Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Chủ nhật - 02/02/2025 18:22 26 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Trung tướng Nguyễn Chánh Thi bị xử 60 ngày biệt cấm tại …Mỹ!

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2015/04/nguyen_chanh_thi_ngoi_giua_tcjr.jpg
Trung tướng Nguyễn Chánh Thi (ngồi giữa) – ảnh chụp năm 1964

Người mà ông Vĩnh Lộc “tặng không” dàn máy âm thanh, đồng hồ, bạc bó là một ký giả có vai vế ở báo Quật Cường. Tờ đó do Hoàng Đức Nhã và các cán sự thông tin báo chí của ông Thiệu lập ra với sự thường xuyên hỗ trợ của Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia kiêm Đặc ủy trưởng tình báo trung ương Nguyễn Khắc Bình
Sự “phối hợp nghệ thuật” giữa họ đề ra ban biên tập sẵn sàng “quật” đối lập, trong đó có một số cây bút quân đội kéo từ “Cây đèn cầy” về. “Cây đèn cầy” tức vùng 1 chiến thuật. Con số “1” đính nơi áo giống hình cây đèn cầy thắp lên giữa vùng hỏa tuyến, xui lắm! Binh nhì đưa ra tác chiến ở đó dễ thành “cố binh nhất” vĩnh viễn. Đã bị đẩy trú quân vùng 1 mà được chuyển về Sài Gòn coi bằng thoát miền tử địa, khỏi ăn cháo lú. Nhưng bù lại, các cây bút hưởng “ân huệ” đó cần quên mình, viết theo chỉ thị đưa ra từ phủ đầu rồng.
Dạo đó có tin Quật Cường chuẩn bị “quật” chuyện tình vụng trộm của mình lên mặt báo, trung tướng Vĩnh Lộc lo lắm. Tuy là tờ báo hẻo lánh, ít bạn đọc so với các tờ khác trong làng báo Sài Gòn, nhưng tướng Lộc sợ các tờ khác xía vô “nổ dây chuyền” phiền phức.
Cũng thời điểm đó, ký giả “có vai vế” mà tướng Lộc muốn nhờ đỡ đang bị “hạ tầng công tác” vì việc gì không rõ và em rể của nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan (người họ Trịnh) được đưa về thay thế. Không biết việc thay đổi về nhân sự trên, ông Lộc cứ truyền lễ lạc mang tới. Ký giả kia bảo mình không có quyền hạn chi. Nhưng phía ông trung tướng tưởng quà cáp còn ít cứ nài nỉ “xin nhận cho”…Việc cũng qua, trung tướng Vĩnh Lộc băng băng lên tới Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn nhưng chỉ tại chức có …1 ngày, vào 29.4.1975 theo quyết định muộn màng của đại tướng Dương Văn Minh, ông Vĩnh Lộc được các tướng tá viết hồi ký nhắc đến là sĩ quan “có học vấn cao” (Đỗ Mậu), thuộc hàng “tướng lĩnh thâm niên nhất” (Trần Văn Đôn). Còn Nguyễn Chánh Thi ghép ông với các tướng tham nhũng cạnh nhau, gọi bằng “chúng nó”.
Và phiên tòa của “chúng nó” như chữ ông Thi gọi, tiếp tục cuối chiều đó bằng phát biểu của Nguyễn Cao Kỳ sau khi nghe Nguyễn Hữu Có và Đặng Văn Quang chống lại hướng xử “nửa chừng xuân”:
“Tôi quên không nói rõ là cá tính của ông Thi thù hằn ghê lắm. Phải mường tượng ngày hôm nay hội đồng kỷ luật từng này người mà phạt ông 60 ngày trọng cấm, ngày nào ông ngồi ông xét xử lại, ông kể lại từng tên một này ra, không xót một tên nào! (…) Tôi xin kể anh em nghe câu chuyện: Thiếu tá Phan Phụng Tiên lái máy bay cho ông đi trốn ở Cao Miên chỉ vì sang đó (1960) nó hành động này nọ, nó chỉ trích rồi nó không chơi với ông nữa. Thì hôm đầu tiên ông về đây (1963) gặp tôi ông bảo, thằng Tiên nó đâu rồi mày. Hôm đó ông định giết nó. Tôi phải can ông mãi trong hành lang Tổng tham mưu. Tôi bảo nó là đàn em, dầu nó có tội mà nó có công lái máy bay nếu không làm sao anh trốn được. Thằng Tiên sợ quá xanh mặt về nói với tôi thôi rồi ông Thi về đây tôi chết. Vì ông đó là ông ghê gớm lắm!
Ghi lại các phát biểu trên, Hoàng Đại Minh, người đưa tài liệu đặc biệt về phiên xử lên mặt báo Tia Sáng, đã nhận xét: “Dẫu sao lúc này sau những tháng rối ren đẫm máu mà (nguyên cớ) cũng tại việc ông (Kỳ) cách chức tướng Thi nên đứng ở địa vị thủ tướng chính phủ đứng đầu ngành hành pháp…ông Kỳ phải thận trọng. Lần kết tội này đối với tướng Thi nếu suôn sẻ không nói chi ngược bằng rối ren lại ầm ầm dấy lên thì chưa chắc ông còn giữ vững được ngôi vị…”. Đoán ý Nguyễn Cao Kỳ tuy có chuyển sau những lời kết tội mạnh mẽ của hai ông Có và Quang nhưng vẫn còn dè dặt, chờ đợi, thiếu tướng Vỹ tiếp thêm:
– “Tôi e rằng nếu không giải ngũ ông Thi là mình tự thổi phồng ông lên…”. Tướng Lê Nguyên Khang thì: “Sở dĩ ông Thi được coi là thần tượng trong thời gian vừa rồi vì nhiều người thấy ông hò hét như vậy nể nang, riêng mình phải nhận một phần lỗi, chứ nếu mình đã đưa ông đi an trí với những biện pháp, rồi cắt đứt tất cả sợi dây liên lạc rồi thì tôi tin rằng ông không còn cái gì nữa…”.
Phiên xử lấn cấn chỗ nên “cắt đứt tất cả sợi dây liên lạc ngay” (biệt cấm) đồng lúc với giải ngũ hay hoán từng giai đoạn. Lui tới “phe ông Có” đòi “bứng gốc” bị can Nguyễn Chánh Thi khỏi đất Việt Nam quăng ra nước ngoài. Một lần cuối, ông Kỳ cố thuyết phục hãy chầm chậm chút đỉnh:
– Nếu trên thực tế mình chấp nhận ông ấy phải ra khỏi quân đội, thì bây giờ (như đòi hỏi gấp gáp của tướng Có) hay hai tháng sau, cũng vậy. Vì từ giờ đến hai tháng nếu mình chấp nhận mọi hình phạt trọng cấm hay biệt cấm xong là 60 ngày thì trong 60 ngày ông không “contacter” (tiếp xúc) được với ai!
Phiên xử đến hồi phải gút. Đến 17 giờ 5 phút ngày 9.7.1966 (ông Thi ghi 14.7). Hội đồng kỷ luật quân đội Sài Gòn do ông Thiệu đứng đầu tuyên án 60 ngày biệt cấm, hưu trí đối với tướng Thi. Hồi ký Nguyễn Chánh Thi viết:
Cuộc hỏi tội chấm dứt lúc nào tôi cũng không biết. Tôi bâng khuâng bước ra khỏi phòng hội Bộ Tổng tham mưu, đầu óc trống rỗng”. Ông và Tôn Thất Đính, Phan Xuân Nhuận bị áp giải về lại số 2 đường Tú Xương. Cơm tối xong, ông Đính hối hả chạy sang gặp Nguyễn Chánh Thi, bảo:
–   Anh có nghe radio không? Chúng nó loan báo phạt mình và đuổi ra khỏi quân đội rồi!
Ông Đính quát tháo, chửi bới Thiệu – Kỳ – Có toáng lên. Lính gác ngỡ có xô xát ôm súng chạy đến. Họ đứng nghe, im lặng “im lặng nhìn nhau rồi bỏ đi”.
Mấy hôm sau, Nguyễn Hữu Có cho xe đến đón Nguyễn Chánh Thi vào nơi làm việc tại Bộ Quốc phòng. Ông Thi thuật lại buổi nói chuyện cuối cùng với ông Có tại Sài Gòn hôm đó:
Gặp tôi hắn có vẻ ngài ngại, cố làm ra vui vẻ, hỏi:
– Anh có được mạnh khỏe không?
Tôi không trả lời. Hắn nói tiếp: Chính phủ (?-Ông Thi đánh dấu hỏi) và người Mỹ đã chịu điều kiện anh đòi hỏi, anh nghĩ sao?
–  Điều kiện ấy là gì?
– Thì anh sẽ chịu đi ra ngoại quốc với điều kiện là thả tất cả những người phạm tội trong vụ biến động miền Trung.
Tôi cố làm ra vui vẻ nói đùa với Nguyễn Hữu Có:
– Té ra tôi cũng quan trọng thế hả? Bứng được tôi chắc các anh mừng lắm hỉ?…
Có lặng thinh nhẫn nhịn. Tôi trêu thêm:
– Hôm nay tôi cứ tưởng anh gọi đến chia tiền bán thuốc phiện, mừng quá…”
Không đợi đến “60 ngày biệt giam” mà khoảng hơn 10 ngày sau, vào ngày 20.7.1966, đại tướng Samuel Wilson, “Giám đốc cải cách điền địa” mà ông Thi biết là người của CIA đến nhà giam thúc: “đã đến lúc tôi phải đi khỏi nước càng sớm càng tốt”!

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế. © Bản quyền các bài viết và bài dịch thuộc về các tác giả, dịch giả và Dự án Nghiên cứ:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay4,972
  • Tháng hiện tại83,876
  • Tổng lượt truy cập1,761,009
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây