Nguyễn Xí, một danh tướng uy dũng của Lê Lợi (Phần 6)

Thứ tư - 26/06/2024 20:05 135 0

Nguyễn Xí, một danh tướng uy dũng của Lê Lợi (Phần 6)

Chuyện kể về Nguyễn Xí, một danh tướng uy dũng của Lê Lợi đã lập được nhiều đại công trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược

6. Đất nước sạch bóng giặc Minh
Mùa xuân đến gần với quân dân thành Đông Quan vào giữa lúc tên giặc Minh cuối cùng cắp giáo cút về nước [26]. Một vùng đổ nát ngổn ngang hào lũy đang vùng dậy sau cơn binh lửa tàn hại để đón mùa xuân lịch sử.

Thành Đông Quan thay màu áo mới.
Ngày đêm trên các ngả đường, quân lính đi về tấp nập, không lúc nào ngớt. Ngoài thành, dân cư chạy giặc lũ lượt kéo nhau về. Cuộc sống thanh bình khoác màu xuân chiến thắng đang trở về, hiện trên nét mặt của quân dân thành Đông Quan.
Trên con đường cái chạy về phía Đông Nam thành, Nguyễn Xí buông cương cho ngựa đi bước một.
Sau những ngày bận rộn tiếp nhận việc giảng hòa của giặc, hôm nay viên thượng tướng đi thăm lại mảnh đất chiến trường cũ. Dừng ngựa ở Mai Động, Nguyễn Xí đưa mắt nhìn kỹ xung quanh, cố tìm cho ra chỗ voi bị sa lầy ngày trước. Chỉ mới hơn nửa năm trời mà cảnh vật ở đây đã quá nhiều thay đổi. Vùng đồng ruộng lầy lội nay đã đổi khác. Qua mùa khô ráo, hai bên đường chỉ là những thửa ruộng cạn. Trên mặt đất đường chỉ là những thửa ruộng cạn. Trên mặt đất xam xám nứt nẻ chân chim, lớp cỏ thấp lè tè ánh lên màu xanh mơn mởn dưới nắng của mặt trời mùa đông. Rải rác đó đây nổi lên những gốc mai đang rộ hoa vàng lấm tấm…
Trên con đường trở về, len giữa đoàn người tấp nập gánh gồng, nô nức đi sắm tết, Nguyễn Xí nhớ đến quê hương. Giờ đây ở quê hương Chân Phúc, Nghệ An không còn bóng giặc chắc cũng đang rộn rịp đón xuân. Mới ngày nào đó mà đã hơn 10 năm [27] rồi đấy nhỉ. Nguyễn Xí mỉm cười một mình, nhớ lại những ngày còn mòn vai gánh muối, phải tìm đủ mưu chước để vượt qua các đồn giặc mới mong kiếm được bát gạo về nuôi cha già. Rồi chỉ vì không thể bó tay nhìn quê hương bị giặc giày xéo, không thể cam tâm kéo lê thê ngày tháng sống nhục nhã dưới ách của giặc ngoại xâm, Nguyễn Xí đã tìm đến Lam Sơn lấy việc giết giặc, cứu nước làm lẽ sống. Từ đó, bàn chân của người con trai quen nghề gánh muối đã đặt lên bất cứ nơi nào có bóng giặc. Say sưa với hồi ức về những năm tháng sống đầy ý nghĩa của đời mình, Nguyễn Xí không để ý đến con ngựa đã đưa ông tới ven hồ Lục Thủy [28].
Tiếng cười đùa ríu rít của lũ trẻ vui nghịch bên bến nước làm cho Nguyễn Xí chú ý. Được ngày nắng ấm nhân dân quanh vùng kéo nhau ra hồ tắm giặt để sửa soạn đón xuân. Nhìn viên tướng trẻ võ phục oai nghiêm, thanh kiếm dài đeo lệch bên hông, đang ung dung cưỡi ngựa trên đường, ai nấy đều trầm trồ nhìn theo. Nhiều cô gái yếm thắm môi son, dừng tay giặt áo, ghé mắt nhìn theo người con trai hùng dũng ấy. Họ trêu nhau, cười giòn như bắp nổ. Mải vui đùa, không ai để ý đến một cô gái xinh đẹp đang dìu mẹ già bước lên bến nước. Dừng chân bên hồ, cô ngây người nhìn viên tướng trẻ. Cô nhớ lại con người quen quen, cũng nước da rám nắng, cũng khuôn mặt với những đường nét hơi thô, có đôi mắt luôn nhìn thẳng, lúc nào cũng sáng như sao ấy. Lục tìm trong trí nhớ, cô băn khoăn tự hỏi không biết có phải ông tướng Nguyễn Xí đã vượt ngục đó chăng? Mải nhìn theo cho đến khi bà mẹ giục, cô mới quay lại dắt mẹ về nhà.
Trong lúc đó, Nguyễn Xí vẫn thong dong cho ngựa bước chầm chậm giữa đoàn người tấp nập, đi về khu hoàng thành. Ông đang nghĩ đến ngày mai. Tổ quốc thân yêu đã không còn bóng giặc, biết bao nhiêu công việc đang chờ đợi [29].

Chú thích trong câu chuyện kể về Nguyễn Xí
1. Nguyễn Xí quê ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
2. Đại Việt thông sử (Liệt truyện) cho biết Nguyễn Xí, cha là Nguyễn Hồi, anh là Nguyễn Biện, làm nghề buôn muối ở vùng Nghệ An, Thanh Hóa.
Lịch triều hiến chương loại chí (nhân vật chí) cho biết: “Khi vua (Lê Lợi) vây khốn quân Minh ở Nghệ An, chia sai các tướng đi kinh lược các nơi để tiến gần đến Đông Kinh, vua phong ông (Nguyễn Xí) làm thượng tướng quân. Lúc ấy ông vừa 30 tuổi…”.

3. Bến Cổ Sở, tên nôm là bến Giá, là một bến thuộc sông Đáy, nay thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội (Theo các tác giả sách “Lam Sơn khởi nghĩa”, NXB khoa học – 1969).
4. Cầu Sư Đối là cầu trên sông Nhuệ, nối liền thôn Phú Đô xã Mễ Trì với thôn Đại Mỗ xã Hữu Hưng, huyện Từ Liêm, Hà Nội (Theo các tác giả sách “Lam Sơn khởi nghĩa”, NXB khoa học – 1969).
5. Cầu Thanh Oai ở khoảng thôn Bình Đà xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội (Theo các tác giả sách “Lam Sơn khởi nghĩa”, NXB khoa học – 1969).
6. Cổ Lãm nay thuộc các xã Phú Lẫm, Phú Cường, Văn Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội (Theo các tác giả sách “Lam Sơn khởi nghĩa”, NXB khoa học – 1969).
7. Cao Bộ nay là thôn Trung Cao thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
8. Ninh Kiều, một vị trí ở phía bắc huyện Chương Mỹ (vùng Ninh Sơn), Hà Nội.
9. Theo chính sử, cánh quân của Phạm Văn Xảo và Lý Triện gồm hơn 3.000, cánh quân của Đinh Lễ và Nguyễn Xí khi xuất phát có 2.000,nhưng đến khi hội quân ở Cao Bộ lại có trên 3.000 và 2 voi chiến.
10. Tốt Động, nay là xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
11. Chúc Động, thuộc xã Trúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
12. Trận Tốt Động – Chúc Động xảy ra vào ngày 7-11-1426 tức ngày 8-10 năm Bính Ngọ. Như vậy, Đinh Lễ và Nguyễn Xí phải điều quân rời khỏi Thanh Đạm vào đêm 7-10 Bính Ngọ.
13. Theo truyền thuyết giết giặc Ngô của người dân địa phương.
14. Số quân mai phục ở Tốt Động gồm toàn bộ cánh quân của Đinh Lễ và Nguyễn Xí phối hợp với một phần quân của Phạm Văn Xảo và Lý Triện.
15. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhân bắt được gián điệp của giặc, Lý Triện bèn dùng kế của giặc hạ lệnh cho các quân nếu nghe tiếng súng thì nấp náu không động”.
16. Trong trận Tốt Động – Chúc Động, ta giết chết Thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng và hơn 5 vạn quân địch tại trận. Hơn 1 vạn quân bị bắt làm tù binh. Tổng binh Vương Thông bị thương.
17. Theo Cương mục và Đại Việt sử ký toàn thư: năm Đinh Mùi (1427), “Lê Lợi tiến quân đóng ở bên bờ sông Nhị Hà”, “Bấy giờ vua làm lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề, trên bờ sông Lô” (tức sông Nhị Hà).
18. Mai Động tức vùng Hoàng Mai ngày nay.
19. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Khi ấy Lễ và Xí cưỡi voi cố sức đánh, voi sa lầy bị người Minh bắt được đem về thành Đông Quan. Lễ không chịu khuất bị giết chết. Xí về sau nhân lúc ban đêm mưa gió, dùng mẹo đánh lừa kẻ canh giữ, thoát về được, vào ra mắt vua ở dinh Bồ Đề”.
20. Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng 2, ngày 7, Phương Chính ngầm đem quân đánh ở Quả Động (Cảo Động) huyện Từ Liêm, Triện cố sức đánh lại, bị chết, Bí bị giặc bắt được. Sau giặc về nước, lấy lễ đứa Bí trở lại”.
21. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Đạo viện binh của An Viễn hầu Liễu Thăng gồm 10 vạn binh, 2 vạn ngựa đánh vào cửa ải Pha Lũy. Đạo viện binh của Kiềm quốc công Mộc Thạnh gồm 5 vạn binh và 1 vạn ngựa đánh vào cửa ải Lê Hoa.
Hai đạo viện binh của giặc ồ ạt kéo sang vào đầu tháng 10-1427.

22. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Lịch triều hiến chương loại chí (nhân vật chí).
23. Trận Xương Giang diễn ra vào ngày 15-10 năm Đinh Mùi (03-11-1427). Trong trận Xương Giang, Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 300 võ tướng bị bắt sống; khoảng 30.000 quân địch bị bắt và 50.000 bị giết chết. Theo Hoàng Minh thực lục thì trong trận này, toàn bộ quân địch đều bị bắt và bị giết, chỉ có một tên sống sót thoát về nước.
24. Đại Việt sử ký toàn thư: Khi ấy các tướng sĩ và người nước ta bị khổ nhục vì sự tàn ngược của giặc đã lâu, rủ nhau cố xin với vua rằng giặc nhiều mánh khóe biến trá, nên lấy binh mà đánh thắng, khuyên vua giết hết đi. Duy có Hành Khiển Nguyễn Trãi ở nơi tham mưu… biết rõ thế mạnh yếu của giặc, mới chuyên chủ mặt hòa (thực chất là chấp nhận sự đầu hàng của giặc).
25. Đại Việt thông sử (đế kỷ).
26. Vương Thông rút quân về nước ngày 12-12 năm Đinh Mùi (29-12-1427).
27. Nguyễn Xí đến Lam Sơn từ năm 19 tuồi, thọ 69 tuổi mất năm 1465 (theo Lịch triều hiến chương loại chí). Như vậy Nguyễn Xí có mặt ở Lam Sơn từ 1415.
28. Vùng hồ Hoàn Kiếm ngày nay.
29. Cuộc khởi nghĩa chống quân Minh thành công, Nguyễn Xí bắt tay vào xây dựng đất nước, trải qua các triều Lê Thái Tổ (1428-1433), Lê Thái Tông (1434-1442), Lê Nhân Tông (1443-1459), Lê Thánh Tông (1460-1497). Ông được phong Long Hổ thượng tướng quân (1428), Nhập Nội đô đốc (1445), Thiếu Bảo (1448); Khai phủ nghi đồng tam phủ, Nhập nội kiểm hiệu Thái Phó Bình Chương quân quốc trọng sự, Á quận hầu (1460). Cũng năm đó ông được phong Thái quận công; gia thêm Nhập Nội tả tướng quốc (1462); Ít lâu sau lại thăng Thái Úy. Năm 1465, ông mất, thọ 69 tuổi. Ngoài sự nghiệp chống giặc Minh thắng lợi, ông còn có công đánh giặc Chiêm Thành (1445), dẹp loạn Nghi Dân (1459).

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay5,698
  • Tháng hiện tại135,502
  • Tổng lượt truy cập1,812,635
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây