Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Chủ nhật - 02/02/2025 18:01 29 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Bắt hai tướng Đính và Thi sau “cuộc cờ tàn”

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2015/04/ton_that_dinh_uufh.jpg
Tướng Tôn Thất Đính (giữa) cùng tướng Nguyễn Chánh Thi bị điều về Sài Gòn giam ở số 2 Tú Xương

Chiếc trực thăng chở đại tá John Chaisson (sau là thiếu tướng giám đốc trung tâm hành quân chiến đấu thuộc Bộ tham mưu của tướng Walt ở Đà Nẵng) bốc lên cao, ra khỏi cụm pháo sắp nhoáng lửa và bay nhanh về bên kia sông.
Đứng bên này đại tá Đàm Quang Yêu nghĩ nếu ông khai hỏa, máy bay Mỹ trong căn cứ không quân tất bị hư hại, quân Mỹ chết lây, chừng đó Mỹ phản ứng bằng những trận mưa pháo mà Chaisson cảnh cáo là sẽ trút xuống cùng lúc với bom hạng nặng. Nếu 2.000 quân ly khai dưới quyền ông “quyết tử” vì trận huyết chiến với lực lượng Thiệu – Kỳ – Có từ Sài Gòn đưa ra ắt họ sẵn lòng, nhưng đằng này do sự va chạm có thể tránh được với Mỹ thì hãy kiềm chế đã. Đại tá Yêu bàn với sĩ quan tùy viên của mình đình chỉ bắn phá sân bay. Cách đó không xa lắm, các pháo thủ Mỹ chưa hay biết quyết định trên của đại tá Yêu nên họ vẫn đứng yên cạnh các cỗ đại pháo chờ nã đạn đáp trả.
Dưới cái nắng gay gắt giữa trưa, tình trạng căng thẳng kéo dài hầu như không thể chấm dứt được. Thần kinh mọi người đang căng thì lính thủy đánh bộ Mỹ nhìn qua ống nhòm thấy đàm pháo thủ (quân ly khai) dừng lại, không chuẩn bị bắn nữa mà tháo ngòi nổ và bỏ các quả đạn vào hòm. Cuối cùng, cơn khủng hoảng trước mắt cũng qua đi. Westmoreland, viết tiếp là sau đó mặc dầu bầu không khí ở Huế, Đà Nẵng vẫn ngấm ngầm chờ bộc phát nhưng dẫu sao cũng yên tĩnh hơn những cuộc dàn quân rầm rộ và “tôi đã lợi dụng dịp yên tĩnh này đáp máy bay sang Honolulu ngày 12.5” nghỉ mát ở bãi biển với gia đình.
Nhưng ông phải trở lại Việt Nam sau đó mấy ngày, chứng kiến thảm cảnh cuộc tập kích “giải phóng Đà Nẵng” (chữ Kỳ dùng) với những đợt bắn phá, bỏ bom của không quân xuống chùa chiền, doanh trại quân ly khai, bắn thẳng vào dân chúng đấu tranh và đàn áp triệt để lực lượng thanh niên sinh viên học sinh yêu nước từ nơi ẩn náu.
Tại Sài Gòn, Đại hội sinh viên “Chống nội chiến miền Trung” tổ chức ngày 24.5.1966. Sau buổi đại hội, sinh viên tràn xuống đường, xông đến trụ sở Tổng hội sinh viên Sài Gòn (lúc bấy giờ đang do Thiệu – Kỳ khống chế đưa người vào khuynh loát) buộc Tô Lai Chính từ chức. Lực lượng sinh viên nắm quyền chi phối tổng hội từ đó.
Đứng lên cùng phong trào Huế và Đà Nẵng, từ 1.6 đến 4.6, Lực lượng thanh niên sinh viên học sinh tranh thủ dân chủ bao vây và chiếm giữ Đài phát thanh Đà Lạt. Bị tấn công lấy lại, trước khi rút lui, sinh viên học sinh đã đốt cháy rụi đài phát thanh trên. Sau chiếc xe Mỹ đầu tiên bị sinh viên đốt tại Viện hóa đạo Sài Gòn vào tuần đầu tháng 5.1966, thanh niên vùng Bàn Cờ – Ngã Bảy (được xem là căn cứ địa đấu tranh) tỏa ra truy tìm xe Mỹ từ ngày 16.6.1966 và đốt cháy 10 xe, giết chết công an Kiều Công Hai, dựng chướng ngại vật, lập phòng tuyến làm chủ “khu tứ giác” Bàn Cờ suốt mấy tuần lễ. Thiệu – Kỳ phải cho loan báo trên Đài phát thanh Sài Gòn dọa sẽ kết án tử hình những ai lãnh đạo đấu tranh.
Vào đoạn cuối biến động đẫm máu ngoài Trung, Huỳnh Văn Cao từ nơi ẩn náu an toàn đã ký lệnh tấn công chùa chiền, ra lời kêu gọi quân ly khai buông súng. Cầm các bản in lời kêu gọi với chữ ký của Cao, phụ tá cố vấn cao cấp Arch Hamblen và Thomson đi từ đồn bót này đến các đơn vị khác thuyết phục. Đang lúc đó, xe tăng và phi pháo của Kỳ phái tới vẫn thi nhau khạc đạn vào các ổ kháng cự. Đến ngày 23.5, Đà Nẵng tạm yên tĩnh trở lại. Khi đó, Huế đang bị phong tỏa. Các đường vận chuyển thực phẩm và hàng nhu yếu trên bộ trên biển bị Kỳ ra lệnh cắt đứt từ trước. Thay vì đổi gạo, thuốc men, dầu thắp và nhiều vật dụng thiết yếu khác, Kỳ lại gửi quân nhảy dù bất thần đến cố đô ngày 15.6, làm nốt phần việc “bình định miền Trung”.
Điểm lại biến động miền Trung 1966 có 242 người vừa chết vừa bị thương,  chùa chiền, nhà cửa trúng bom cháy rụi khắp nơi. Theo tài liệu của Trần Văn Đôn, “khoảng 6.000 sĩ quan, hạ sĩ quan và quân nhân đào ngũ, một số người phải chạy lên chiến khu của Việt cộng”. Hồi ký Nguyễn Chánh Thi viết não nùng:
Hoàn toàn bất lực, đứng bên lề nhưng tự thấy mình có trách nhiệm phần nào, tôi lại lăn lưng ra dàn xếp (…). Tôi đi từng ổ kháng cự, năn nỉ đồng báo, năn nỉ các tổ chức chống đối, hãy mở đường cho quân Sài Gòn tiến vào, rồi muốn ra sao thì ra … Một lần nữa, nhờ táng tận lương tâm, đã thẳng tay bắn giết đồng bào mà Thiệu – Kỳ đã “thắng”.
Tránh đẩy Nguyễn Chánh Thi và Tôn Thất Đính vào thế chân tường, Westmoreland đã gặp Thi ở Chu Lai và Walt gặp Đính trước ngày cuộc biến động lắng xuống. Hai tướng Mỹ hứa sẽ can thiệp “sâu” để Thiệu và Kỳ đối xử tử tế hai ông Thi và Đính. Đối với Huỳnh Văn Cao, Westmoreland mỉa mai: “Cuối cùng tướng Cao trở vào Sài Gòn sống cùng người vợ mà ông tin cậy” ngoài ra, ông không tin vào bất cứ người Việt Nam nào cả như nói ở chương trước. Huỳnh Văn Cao đã viết thư cho tôi (tướng Westmoreland) xin được trở thành dân Mỹ” (!!!). Cao vào Sài Gòn, tướng Hoàng Xuân Lãm, chỉ huy sư đoàn 23 ra Đà Nẵng thay, làm tư lệnh mới của Quân đoàn I. Tướng Lãm lệnh quân lính ra khỏi thành phố Huế và Đà Nẵng để tiếp tục “ổn định tình hình” nội thành.
Dầu có sự hứa hẹn của Westmoreland và Walt, nhưng Tôn Thất Đính vẫn bị bắt đưa về Sài Gòn. Với Nguyễn Chánh Thi, Thiệu – Kỳ có cách “mời khéo”, cũng đưa về Sài Gòn. Cả hai ông, Đính và Thi bị giam tại số 2 đường Tú Xương, tuyệt đối không được liên lạc với bên ngoài vì bị coi là “can phạm trọng tội”. Phạm Xuân Nhuận, tư lệnh sư đoàn I ly khai, cũng bị bắt đưa ra Tòa án quân sự. Ngày 14.7.1966, quân cảnh áp giải tất cả đến bộ Tổng tham mưu xử. Tại đó, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Có, Linh Quang Viên, Vĩnh Lộc và các tướng vây cánh với Thiệu – Kỳ đã ngồi sẵn trong phòng dành cho Hội đồng tướng lãnh xét xử vụ án. Linh Quang Viên đọc cáo trạng xong. Thiệu hỏi:
– Tướng Thi, ông có gì trình bày không?
Nguyễn Chánh Thi đáp:
– Không.

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế. © Bản quyền các bài viết và bài dịch thuộc về các tác giả, dịch giả và Dự án Nghiên cứ:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay4,979
  • Tháng hiện tại83,883
  • Tổng lượt truy cập1,761,016
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây