Trần Thủ Độ - người công - tư phân minh

Thứ năm - 07/03/2024 19:22 414 0

Trần Thủ Độ - người công - tư phân minh

Thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264)

Thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264) là người đoạt vương vị cho nhà Trần. Đây là người “đạo diễn” cho một sự thay đổi triều đại; cũng là người mang trọng trách gánh vác Hoàng triều Trần thời kỳ đầu, mở ra một vương triều huy hoàng trong cả việc giữ nước, chống giặc ngoại xâm, lẫn việc xây dựng đất nước. Ông còn là bậc thầy về quân sự, với lòng trung quân, ái quốc tột độ, với sự cai trị đất nước nghiêm minh.

Con người làm chủ tình thế
Lúc nhà Lý bước vào kỳ suy vi, Lý Chiêu Hoàng là vị vua thứ 9 ở tuổi non nớt, Trần Thủ Độ, giữ trọng trách Điện tiền chỉ huy sứ (thống lĩnh quân cấm vệ), nhìn thấy cơ hội để thay đổi triều đại và đạo diễn cho Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng. Sau đó, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh (năm 1225), mở ra triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm.
Có công lớn với nhà Trần như vậy, và với thực quyền là lớn nhất nhưng Trần Thủ Độ đã biết nép mình, tự nhường, để Trần Thừa (cha Trần Cảnh) làm Thái Thượng hoàng, cùng vị này nhiếp chính giúp vua Trần Thái Tông cai trị đất nước.
Nhà Trần mới lập, giặc giã nổ ra khắp nơi. Trần Thủ Độ với võ công thượng thừa, tài chỉ huy quân sự, đã đánh Đông, dẹp Bắc, dần đưa đất nước vào ổn định. Sách sử viết, thế lực cát cứ nổi lên, một số lực lượng lấy cớ phù Lý, diệt Trần cũng dấy binh. Trần Thủ Độ đã chỉ sau một năm dẹp yên loạn lạc, rảnh tay xây dựng triều chính.
 Bìa sách về Trần Thủ Độ của Nhà xuất bản Lao động.
Không chỉ là loạn giặc giã, nhà Trần lúc này cũng còn nhiều chuyện phải giải quyết trong nội bộ. Trần Thủ Độ với thực quyền trong tay đã xử lý công việc hết sức khôn khéo và mạnh mẽ để xây dựng vương triều theo đúng hướng của ông.
Lúc Trần Thái Tông buộc phải lấy vợ của anh trai Trần Liễu, vị vua này bỏ kinh thành lên núi Yên Tử. Trần Thủ Độ dẫn quân lên núi tìm vua, khuyên vua về kinh thành nhưng không được, đã quyết định: Vua ở đâu, triều đình ở đó. Sách sử viết: “Thủ Độ bèn bảo mọi người rằng: Xa giá ở đâu tức triều đình ở đấy. Bèn cắm nêu trong núi, chỗ này làm điện Thiên An, chỗ kia làm các Đoan Minh, sai người xây dựng (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, trang 272). Trước sự quyết liệt của thái sư, vua đành quay về kinh thành.
Trần Liễu vì mất vợ, uất ức và dấy binh làm loạn. Nhưng vị này thấy tình thế không thể chống chọi được với thái sư Trần Thủ Độ nên đã giả làm người đánh cá, một mình chèo thuyền đến thuyền vua Trần Thái Tông để cầu cứu. Trần Thủ Độ rút gươm toan chém Trần Liễu nhưng khi thấy vua bảo bọc cho anh mình, ông tuy giận giữ nhưng cũng dứt khoát tỏ thái độ bằng cách ném gươm xuống sông. Đây là thái độ nghiêm khắc, nhưng quyết định hết sức nhanh chóng và sáng suốt.
Tình thế gay go nhất là giặc Mông Cổ xâm chiếm nước ta (lần thứ nhất, năm 1257). Lúc này Trần Thái Tông đã đủ sức cầm quân, bên cạnh đó còn có thái tử Trần Hoảng (sau này là vua Trần Nhân Tông), Trần Quốc Tuấn… tài năng giúp sức, nhưng vai trò của Trần Thủ Độ vẫn rất quan trọng, vị tướng già này là linh hồn của cuộc kháng chiến. Lúc này thế giặc rất mạnh. Quân nhà Trần đã đánh chặn nhưng chưa thể ngăn được vó ngựa quân Nguyên Mông. Vua
Trần Thái Tông đến hỏi Thái úy Nhật Hạo về kế sách chống giặc. Viên thái úy này hoảng hốt, thậm chí không đủ sức đứng dậy, không nói được, lấy ngón tay chấm nước viết ở mạn thuyền hai chữ “nhập Tống”, tức chạy sang Trung Quốc, nương nhờ nước Tống. Sử chép lại rằng: “Vua bèn dời thuyền đến hỏi thái sư Thủ Độ.
Thủ Độ trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ không cần lo ngại gì cả” (Sđd, trang 284). Chính tinh thần của Trần Thủ Độ, cũng như sự giúp sức trực tiếp đánh giặc của ông, vua Trần Thái Tông đã cùng quân dân đánh tan giặc Nguyên Mông, đội quân tung hoành Á - Âu và chưa hề nếm mùi thất bại.
Dùng người công tâm
Vua Trần Thái Tông định cho anh trai của thái sư Trần Thủ Độ là An quốc làm tướng. Vị thái sư này tâu với vua: “An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, nếu cho thần là hiền hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng là tướng thì việc trong triều đình sẽ ra sao?”. Ở đây có hai ý nghĩa: Thứ nhất, thái sư Trần Thủ Độ khiến vua yên lòng, vì ông không kết bè cánh cho gia đình của ông; thứ nữa: Chứng tỏ ông là người công - tư phân minh, không vì tình riêng mà thiên vị.
Sử thần Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” nhận xét: “Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua” (Sđd 289). Chính vì vậy, có người khóc với vua rằng : “Bệ hạ trẻ thơ mà Thủ Độ quyền hơn cả vua, đối với xã tắc sẽ ra sao?”. Vua lập tức đến gặp Trần Thủ Độ, mang theo cả người hặc tội theo. Chúng ta thấy, vua “lập tức” đi gặp thái sư chứng tỏ chính vua cũng sợ vị này như thế nào. Tuy nhiên, thật bất ngờ, Trần Thủ Độ đem tiền lụa thưởng cho kẻ dám hặc tội ông và công nhận người này nói đúng.
Chuyện khác: Vợ của Trần Thủ Độ là Linh Từ quốc mẫu khi đi qua chỗ thềm cấm bị người quân hiệu ngăn không cho đi. Quốc mẫu về khóc và mách với Trần Thủ Độ, vị thái sư cho người bắt người quân hiệu đến và khen: “Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa” và lấy vàng lụa thưởng cho về…
Chuyện nữa: Quốc mẫu xin cho một người làm câu đương. Đây là chức rất nhỏ, chỉ là người chuyên bắt bớ, áp giải trong làng. Chức nhỏ như vậy mà phải cậy nhờ Quốc mẫu xin thái sư. Sách viết: “Trần Thủ Độ gật đầu và biên lấy họ tên, quê quán của người ấy. Khi xét đến xã ấy, hỏi rằng tên ấy đâu.
Người ấy mừng chạy đến. Thủ Độ nói: Người vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không ví với người làm câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác. Người ấy kêu van xin thôi, hồi lâu mới tha cho”. Sách còn viết, từ đấy không ai dám đến nhà thăm riêng của thái sư Trần Thủ Độ hòng lo lót, xin vợ ông giúp đỡ nữa.
Những chuyện về cách xử lý công việc phân minh của Trần Thủ Độ được sách sử ghi lại. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Thủ Độ tuy làm tể tướng mà phàm công việc không việc gì là không để ý. Vì thế mà giúp nên nghiệp vương, giữ được tiếng tốt cho đến chết”.
Nên nhớ, Trần Thủ Độ là người biết rõ An Sinh Vương Trần Liễu định làm phản và định chém vị này. Nhưng ông cũng là người dù có thực quyền trong tay nhưng vẫn đồng ý với vua Trần Thái Tông tin dùng Trần Quốc Tuấn.
Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn là tướng chỉ huy lực lượng giữ biên ải; để rồi ở hai cuộc kháng chiến sau giữ chức tổng chỉ huy quân đội. Điều này chứng tỏ, Trần Thủ Độ không bị các định kiến chi phối, nhìn nhận sự việc rõ ràng, công minh.
Đánh giá về Trần Thủ Độ, nhiều nhà viết sử có những góc nhìn khác nhau, có cả khen lẫn chê. Ông là người quyết liệt và mưu cao, kế sâu và nắm bắt được cơ hội khi triều Lý suy vi để lập nên vương triều Trần. Trước khi mất chỉ vài tháng, đã ở độ tuổi trên 70, Trần Thủ Độ vẫn dẫn người đi tuần nguồn sông ở Lạng Sơn. Chỉ chi tiết này thôi cũng chứng tỏ Trần Thủ Độ tận lực lo việc nước như thế nào, và vì sao Hoàng triều Trần hùng mạnh với 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông, có nhiều thành tựu trong xây dựng đất nước.
Triều đại nhà Trần cũng là triều đại sản sinh những nhân tài kiệt xuất, như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu, Trần Quốc Toản… Sự xuất hiện hàng loạt nhân tài này như một dòng chảy ồ ạt, tưởng chừng bất tận không thể không kể đến công của người “khơi nguồn”: Thái sư Trần Thủ Độ.
Trước khi mất chỉ vài tháng, đã ở độ tuổi trên 70, Trần Thủ Độ vẫn dẫn người đi tuần nguồn sông ở Lạng Sơn. Chỉ chi tiết này thôi cũng chứng tỏ Trần Thủ Độ tận lực lo việc nước như thế nào, và vì sao Hoàng triều Trần hùng mạnh với 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông, có nhiều thành tựu trong xây dựng đất nước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay2,713
  • Tháng hiện tại49,666
  • Tổng lượt truy cập810,580
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây