Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Thứ hai - 27/01/2025 18:29 35 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Cuộc họp bí mật trước giờ tập kích miền Trung
https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2015/04/doan_thanh_nien_quyet_tu_da_lat_1966_ftgy.jpg?w=551
Đoàn thanh niên Đà Lạt tuyên thệ quyết tử năm 1966

Như đã nói trung tướng Tôn Thất Đính – người theo đạo Phật được cử nắm trọng trách tại miền Trung với hy vọng đối thoại dễ dàng hơn cùng các lãnh tụ Phật giáo để làm dịu tình hình. Nhưng đến Huế, tướng Đình đã khuấy nóng “chảo lửa” này lên bằng những lời công kích và hạch tội Thiệu – Kỳ – Có! Ông bỏ nhiệm sở, chống lại lệnh gọi về Sài Gòn và chạy thẳng vào Bộ tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ ở Đà Nẵng xin tỵ nạn chính trị.
Cay cú, Kỳ và Thiệu bèn chỉ định tướng Huỳnh Văn Cao là tín đồ Công giáo ra Trung thay. Tới nơi, thấy đông đảo quân nhân và công chức ly khai hoặc lãn công chống đối nhà cầm quyền Sài Gòn. Cao bất lực bỏ doanh trại chạy luôn về Bộ tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ ở Đà Nẵng xin tá túc y hệt …tướng Đính!
Chỉ huy trưởng của Bộ tư lệnh Mỹ nói trên là thượng tướng Lewis W.Walt, đồng thời làm cố vấn Quân đoàn I, sau này phản ứng gay gắt với Nguyễn Cao Kỳ trong những giờ đầu Kỳ triển khai cuộc tập kích đàn áp miền Trung. Ông ta không khỏi bất ngờ vì chỉ trong một thời gian ngắn mà phải đón đến hai tư lệnh “tháo chạy tán loạn”: Tôn Thất Đính và Huỳnh Văn Cao.
Tiếp đó miền Trung gần như “vô chính phủ”, theo lời các cơ quan truyền thông đại chúng lúc bấy giờ gọi. Ngoài đường và trong các khu phố xuất hiện lực lượng “quyết tử” chống chế độ Sài Gòn. Đã có nhiều tín hiệu “bất an” đối với Thiệu – Kỳ trước khi xảy đến tình trạng đó, như cuộc chiến tranh của Phật tử, lực lượng thanh niên sinh viên học sinh (SVHS) yêu nước bùng nổ dữ dội tại Huế và Đà Nẵng ngày 24.3.1966. Hôm sau 25.3, tại Sài Gòn, sinh viên trường Hồng Lạc bãi khóa, xuống đường, vây đài phát thanh với sự tham gia của đông đảo thanh niên từ ngã bảy kéo về hỗ trợ.
Đúng một tuần sau, vào 31.3, hơn 10.000 người mở phiên xử và đốt hình nộm của Thiệu – Kỳ ngay “pháp trường cát” do chính Kỳ dựng lên trước chợ Bến Thành. Cơn sốt chính trị rõ ràng lan rộng vào các thành phố phía Nam. Kỳ ghi nhận: “Bầu không khí căng thẳng ở Sài Gòn đã lên cao. Người ta tổ chức biểu tình hằng ngày ở Sài Gòn và Chợ Lớn (…). Khoảng 2.000 người ngồi một cách kiên nhẫn trong 3 giờ đồng hồ trước Viện hóa đạo để nghe thuyết pháp” và cổ xúy đấu tranh chẳng hạn.
Riêng phía thanh niên SVHS thời đó, dựa nhiều nguồn tư liệu và mới đây nhất là cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào học sinh – sinh viên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam 1945 – 1998 do Nhà xuất bản Thanh Niên (Hà Nội 1999) ấn hành thì: trước làn sóng đấu tranh của thanh niên và nhân dân, Thiệu phải tuyên bố tình trạng chiến tranh và ra lệnh đóng cửa các trường học vào ngày 4.4.1966.
Nhưng những ngày tiếp đó, các trường đại học Y khoa, Dược khoa, Văn khoa, Khoa học vẫn thay nhau mở hội thảo chống đàn áp đồng bào miền Trung. Nguy hiểm cho Thiệu – Kỳ là phong trào bắt đầu xuất hiện công khai khẩu hiệu: US go home! (Mỹ hãy cút về nước!) ngay trước tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn trong cuộc biểu tình đông ngót 100.000 người ngày 1.5.1966. Khẩu hiệu kẻ bằng sơn trắng trên lòng đường chạy ngang trước tòa đại sứ.
Cuối tháng đó, Tòa lãnh sự Mỹ ở Huế nằm trên đường Đống Đa bị SVHS Huế đốt cháy rụi. Tại sân chùa Linh Sơn (Đà Lạt) vào thượng tuần tháng 5.1966 đã mở “phiên tòa” xử Johnson và McNamara về tội tăng cường chiến tranh Việt Nam cũng như ủng hộ Thiệu – Kỳ đàn áp Phật giáo đồ và SVHS yêu nước; đốt hình nộm của “hai tội phạm chiến tranh” trên!
Xu thế chống Mỹ lan khắp Huế – Đà Nẵng – Sài Gòn – Đà Lạt…khiến Hoa Thịnh Đốn lo ngại. Ngay trước khi điều đó bùng nổ, người Mỹ đã xót ruột muốn Thiệu – Kỳ phải nhanh chóng “giải quyết vấn đề nội bộ” nếu không sẽ “xét lại” thái độ của Mỹ về đường lối hiện hành. Nguyễn Cao Kỳ điểm: “Từ mồng 9 đến 20.4, tại Nhà Trắng có 5 phiên họp được triệu tập một cách khẩn trương vì cuộc khủng hoảng ở Nam Việt Nam và tại các phiên họp này, các thành viên trong chính quyền Mỹ đã duyệt xét lại các đường lối hành động mà Hoa Kỳ còn có thể áp dụng được”.
Đang bị phía Mỹ chăm chú quan sát và đang lúng túng vì “sự cố” do các tướng Thi, Đính, Cao và thị trưởng Mẫn gây ra làm vướng tay chân, Thiệu – Kỳ lại choáng váng trước tin tướng Nhuận, Tư lệnh Sư đoàn I bộ binh, công khai đi theo phong trào tranh đấu, lôi cuốn binh lính dưới quyền cầm súng gia nhập đội ngũ “quyết tử” miền Trung, khiến các cố vấn Mỹ “cảm thấy nghẹn ngào vì bất thình lình họ bị lâm vào tình trạng phải cố vấn cho những quân nhân quyết tâm muốn lật đổ chinh phủ mà người Hoa Kỳ đã cam kết ủng hộ”.
Nguyễn Cao Kỳ viết tiếp: “Một sư đoàn bộ binh (của tướng Nhuận) đã thực sự liên kết với những người Phật tử. Những lực lượng thuộc đặc khu Quảng Đà (của đại tá Đàm Quang Yên) cũng vậy”. Ông ta lo ngại: “Rồi đây họ sẽ tuyên bố vùng này (miền Trung) là một vùng tự trị”. Đài phát thanh, các cơ sở của thị xã và tổng hành dinh quân đội ở Đà Nẵng bị lực lượng tranh đấu chiếm giữ. Tình trạng cũng xảy ra cùng lúc ở nơi khác như Huế. Đặc biệt là sự kết hợp giữa “lực lượng tranh đấu” với cán bộ “Việt Cộng” trong hoạt động lật đổ chế độ Sài Gòn và đòi “Mỹ cút”, như nhận định của Cyrus L.Sulzberger: “Từ hai ngả khác nhau, những người Phật tử và Cộng sản đã gặp nhau tại ngã ba đường và bây giờ họ đã cùng nhau đi chung lối”. Nguyễn Cao Kỳ dẫn lời Sulzberger gọi biến động của Huế và Đà Nẵng là bệnh ung thư cần được “giải phẫu” gấp, nếu không “sẽ sụp đổ”.
Lời báo động đó và sự thèm muốn được thể hiện quyền lực “trung ương” của mình đẩy Kỳ đi nhanh đến quyết định dùng hung khí để “mổ thịt” miền Trung. Nhằm giữ bí mật, Kỳ triệu tập các chỉ huy quân sự trung thành họp lúc 3 giờ sáng ngày 14.5.1966 để phổ biến kế hoạch tập kích Đà Nẵng.
Theo lời Kỳ, cuộc tập kích huy động lực lượng quân sự hỗn hợp được phác thảo âm thầm và kín đáo bởi “một mình tôi” (!). Ông ta giao quyền chỉ huy hành quân cho viên tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Những đơn vị chỉ định tham dự tập kích bay ra Đà Nẵng trong đêm tối, lúc các lực lượng “quyết tử” đang còn ngủ. Yếu tố bất ngờ giúp mũi tiên phong của quân nhảy dù và thủy quân lục chiến lọt vào nội thành trước khi trời sáng. Người Mỹ ở các vị trí cố vấn kinh hoàng khi phát hiện một lực lượng đặc biệt của “quân đội Sài Gòn đang tấn công quân đội Đà Nẵng”. Tướng Lewis W.Walt “tỏ ra giận dữ trước cuộc tấn công trên vùng lãnh thổ mà Walt tự cho là mình chịu trách nhiệm nhưng không được biết trước”. Lúc đó, binh lính ly khai của Quân đoàn I đang hướng nòng pháo đến căn cứ không quân Đà Nẵng chực nhả đạn về phía máy bay đang đáp xuống…

Tổng hợp: Mai Nguyễn
Hồi ký tướng tá Sài  Gòn xuất bản ở hải ngoại

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay5,328
  • Tháng hiện tại85,508
  • Tổng lượt truy cập1,762,641
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây