Nguyễn Xí, một danh tướng uy dũng của Lê Lợi (Phần 1)

Thứ tư - 26/06/2024 19:46 156 0

Nguyễn Xí, một danh tướng uy dũng của Lê Lợi (Phần 1)

Chuyện kể về Nguyễn Xí, một danh tướng uy dũng của Lê Lợi đã lập được nhiều đại công trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược

1. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ bàn mưu tính kế
Một đêm vào cuối mùa thu năm Bính Ngọ (1426), trời Lam Sơn trong vắt, nhiều sao. Khi mảnh trăng hình lưỡi liềm nhô lên sau đỉnh đồi, núi rừng Lam Sơn đã rầm rập bước chân người. Đây là lần thứ ba, trong vòng hơn một tháng, các đạo quân Lam Sơn tiến ra Đông Quan. Hai ngàn quân tinh nhuệ nối nhau dưới chân đồi, đợi lệnh lên đường.
Ngồi trên lưng ngựa, viên thượng tướng trẻ tuổi len giữa hàng quân, chờ đợi.
Đã hơn 10 năm, từ khi rời quê hương huyện Chân Phúc [1] về Lam Sơn tìm minh chủ để giết giặc cứu nước cứu nhà đến nay, không biết bao nhiêu lần người con trai ấy cùng đội thiết đột của mình xông vào trại giặc. Từ lúc nghĩa quân còn bị vây khốn ở Chí Linh đến trận đột kích đồn Đa Căng mở đường tiến vào Nghệ An (1424), rồi trận Bồ Đằng, trận Trà Long, trận Khải Lam, Bồ Ải và tiến lên vây thành Nghệ An, người con trai đất Chân Phúc đã cùng với nghĩa quân Lam Sơn sống những ngày gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt. Trên đường tiến vào Nghệ An, mỗi bước quân đi là thành giặc tan tành, quân Minh kinh hồn bạt vía. Cho đến nay, suốt dải đất từ Thanh Hóa trở vào hầu như vắng bóng giặc. Chúng hoảng sợ, rút vào cố thủ trong một số thành trì, chịu số phận cá nằm trên mặt thớt.
Năm tháng trôi đi, cùng với nghĩa quân trưởng thành trong chiến đấu, người con trai vốn quen nghề buôn muối [2] ấy đã trở thành viên thượng tướng của đoàn quân bách chiến.
Mặt trăng mỗi lúc một lên cao, tiếng gà gáy sáng đã vang rộn, viên thượng tướng lại càng sốt ruột vì chưa thấy phát lệnh xuất quân. Vừa lúc đó người lính hầu cận của quan Tư Không Đinh Lễ từ đầu đoàn quân phi ngựa tới:
– Thưa thượng tướng, tiền quân đã chuẩn bị xong, xin thượng tướng cho quan Tư Không biết tình hình hậu quân ra sao?
– Ta đang chờ lệnh chuyển quân, mọi việc đã xong xuôi. – Viên thượng tướng vừa dứt lời, không kịp chào người lính đã quay ngựa. Một lát sau, tiếng pháo lệnh xé trời. Viên thượng tướng xuống ngựa, trao cương cho người lính tùy tòng, hòa mình vào đoàn hậu quân, bước vội trên đường đồi quen thuộc.
Viên thượng tướng trẻ tuổi đang cùng đại quân tiến như vũ bão về phía sào huyệt của giặc, chính là Nguyễn Xí.
Phía Đông Nam thành Đông Quan, làng Thanh Đàm nằm bên dòng Nhị Hà vẫn yên tĩnh. Trong khi đó ở các mặt Tây, Tây Nam sào huyệt của giặc, chiến sự không mấy ngày không xảy ra. Nhưng bên trong cái vẻ yên tĩnh bề ngoài ấy, làng Thanh Đàm và các vùng phụ cận đang như một đống lửa ủ kín, đợi dịp để bùng lên.
Hơn một tháng trời lặng lẽ đóng quân ở đây, mấy hôm nay đạo quân thứ ba của nghĩa quân Lam Sơn đang gấp rút sửa soạn nhận lệnh mới.
Sau khi đi kiểm tra lại các cơ ngũ, thượng tướng Nguyễn Xí trở về bản doanh thì đã xế chiều. Tháng 10 ngày ngắn trời lấm tấm mưa, thời tiết bắt đầu lạnh. Vừa đặt người xuống ghế ngồi chưa ấm chỗ, Nguyễn Xí được tin quan Tư Không Đinh Lễ trở về. Nguyễn Xí vội vã đi ra cửa. Trông thấy Đinh Lễ, Nguyễn Xí không ngăn nổi vui mừng:
– Ngài từ Cao Bộ về phải không? Tôi đang mong đợi.
Nhìn viên thượng tướng trẻ vạm vỡ, võ phục gọn gàng, lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng xung trận. Đinh Lễ thầm phục Bình Định Vương đã khéo dùng người và luyện tướng. Giá như lúc bình thường thì Đinh Lễ đã kéo viên thượng tướng dưới quyền mình và cũng là người bạn chiến đấu tâm phúc dềnh dàng bên vò rượu nóng để bàn luận việc quân cơ. Nhưng lúc này thì không được. Vừa bước vào nhà, Đinh Lễ  vừa báo tin:
– Tình hình khẩn cấp rồi đó!
Không cần suy nghĩ, Nguyễn Xí nắm chặt đốc gươm trả lời:
– Thưa ngài, đại quân của chúng ta chỉ đợi lệnh là lên đường.
Đinh Lễ ngồi yên lặng, nhìn những hạt mưa bay lất phất ngoài trời.
Trong căn nhà lá, ngồi đối diện với Đinh Lễ bên án thư, Nguyễn Xí nhận thấy vừa mới mấy ngày qua mà khuôn mặt quan Tư Không đã gầy sút hẳn đi. Nguyễn Xí biết lắm. Nằm lì ở Thanh Đàm cùng với đại quân, nhưng hàng ngày Nguyễn Xí vẫn theo dõi sát diễn biến ở chiến trường. Tổng binh Vương Thông đem 8 vạn quân từ thành Đông Quan kéo ra mặt Tây Nam đóng quân ở ba nơi: bến Cổ Sở [3], cầu Sa Đối [4], và cầu Thanh Oai [5], hình thành thế chân vạc. Hắn định một trận là quét sạch đạo quân của Thái Úy Lý Triện đang hoạt động ở đấy. Rồi đó, chiến trận xảy ra ở Cổ Lãm [6], Sơn Thọ, Mã Kỳ phải bỏ Thanh Oai chạy về Đông Quan để lại 1.000 xác chết và 500 quân bị bắt sống. Đến lượt Phương Chính, Lý An hoảng sợ phải bỏ cầu Sa Đối. Vương Thông tập trung quân về bến Cổ Sở. Và Cổ Sở cũng bị ta tấn công. Với số lượng ít hơn quân giặc nhiều lần mà phá tan kế tấn công của giặc dữ không phải là chuyễn dễ. Trong cuộc đọ sức cực kỳ anh dũng và mưu lược ấy, quan Tư Không đã góp phần điều binh khiển tướng. Trong lúc đó Nguyễn Xí vẫn cùng đại quân nằm im ở Thanh Đàm. Mặc dù đã biết rõ nhiệm vụ quyết định vô cùng quan trọng của đạo quân do mình chỉ huy, nhưng trong những ngày chờ đợi, viên thượng tướng không phải không có lúc thầm ghen tị với đạo quân thứ nhất.
Đang lúc nóng lòng sốt ruột, thì Đinh Lễ từ mặt trận Tây Nam trở về, Nguyễn Xí nói với quan Tư Không:
– Thưa ngài, chỉ một đạo quân của Thái Úy Lý Triện, đã nhổ bật được hai vị trí Thanh Oai và Sa Đối, dồn chúng về bến Cổ Sở. Nếu có mặt đạo quân của ta nữa, lo gì chẳng bắt sống được Vương Thông.
Đinh Lễ vẫn yên lặng. Cái yên lặng kín đáo của người chỉ huy cao tuổi, đã dạn dày kinh nghiệm, khiến viên thượng tướng trẻ phải dè dặt, đến khó chịu. Không thể dằn lòng được Nguyễn Xí đứng dậy chống gươm:
– Vâng lệnh đại vương, chúng ta đem hai ngàn quân ra đây kìm chân giặc ở Đông Quan, đợi dịp đánh thẳng vào sào huyện của chúng. Nay Vương Thông sang, hắn hùng hổ kéo quân ra ngoài thành nhằm tiêu diệt đại quân của Thái Úy Lý Triện. Trong tình thế này còn nằm im mãi, nếu có cơ sự gì, lũ chúng ta còn mặt mũi nào mà nhìn đại vương nữa.
Thấy Nguyễn Xí nóng nảy, Đinh Lễ lại càng chậm rãi:
– Sau khi thăm dò lực lượng của Vương Thông ở Cổ Sở, đại quân của ta đã rút về Cao Bộ [7] để giữ chỗ hiểm. Hiện nay Vương Thông đang gấp rút tập trung lực lượng để hành quân tiêu diệt quân ta ở Cao Bộ đấy!
– Vương Thông dẫn đại quân tiến đánh Cao Bộ? – Nguyễn Xí hỏi dồn dập.
– Đúng thế, hắn mưu tập trung quân ở Ninh Kiều [8] rồi chia làm hai cánh kẹp chặt lấy Cao Bộ. Đạo quân của Thái Úy Lý Triện đang trong tình thế bị uy hiếp nghiêm trọng.
Nghe chuyện, Nguyễn Xí trừng mắt, đập tay xuống án thư, nói như thét bên tai Đinh Lễ:
– Từ ngày lũ chúng ta đi theo đại vương đến nay, trong lần bị vây khốn ở Chí Linh, tuyệt lương hàng tháng; khi ở Khôi Huyện quân tan không còn một lữ, ấy thế mà chúng không làm gì được ta. Nay ba đạo quân của chúng ta kéo ra đây theo lệnh của đại vương không phải để bó tay chịu cho chúng tiêu diệt. Lũ Vương Thông có tám vạn chứ tám mươi vạn quân, phỏng quân ta có sợ gì chúng. Trước tình thế này, mưu kế của các ngài ra sao?
Không trả lời thẳng điều Nguyễn Xí hỏi, Đinh Lễ chỉ nói nửa vời:
– Đã đến lúc cần đến đạo quân của chúng ta rồi đó.
Nguyễn Xí cau mày suy nghĩ. Con người vốn ưa hành động, sẵn sàng đánh giặc và quyết thắng giặc kỳ được của Nguyễn Xí lúc này bừng bừng như bốc lửa. Trong trí ông, khu đồng lầy vùng Cao Bộ mà ông đã có dịp đi qua hiện ra rõ rệt. Tám vạn quân Vương Thông hùng hổ dẫn xác đến đấy, trong khi quân của ta cả hai cánh chỉ có 6 ngàn người không kể một số lớn dân binh tham gia [9] ấy thế mà ông và các bạn chiến đấu của ông phải thắng và quyết thắng. Nguyễn Xí nói với Đinh Lễ:
– Quan Tư Không ạ, theo phép dùng binh, dử người tới chứ không để người dử tới. Nay Vương Thông hùng hổ, tự đắc dẫn quân đến Cao Bộ ấy là hắn đã bị ta dử đến rồi đó. Tôi xem ra vùng đất Tốt Động [10], Chúc Động [11] là chiến trường có lợi cho ta và sẽ là mồ chôn lũ giặc dữ. Cứ theo ý tôi thì ta sẽ hội quân mai phục ở dọc đường tiêu diệt giặc ngay giữa đồng lầy không cho chúng đặt chân đến Cao Bộ.
Đinh Lễ nghe, gật đầu mỉm cười. Quả rằng trong chiến đấu cứ mỗi lần chạm trán với quân giặc, Đinh Lễ lại càng thấy tài mưu lược của viên tướng trẻ họ Nguyễn. Trong khi họp bàn ở Cao Bộ, các tướng lĩnh quyết định phải cấp tốc điều đạo quân ở Thanh Đàm về ngay trong đêm nay để kịp phá giặc. Không có mặt trong cuộc họp, chỉ nghe qua tình hình mà Nguyễn Xí đã vạch được mưu kế phá giặc như lời bàn họp của hội đồng tướng lĩnh. Đinh Lễ cười cởi mở, đứng dậy vỗ vào vai Nguyễn Xí và nói nhỏ:
– Thượng tướng bàn thật xác đáng. Nội đêm nay chúng ta phải dẫn đại quân về Cao Bộ  – Vạch tay trên mặt án thư. Đinh Lễ nói tiếp – Con đường từ Ninh Kiều vào Cao Bộ sẽ là nơi phục của quân ta đó. Theo tin thám báo thu được, nội đêm nay, khoảng canh tư canh năm, chính binh do Vương Thông cầm đầu gồm khoảng 6 vạn sẽ đi qua Tốt Động và Cao Bộ. Đạo quân của chúng ta có dịp lập công lớn rồi đó.
Nguyễn Xí nắm chặt tay:
– Quân ta ít nhưng tinh nhuệ, ai cũng hăm hở giết giặc để trả thù. Một người có thể địch được 10 tên giặc. Chúng ta chẳng những phá được đại quân của Vương Thông, mà còn đuổi chúng đến tận thành Đông Quan nữa chứ!
Hai người nhìn nhau cùng cười. Cái cười hả hê thoải mái của mối tình bạn thắm thiết đã từng thử thách trong chiến đấu, mà cũng là của những tướng lĩnh thao lược, luôn tỏ ra biết mình và biết người.
Trong ánh sáng lờ mờ của một buổi hoàng hôn vào ngày đầu tháng 10 [12] dưới làn mưa nhẹ, 3.000 quân cùng 2 thớt voi lặng lẽ nhưng vội vã rời làng Thanh Đàm.
Đống lửa ủ kín ở Đông Nam thành Đông Quan đã bắt đầu cời ra trước gió.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay5,698
  • Tháng hiện tại135,502
  • Tổng lượt truy cập1,812,635
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây