Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Thứ ba - 11/02/2025 18:00 24 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Những dấu hiệu “Không bình thường” trước Tết Mậu Thân 1968

Trước ngày “hy sinh”tuột xuống vị trí ứng cử viên phó tổng thống để Thiệu nổi lên, Nguyễn Cao Kỳ đã tìm gặp Trần Văn Đôn và dịu giọng:
– Tôi tiếc rằng hiến pháp không cho anh ứng cử tổng thống hoặc phó tổng thống. Nếu không tôi đã mời anh ra phó tổng thống với tôi. Tôi cần một phó tổng thống người miền Nam.
Hiến pháp mà ông Kỳ nhắc trên soạn thảo xong cuối năm 1966 theo đòi hỏi nóng bỏng của cuộc tranh đấu ngoài Trung. Khác hiến pháp dưới thời Ngô Đình Diệm cho phép người “có quốc tịch Việt Nam liên tục ít nhất 10 năm” quyền ghi danh ứng cử tổng thống, phó tổng thống.
Hiến pháp “đệ nhị cộng hòa” soạn thảo thời Thiệu – Kỳ nắm quyền bắt buộc “có quốc tịch Việt Nam từ lúc mới sinh” nên Andre Trần Văn Đôn (sinh 1917 tại Pháp) bị loại. Tuy vậy, ông có quyền ứng cử quốc hội nên đã cùng Tôn Thất Đính và 8 người khác đứng chung một liên danh và đắc cử vào Thượng viện Sài Gòn qua cuộc bầu cử tổ chức trước đó, tháng 5.1967. Nay, tuy không ra tranh cử tổng thống, phó tổng thống được, nhưng ông Đôn đã có ghế nghị sĩ, nghĩ “đúng lúc phải ngồi lại với nhau” nên giới thiệu với Kỳ luật sư Nguyễn Văn Lộc thay mình. Kỳ đồng ý.
Khi ráp với Thiệu, Kỳ nêu yêu sách sau trúng cử sẽ để Nguyễn Văn Lộc làm thủ tướng. Ông Thiệu chấp thuận. Và giữa tháng 11.1967, ông Lộc trình diện nội các với các tổng trưởng: bác sĩ Trần Văn Đỗ (ngoại giao), trung tướng Nguyễn Văn Vỹ (quốc phòng), trung tướng Linh Quang Viên (nội vụ), trung tướng Nguyễn Đức Thắng (xây dựng nông thôn), ông Trương Thái Tôn (kinh tế), ông Lưu Văn Tính (tài chính), giáo sư Tăng Kim Đồng (văn hóa giáo dục), giáo sư Phó Bá Long (lao động), bác sĩ Trần Lữ Y (y tế), ông Bửu Đôn (công chánh), ông Huỳnh Đức Bửu (tư pháp), ông Paul Nur (phát triển sắc tộc), ông Tôn Thất Trình (canh nông, điền địa), bác sĩ Nguyễn Phúc Quế (xã hội và tỵ nạn), ông Lương Thái Siêu (giao thông vận tải) và hai tổng trưởng phụ trách các lĩnh vực khác. Thứ trưởng có ông Phạm Đăng Lâm (ngoại giao), ông Trần Lưu Cung (giáo dục; đặc trách đại học và chuyên ngành), giáo sư Lê Trọng Vinh (giáo dục; đặc trách đệ nhất, đệ nhị cấp và phổ thông), luật sư Hồ Thới Sang (giáo dục; đặc trách thanh niên học đường), giáo sư Bùi Xuân Bào (văn hóa), ông Nguyễn Chánh Lý (thương mại), ông Võ Văn Nhung (công kỹ nghệ). Giáo sư Nguyễn Văn Tường và ông Đoàn Bá Cang giữ chức bộ trưởng phủ thủ tướng.
Nhìn vào danh sách trên, chính giới Sài Gòn thời ấy nhận xét nội các Nguyễn Văn Lộc bớt “mùi thuốc súng” hẳn so với nội các chiến tranh của Nguyễn Cao Kỳ. Song cơ cấu nặng “tính chất chuyên viên” đó tự thân đã chuyển động chậm, lại bị lực cản từ phía Thiệu đón đầu, nên chẳng nhích được tý nào trên đường hành pháp. Ngay từ thai nghén, Thiệu chẳng mặn mà gì, vì là nội các do người của Kỳ đưa ra (thủ tướng Lộc). Nhân cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 của “đối phương”, Thiệu mượn đà hất ngã luôn “phe mình”, đưa tướng Trần Thiện Khiêm thay Nguyễn Văn Lộc làm thủ tướng và lập nội các mới. Tướng tá cánh Kỳ bị bắn tan hàng.
Thế cô lực kém, Kỳ không làm sao bắt Thiệu tuân theo “tổ chức bí mật” gọi là Hội đồng tướng lãnh (Quân ủy hội) do Kỳ làm chủ tịch được. Ngược lại, Thiệu sổ toẹt hội đồng ma đó, xóa lời hứa “chịu sự giám sát” trước kia, một mình tự tung tự tác. Nhiều lần “chủ tịch” Kỳ nhắc nhở, mời họp, Thiệu giả điếc không nghe. Kỳ đành đưa cái hội đồng lãng mạn đó vào…hồi ký, trách: “Ông Thiệu mánh khóe xảo quyệt giành lấy thêm nhiều quyền hành cho ông ta”. Kỳ, với danh hờ “phó tổng thống”, bị hất đứng bên lề từ đó. Thiệu lên.
Việc chính quyền Thiệu gây “ấn tượng mới” là hủy bỏ lệnh cấm đốt pháo vào những ngày đầu xuân 1968. Mấy năm trước cấm hẳn. Thiệu vui, nhưng Mỹ rất lo, Westmoreland kiểm lại các diễn biến quân sự đáng để ý vào cuối năm: “Mùa thu đã trôi qua, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy (Việt cộng) đang hình thành thế thay đổi chiến thuật nào đó, mà thay đổi lớn! Điều này đã được thể hiện ở Lộc Ninh trong tháng 10 và ở Dakto trong tháng 11.1967 với tính chất khác thường. Số lượng các trận tấn công ở mức trung bình nhưng tăng đều khắp cả nước (…). Lực lượng đối phương ở khu phi quân sự tăng lên. Số xe vận tải phát hiện được dọc đường Hồ Chí Minh tăng lên khoảng 200%!”.
Một dấu hỏi lớn màu đỏ được chấm đằng sau con số kia. Câu trả lời phỏng đoán của Westmoreland là việt cộng đang nỗ lực chuyển quân nhằm “đánh tràn vào”. Nhưng đánh ở đâu? Và khi nào?
CIA ở Sài Gòn cố thu lượm và tập hợp các bằng chứng để củng cố thêm “về một chiến lược đánh tới”, đánh quyết liệt của “đối phương” sắp đến. Nhưng tướng Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội tuyên bố tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài và kêu gọi bảo toàn lực lượng. So với thực tế chiến trường, lời nói tướng Giáp đăng trên báo tháng 9.1967 khác xa. Vì qua tháng 11.1967,  lữ đoàn dù bắt được tài liệu “nêu lên những nét lớn cho đợt tiến công quy mô” và rằng “Bộ chỉ huy miền Trung (của Việt cộng) kết luận là đúng lúc phải có một cuộc cách mạng (do các lực lượng quần chúng) trực tiếp hành động và đến thời cơ tổng tấn công, nổi dậy”. Phải chăng lời kêu gọi “bảo toàn lực lượng” của tướng Giáp chỉ nhằm đánh lạc hướng đối thủ? Westmoreland viết: “Sau những trận đánh mùa thu, tôi kết luận rằng (lời tướng Giáp) là một cách ngụy trang, một lối tỏ vẻ như thất vọng có tính toán”.
Với những nhận định trên, Westmoreland về Washington tháng 11.1967 để gặp tổng thống Mỹ. Người phụ tá ở Sài Gòn là tướng Abrams đã điện cho Westmoreland tài liệu bắt được gần Dakto kêu gọi “có một nỗ lực tấn công tập trung phối hợp với các đơn vị khác ở khắp chiến trường miền Nam Việt Nam!”. Westmoreland đem tài liệu đó thảo luận ngay với Lầu Năm Góc. Tuy có bàn tới, nhưng cuộc tổng tiến công vẫn bất ngờ, hết sức bất ngờ đối với Westmoreland vào Tết Mậu Thân nhằm ngày 31.1.1968. Trước đó nửa tháng, Westmoreland lúng túng:
“Như tôi đã báo cáo trước Hội đồng phái bộ Mỹ ngày 15.1.1968, tôi thấy khả năng là 60 đến 40% đối phương sẽ đánh trước Tết, có thể vào ngày 25.1. Ngược lại, tướng Davidson, sĩ quan tình báo của tôi, lại thấy khả năng là 40 đến 60% đối phương sẽ vận động, chuẩn bị trong thời gian ngưng bắn và sẽ đánh sau Tết”.
Nhưng cuộc tổng tiến công nổ ra không phải “trước” hoặc “sau” mà đúng vào ngày Tết! Westmoreland và Davidson đều đoán sai! Trong lúc các tướng chỉ huy cao cấp nhất của Mỹ ở Việt Nam đang điên đầu vì các dự đoán, thì ông Thiệu sắm sửa chuẩn bị về quê vợ tại Mỹ Tho ăn Tết và ông Kỳ trầm trồ về “dinh tổng thống Việt Nam rộng lớn không kém gì Nhà Trắng ở Washington!”.

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế. © Bản quyền các bài viết và bài dịch thuộc về các tác giả, dịch giả và Dự án Nghiên cứ:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay4,984
  • Tháng hiện tại83,888
  • Tổng lượt truy cập1,761,021
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây