Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Thứ ba - 11/02/2025 18:06 25 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Nguyễn Cao Kỳ và Trần Văn Đôn thuật lại cuộc tấn công mùa xuân 1968

Bà Mai Anh ( vợ ông Thiệu) nói bóng gió về sự bất tiện của việc máy bay Kỳ làm ồn cái “vườn địa đàng” của bà mỗi sớm. Vì nó đáp ngay trên mái phòng ngủ Tổng thống Thiệu tại tầng 4 dinh Độc Lập. Rồi ra cánh quạt không kiêng nể gì của nó sẽ khiến vườn hoa non nớt mà bà sắp trồng trên đó phải tả tơi vì gió!
Nghe chuyện, Kỳ làm thinh, hiểu chuyện và mấy bữa sau thôi không hạ cánh trên bệ trực thăng ở nóc dinh nữa. Ông đáp xuống bãi cỏ dưới đất, phía đại sảnh nhìn ra. Kỳ gọi “đây là trường hợp điển hình của Thiệu; dù cho tiếng ồn ào đã làm cho ông ấy thức giấc, ông đã không tự mình nêu lên” mà đùn vợ ra nói! Với Kỳ, từ “chuyện nhỏ” đó tới “chuyện lớn” ông Thiệu luôn là người đưa đẩy công việc khó khăn cho kẻ khác, bo bo lo lấy thân mình, như hồi 26.4.1975 đã chạy trước khỏi Sài Gòn và chấm dứt 9 năm cầm quyền ở dinh Độc Lập.
Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay) từng bị tiến công bất ngờ lúc 1 giờ khuya mồng một rạng ngày mồng hai Tết Mậu Thân 1968. Cụm biệt động thành thuộc đơn vị F.100 bí mật di chuyển từ hướng khu vực đường Trần Quý Cáp (tức đường Võ Văn Tần, quận 3 hiện nay) về phía trung tâm trong đêm tối.
Đúng giờ nói trên, họ đột ngột xuất hiện trước cổng dinh Độc Lập phía trổ ra đường Nguyễn Du và nổ súng, bắn hạ ngay toán lính gác. Lực lượng phòng vệ phủ tổng thống sau phút đầu hoảng hốt, quay ra đánh trả. Hai bên giao tranh quyết liệt suốt đêm. Qua sáng mồng hai, quân Sài Gòn tăng cường từ các ngả vây đánh, có xe tăng yểm trợ. Hỏa lực từ trong dinh bủa ra càng mạnh. Thấy tình thế bất lợi, cụm biệt động rút vào các dãy lầu, cố thủ trên tầng cao nhà 56 đường Thủ Khoa Huân, tiếp tục chiến đấu đến khuya mồng hai Tết. Bắn hết đạn, 8 người hy sinh, đội biệt động còn lại 7 người, chuyền qua các mái nhà lân cận về khu chợ Bến Thành, nhưng họ bị bắt tại khu vực đường Gia Long cũ …
Khi cuộc tiến công nổ ra, Thiệu đang ở Mỹ Tho. Westmoreland ở Sài Gòn sửng sốt dẫu đoán biết chắc chắn “có cuộc tiến công quan trọng được địch trù tính mở trong dịp Tết”, nhưng một trong những vị tướng tài ba nhất này của nước Mỹ thật sự kinh hoàng trước quy mô toàn miền, khí tiết đương đầu cảm tử trong những trận đánh rung chuyển Sài Gòn để chiếm Tòa đại sứ Mỹ chẳng hạn. Tòa đại sứ Mỹ bị đánh vỗ mặt khiến dư luận nước Mỹ rúng động, Westmoreland có mặt tại chỗ sau khi trận đánh kết thúc và lính nhảy dù Mỹ được tung xuống nóc nhà đại sứ, đã kể lại trong hồi ký:
“Các nhà báo và các nhà quay phim vô tuyến truyền hình Mỹ hình như có mặt khắp mọi nơi. Nét mặt họ ánh lên nỗi buồn bực và tâm trạng không tin tưởng như thể giờ tận cùng của thế giới đã đến nơi rồi”.
Vào thời điểm đó, Westmoreland muốn che giấu tâm trạng đang có, thậm chí “nói trái ngược với tin đồn: không một Việt Cộng nào vào được trong sứ quán (!). Sứ quán chỉ hư hại nhẹ (!!)”. Những lời đó thật vô ích, bị dư luận công kích, như Don Oberdorfer báo Washington Post viết: “Cuộc tấn công vào sứ quán hình như đã bác bỏ những lời dự đoán có tình chất tô hồng và những lời khoe khoang thắng lợi mà Westmoreland và những người khác đã tung ra”.
Oberdorfer nói các nhà báo khó mà tin ở lỗ tai mình nữa. Westmoreland đã phải đứng trước cảnh đổ nát và nói mọi việc đao to búa lớn! Chính Westmoreland đưa nhận xét đó của Oberdorfer  vào hồi ký của mình sau này: “Thái độ của nhà báo Mỹ chắc chắn đã góp phần vào thắng lợi tâm lý mà địch đã giành được ở Mỹ”.
Không chỉ Tòa đại sứ Mỹ và Dinh Độc Lập, hai cơ quan đầu não của Mỹ nhà nhà cầm quyền Sài Gòn, mà còn 7 mục tiêu nữa tại nội thành được Bộ Chỉ huy Miền chỉ thị đánh chiếm, hoặc làm tê liệt một thời gian, chờ lực lượng mũi nhọn bên ngoài vào tiếp ứng.
Tất cả gồm 9 mục tiêu: 1/ Dinh Độc Lập, 2/ Đài Phát thanh, 3/ Bộ tổng tham mưu Sài Gòn, 4/ Đại sứ quán Mỹ, 5/ Sân bay Tân Sơn Nhất, 6/ Tổng nha Cảnh sát, 7/ Biệt khu thủ đô, 8/ Bộ tư lệnh Hải quân, 9/ Khám Chí Hòa. Các đội biệt động đồng loạt ra quân theo giờ quy định. Súng nổ khắp nơi, Nguyễn Cao Kỳ viết: “Khi đó ông Thiệu không có mặt ở Sài Gòn và với tư cách là phó tổng thống, tôi đã lãnh trách nhiệm đối phó với cuộc tấn công này. Vào 4 giờ sáng, chỉ huy trưởng căn cứ không quân đã báo cho tôi biết như sau: Bộ đội Cộng sản hiện đang có mặt ngay cả bên trong căn cứ. Tôi không nghĩ rằng tôi có thể ngăn chặn họ lâu hơn nữa; phó tổng thống và gia đình nên rời khỏi nơi đây”.
Kỳ lại càng luýnh quýnh hơn khi được báo: “Cộng quân đã nổ súng vào cổng Phi Long của Bộ tổng tham mưu từ lúc 2 giờ khuya” (31.1.1968). Theo tài liệu của ban nghiên cứu lịch sử Đảng TP. Hồ Chí Minh, 2 cánh quân biệt động thành đánh vào Bộ Tổng tham mưu do Ba Phong, Ba Tâm và Đức chỉ huy, gồm 27 người thuộc cụm số 679. Cả hai cụm lợi dụng địa hình khu vực đường Trương Quốc Dung, chiến đấu từ khuya mồng Tết tới sáng mồng hai. Không đẩy lùi cụm 679 ra khỏi khu vực nổi, Bộ tham mưu Sài Gòn điều lực lượng thiết giáp và tăng thêm bộ binh đến đánh. Hồi ký Trần Văn Đôn viết:
Mồng một Tết, lính Việt Cộng vào đến Bộ tổng tham mưu mà không ai hay. Ở Tổng tham mưu, cổng chính trước  là nơi dành cho sĩ quan ra vô. Việt Cộng đã tìm hiểu kỹ nên cho một toán vào cổng sau hô lớn: Đảo chánh! Đảo Chánh!”. Lính gác ở Tổng tham mưu tưởng thật, để lọt vào trong”.
Lọt vào trong cổng số 4 Bộ tổng tham mưu Sài Gòn lúc 7 giờ 5 phút sáng 1.2.1968 là một mũi tiến quân khác của tiểu đoàn bộ binh số 2 tức tiểu đoàn Gò – Môn (Gò Vấp – Hóc Môn) từ ngoại ô bôn tập ép sát mục tiêu từ 4 giờ sáng hôm đó. Mũi này khống chế ngay khu vực đã chiếm. Tới 9 giờ, Bộ tổng tham mưu Sài Gòn buộc phải tung tiểu đoàn 8 nhảy dù thuộc lực lượng tổng trù bị với thiết giáp xa yểm trợ mở cuộc phản công lấy lại cho được khu cổng số 4 vừa mất. Bộ binh quân giải phóng sử dụng ngay đại liên vừa tịch thu được và tựa vào thế phòng thủ từ các công sự đào sẵn, hất ngược các đợt phản kích trong ngày. Quân dù Sài Gòn không tiến lên nổi. Để chiếm ưu thế tỏa rộng tầm hỏa lực, tiểu đoàn số 2 Gò – Môn chế ngự các cao ốc đường Võ Di Nguy quét co cụm lại và bắn cháy một tăng M41 trên đường. Qua ngày hôm sau, tiểu đoàn 2 chiến đoàn B thủy quân lục chiến bổ sung từ Cai Lậy về tham chiến cũng bị quân giải phóng đánh bật. Lần này, Bộ tổng tham mưu  Sài Gòn tung thêm một tiểu đoàn nhảy dù nữa, tiểu đoàn 6 thuộc lực lượng tổng trù bị vào mặt trận! Westmoreland viết:
Đáng lo ngại về mặt quân sự hơn hết là các cuộc tấn công vào Tân Sơn Nhất, khu Bộ tổng tham mưu cạnh đó …”. Mặc dù trực thăng Mỹ tuôn đạn xối xả khu vực, cuộc tấn công vẫn tiếp tục “ngoài dự kiến” như nhận xét của Westmoreland.

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế. © Bản quyền các bài viết và bài dịch thuộc về các tác giả, dịch giả và Dự án Nghiên cứ:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay4,969
  • Tháng hiện tại83,873
  • Tổng lượt truy cập1,761,006
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây