Lính thủy đánh bộ Mỹ được sự yểm trợ của xe tăng trên chiến trường miền Trung 1966
Cuộc tập kích Đà Nẵng bằng lực lượng quân sự hỗn hợp được phác thảo bởi “một mình tôi” (!). Kỳ viết như vậy và nhấn mạnh: “Đây là một kế hoạch được giữ bí mật cho đến độ mà ngay cả tướng Thiệu tôi cũng không cho biết”.
Đối với Mỹ, Kỳ cân nhắc có nên tiết lộ hay không và mãi đến giờ G người Mỹ vẫn chưa được thông báo gì cả. Lúc toán quân đầu tiên chạm cửa ngõ Đà Nẵng vào một đêm giữa tháng 5.1966 đại sứ Lodge không có mặt tại Việt Nam. Ông đang ở Mỹ. Đến khi nhiều vị trí then chốt mang tính chất quyết định thành bại của cuộc tiến quân lọt vào tay phe Kỳ, đại sứ Cabot Lodge mới quay lại Sài Gòn, nhằm 20.5.1966, tỏ lời hân hoan:
– Tôi lấy làm vui sướng biết được thủ tướng (Kỳ) đã lấy quyết định hành quân ra miền Trung. Nếu thủ tướng không làm việc đó, có thể thủ tướng đã khiến cho tôi thất vọng.
Vậy thì đại sứ Mỹ đã đặt “hy vọng” vào “thái độ cứng rắn” của Kỳ từ trước khi Kỳ “làm việc đó”. Nghĩa là ông Lodge ủng hộ giải pháp vũ lực nhằm dập tắt khủng hoảng ngoài Trung và nói ra rõ ràng để Kỳ yên tâm tiếp tục cuộc hành quân “bí mật”. Về phía Westmoreland, tư lệnh trưởng bộ chỉ huy viện trợ Mỹ tại Sài Gòn (MACV), đã “theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng” và tại sao bỗng rời Việt Nam đi nghỉ mát với gia đình tại bãi biển Honolulu chỉ một, hai ngày trước khi xảy ra cuộc tập kích?
Hồi ký Westmoreland cho biết ông “đã bàn bạc thường xuyên với Thiệu” và nhiều người khác trong bộ máy cầm quyền của Sài Gòn. Tướng Walt, các cố vấn Arch Hamblen, Samuel Thomson … đều được tham khảo trực tiếp về diễn tiến của biến động ngoài Trung. Các nhân viên quân sự Mỹ được lệnh không được lai vãng vào Huế và Đà Nẵng để đề phòng bất trắc.
Westmoreland chỉ thị “cố vấn Mỹ và tất cả mọi phương tiện yểm trợ của Mỹ phải rút ra khỏi bất cứ đơn vị nào của quân đội Nam Việt Nam không còn tuân theo mệnh lệnh của chính phủ (Sài Gòn) mà lại đi giúp đỡ những người ly khai”.
Ông ta gợi ý với đại sứ Lodge cần nêu rõ với tướng Kỳ sự lo ngại của Mỹ về 228 người Mỹ ở vùng Quân đoàn I đã chết ngoài mặt trận trong vòng 3 tuần lễ xảy ra xáo trộn tại nội thành: “Tôi cho môt sĩ quan tình báo báo cáo với các nhà lãnh đạo Nam VN về mối đe dọa của Việt cộng và Bắc Việt Nam đang tăng lên ở vùng Quân đoàn I đồng thời gợi ý chuyển tin này cho thị trưởng Đà Nẵng, nhà sư Thích Trí Quang, để họ dùng ảnh hưởng chấm dứt các cuộc biểu tình”.
Nhưng vô hiệu, phong trào bùng nổ dây chuyền, lan đến Sài Gòn, Pleiku, Nha Trang, Đà Lạt, nguy hiểm hơn khi “một số chỉ huy quân đội Nam Việt Nam ở địa phương bắt đầu phát súng đạn cho sinh viên. Điều rắc rối hơn hết là hôm 2.4, 3.000 quân thuộc Sư đoàn I quân đội Nam Việt Nam mặc quân phục diễu hành qua các đường phố ở Huế sau đội quân nhạc của sư đoàn, hô các khẩu hiệu đòi lật đổ chính phủ”.
Hai ngày sau, vào 4.4 (hơn một tuần trước cuộc tập kích), Thiệu – Kỳ đưa 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ra Đà Nẵng “biểu dương lực lượng”. Giờ xuất phát, họ đã báo trước để Westmoreland biết là “quân Sài Gòn” sẽ chiếm đóng căn cứ không quân. Nhưng không dễ gì, vì lực lượng ly khai ở Đà Nẵng giương súng về phía họ, và bóng ma nội chiến treo lơ lửng trên các cỗ pháo tầm xa. Những giờ phút căng thẳng của vụ việc được tướng Westmoreland viết lại trong Tường trình của một quân nhân (A Solider report). Chúng tôi tóm lược dưới đây dựa vào bản dịch của Phòng Khoa học Quân khu 9.
Chỉ huy trưởng biệt khu Quảng Đà: Đại tá Đàm Quang Yêu với 4 khẩu “Đại tá ru êm”.
Trước ngày đưa quân ra Đà Nẵng bằng máy bay C-47 của Mỹ, Nguyễn Cao Kỳ họp báo tại Sài Gòn. Ông ta nói quanh co, đôi lúc trả lời các nhà báo bằng những câu không ăn khớp với điều được hỏi. Hồi ký Nguyễn Chánh Thi ghi lại chất vấn của một ký giả ngoại quốc:
– Ông nói rằng Cộng sản đã chiếm Huế và Đà Nẵng, có thật thế không?
Kỳ đáp dường như chỉ để “Kỳ nghe” còn các ký giả bị “tịt ngòi”:
– Đó là chuyện của người Việt Nam.
Đã là chuyện “nhà” vậy nói ra “ngoài phố” làm gì?
Kỳ muốn “thuyết trình” về lý do tiến quân (đợt 1 vào 4.4) ra Đà Nẵng, nhưng những lời công kích của ông được thuật lại trên đài phát thanh Sài Gòn càng làm không khí miền Trung thêm oi bức. Phản ứng quyết liệt và tức khắc của phe ly khai đối với lực lượng do Kỳ mới đưa tới Đà Nẵng là tiến quân bao vây.
Theo Westmoreland, “một lực lượng ly khai của quân đội Nam Việt Nam gồm khoảng 2.000 quân dưới quyền chỉ huy của đại tá Đàm Quang Yêu” di chuyển nhanh về hướng căn cứ không quân, nơi thủy quân lục chiến của Kỳ mới từ Sài Gòn ra trú đóng. Một nửa số quân của đại tá Yêu “vượt khỏi một chiếc cầu cách Đà Nẵng mấy dặm”, một nửa khác còn nằm bên kia sông đang tiếp tục khởi động tiến theo.
Chính lúc đó, tướng Walt muốn cản họ lại để hai bên đừng nổ súng vào nhau. Mặc dù trước đó Westmoreland lưu ý tướng Walt hãy giữ “thái độ trung lập”, không can thiệp vào cuộc khủng hoảng, nhưng Walt thấy cần “làm một cái gì đó” ngăn cản đổ máu sắp diễn ra trước mắt. Và đại đội thủy quân lục chiến Mỹ đã tự lật nhào một chiến xe tải ngay trên lòng cầu chặn đường tiến của quân ly khai còn lại. Họ muốn đại tá Yêu dừng chân để cùng tướng Walt bàn bạc cách gì đó nhằm dàn xếp “hòa bình” với phe Kỳ đang đóng trong sân bay.
Nhưng đại tá Yêu, người từng dọa bắt nhốt Nguyễn Cao Kỳ vào quân lao Đà Nẵng, nhất quyết ra lệnh “chĩa 4 khẩu đại pháo vào căn cứ không quân”. Để ngăn chặn lại, đại tá John Chaisson đã hối hả và “cố ý cho máy bay lên thẳng của mình hạ trước mũi cỗ đại bác của đại tá Yêu, trong đó có 2 khẩu 155mm”.
Chaisson là sĩ quan do tướng Walt phái đến gặp đại tá Đàm Quang Yêu, với nhiệm vụ ngăn không để quân ly khai khai hỏa. Hai người, Chaisson và Yêu, trò chuyện trong tiếng máy bay ném bom của Mỹ đang lượn trên đầu họ. Để tăng thêm độ mặn của buổi đối thoại ngoài trời, phía Chaisson “trung lập” dựng một hàng rào bảo vê “hòa bình” bằng dãy đại bác nằm đối mặt với các nòng pháo của Yêu, ngấm ngầm tỏ thái độ: “Nếu Yêu ra lệnh bắn vào sân bay, đại bác Mỹ sẽ “lên tiếng” can thiệp!”.
Hàng trăm lính Mỹ bận đồ rằn ri xanh được tung tới nằm phục tại các vị trí quanh đó. Chaisson hỏi nếu đạn pháo rót thẳng vào căn cứ không quân Đà Nẵng, liệu máy bay của Mỹ đậu trên phi đạo và cả người Mỹ trong khu vực không bị “văng miểng” chứ? Chẳng ai dám đoan chắc. Chaisson nói:
– Chúng tôi không muốn thấy máy bay Mỹ và sinh mạng người Mỹ bị đại bác của chính người Mỹ cấp cho người Việt Nam hủy diệt!
Vì thế người Mỹ không để yên cho các cỗ đại bác đang hướng nòng về phía họ khai hỏa mà “sẽ nổ tung” dập tắt. Mặc Chaisson, đại tá Yêu không tỏ chút nhượng bộ nào và “các pháo thủ của ông bắt đầu mở hòm đạn, đặt ngòi nổ để chuẩn bị bắn”. Phía pháo binh Mỹ động đậy đáp trả. Chaisson buông lời cảnh cáo cuối cùng vọt lên máy bay dạt ra xa.
Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế. © Bản quyền các bài viết và bài dịch thuộc về các tác giả, dịch giả và Dự án Nghiên cứ:
Ý kiến bạn đọc