5. Vương Thông xin giảng hòa
Nắng tháng 10 vàng chói không đủ sức sưởi ấm núi rừng, đồng ruộng. Đã mấy ngày liền đất trời chìm ngập trong gió lạnh từ phương Bắc tràn về. Trên con đường từ Xương Giang về Đông Quan, 4 thớt voi chiến cùng đội quân thiết đột đang hành quân vội vã.
Ngồi trên mình ngựa, Nguyễn Xí ngoái đầu nhìn lại. Xương Giang đã lùi xa, chỉ còn lại những vệt núi mờ mờ. Khuôn mặt rạm nắng, với những đường nét hơi thô của viên tướng trẻ bừng lên một niềm tự hào và kiêu hãnh. Nguyễn Xí vừa tham dự trận phá tan gần 10 vạn viện binh, bắt sống Thôi Tụ và Hoàng Phúc, giáng một đòn cuối cùng để kết liễu hoàn toàn đạo viện binh của Liễu Thăng trên vùng đất Xương Giang [23].
Từ chiến trường nhận được lệnh gấp rút điều quân về Đông Quan, Nguyễn Xí vui sướng tưởng như mình đang dẫn đại quân tiến vào san phẳng thành giặc. Nhưng càng đến gần Bồ Đề, đạo quân của Nguyễn Xí càng phải đi chậm lại. Chẳng những chỉ có các đạo quân ở Xương Giang mà cả các đạo quân ở cửa ải Lê Hoa cũng được điều về. Trên mặt đường, quân dân đi như thác, đông vui như ngày hội. Đến gần dinh Bồ Đề, Nguyễn Xí nhận được tin Vương Thông đã xin giảng hòa, nhận trao trả lại thành trì, mong được toàn quân rút về nước. Bình Định Vương và quan Hành Khiển đã có ý chấp thuận. Nguyễn Xí bất bình. Không thể giảng hòa như thế được! Tội ác của chúng đối với non sông đất Việt này chồng chất như núi, phải bắt đền nợ máu. Nếu chịu giảng hòa, tại sao chúng lại không giảng hòa ngay từ khi ta mới từ Lam Sơn tiến ra đây, hà tất phải đợi đến khi 10 vạn viện binh bị tiêu diệt mới chịu giảng hòa, Nguyễn Xí vội vã tìm đến dinh Bồ Đề [24].
Bước lên tầng lầu thứ hai, vừa thấy Bình Định Vương và Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí đã không kìm được tính nóng nảy của mình:
– Tâu vương thượng, lũ chúng tôi theo vương thượng từ ngày còn ẩn náu ở rừng Lam Sơn, bao phen vào sinh ra tử chỉ mong có ngày diệt hết lũ giặc để trả thù cho dân, rửa nhục cho nước. Nay lũ giặc trong thành Đông Quan đã như cá nằm trên thớt, không thể để cho chúng toàn quân rút về nước! Vương thượng và quan Hành khiển có biết quân dân ta chỉ còn đợi lệnh của vương thượng là xông lên diệt cho đến tên giặc cuối cùng để rửa hận hay không?
Không đợi cho Bình Định Vương nói, Nguyễn Xí lại hỏi tiếp:
– Hay là Vương Thượng còn e rằng ta không đủ sức hạ thành Đông Quan?
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu trong mấy ngày hôm nay, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã nghe giọng nói bất bình của các tướng lĩnh về chủ trương giảng hòa của mình. Thái độ bực dọc của viên tướng tâm phúc không làm cho Lê Lợi khó chịu. Hiểu rõ nỗi lòng của Nguyễn Xí, Lê Lợi ôn tồn giảng giải:
– Dùng binh cốt lấy bảo toàn cả nước làm trên hết. Để cho bọn Vương Thông về nói với vua nhà Minh trả lại đất đai cho ta, không xâm lấn bờ cõi ta, đó là điều ta không cần gì hơn thế nữa. Hà tất phải giết chết hết bọn chúng để gây oán với nước lớn làm gì [25].
Sau nhiều lời giảng giải rạch ròi của Bình Định Vương, Nguyễn Xí nghe ra phải lẽ. Nhưng nghĩ đến việc để cho tên tướng giặc Vương Thông được yên thân, dẫn quân về nước thì Nguyễn Xí vẫn thấy phẫn uất. Không dám chống lại lệnh của Bình Định Vương, Nguyễn Xí đành phải chấp thuận:
– Tâu vương thượng, số phận của lũ giặc đang nằm trong tay chúng ta. Cho chúng sống hay buộc chúng phải chết là tùy ở vương thượng. Lũ chúng tôi chỉ biết tuân lệnh của vương thượng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc