Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Thứ hai - 27/01/2025 18:20 29 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Nguyễn Cao Kỳ trước biến động miền Trung 1966

Đang còn đắng họng vì “bữa cơm của dân nghèo” không rượu không gái do thị trưởng Đà Nẵng bày ra khoản đãi để chửi khéo, Nguyễn Cao Kỳ lại bị thêm một vố đau khác trong chuyến thăm Huế vào ngày hôm sau 2.3.1966.
Tại Huế, ông ta có buổi tiếp xúc với thân hào nhân sĩ và các đoàn thể nhân dân ở Tòa đại biểu chính phủ bên sông Hương. Không khí cuộc gặp mặt được hâm nóng bởi phát biểu “có lửa” của ông Hồng Dũ Châu:
– Thưa thủ tướng “Chính phủ của dân nghèo” ra đời tại Sài Gòn đã 8 tháng nay. Suốt thời gian ấy chưa thấy làm được gì cho dân nhờ, chỉ thấy nay lệnh này mai lệnh khác trái ngược nhau, khiến chúng tôi bối rối không biết lệnh nào đúng mà thi hành. Gạo cơm tiếp tế cứ bị thiếu hụt mãi…
Mặt ông Kỳ tái dần theo lời bài bác cái chính phủ quá “nghèo” do ông làm thủ tướng. Mà chính ông, khi đảm nhiệm chức vụ ấy cũng không tin mình làm tròn. Bằng chứng là 26 điểm trong chương trình hành động của “chính phủ” không thực thi được: “Tôi công nhận quá non không biết gì hết”. Ông tự xét mình một cách thảm hại với Trần Văn Đôn như thế và Đôn chép lại trong hồi ký của mình.
Rồi việc cho dựng 5 cây trụ trước chợ Bến Thành để lập “pháp trường cát” thi hành án tử hình, bị dư luận quở rằng bắn người công khai giữa chợ là vô nhân đạo nên phải dẹp. Nghĩa là nhiều chuyện đáng bị công kích, đánh đổ, nhưng thời gian đầu xem chừng vẫn sóng êm bể lặng.
Nguyễn Cao Kỳ viết: “Ấy vậy mà chẳng có một âm mưu đảo chánh nào để lật đổ tôi hoặc một sự chống đối ầm ĩ nào cả. Có thể nào lại xảy ra trường hợp người không chuyên nghiệp đã thành công trong công việc mà người lành nghề đã bị thất bại chăng?”. Nay “người không lành nghề” ấy qua hội nghị Honolulu nhờ nhà chính trị “lành nghề” và “tâm đầu ý hợp” là tổng thống Johnson ra tay đạo diễn giúp nổi bật trên chính trường Sài Gòn. Nhưng đến Huế lại bị dân miền Trung chống đối, như ông Hồng Dũ Châu vạch:
“Xin thưa thật với thủ tướng rằng chính phủ ông thật xứng đáng là chính phủ của dân nghèo vì sau 8 tháng ông cầm quyền, dân đã nghèo lại nghèo thêm”.
Theo Nguyễn Chánh Thi, ông Kỳ không nén nổi cơn giận “quên cả cương vị thủ tướng của mình, xông ra ngắt lời ông Hồng Dũ Châu, sừng sỏ như sắp đi đánh lộn ở một tiệm nhảy đầm nào đó.
–  Ông là cái thớ gì mà dám nói với một vị thủ tướng chính phủ như thế? Đồ vô phép! Câm mồm!
Mọi người hiện diện đều giận tím mặt. Nếu có ai hô lên một tiếng chắc Cao Kỳ không nguyên vẹn mà về lại Sài Gòn”
Trước đó một ngày, ở Đà Nẵng, khi Kỳ hăm dọa Thi, trung tá Lê Ngọc Uyển (Quân vụ thị trấn) và đại tá Đàm Quang Yêu (chỉ huy trưởng biệt khu Quảng Đà) đã “gai mắt” muốn bắt giam Kỳ đột ngột chơi. Trung tá Uyển mở miệng gợi ý trước:
–  Cái thằng cao bồi này khó dung tha. Xin trung tướng (Thi) cho phép chúng tôi bắt nó nhốt lại, xem quan thầy nó cứu nổi nó không?
Thi làm mặt nghiêm, ngăn Uyển. Nay ở Huế, Thi lại đứng ra “can gián đôi bên cho xong chuyện”. Thời điểm đó ở vị trí tư lệnh Quân đoàn I Vùng I chiến thuật, ông Thi đối diện trước cuộc đấu  tranh đòi dân chủ chống Kỳ, Thiệu, Có (Kỳ lúc này đang “nổi” hơn Thiệu) của dân miền Trung.
Tin tức liên quan đến việc Mỹ mở rộng chiến tranh, tướng Maxwell Taylor đề nghị tiến hành phong tỏa cảng Hải Phòng bằng mìn, Westmoreland đòi tăng mạnh tăng nhanh quân số Mỹ vào Việt Nam, đã khơi dậy ngọn lửa đấu tranh đòi hòa bình. “Phe đối phương” tập kích hàng loạt đồn bót dọc ranh giới vùng Bến Hải; súng nổ giao tranh khắp nơi từ Cam Lộ, Khe Sanh đến Mộ Đức, Đức Phổ. Xe jeep chở Thi trúng mìn trên đường đi Hội An khiến tài xế chết, một đại tá ngồi trên xe bị thương nặng.
Thi may mắn thoát hiểm đâm ra nghĩ ngợi: “nhiều nguy hiểm đang chờ đợi mình”, mìn của “đối phương” gài hay của “phe ta”? Ông viết rằng tâm trạng ông những ngày tháng đó thật rối bời, vì bên ngoài quân “đối phương” đánh tơi bời, bên trong “toàn những phản bội rình rập (…) có nhiều lúc tôi chỉ mong mình trúng quách một trái B40 cho nó…nhẹ nợ!”. Nhưng vẫn phải sống đến ngày Kỳ đạp ngã ông để dẹp đường đưa quân từ Sài Gòn ra bắn thẳng vào dân miền Trung tranh đấu.
Kỳ viết: “Đến tháng 3.1966 (sau chuyến đi miền Trung xui xẻo kể trên của ông) đã xảy ra những cuộc biểu tình trong nhiều thành phố lớn, đặc biệt là ở Huế và Đà Nẵng (…). Những người Phật tử đòi tổ chức bầu cử tự do”. Điều mà ông Kỳ cho “tệ hại” và đáng lo ngại là binh sĩ của Quân đoàn I do ông Thi làm tư lệnh có thể từ chối không chịu đánh nhau với những người dân tham gia đấu tranh có vũ trang. Thậm chí báo cáo mật cho thấy dấu hiệu các chỉ huy cao cấp nhất của Quân đoàn I đang có xu hướng đứng về phía dân chúng nên nguy cơ binh biến thật sự chờn vờn trong giấc ngủ của Kỳ.
Ông ta nhướng mắt về hướng Hoa Thịnh Đốn và phần nào yên tâm vì “người Hoa Kỳ ủng hộ hành động và các kế hoạch của tôi; đại sứ Lodge đã nhận thấy được là tôi không còn có cách gì khác hơn là phải củng cố chính phủ bằng biện pháp gạt ra ngoài những phần tử chống đối”.
Qua hồi ký, khi kể lại giai đoạn đó, Nguyễn Cao Kỳ vẫn còn dùng những lời lẽ hậm hực, khích bác các thượng tọa lãnh đạo cuộc đấu tranh của Phật tử và khen “Tổng thống Johnson đã sáng suốt làm ra vẻ như không nghe những lời kêu gọi của họ”. Tuy vậy “họ” (những lãnh tụ đấu tranh) có lợi thế được tư lệnh các tỉnh miền Trung là Nguyễn Chánh Thi ủng hộ. Kỳ cho biết đã chăm chú theo dõi Thi từ lâu: “Hàng ngày tôi đều nhận được bằng chứng là thay vì duy trì trật tự tại vùng Huế – Đà Nẵng trong tình hình đang hết sức sôi động. Thi trái lại đã giúp đỡ cho những người Phật tử…”
Kỳ không thể chịu đựng hơn nữa những hình nộm được dân chúng và thanh niên sinh viên học sinh dựng lên bêu rếu mình khắp nơi: “Tôi đã bị gán cho là bù nhìn của Mỹ và trên tường trong nhiều thành phố đã xuất hiện dòng chữ rất quen thuộc “Người Mỹ hãy cút đi!”. Hình ảnh “nhức mắt” đó xảy ra thường xuyên trên “lãnh địa” do Thi làm tư lệnh, Kỳ hạ bút: “Rõ ràng là Thi đang nuôi tham vọng muốn trở thành một lãnh chúa của thời xa xưa!”.

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay5,328
  • Tháng hiện tại85,496
  • Tổng lượt truy cập1,762,629
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây