Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Chủ nhật - 02/02/2025 17:52 28 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Miền Trung: “con rắn khổng lồ” trong ác mộng của Nguyễn Cao Kỳ

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2015/04/westmoreland_dbsg.jpg
Tướng Westmoreland cùng tổng thống Mỹ Lyndon Johnson trong chuyến viếng thăm Nam VN tháng 10.1966. Đón tiếp là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ

Bầu trời yên tĩnh lại sau khi máy bay chiến đấu của phe Kỳ quay về căn cứ và tướng Walt cũng lệnh đội phản lực của mình thôi bay. Họ ngưng lườm nhau để cùng nhìn về một hướng: nơi cuộc khủng hoảng lan rộng thành đợt đấu tranh chính trị kéo dài 100 ngày, từ tháng 3 đến quá tháng 6.1966
Hơn 3 triệu 30 vạn lượt người thuộc 4 thành phố lớn và 29 thị xã của miền Nam xuống đường biểu tình, bãi khóa, bãi công, bãi thị liên tục. Theo Địa chỉ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (Trần Văn Giàu – Trần Bạch Đằng – Nguyễn Công Bình chủ biên) Sài Gòn có 800.000 người tham gia; toàn đợt bắt đầu từ việc phản đối Thiệu – Kỳ cách chức Nguyễn Chánh Thi, phát triển đến chỗ đòi lật đổ chế độ Sài Gòn, đòi quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam! Trong 33 thành phố, thị xã đứng lên; sôi sục mở đầu là Huế, Đà Nẵng. Dải đất ven biển miền Trung thành nỗi ám ảnh của Kỳ:
–  Theo tôi bờ biển miền Trung giống như một con rắn.
Kỳ nói tiếp với Walt: “Tôi đã không muốn giết chết con rắn này, việc mà tôi có thể làm được nếu tôi tấn công Huế…”
Huế, thành phố mà Westmoreland nhắc đến trong hồi ký A soldier reports (NXB Trẻ đã in một phần dưới nhan đề Tường trình của một quân nhân, trích bản dịch của Phòng khoa học Quân khu 9, không để tên người dịch. Chúng tôi sử dụng trích dẫn theo bản đó), với câu trả lời không chút do dự khi Tổng thống Johnson hỏi ông tại khách sạn Honolulu hồi đầu năm 1966 là “Nếu ông là cộng sản, sắp tới ông sẽ làm gì?”.
– Chiếm Huế?
Kế đó vào tháng 3.1966, lực lượng đặc biệt bị đánh bật khỏi thung lũng A Shau mở một cửa cho “đối phương” phóng tầm nhìn tiến về Huế. Khủng hoảng chính trị miền Trung ngăn cản việc xây dựng một sân bay gần Huế nhằm mục đích quân sự trong đó có việc chuyển quân, tiếp tế, bảo vệ cố đô khi bị tấn công. Ngưng xây vì “sân bay mới này đòi hỏi phải chuyển đi cả nghìn ngôi mộ. Đại sứ Lodge đã yêu cầu tôi hủy bỏ dự án này vì sợ các phần tử ly khai nắm lấy để kích động dư luận thêm nữa”.
Đại sứ Lodge thấy mục tiêu của dân chúng và sinh viên học sinh trong đấu tranh không dừng lại chỗ “bênh vực tướng Thi” mà tiến xa tới khẩu hiệu “chống Mỹ” nên ông thận trọng và yêu cầu Westmoreland như trên. Westmoreland cũng biết điều đó. Ông ghi nhận chưa đầy 24 giờ sau khi tướng Thi bị cách chức, hàng ngàn thanh niên học sinh Đà Nẵng xuống đường biểu tình, đòi trả lại chức vụ cho Thi, thị trưởng Đà Nẵng đồng tình, không ngăn cản, tuy nhiên:
Điều đó (chỉ việc tướng Thi bị cách chức) không phải là nguyên nhân mà chỉ là cái cớ mà sinh viên và Phật giáo viện ra để châm ngòi nổ cho sự bất mãn của họ và tranh thủ cho sự ủng hộ đối với mục tiêu của họ là gạt bỏ chính phủ quân sự ở Sài Gòn”.
Và thành phố Huế là “nơi sinh viên đã chiếm Đài phát thanh của chính phủ, phát liên tục những lời tố cáo chính phủ. Các khẩu hiệu chống Mỹ bằng tiếng Anh nhằm khiêu khích gây những vụ xung đột với lính Mỹ xuất hiện trên các đường phố của hai thành phố (Huế và Đà Nẵng)”. Đòi Mỹ rút khỏi miền Nam là nội dung “chạm nọc” Westmoreland. Nữ sinh Nguyễn Thị Vân, 17 tuổi, học trường Bồ Đề, tự thiêu ngày 31.5.1966 tại Huế. Các cuộc đàn áp dữ dội những ngày sau đó  không dập tắt hẳn ngọn lửa đấu tranh chuyền cháy về lâu dài nên Kỳ vẫn mơ “thấy rắn” mà Huế là “đầu rắn” (chữ Kỳ dùng trong hồi ký). Chắc hẳn Kỳ nhập tâm về chuyến ra Huế bị đại diện các đoàn thể nhân dân vạch tội đòi trị “cho biết tay”. Thêm tướng ba sao Phạm Xuân Chiểu do Kỳ phái ra bị sinh viên Huế “bắt sống” làm Kỳ nhức nhối.
Phạm Xuân Chiểu mang lon thiếu tướng từ thời Ngô Đình Diệm. Ông được Trần Văn Đôn mời soạn thảo các kế hoạch hoạt động chính trị và văn hóa hồi “tiền đảo chánh 1.11.1963” . Từ năm 1956, ông Diệm hỏi Trần Văn Đôn: “Trong hàng ngũ tướng lãnh toàn là người Nam và người Trung. Không có người Bắc. Ông thấy thế nào?”. Lúc đó Phạm Xuân Chiểu là đại tá, người Bắc vào , ông Đôn đáp: “Tôi thấy người có khả năng nhất trong số các đại tá là ông Phạm Xuân Chiểu”.
Sau ông Chiểu được phong tướng, làm tham mưu trưởng liên quân. Dầu ông Diệm không tin dùng như các tướng khác, nhưng Phạm Xuân Chiểu vẫn trụ được dưới triều Ngô qua những đợt thanh trừng lớn. Chừng đó thôi, Nguyễn Cao Kỳ đã bái huynh rồi. Khi Kỳ làm thủ tướng, xảy ra biến động ngoài Trung, phái ông Chiểu mang thư ra trao Nguyễn Chánh Thi, luôn tiện dò xem tình hình của “rắn”.
Ai ngờ ra Huế chưa kịp thở, Chiểu bị đồng bào sinh viên học sinh bao vây, buộc xuống xe hơi, lên xe xích lô về “nghỉ ngơi” ở trụ sở của lực lượng sinh viên tranh đấu Huế” – bị quản thúc ở đó 3 ngày với sự canh giữ của sinh viên đấu tranh – và “sau khi được thả về Sài Gòn, bị mất chức Tổng thư ký hội đồng quân lực”. Nguyễn Cao Kỳ hẳn phải e dè với Huế sau những vụ như vậy. Huống gì, tại nơi mà Nguyễn Cao Kỳ cho là đang cố chứng minh “trái tim của phong trào tranh đấu” đã sớm tập hợp tiếng nói trí thức qua nhóm Việt Nam Việt Nam: “Mỗi cái chết đều chứa đựng một sự thật. Đã có hàng triệu người Việt Nam chết trong cuộc chiến tranh trên đất này; nên cũng có hàng triệu sự thật cần được nói”.
Và sự thật làm Kỳ-Thiệu hoảng sợ là nhóm đã vạch rõ chính Mỹ và những “đồng minh” đưa quân vào Việt Nam đã gây cảnh chết chóc và miền Nam là “một xã hội bệnh hoạn lâu năm”  cần được giải phẫu, cắt bỏ những khối u như chế độ của Kỳ và Thiệu. Để át những tiếng nói tương tự, Kỳ ra lệnh tiếp tục nổ súng. Ngày 20.5.1966, một số khu vực quanh Đà Nẵng tan hoang…

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay5,328
  • Tháng hiện tại85,515
  • Tổng lượt truy cập1,762,648
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây