tông cùng Tuyên Từ Thái hậu cướp ngôi. Trước sự phản nghịch vô đạo này, Lê Bôi đã cùng các trung thần khác là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thu góp công dẹp loạn Nghi Dân, đưa Thái tử Lê Tư Thành là người em khác mẹ của Lê Nhân Tông lên nối ngôi tức vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh nhất triều Lê sơ, mở ra sự phát triển cực thịnh của Đại Việt.
Đình Đông Linh, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thờ Thái bảo Lê Bôi (Phạm Bôi) và sáu người họ Phạm có công lao lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn làm thành hoàng làng. Đình nay còn lưu giữ được bức đại tự “Địa linh nhân kiệt” do vua Lê Thánh Tông ban tặng và một số câu đối cổ, trong đó có câu đối ghi: “Thất vị hạp lương năng, thinh khiếu đãng bình/Danh tướng anh thanh đằng Bắc địa/Nhất môn chung vĩ tích, Lê triều ban tặng/Phúc thần dị tướng túc Nam thiên”. Tạm dịch: Bảy vị gộp tài năng, đáp lời dẹp giặc/Danh tiếng anh hùng lừng đất Bắc/Một nhà chung công lớn/Lê triều ban tặng Phúc thần, danh tướng dậy trời Nam. Năm Quang Thuận thứ nhất (1460) vua Lê Thánh Tông xét ban quốc tính cho các công thần và con các công thần (phong tặng và truy tặng) trong đó tướng Phạm Dư là con trai Thái bảo Lê Bôi cũng được vua ban quốc tính. Sử cũ chép, trong cuộc chiến chống quân Minh hai cha con Lê Bôi và Lê Dư đều chiến đấu dưới ngọn cờ tụ nghĩa Lam Sơn và con trai Thái bảo Lê Bôi đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. |