Công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mất. Lời trăng trối của ông với con trai gọn lại chỉ có hai việc chính: Nếu chống lại được với họ Trịnh và Bắc tiến được thì tốt nhất, bằng không thì giữ vững đất Thuận Quảng và mở mang bờ cõi về phương Nam.
Lúc ấy, bản đồ giang sơn họ Nguyễn – được vua Lê phong là Trấn thủ Thuận Quảng – bắt đầu từ Đèo Ngang ở phía bắc đến đèo Cù Mông ở phía Nam (tức là từ địa phận Quảng Bình đến ngọn đèo cao 245 m, dài 7 km nằm giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên ngày nay).
Xứ Thuận Quảng gồm Thuận Hoá và Quảng Nam, vốn thuộc vương quốc Chămpa hay còn gọi là Chiêm Thành. Từ các thời Lí, Trần, Lê, nước này hay quấy nhiễu biên giới Đại Việt, bị đánh thua phải cắt đất cầu hòa; hoặc do vua Chămpa là Chế Mân dâng đất làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân đời Trần, nên vùng đất này được sáp nhập vào Đại Việt…
Mở rộng bờ cõi phía nam
Năm 1611, chỉ hai năm trước khi mất ở tuổi 89, chúa Tiên đã đáp trả những cuộc tấn công khiêu khích của vương quốc Chămpa, lập ra phủ Phú Yên, đưa dân lưu tán đến khẩn hoang. Lên thay cha, chúa Sãi một lòng một dạ lo việc nước. Trong khi đang phải lo đối phó với Trịnh, chúa được tin viên Lưu thủ cai quản phủ Phú Yên là Văn Phong dựa vào Chămpa làm phản, thế lực rất mạnh. Phải có người tài mới dẹp được y. Chúa nghĩ ngay đến phó tướng Nguyễn Hữu Vinh còn rất trẻ, con trai danh tướng Mạc Kính Điển, đã được ông cho đổi họ. “Hổ phụ ắt sinh hổ tử”, chúa nghĩ và liền giao việc ấy cho Vinh. Chẳng những ông cho Vinh đặc quyền dùng ấn son mà còn gả con gái là Ngọc Liên cho. Được chúa tin tưởng, Nguyễn Hữu Vinh đã tốc chiến tốc thắng, chém đầu Văn Phong, đoạt lại phủ Phú Yên. Chúa đổi vùng đất này thành dinh Trấn Biên.
Mặc dù vậy, chúa vẫn chưa yên tâm. Nếu mấy nước láng giềng Chămpa, Chân Lạp cứ nhũng nhiễu thì không thể tập trung đương đầu với họ Trịnh. Vừa may, sứ giả Chân Lạp đến cầu hôn quận chúa Ngọc Vạn cho vua Chey Chetta II. Ông vua này mới lên ngôi, muốn dựa vào sức mạnh của Đàng Trong để chống lại sự xâm lược của Tiêm La (còn gọi là Xiêm La, tức Thái Lan). Thật là một dịp may hiếm có. Song Ngọc Vạn đã được hứa gả cho Trần Đình Huy, con một đại thần thân tín trong triều. Vì lợi ích quốc gia, chúa cho gọi đôi trẻ đến nói chuyện. Cả hai đã gạt bỏ tình riêng, để Ngọc Vạn lên đường theo chồng về xứ lạ. Bà hoàng hậu người Việt được vua Chân Lạp quý mến, nói gì nhà vua cũng nghe. Nhiều người Việt theo bà đến kinh đô Oudong lập nghiệp, buôn bán, mở xưởng thủ công hoặc đi sâu hơn nữa vào những vùng đồng lầy khai khẩn đất hoang.
Năm 1623, chúa Sãi yêu cầu được đặt hai trạm thu thuế ở Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé) để phát triển doanh thương. Vua Chey Chetta II đã vui vẻ nhận lời và còn khuyến khích dân Việt đến làm ăn khiến số người Việt ở đây tăng nhanh. Trong thời gian này, chúa Sãi đã hai lần giúp con rể đẩy lùi quân Tiêm La sang xâm lược. Christopher Borri, giáo sĩ người Ý truyền đạo tại Quy Nhơn, có viết trong cuốn hồi kí được xuất bản năm 1631 như sau:
“Chúa Nguyễn luôn thao luyện quân và đã từng đưa quân đội giúp vua Cao Miên. Chúa viện trợ cho vua Cao Miên thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm.”
Hoàng nữ Ngọc Hoa, người xinh đẹp nhất trong bốn cô con gái của chúa Sãi cũng không chịu thua chị kém em. Nàng tình nguyện sang Chămpa trong vai một nhà buôn lớn. Vua Po Romé nghe đồn về cô lái buôn giàu có xinh đẹp, bèn cho mời vào cung. Vừa thấy Ngọc Hoa, ông như bị hút hồn, lập tức đòi lấy làm hoàng hậu. Ngọc Hoa ở đất Chămpa hơn 20 năm, được vua yêu gọi là Bia Út. Nàng xin chồng đưa người sang lập nghiệp, giữ cho hai nước được hoà hiếu. Thật không may, năm 1653 đất nước này xảy ra nội loạn, cả vua Po Romé và hoàng hậu Ngọc Hoa đều bị giết. Được tin, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần lập tức đưa quân sang dẹp loạn. Chămpa xin hàng. Chúa Hiền cắt từ sông Phan Lang trở vào cho vua Chămpa, còn từ sông Phan Lang trở ra lấy làm phủ Thái Ninh, sau đổi làm phủ Diên Khánh, nay thuộc Khánh Hòa. Nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải có câu vịnh hai chị em Ngọc Vạn, Ngọc Hoa:
Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài
Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai
Noi gương Hoa, Vạn hai công chúa
Một sớm ra đi mở đất đai.
Song song với việc mở rộng lãnh thổ ở miền Trung, trong hai thế kỉ 16, 17, nhiều nhóm nhỏ di dân người Việt ở miền Bắc, miền Trung đi về phương Nam tìm đất sống. Thường họ vào theo đường biển và đường bộ, đến miền Đông Nam Bộ khai khẩn những vùng đất cao ven sông, nơi có nước ngọt hay những vùng giáp ranh con nước ngọt mặn. Một số là dân các vùng đói kém, bỏ quê hương đi tha phương cầu thực, nhưng cũng có người là tù binh trong cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn. (Có lần chúa Nguyễn tấn công ra Bắc, khi rút về đã bắt theo ba vạn dân Đàng Ngoài vào khẩn hoang.) Tất cả đều được chính quyền Đàng Trong tạo điều kiện cho đi khai mở những vùng đất mới. Sự việc chúa Sãi lập hai trạm thu thuế ở Sài Gòn và Bến Nghé đánh dấu việc chúa Nguyễn chính thức đặt chân tới vùng này. Đây là vùng rừng rậm hoang vắng, nhưng cũng là địa điểm qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Campuchia và Xiêm La. Chẳng bao lâu, vùng đất xung quanh hai trạm thu thuế đã trở thành thị tứ trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập.
Những năm sau đó, ở Chân Lạp xảy ra cuộc tranh giành quyền lực liên miên. Các phe phái đánh lẫn nhau thường phải dựa vào chúa Nguyễn, và họ đều cắt đất để trả giá cho sự bảo trợ. Chúa Nguyễn cho lập các đồn binh, vừa để hỗ trợ quân sự, vừa để thực thi nhiệm vụ lập làng chia xóm, tổ chức phố chợ, thu thuế như một hình thức chính quyền bán chính thức…
Bấy giờ, người nhà Minh bên Trung Quốc bỏ nhà Thanh chạy sang ta rất nhiều. Cuối năm 1679, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cho phép các đoàn người của Trần Thượng Xuyên vào Biên Hòa, Dương Ngạn Địch vào Mỹ Tho. Đó là những vùng đất đã có lưu dân người Việt khai hoang lập ấp từ đầu thế kỉ 17. Mỗi đoàn Minh hương gồm nhiều ngàn người, họ lập phố xá buôn bán, cũng làm nghề nông nhưng ít hơn làm thương nghiệp. Nông Nại đại phố (ở Biên Hòa) sớm trở thành một trung tâm thương mại có nhiều tàu ngoại quốc tìm đến. Người Minh mau chóng được Việt hóa.
Năm 1693, vua Chămpa là Bà Tranh (Po Saot) tỏ ý đối nghịch, không chịu tiến cống. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Tổng binh Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đi bắt về. Chúa đổi đất Chămpa thành Thuận Phủ (nay thuộc Bình Thuận) và giao cho con cháu của Bà Tranh làm đề đốc trấn giữ. Bốn năm sau, chúa đổi Thuận Phủ ra làm Thuận Thành trấn và dành cho người Chăm cơ chế tự trị dưới sự bảo hộ của mình.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu lại sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lí miền Nam. Tại những vùng lưu dân Việt Nam tự phát tới khẩn hoang lập ấp, ông chia thành nhiều đơn vị hành chính: lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay); lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Sài Gòn)… Mỗi trấn có lưu thủ quản trị, dưới có cai bạ coi về ngân khố và kí lục coi về hình án. Trấn Biên bao gồm từ Bình Thuận đến Nhà Bè. Phiên Trấn từ Tân Bình đến Cần Giuộc (Long An). Phủ Gia Định ngày đó gồm từ Bình Thuận, Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè đến Long An. Địa bàn Đồng Nai, Gia Định được nới rộng thêm ra hàng ngàn dặm vuông, các chủng dân được quy tụ thành chòm xóm. Dân số có đến 40.000 hộ. Dân gốc Hoa đều nhập sổ bộ Đại Việt.
Trong số người Minh bỏ nước ra đi về phương Nam còn có một lực lượng đông đúc khác là Mạc Cửu, người gốc Quảng Đông. Ông mở rộng vùng đất Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc khi đó thuộc Chân Lạp nhưng Chân Lạp không kiểm soát được. Năm 1708, để tránh bị Xiêm La thường xuyên sang cướp phá, ông xin sáp nhập vào Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Chu đổi thành trấn Hà Tiên, phong Mạc Cửu làm Tổng binh, cai quản vùng đất này.
Khi Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Mạc Thiên Tích) được kế vị cha. Mạc Thiên Tứ đắp thành, xây lũy, mở chợ, làm đường và đưa người về dạy Nho học để khai hóa đất Hà Tiên. Trong các năm từ 1735 đến 1739, ông mở rộng đất đai sang bán đảo Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, sáp nhập vào trấn Hà Tiên, coi như thuộc lãnh thổ Đàng Trong.
Năm 1755, biết vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Ang Tong) thông sứ với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài để lập mưu đánh mình, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát sai Nguyễn Cư Trinh đem quân sang trừng phạt. Nặc Nguyên thua phải chạy sang Hà Tiên nương nhờ Mạc Thiên Tứ, rồi xin dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (nay là Tân An và Gò Công) cho chúa Nguyễn để tạ tội. Sự tranh chấp quyền lực trong triều đình Chân Lạp diễn ra gay gắt. Các phe phái tiếp tục lấy việc cắt đất để tranh thủ sự giúp đỡ của chúa Nguyễn và Mạc Thiên Tứ, đến nỗi đất đai chẳng còn bao nhiêu. Sau này, vào đầu thế kỉ 20, khi thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, họ đã phải điều chỉnh một phần đất cho Cao Miên, một thành viên trong Liên bang.
Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, chính quyền Đàng Trong lần lượt đưa người ra khai thác và kiểm soát các đảo và quần đảo trên biển Đông và vịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được khai thác và kiểm soát từ đầu thế kỉ 17, Côn Đảo từ năm 1704, Phú Quốc từ năm 1708 và quần đảo Trường Sa từ năm 1711.
Công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt đã khiến cho lãnh thổ nước ta không chỉ rộng ra trên đất liền mà còn vươn xa ra biển lớn!
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc