Trả lời phỏng vấn của Howard Tuckner thuộc hãng vô tuyến truyền hình ABC nhằm ngày “ông Táo về trời” 23 tháng Chạp, Westmoreland phản đối dữ dội những nhân vật hàng đầu chủ trương ngừng ném bom toàn bộ miền Bắc Việt Nam như hai thượng sĩ Fulbright và Robert Kennedy. Lý do gần nhất mà Westmoreland nêu ra là: “Càng sát ngày Tết, tôi càng lo lắng nhiều hơn trước việc địch tăng cường binh lực ở phía Bắc khu phi quân sự” nằm bên kia sông Bến Hải.
Bên này sông, phía Nam, theo Westmoreland là nơi tiếp nhận sự tăng cường binh lực đổ vào hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị để mở chiến trận mới dịp Tết. Ngay thời điểm có cuộc phỏng vấn trên, Westmoreland nóng lòng điện cho tướng E.Weeler vào 22.1.1968 nói:
“Địch có thể phát động một cuộc tấn công bằng nhiều tiểu đoàn vào Huế và đánh cả thị xã Quảng Trị”, vì vậy “nếu Mỹ ngừng ném bom nói chung thì vẫn phải tiếp tục ném bom ngay xuống phía Bắc khu phi quân sự là nơi đối phương đang tập trung quân” để ngăn chặn… Trước thái độ quyết liệt trên, đại sứ Bunker yêu cầu Washington chấp thuận những đề nghị từ “thực tế chiến trường” của Westmoreland luôn cả việc “hủy bỏ hoàn toàn lệnh ngưng bắn trong dịp Tết tại hai tỉnh phía Bắc là Quảng Trị và Thừa Thiên”.
Washington chuẩn y.
Như vậy, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam vẫn đặt hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế trong tình trạng chiến đấu và các cuộc ném bom của Mỹ ở vùng phi quân sự sát liền với hai tỉnh trên vẫn tiếp tục trong những ngày Tết. Nhưng hai biện pháp đó không sứt mẻ gì đến toàn bộ kế hoạch của chiến dịch khu Trị Thiên (mà trọng điểm là thành phố Huế) xuân Mậu Thân 1968 được giữ hoàn toàn bí mật cho đến lúc đó. Kỷ luật bảo mật ngay từ phòng họp, tất cả ghi chép, ghi lời phát biểu phải để lại:
– Không đuợc mang theo một mảnh giấy, chỉ được ghi nhớ bằng bộ óc mà thôi.
Ngay cuộc họp đầu tiên tại Động Chuối, chánh văn phòng Khu ủy Hoàng Phương Thảo thu tất cả sổ tay bỏ vào hòm sắt khóa kỹ, Bí thư Thành ủy Huế bấy giờ là Lê Minh được chỉ định làm chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy chiến dịch toàn khu Trị – Thiên kể:
– Để bảo mật, các đơn vị tập dượt các mục tiêu ỏ Huế đều không chọn người địa phương ra, chỉ lấy người quê xa tới để họ không biết là mục tiêu gì, ở đâu; tuyệt nhiên không ai biết được rằng sắp “đánh Huế”. Tuy vậy, dần dần qua bài bản, có thể đoán chừng trong đầu, nhưng vẫn không biết là đánh ai, đánh cụ thể vào đâu, đánh lúc nào.
Tình báo Mỹ có thể nghe ngóng động tĩnh, dự đoán có cuộc tấn công, nhưng chi tiết quân sự thì chịu bí. Những tin tức có tính cách “dự báo thời tiết” chung chung lắm khi về đến Washington và biến mất trong núi hồ sơ lưu trữ; như Westmoreland nêu:
“Mặc dầu tôi đã báo cáo với Washington ngày 22.1.1968 (10 ngày trước khi cuộc tiến công mở màn) là dự kiến sẽ có nhiều tiểu đoàn Việt Cộng đánh vào Huế. Tôi được biết sau đó, vì lý do gì đấy (?), thông báo này không đến được với nhóm cố vấn của MACV đóng ở một doanh trại nhỏ tại Huế”.
Trong lúc đó, Bộ chỉ huy chiến dịch với chính ủy Lê Chưởng, Phó tư lệnh Nam Long, tham mưu trưởng Đặng Kính… rà soát lại kế hoạch ra quân. Mặt trận thành phố Huế chia làm hai cánh. Cánh Nam do Thân Trọng Một làm chỉ huy trưởng. Ông Thân Trọng Một là vị chỉ huy nhiều huyền thoại trong trận đánh khách sạn Hương Giang cách đó hơn một năm, có người căng thẳng hỏi “địch dàv đặc như thế vô đánh được đã khó mà đánh xong lại không có đường rút ra làm thế nào?”. Ông Một bảo:
– Rút ra à? Như con chí trên đầu, thấy đó còn chưa bắt được, huống chi cả thành phố, làng mạc, đuờng sá như vậy, làm sao bảo không ra được. Đi cả đoàn thì không được, nhưng đi từng người làm sao bắt?
Chỉ huy trưởng Lê Minh nhắc chuyện đó, cho biết: “Trung tâm chỉ huy lúc đó chỉ cách Huế 5 km mà địch không hề biết”. Khi mọi việc chuẩn bị hoàn tất, mặt trận xin thêm trung ương chuẩn bị 1 sư đoàn bộ binh, 500 tấn đạn, 1.000 tấn gạo dự bị. Giờ G ấn định lúc 2 giờ 30 ngày 31.1.1968 tức rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân. Lịch chung cho toàn quân về Huế là ăn Tết ngày 30, sáng mồng 1 Tết: ngủ nhưng không ai ngủ được. Chiều mồng 1 Tết: thông báo chính thức tiến đánh “giải phóng Huế!”. Mọi người vỗ tay, reo hò. Ông Lê Minh ghi lại những giờ phút ra quân đó:
“7 giờ tối ngày mồng 1 Tết Mậu Thân, bắt đầu rời cửa rừng, quân đi lặng lẽ trong đêm tối, mưa lâm râm, sương mù đầy trời… Bộ chỉ huy chiến dịch đã lập một bộ phận tiền tiêu do anh Đặng Kính trực trên đỉnh núi Kim Phụng, nhìn thấy cả Phú Bài và Tử Hạ (…). Anh Kính báo về cứ 5 phút một: yên tĩnh!”.
Lúc đó, Bộ chỉ huy Sư đoàn 1 của Ngô Quang Trưởng vẫn chưa hay biết đích xác giờ G đã tới. Ông ta thấy Huế im lìm suốt ngày mồng 1 Tết như Westmoreland viết: “Trongngày đầu của năm mới âm lịch (30.1.1968), đã có những dấu hiệu rõ ràng của tình báo cung cấp cho thấy địch đang chuyển quân về Huế, nhưng tin đó trước hết phải được chuyển tới Bộ Chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ III ở Đà Nẵng để phân tích. Sau đó mới chuyển cho nhóm cố vấn của Mỹ ở Huế, thì thời gian có ích đã qua mất rồi.
Tuy nhiên, sự báo động cũng được đưa ra vào phút cuối cùng. Các cuộc tấn công trước đó của địch ở các nơi khác (như Đà Nẵng, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Tân Cảnh, Kon Tum, Quy Nhơn, Pleiku vào đêm giao thừa) cộng với những tin tức lẻ tẻ khác, đã khiến cho người chịu trách nhiệm bảo vệ Huế – tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Sư đoàn 1 của Nam Việt Nam – thấy rằng “có chuyện gì đó” xảy ra.
Phần lớn quân của Trưởng đã ra ngoài thành phố nhưng bộ chỉ huy sư đoàn của ông vẫn ở Thành Nội. Trưởng đã báo động lệnh cho toàn bộ nhân viên của sư đoàn ông phải ở lại đêm tại sở chỉ huy. Những việc đề phòng đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến đấu sắp diễn ra (vào sáng sớm mồng 2 Tết) và đảm bảo cho quân Nam Việt Nam giữ được một bộ phận của Thành Nội nhưng những việc đó không có giá trị gì nhiều đối với cuộc tấn công mở màn của địch. Địch đã vào Huế ban đêm”.
Đêm đó, 1 giờ sáng mồng 2, Trung đoàn 6 báo chiếm lĩnh trận địa đầu tiên, cánh Nam báo chiếm lĩnh 2 mục tiêu ưu tiên. Ông Lê Minh kể: “Đến 2 giờ 35 phút: tất cả đều nổ súng đồng loạt vang trời, đêm sáng rực lên như pháo hoa, đẹp vô cùng. Anh Quang điện về Bộ chỉ huy chúng tôi: “Chúc mừng thành công” (…). 6 giờ sáng: điện báo chiến thắng khắp nơi, 11 giờ sáng mồng 2, từ trên đỉnh Kim Phụng, có thể thấy lá cờ Mặt trận Giải phóng bay trên đỉnh kỳ đài Huế. Tất cả những ai đang ở cánh rừng phía Tây đều hướng về phía Huế reo hò. Đó là giây phút đẹp nhất của đợt tiến công. Tiếp đến là cuộc chiến đấu dài ngày ác liệt, giao tranh trên từng góc phố …
Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế. © Bản quyền các bài viết và bài dịch thuộc về các tác giả, dịch giả và Dự án Nghiên cứ:
Ý kiến bạn đọc