Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Thứ hai - 27/01/2025 18:12 37 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Nguyễn Khánh lừa đại sứ Henry Cabot Lodge và cái chết của thiếu tá Nhung

Nguyễn Khánh khoe đã thâu băng cuộc nói chuyện tay đôi với đại sứ Taylor: “Tôi nói ông (Taylor) là một tướng giỏi, tài ba ở nước ông, nhưng ở đây ông là một nhà ngoại giao dở”.
“Ngoại giao dở” vì không lôi kéo được mà còn gây ra sự bất mãn của các tướng lĩnh Sài Gòn như Thiệu – Kỳ – Thi  và…Khánh! Có lẽ ông Taylor đã nín nhịn, nhưng ngấm ngầm “vận động” thế nào đó để góp phần làm Khánh phải văng ra khỏi Việt Nam, lưu vong mãi đến giờ.
Với đại sứ Cabot Lodge, ông Khánh “qua mặt” một lần. Frederick Flott, một người thân cận với Tòa đại sứ Mỹ, đã đưa 3 đứa con của bà Ngô Đình Nhu sang Roma hồi đảo chánh 1.11.1963, kể với Trần Văn Đôn chuyện đó.
Theo Flott, hôm vụ chỉnh lý 30.1.1964 nổ ra, đại sứ Cabot Lodge cho mời Nguyễn Khánh đến lúc 5 giờ sáng, hỏi vì sao lại bắt mấy tướng Đôn-Đính-Kim-Xuân? Khánh đáp: – Không bắt sao được, chúng tôi có tài liệu là trong vài ngày nữa, các ông đó sẽ tuyên bố miền Nam trung lập!
–  Thế anh chắc chắn có bằng chứng không?
–  Sao lại không? Chúng tôi có đủ tất cả tài liệu đây nầy!
Ông Khánh chỉ vào một tập hồ sơ ông ta đang ôm trong tay.
– Thôi được, anh đưa tôi xem để tôi trình cho Hoa Thịnh Đốn.
– Không được, vì trưa nay chúng tôi có cuộc họp báo, cần tài liệu này để trưng bằng cớ, rồi sau đó sẽ đưa lại cho ông.
Nói qua chuyện vậy thôi chứ ông Khánh không đến. Phía đại sứ Cabot Lodge –nhắn, Khánh lại hứa “sẽ”.  “Rồi một hai tháng trôi qua, ông Khánh không đưa gì hết. Lúc ấy ông Lodge mới biết là bị gạt”, Đôn viết như vậy. Đó là tập “hồ sơ giả” hoặc một mớ giấy lộn “giả làm hồ sơ” mà “ngài đại sứ” không bao giờ đọc được. “Qua mặt”. Cabot Lodge, Khánh không đơn độc mà có sự che chở của cố vấn Mỹ riêng của mình là Jasper Wilson.
Các hồi ký sau này của Trần Văn Đôn, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi viết và xuất bản ở nước ngoài đều cho người sắm “vai chánh” trong chỉnh lý 30.1.1964 không phải Nguyễn Khánh mà là…Trần Thiện Khiêm (lúc đó làm tư lệnh quân đoàn 3). Do vậy, đại sứ Cabot Lodge lẽ ra gặp ông Khiêm thay vì Khánh mới “đúng người đúng việc”. Đêm có chỉnh lý, bắt các tướng, ông Khánh chỉ được 5 phút để suy nghĩ nhận làm hay không làm thủ tướng. Trần Văn Đôn viết:
Ông Khánh cho tôi biết sau này là ông ta nhận làm thủ tướng quá bất ngờ. Trong đêm đảo chánh (chỉnh lý 30.1.1964) Trần Thiện Khiêm yêu cầu Nguyễn Khánh nhận chức vụ Thủ tướng và Khiêm chỉ để cho Khánh 5 phút quyết định. Năm phút sau Khánh bằng lòng. Có lẽ vì vậy mà nhóm đảng Đại Việt (…) nói là họ bị gạt và đòi “đảo chánh lại”.
Hồi ký Nguyễn Chánh Thi cũng viết Trần Thiện Khiêm là “vai chánh” vụ đó: “Ngoài ra, bên cạnh ông Khiêm còn có một số quân nhân thuộc đảng phái, cộng với một số sĩ quan khác bất mãn với chế độ “mới” (của ông Dương Văn Minh) vì không được trọng dụng, không được lên lon v.v…Thì ra cái thứ “cách mạng” (chỉ cuộc chỉnh lý 30.1.1964 lúc đầu được Thi ủng hộ) mà tôi đã tin tưởng, đã lăn lưng vào, nó là như thế!”.
Ra nước ngoài hơn 35 năm nay, chưa thấy ông Khánh xuất bản hồi ký. Trong một cuốn sách của Vĩnh Phúc ấn hành tại Mỹ năm 1998 có in lời đáp của Nguyễn Khánh khi được hỏi quanh “cái chết của thiếu tá Nhung” (người bắn hai anh em Diệm Nhu) với các chi tiết dưới đây.
Về lời đồn cho rằng Nguyễn Chánh Thi xuống nhà giam của lực lượng nhảy dù đang nhốt Nhung rồi đi lên, mặt hầm hầm, một lát sau lại xuống, lên lần nữa bảo thượng sĩ Hải: “Mầy xuống lấy dây giầy cột nó lên!”, có không? Ông Khánh trả lời không được rõ ý và nhắc lại:
Hôm đảo chánh 1.11.1963, những tư lệnh quân chủng, thủy quân lục chiến, ông Khang nầy nọ…trước khi vô ăn cơm họ để khí giới ngoài .Ăn cơm xong ông Minh mới tuyên bố có cuộc đảo chánh. Thì lúc đó thằng Nhung nó có súng. Nó đi đi lại lại, sỉ vả mấy ông đại tá, kể cả ông đại tá Cao Văn Viên. Hồi lâu lâu, nó buồn tình, nó nắm đầu một ông lên nó bắn! Phải có lịnh chứ không phải vô tình. Nó nắm ông Tung (Lê Quang Tung) ra sau hè nó bắn. Hồi nữa nó vô nó nắm em ông Tung là trung tá Triệu (Lê Quang Triệu) đem ra ngoài bắn luôn. Thành ra, mấy ông nầy bị sỉ vả mà có làm được gì đâu. Anh tưởng tượng mấy ông đại tá …bị một anh đại úy mà hồi Bình Xuyên với tôi nó còn là trung sĩ, thượng sĩ là gì đó nó sỉ vả thì họ nghĩ sao? Thành ra có nhiều “thèses” lắm. Tôi không dám quả quyết được”.
Theo ông Khánh, việc Nhung chết rất đáng tiếc vì có nhiều chuyện cần để Nhung nói ra.
Ông Nguyễn Chánh Thi phủ nhận việc dư luận gán cho ông là người đá chết Nhung dưới hầm nhà giam. Ông bảo lúc bắt Nhung đưa về chỗ ông tuồng như có Cao Văn Viên ở đó nữa, ông nói với Nhung: “Anh khai thật đi. Vì cái chuyện mình nhà binh (…), thiên lôi chỉ đâu đánh đó! Có gì mà anh phải sợ. Khai thật cho tôi nghe vì tôi có biết qua về chuyện giết ông Diệm đó”.
Nghe lời, thiếu tá Nhung viết bản tường trình khai hoàn toàn không biết gì về quyết định của Hội đồng quân nhân đảo chánh mà chỉ ra đi bắt hai ông Diệm – Nhu theo lệnh của Viên “chỉ huy tổng quát vụ nầy là ông thiếu tướng Thu” (?).
Xe từ nhà thờ cha Tam đi một hồi gặp một đoàn mấy xe jeep chạy ngược lại, trên xe có tướng Thu (…). “Khi đó ông Thu đưa hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) của bàn tay trái…tôi (thiếu tá Nhung) rút khẩu Colt 12 bắn mỗi người 5 phát. Sau đó hăng máu bồi thêm cho ông Nhu 3 phát nữa vào ngực. Đồng thời đoàn xe thiết giáp dẹp đường chạy về Bộ Tổng tham mưu…”.
Ông thiếu tướng Thu là ai? Nhung chết quá nhanh chưa kịp khai hết chi tiết, nên “tướng Thu” vẫn còn là một dấu hỏi trong hồ sơ cũ.

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay5,328
  • Tháng hiện tại85,527
  • Tổng lượt truy cập1,762,660
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây