Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Chủ nhật - 02/02/2025 18:09 25 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Sát phạt và sợ bị trả thù trước giờ tuyên án tướng Thi

Nghe Nguyễn Văn Thiệu vạch tội Nguyễn Chánh Thi lê thê luộm thuộm quá, tổng ủy viên thông tin trong nội các của Nguyễn Cao Kỳ là thiếu tướng Nguyễn Bảo Trị đứng dậy đỡ lời và “tém lại” cho gọn.
Ông Trị gióng tiếng cảnh giác Hội đồng kỷ luật do Thiệu làm chủ tịch hãy thật công bằng, đừng dựa vào “lời khai một phía” của “thằng Hộ” nào đó mà kết tội Thi, Thiệu ngắt lời :
–  Thằng Hộ (?) cũng là một source d’information (nguồn thông tin)… Bây giờ anh em muốn décider (quyết định) liền hay là để mình đi lần lượt mình làm comparaison (đối chiếu) sau, hay là mình cứ đưa ra một cái gần như draft (phác thảo) trước?
Hỏi như vậy Thiệu làm rối chuyện lại và chẳng ai trả lời. Nguyễn Cao Kỳ giả bộ không nghe câu Thiệu hỏi, đẩy mũi dùi thẳng vào Thi:
– Xin dùng danh từ ông Thi là cái ngòi mà cái người châm ngòi không phải ông Thi. Ông Thi chỉ là cái ngòi trước sự xáo trộn và nhất là trong cái vụ xáo trộn Thi chỉ là cái ngòi thuốc súng và cái người châm ngòi là Trí Quang và tất cả phe nhóm chính trị đứng đàng sau.
Trí Quang mà Kỳ nói là “cái người châm ngòi” tức thượng tọa Thích Trí Quang – lãnh đạo Phật tử  đấu tranh chống Thiệu – Kỳ tại Đà Nẵng và Huế. Kỳ viết trong hồi ký rằng sau biến động miền trung, Kỳ đã ra lệnh bắt giữ thượng tọa Thích Trí Quang và đưa vào Sài Gòn “chữa bệnh”. Kỳ tiếp:
– Các quý vị còn nhớ, đại tướng Khánh hỏi rằng ông Thi ra nắm được miền Trung không, cũng đã nhiều lần tôi đã nói với ông Khánh là phải cho một số anh em ở trung ương (Sài Gòn) ra cạnh ông Thi (ở miền Trung) để mà conseiller (khuyên can bớt) ông đó. Ông Thi chưa nắm được miền Trung đâu trái lại chính miền Trung lại nắm ông Thi để làm cái paravent (bình phong) mà che cho họ núp đàng sau… Trước ngày ông bị cách chức (10.3.1964 tại Sài Gòn ) thì ông đã bị lợi dụng. Có người(?) đã tính đường xa hai ba năm về sau là nó thúc đẩy “conseiller” (chỉ vẻ) để thổi phồng lên hầu nó có một bộ mặt chính thức và ông Thi đã vô tình cũng như có một phần nào có ý mắc vào cái mưu mẹo đó (…). Ông biết rằng ông không thể nào đơn phương độc mã mà làm chuyện gì ghê gớm đâu. Thế nhưng mà ngồi ở đó (tư lệnh quân đoàn I và vùng I chiến thuật, kiêm đại biểu chính phủ tại trung nguyên Trung Phần) thằng nào tới nói “Oui” (Ừ! Được) ông cũng “Oui”, mà nói “Non” (Không!) thì ông cũng “Non”!
Nói tới đó, Nguyễn Cao Kỳ hạ thấp dần cường độ khích bác để đưa đến nhận xét có lợi một cách bất ngờ cho ông Thi khiến Thiệu chưng hửng:
– Ông Thi có những hành động nào tiếm quyền và dùng quân đội (ý nói trực tiếp chỉ huy quân ly khai chiến đấu chống trả cuộc tập kích của Thiệu – Kỳ – MN) trong vụ xáo trộn này không, thì không có một bằng cớ nào tỏ ra ông Thi có cái việc tiếm quyền phản loạn. (Thật ra Nguyễn Cao Kỳ biết rõ ông Thi thực chất nắm quyền điều động Sư đoàn I trong tầm tay và cổ xúy binh lính ly khai như “tin riêng” của tướng Westmoreland nhận được). Tất nhiên lúc tuyên bố thế này thế nọ cũng có, không thể nào tránh được. Thêm nữa theo như témoignage (làm chứng) của thiếu tướng Lãm thì trong những ngày cuối cùng (của cuộc biến động) ông Thi tỏ ra hiểu biết và hợp tác (kêu gọi ngưng đánh nhau – MN). Tất nhiên yếu tố chính là ông đã thấy sự tranh đấu đó không thể thắng được… Tôi đề nghị phạt trọng cấm và đi an trí.
Mức hình phạt do Kỳ đề nghị làm nhiều thành viên của hội đồng kỷ luật sửng sờ vì nó… “nhẹ hều”!
Chỉ trọng cấm, an trí!!!
Và rồi đây có thể phục hồi vai vế của Thi trong quân đội???!!! Một luồng khí lạnh tanh thổi qua gáy các tướng lĩnh từng công khai mạt sát Thi khi ông bị cách chức. Nhất là ngay phiên xử này, nhiều cặp mắt lạnh nhạt hoặc lỡ lườm ngó Thi trước đó nay nghe Kỳ phát biểu đều phải chột dạ. Vì sao? Vì sợ Thi trả thù nếu Thi không bị đẩy hẳn ra nước ngoài, hoặc bị bao vây cô lập một chỗ “ như người tu”. Nóng ruột tỏ thái độ không đồng ý với mức án của Kỳ quá nhẹ dành cho Thi, trung tướng tổng ủy viên quốc phòng Nguyễn Hữu Có bật dậy mổ xẻ:
– Phải xét lại cho kỹ cái cá nhân con người đó (Nguyễn Chánh Thi) đối với tương lai. Nếu mà mình vì cái cảm phục cho một ngày nào ông trở lại, tôi nói thật với các anh em khó lắm chứ không phải dễ. Tôi đã thấy ông qua bữa chỉnh lý (hôm 31.1.1964, Thi ủng hộ Khánh “lật” Dương Văn Minh, bắt Đôn-Đính- Kim- Xuân- Vỹ, nhưng không lâu sau đó thất vọng vì Nguyễn Khánh tham quyền và muốn làm “cha” dân! – MN), tôi đứng ngoài cửa, cái cách ông (Thi) bắt ông Đôn (Trần Văn Đôn) cùng ông này ông kia (các tướng khác) với cử chỉ căm thù. Huống chi mà mình đem ông đem ra trước đây để xử ông, mình bắt ông, mình giam ông. Mà một ngày nào ông có cái cơ hội thuận tiện mà ông còn trong quân đội không giải ngũ, còn cái chức tước với cái chính phủ khác, ông cũng vẫn là một vị tướng, thì  tôi e rằng có hại cho quân đội. Tôi không nói là cá nhân ông Thiệu, ông Kỳ, ông Có gì cả mà tôi nói quân đội thôi. Ông sẽ làm một cái représaille (báo thù) ghê gớm lắm! Không phải riêng ông Thiệu, ông Kỳ, ông Có mà cái représaille đó có thể đi lần xuống dưới nữa (…) Vì ông Thi là người hết sức “ambitieux” (“có dã tâm”), hết sức dám làm! Liều lĩnh! Liều lĩnh! Liều lĩnh! Và  “ambitieux” (dã tâm) thì nguy hại vô cùng!
Nguyễn Hữu Có nói một hơi đầy vẻ lo sợ, thống thiết, khẩn cầu Kỳ gấp gấp rút lại mức phạt “chẳng thấm thía gì” với Thi và tăng nó lên để bóp chặt Thi, không cho Thi cơ hội nắm lấy “cán dao” báo thù. Có sợ cũng phải, vì Có từng chĩa súng vào ngực buộc Thi không được lên máy bay về Trung và nhiều lần “đụng” khác… Chẳng lẽ Kỳ không biết tính Thi “dữ như cọp” sẵn sàng ăn miếng trả miếng đó sao? Kỳ quá rành! Nhưng vẫn đề nghị giảm nhẹ cho Thi chẳng phải Kỳ yêu mến cảm phục gì Thi mà chẳng qua vì… phía Mỹ có cảnh báo! Đại sứ Cabot Lodge gặp Kỳ trước khi mở phiên tòa quân sự đặc biệt đó và đánh tiếng: “Phải dè dặt và kín đáo kẻo dư luận báo chí bên Mỹ nó ồn ào rùm beng lên thì mang tiếng”. Kỳ đành lập lại câu nói Cabot Lodge giữa tòa khiến hội đồng kỷ luật của Thiệu ngớ người trước khuyến cáo mới!
 

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế. © Bản quyền các bài viết và bài dịch thuộc về các tác giả, dịch giả và Dự án Nghiên cứ:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay4,986
  • Tháng hiện tại83,890
  • Tổng lượt truy cập1,761,023
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây