Nguyễn Xí, một danh tướng uy dũng của Lê Lợi (Phần 2)

Thứ tư - 26/06/2024 19:49 168 0
Chuyện kể về Nguyễn Xí, một danh tướng uy dũng của Lê Lợi đã lập được nhiều đại công trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược

2. Chiến thắng Tốt Động – Chúc Động
Cánh đồng Tốt Động lầy lội và im ắng. Trong bóng tối mờ mờ của một đêm không trăng không sao, con đường độc đạo từ Ninh Kiều về Cao Bộ trườn qua cánh đồng lầy chỉ còn là một vệt xam xám im lìm lẩn vào đồng ruộng.
Vào đúng nửa đêm, cánh đồng Tốt Động như thức tỉnh. Ngoài tiếng gió thồi ù ù, người ta còn nghe thấy tiếng chân người bước rầm rập. Đạo quân thứ 3 từ Thanh Đàm đã về đây, đang gấp rút tản vào làng xóm và các gò đồng rậm rạp. Hai bên đường, trên mặt ruộng, quân chia nhau ngồi thu hình trong các mô rạ [13].
Sự thức tỉnh tạm thời của vùng đồng quê hẻo lánh cũng nhanh chóng tiêu tan. Làng xóm lại như trong giấc ngủ ngon lành. Làm sao có thể biết được trong cả vùng rộng lớn ấy, giữa một đêm đầu đông, hàng vạn quân dân, cả già trẻ lớn bé đều không ngủ và tỉnh táo hơn bao giờ hết. Người ta đang sống qua những khoảnh khắc căng thẳng nhất.
Đứng cạnh con voi chiến phủ phục trong lùm cây bên đường, Nguyễn Xí nắm chặt cây mâu trong tay. Đằng sau viên tướng trẻ là toán quân thiết đột thân tín. Nhìn bóng đêm dày đặc, cảnh vật im lìm. Nguyễn Xí rất hài lòng. Trong cuộc đọ sức này chỉ có việc đưa 4 ngàn quân [14] đến mai phục nhanh chóng và bí mật ở đây đã là giành được một nửa phần thắng lợi rồi. Nhìn về phía Chúc Động, ông thầm nghĩ: vào lúc này cánh quân của Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí cũng đã ẩn kín trong núi rừng. Bây giờ đây Vương Thông với đại quân của hắn đang ở đâu?
Nặng nề và dai dẳng vẫn là thời khắc chờ đợi. Trong cuộc đời hơn 10 năm đánh giặc của mình, Nguyễn Xí đã bao nhiêu lần đợi giặc. Nhưng chẳng lần nào giống lần nào. Đây là lần đầu tiên ông đợi giặc trên mảnh đất gần sào huyệt của chúng, và là đợi một đạo quân đông đảo do chính tên Tổng binh Vương Thông mới hùng hổ dẫn binh từ bên nước hắn sang. Không có đạo viện binh này thì hà tất ông phải nằm lì ở Thanh Đàm đến hơn một tháng; có lẽ ông đã được lệnh dẫn quân vào chiếm Đông Quan rồi. Ấy cái nghề đánh giặc có nhiều chuyện bất ngờ như thế đó. Không gặp nhau ở Đông Quan thì gặp nhau ở đây, đâu cũng là đất trời của ta cả. Trong cuộc đọ sức này, chúng sẽ biết thế nào là sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn, là khí phách của đất trời Đại Việt. Từ nửa đêm, khi chia tay về vị trí chỉ huy của mình, Nguyễn Xí đã nói với Thái Úy Lý Triện và quan Tư Không Đinh Lễ rằng: “Lũ chúng ta quyết đánh bại Vương Thông, về đón đại vương ra đây, nếu không phải đem cái chết mà đền tội”. Rồi để chia tay, Thái Úy Lý Triện về với hậu quân, Nguyễn Xí về với trung quân của mình, còn Đinh Lễ ở với tiền quân. Họ hẹn nhau lấy đoạn đường gần ba dặm qua cánh đồng lầy Tốt Động làm mồ chôn quân giặc. Nguyễn Xí đang mải suy nghĩ thì từ Cao Bộ vang lên bốn tiếng trống cầm canh gióng giả. Vừa lúc đó có tiếng chân người bước vội vã. Một người lính từ chỗ Đinh Lễ đến báo cho Nguyễn Xí biết giặc đã sang sông, đang chia quân tiến vào Cao Bộ. Nguyễn Xí nắm chặt cây mâu, truyền cho quân sĩ sẵn sàng và nhắc lại lệnh:
– Pháo thứ nhất, ai nấy bất động [15], nghe pháo lệnh thứ hai, nhất tề xông lên!
Tiếng thì thầm nhắc bảo nhau truyền đi trong đêm tối.
Bên cạnh Nguyễn Xí, người lính quan sát đang nằm úp tai vào một tấm da căng trên miệng hố, vụt nhỏm dậy:
– Thưa thượng tướng, có tiếng rầm rập đang tiến gần về chúng ta.
– Được!
Nguyễn Xí nhảy lên mình con voi cùng với hai người lính hộ vệ. Con vật khổng lồ co chân chồm dậy, vắt vẻo vòi, đứng yên tại chỗ.
Trên mặt đường, giặc Minh nối nhau tiến vào.
Xóm làng đồng nội vẫn yên lặng.
Khi tiền quân của giặc do Thượng thư Trần Hiệp dẫn đầu vượt khỏi vị trí mai phục, một tiếng pháo lệnh nổ vang. Quân Minh hò reo thúc nhau xông lên, ào ào tiến vào Cao Bộ.
Ngồi trên mình voi chiến, Nguyễn Xí nói nhỏ với quân lính:
– Giặc đã trúng kế của ta rồi đó!
Viên thượng tướng nói vừa dứt, lại một tiếng pháo lệnh thứ hai. Tiếp theo, cả đất trời Tốt Động rung chuyển. Các mô rạ trên đồng lầy mở tung; xóm làng, gò đống như chồm dậy. Tiếng chiêng trống nổi lên, bốn ngàn quân được lệnh xông tới. Ngay từ đầu, con voi chiến của Nguyễn Xí đã xô ra. Như một tảng đá khổng lồ, voi lướt trên con đường độc đạo. Từ trên mình voi, Nguyễn Xí hô quân, thét vang như sấm, cây mâu trong tay xoay vù vù mở đường cho voi tiến. Cùng lúc đó, trong các làng mạc xung quanh, trống mõ thúc liên hồi. Dọc theo con đường độc đạo, nghĩa quân như một bầy sư tử, cắt quân giặc làm nhiều đoạn, thả sức chém giết. Bị phục kích bất ngờ, người ngựa của giặc hốt hoảng nhảy bổ xuống ruộng, chôn chân trên bùn lầy, ngã gục tại chỗ. Nhiều tên giặc liều chết chạy thoát vào làng xóm lại bị rơi vào tay nghĩa binh.
Ngồi trên mình ngựa, Tổng binh Vương Thông rống lên như lợn bị chọc tiết. Hắn giục Mã Kỳ ra lệnh tiến quân. Nhưng trong đám loạn quân còn ai nghe lệnh của hắn. Vương Thông chỉ thấy quân lính xô nhau chạy trở lại. Con ngựa của hắn như chôn chân trong dòng người hỗn loạn. Tiến hay lui? Tên tướng giặc chưa kịp quyết định thì trong ánh sáng mờ mờ, con voi chiến của Nguyễn Xí đã xéo lên quân giặc xô tới. Từ trên mình voi, Nguyễn Xí chỉ ngọn mâu và bầy tướng giặc thét lớn:
– Vương Thông, lũ mày trốn đâu cho thoát!
Tên tướng giặc lại rống lên, muốn nhảy bổ tới, quyết định sống mái với viên tướng chỉ huy cầm mâu ngồi trên mình voi. Nhưng đâu phải chỉ có một mình viên tướng đó, hàng biển người từ hai bên đồng ruộng cũng vừa réo tên hắn vừa vác gươm đao xông đến. Còn quân lính của hắn thì không nghe theo ai nữa rồi. Để bảo mạng, Vương Thông ra lệnh cho Sơn Thọ, Mã Kỳ:
– Lui binh, giữ toàn quân là hơn cả!
Vương Thông, Sơn Thọ, Mã Kỳ quay ngựa, xéo lên quân của chúng mà chạy.
Dẫn tàn quân chạy đến Chúc Động, Vương Thông mừng được thoát chết. Không ngờ ở đây, tiếng chiêng trống lại nổi lên và quân mai phục trong rừng cây bên sườn núi xô ra đón hắn. Trong lúc đó quân Lam Sơn từ Tốt Động đuổi theo. Vẫn con voi chiến với viên tướng trẻ sử dụng cây mâu như thần dẫn đầu. Vương Thông, Sơn Thọ, Mã Kỳ phải liều chết mở đường máu kéo đến bờ Ninh Giang, vượt cầu phao chạy về thành Đông Quan, để lại lũ tàn quân tranh nhau sang cầu, ngã xuống sông như rạ. Số còn lại bị tiêu diệt gần hết [16].
Trời đã sáng tỏ. Dưới làn mưa bụi, các tướng lĩnh gặp nhau bên chân núi Trúc Sơn. Bùn và máu bám đầy người, họ giơ gươm chào nhau, mừng chiến thắng. Trên mình voi chiến, Nguyễn Xí cất giọng vang vang hướng về phía Lý Triện và Đinh Lễ đang phi ngựa:
– Lũ chúng ta đón Đại Vương ra Bắc được rồi đó.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay5,698
  • Tháng hiện tại135,502
  • Tổng lượt truy cập1,812,635
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây