Tết Kỉ Dậu 1789: Quang Trung đại phá quân Thanh
Ngày 24 tháng Giêng năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ nhận được cấp báo của Ngô Văn Sở từ Bắc Hà cho biết, đại quân Thanh đã đột nhập Thăng Long bốn ngày trước đó. Bấy giờ Nguyễn Huệ đang đóng ở Phú Xuân, ông lập tức cho triệu các tướng soái vào thương nghị. Đất nước đang đứng trước một sự kiện trọng đại, cần phải có những quyết sách nhanh chóng. Nếu với danh nghĩa Bắc Bình Vương, ông vẫn là một tướng “ngoài cõi” có danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Bây giờ Lê Chiêu Thống đã lộ mặt bán nước cầu vinh, danh nghĩa ấy không còn giá trị nữa. Phải lấy nước làm trọng! Để có danh chính ngôn thuận, ngay hôm sau, Bắc Bình Vương lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung. Đứng trước 6 vạn quân sĩ uy nghiêm tập hợp trước lễ đàn vừa được dựng ở núi Bân, Nguyễn Huệ cất tiếng sang sảng đọc Chiếu lên ngôi: “Trẫm đã dựng lại họ Lê, nhưng Lê tự quân không giữ được xã tắc, bỏ nước bôn vong. Sĩ dân Bắc Hà không còn theo về họ Lê, mà lại dựa vào trẫm.”
Với tuyên bố đó, Nguyễn Huệ đã tự đứng ra đảm nhận sứ mệnh cứu dân cứu nước. Và những tiếng reo hò vang dậy của quân sĩ và dân chúng tung hô “Vạn tuế!” chính là sự thừa nhận đầu tiên và cũng đầy sáng suốt của nhân dân đối với vị hoàng đế hiển hách bậc nhất trong lịch sử nước ta.
Quang Trung để lại Huế 2 vạn quân giữ thành, chỉ mang theo 4 vạn quân ra Bắc. Từ Phú Xuân ra đến Nghệ An đường dài 300 km mà chỉ đi hết có bốn ngày! Cho đến nay, người ta vẫn không thể hiểu được bằng cách nào, chỉ với đôi chân trần đoàn quân của Nguyễn Huệ có thể hành quân thần tốc như vậy. Trần Công Sán, một cựu thần nhà Lê thì mô tả một cách chung chung: “Người Tây Sơn hành binh như bay, tiến quân rất gấp, xem họ đi lại vùn vụt mau chóng như thần, chống không thể được, đuổi không thể kịp”.
Đến Thanh Hóa, trong lễ thệ sư tại Thọ Lạc, nhà vua ứng tác một bài hiểu dụ quân sĩ, kết thúc bằng những câu nôm na:
Đánh cho để tóc dài
Đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!
Vua Quang Trung đại phá quân Thanh
Về phía quân Thanh, chúng chia làm bốn đạo tiến vào nước ta. Đạo thứ nhất do Tôn Sĩ Nghị và phó tướng là Đề đốc Hứa Thế Hanh theo đường Lạng Sơn tiến vào Thăng Long. Đạo thứ hai do Thái thú Sầm Nghi Đống chỉ huy theo đường Cao Bằng tiến xuống. Đạo thứ ba do Đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy, theo ngả Tuyên Quang tràn xuống Sơn Tây. Đạo thứ tư qua vùng Vạn Ninh, Quảng Yên kéo vào chiếm đóng Hải Dương. Quân Thanh tiến quân như vào chỗ không người. Tại Lạng Sơn, tướng giữ ải Phan Khải Đức đầu hàng giặc. Ở Thăng Long, Ngô Văn Sở thấy tương quan lực lượng quá chênh lệch: Quân mình vỏn vẹn có hơn một vạn, không thể “chọi” được lực lượng hùng hậu của giặc, nên đã nghe theo lời khuyên của Ngô Thì Nhậm, lui về đóng ở Tam Điệp. Lê Chiêu Thống cùng bộ sậu lên tận Kinh Bắc đón quân Thanh rồi theo chúng vào Thăng Long.
Tôn Sĩ Nghị tỏ ra vô cùng tự đắc. Hằng ngày, Chiêu Thống phải đến chầu chực ngoài cửa để xin yết kiến nguyên soái thượng quốc, Tôn Sĩ Nghị có cho vào gặp mới được vào. Quân Thanh nghênh ngang sục sạo khắp trong thành và còn ra các vùng xung quanh cướp phá. Dân tình vô cùng căm giận giặc, ai nấy đều ngóng về phương Nam trông chờ quân Tây Sơn.
Ngày 20 tháng Chạp, đại quân của Quang Trung ra đến Tam Điệp (Ninh Bình) được Ngô Văn Sở cùng các tướng sĩ ra nghênh đón. Đại tư mã Ngô Văn Sở và nội hầu Phan Văn Lân đến quỳ trước vua Quang Trung xin chịu tội chưa đánh đã lui. Quang Trung nghiêm khắc khiển trách, nhưng khen họ đã tránh được thế giặc mạnh, kịp thời rút lui để bảo toàn lực lượng và làm cho kẻ địch chủ quan. Nhà vua nói: “Đây là nước cờ hay, rất đúng ý ta. Thoạt nghe ta đã biết ngay đó là chủ mưu của Ngô Tiên sinh, quả không sai.”
Ngày 30 Tết, Quang Trung cho mở lễ khao quân. Đứng trước các tướng sĩ, nhà vua tuyên bố như đinh đóng cột:
– Hôm nay ta cùng các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã, hẹn đến ngày mùng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy!
Đúng đêm trừ tịch, trời tối đen như mực, các đạo quân được lệnh lặng lẽ xuất phát.
Đạo quân chủ lực bao gồm bộ binh, tượng binh, kị binh đánh thẳng ra phía nam thành Thăng Long. Đại tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân chỉ huy tiền quân, Hám Hổ hầu đốc thúc hậu quân. Trung quân do đích thân vua Quang Trung chỉ huy. Đô đốc Bảo, Đô đốc Long đem quân đi tắt đường núi phía tây tấn công vào ngả Chương Mĩ, Khương Thượng. Đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết đem thủy quân vượt biển vào sông Lục Đầu tiếp ứng phía đông Thăng Long và chặn đường rút của giặc.
Ngày Tết, quân Thanh bày trò vui chơi, rượu say túy lúy. Tôn Sĩ Nghị không thể ngờ đạo quân của Quang Trung đã mở cuộc hành công thần tốc. Khi Lê Chiêu Thống đến chúc Tết, trước vẻ lo âu của “An Nam quốc vương”, y còn huênh hoang là đến mùng 6 Tết sẽ ra quân, bắt sống Nguyễn Huệ ở Thuận Hóa.
Trong khi đó, đại quân do đích thân Quang Trung chỉ huy đã vượt đò Gián Khẩu (giáp Hà Nam). Quân Thanh và quân của Lê Chiêu Thống bị bất ngờ, sợ hãi bỏ chạy. Quân Tây Sơn đuổi theo bắt không sót một tên, không để cho kẻ nào chạy thoát về báo cho quân nhà biết.
Đêm mùng ba Tết, đại quân Tây Sơn vây kín đồn Hà Hồi trong khi quân Thanh vẫn mải mê ăn Tết. Quân ta xuất hiện bất ngờ như quân nhà trời, lại được dân chúng bện rơm đốt rồng lửa reo hò trợ giúp, toàn bộ quân giặc hoảng sợ đầu hàng, ta không tốn một viên đạn, một mũi tên.
Đồn Ngọc Hồi là vị trí tiền tiêu của giặc trấn giữ cửa ngõ Thăng Long. Đồn có quân số rất lớn, phòng thủ nghiêm ngặt dưới quyền chỉ huy của phó tướng Hứa Thế Hanh. Nghe tin Hà Hồi thất thủ, Hứa Thế Hanh dẫn đầu đội kị binh nửa đêm ra khỏi đồn chặn đánh. Ngựa giặc thấy đàn voi của ta xông trận, sợ hãi chạy trở lại vào đồn, giày xéo cả lên quân của chúng. Lúc ấy trời vừa tảng sáng, quân giặc trong đồn có hỏa lực mạnh bắn ra dữ dội, nhiều quân sĩ ta thương vong, không tiến lên được. Quang Trung sai quân lấy các mảnh ván ghép lại, bện rơm xấp nước làm khiên. Cứ 20 người mang một tấm khiên xông lên, quân giặc bắn tên đạn ra đều vô hiệu. Quang Trung đích thân cưỡi voi đốc chiến. Quân ta tiến đến sát đồn, nhất tề bỏ khiên ào tới tiêu diệt địch. Quân giặc chống cự không nổi chạy tán loạn, Hứa Thế Hanh chết trong đám loạn quân.
Quân Thanh chạy về phía Đại Áng bị cánh quân của Đô đốc Bảo chặn đánh, dồn về phía Đầm Mực, chúng bị voi giày xéo, chết như ngả rạ. Cánh quân của Đô đốc Long tiến đánh đồn Khương Thượng, quân Thanh bị chết vô kể, thây chất thành núi. Tướng tiên phong Trương Sĩ Lương và Tả dực Thượng Duy Thăng bị giết chết. Thái thú Sầm Nghi Đống bủn rủn chân tay, treo cổ tự tử trên gò Đống Đa.
Sáng mùng 5 Tết, Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị còn đang say ngủ thì tin thất trận từ các ngả dồn dập báo về, tiếng súng, tiếng voi gầm, ngựa hí vang động khắp nơi. Không kịp lấy ấn tín, Tôn Sĩ Nghị vội nhảy lên ngựa bỏ chạy, thoát được qua cầu phao bắc trên sông Hồng rồi một mình một ngựa trốn lên phương Bắc. Quân Thanh như rắn mất đầu, quân tướng các trại cũng ùa chạy theo, chen chúc tranh nhau qua cầu phao. Cầu phao bị gãy, quân giặc chết chìm dưới làn nước lạnh giá, xác lềnh bềnh cả một quãng sông.
Quân ta hùng dũng tiến vào Thăng Long giải phóng. Vua Quang Trung áo bào còn khét mùi khói súng, ngự trên bành voi dẫn đầu đoàn quân chiến thắng giữa tiếng hò reo hân hoan của dân kinh thành. Hoa đào đỏ rực phố phường đã sạch bóng quân thù. Lời hẹn của nhà vua đã ứng đúng, không những thế, còn sớm trước hai ngày.
Nhà thơ Ngô Ngọc Du mô tả cảnh tượng hôm ấy trong bài Long Thành quang phục kĩ thực:
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai thích cánh cùng nhau nói:
Cố đô vẫn thuộc núi sông ta.
Ngày nay, hằng năm cứ đến ngày mùng 5 Tết nhân dân Thủ đô lại tưng bừng mở hội Đống Đa để ôn lại chiến thắng vẻ vang năm xưa dưới chân tượng đài người anh hùng dân tộc Quang Trung.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc