Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Thứ ba - 11/02/2025 17:56 21 0

Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại

Thiệu – Kỳ và cuộc chạy đua “có người lái” vào Dinh Độc Lập

Thật ra không đợi đến cuộc bầu cử tổng thống năm 1967 mà ngay giai đoạn thành lập nội các chiến tranh hồi 1965 đã nảy sinh va chạm ngấm ngầm giữa “cái ngã” của hai ông Thiệu và Kỳ.
Lúc mới đầu, Thiệu và tôi (Nguyễn Cao Kỳ) đã đối xử với nhau khá hòa thuận nhưng có sự rắc rối tế nhị giữa chúng tôi. Trong địa vị quốc trưởng, Thiệu không nắm bất cứ quyền hạn gì trên thực tế. Chính tôi đã phải chịu lấy trách nhiệm về các quyết định và việc này khiến Thiệu đâm ra ghen tỵ. Tôi có thể hiểu chuyện này dễ dàng hơn nếu Thiệu đã không từ chối thành lập một chính phủ trước đó bởi vì Thiệu sợ vướng trách nhiệm. Thiệu muốn có quyền lực và danh vọng, nhưng lại không muốn nhận những công việc nặng nhọc khó khăn. Thiệu là hạng người như vậy”.
Dẫu không ưa “hạng người như vậy” nhưng ông Kỳ vẫn phải chung sống một cách khổ sở chỉ vì cả hai đang cùng hợp sức quật ngã những tướng tá có máu khinh bạc như Thi. Thi đi rồi, đến lượt Nguyễn Hữu Có bị “chiếu tướng”. Do bệnh “công thần”, lại cậy mình là phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng, nên tướng Có hớ hênh, nhiều lời. Biết Thiệu – Kỳ để tâm. Có thổ lộ với Trần Văn Đôn muốn làm đảo chánh cho “yên bề”. Nhưng chưa kịp động thủ, cuối năm 1966 Có đi thăm Đại Hàn và Đài Loan về đến Hồng Kong bất ngờ nhận được lệnh của Thiệu – Kỳ cấm không cho trở lại Việt Nam, phải sống lưu vong dài hạn ở nước ngoài! Dòm trong nước, các “tướng già” Đôn – Đính – Kim – Xuân đã bị loại bằng nhiều cách. Như Đôn và Kim thì bị lấy cớ “25 năm ở trong quân đội” phải “hưu”. Dương Văn Minh “công du” biệt tăm, về Bangkok thì chặn lại, mãi đến 1970 mới hồi hương. Nguyễn Khánh thì khỏi nói – làm “đại sứ lưu động suốt đời”… Thế là thoáng. Nhóm “tướng trẻ” do Kỳ và Thiệu đứng đầu giờ đây nắm quyền, cả chính trị lẫn quân sự. Không còn ai đối thủ, Kỳ và Thiệu đối mặt nhau, tranh ghế tổng thống.
Như nói trên, 48 tướng lĩnh thuộc hội đồng quân lực Sài Gòn họp nhằm giải quyết hai vụ ông Kỳ và Thiệu đều là người của quân đội lại đứng ra lập 2 liên danh riêng để tranh phiếu coi không được. Binh lính sẽ ủng hộ ai? Lối thoát vạch ra là yêu cầu ông Thiệu rút lui khỏi quân đội và sau đó ra ứng cử với tư cách dân thường.
Nhưng ông Thiệu nêu “hai không”:
– Thứ nhất, không rút khỏi quân đội, vì nếu rút khỏi đó ông sẽ mất phiếu!
– Thứ hai? (nói sau).
Bàn đi cãi lại mãi không ngã ngũ, 40 tướng lĩnh nhường quyền quyết định cuối cùng cho hội nghị cấp cao nhất của họ và rút ra khỏi phòng họp chờ đợi. Thiệu và Kỳ cũng vậy, cùng ngồi ngoài hành lang xem 7 thành viên ủy ban lãnh đạo quốc gia sẽ công bố gì. Kết quả, ủy ban gạt những bất đồng để cùng đòi hỏi ông Thiệu giải ngũ trước, ra ứng cử sau. Thiệu sừng sộ:
– Quý vị không thể buộc tôi rút lui khỏi quân đội.
Dường như tới đó ông Thiệu làm lung lay lòng kiên nhẫn của ông Kỳ khi ông ta lặp đi lặp lại cái “không rút lui” đó. Nghệ sĩ tính nơi Kỳ nổi dậy vừa đủ để thấy “một nỗi chua chát dâng lên” và sau đó buông một câu trong hồi ký:
– Thật là hèn hạ hết chỗ nói!
Đoạn tiếp theo là “tự bạch” thời xâu xé vất vả:
Trước đây tôi đã thực sự không ưa thích gì hoạt động chính trị dầu cho tôi từng giữ chức thủ tướng. Nhưng tôi phải trải qua nhiều tháng với sự thách thức để giành lấy quyền hành tối cao, với những tranh chấp về chức vụ hoặc địa vị và bỗng nhiên tôi cảm thấy ghê tởm và mệt mỏi”. Rồi bằng sự buông bỏ tự tâm, ông Kỳ khiến hội đồng quân lực trố mắt bởi tuyên bố:
 Nếu ông Thiệu muốn là ứng cử viên của quân đội thì hãy để ông ta làm một mình. Tôi sẽ quay về với nhiệm vụ trước đây của tôi trong không quân.
Bầu khí lúc đó được ghi nhận là “yên lặng đầy kinh ngạc”, trước sự hy sinh của Kỳ. Không đợi lâu, tướng Hoàng Xuân Lãm (được Kỳ giao chức tư lệnh vùng I sau xáo trộn miền Trung) la lớn lên:
– Vì ông đã hy sinh để giúp củng cố tình đoàn kết trong quân đội, vậy thì tại sao ông không thể hiện sự hy sinh ấy tới cùng!
Lý do Kỳ phải “hy sinh” là ông Thiệu ứng cử một mình chưa chắc thắng nổi các đối thủ dân sự. Vậy nên ông cần đứng chung liên danh với Thiệu. Lúc đầu, nói như Trần Văn Đôn “phiên họp tiền hội nghị quyết định ông Kỳ là ứng cử viên tổng thống và ông Thiệu ứng cử viên phó tổng thống”. Tới đó Thiệu lòi ra cái “không” thứ hai:
– Không làm “phó” cho Kỳ!
Tiếp tục hục hặc. Mỹ nhảy vào làm “trọng tài”…bênh Thiệu: “Tối đó, Mỹ đi tìm một số tướng lãnh để bàn thảo, thuyết phục các tướng rằng Nguyễn Cao Kỳ bồng bột, bốc đồng v.v…” Bảo các tướng hãy để Thiệu đứng tên ứng cử viên tổng thống. Kỳ làm phó. Sáng ra, hội đồng quân lực chung quyết. Rốt cuộc, sau nhiều ngày lao tâm, Kỳ “hy sinh” hết điều này đến điều nọ, để cuối cùng chịu làm “ứng cử viên phó tổng thống đứng dưới ông Thiệu”.
Tạo màu sắc dân chủ, Tòa đại sứ Mỹ khuyến khích hình thành một số liên danh tranh cử với Thiệu – Kỳ như các liên danh của: Phan Khắc Sửu – Phan Quang Đán, Trần Văn Hương, Mai Thọ Truyền, Hà Thúc Ký – Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Hòa Hiệp – Nguyễn Thế Truyền, Vũ Hồng Khanh – Nguyễn Văn Đang, Hoàng Cơ Bình – Lưu Quang Khình, Nguyễn Đình Quát – Lê Ngọc Chấn, Phạm Huy Cơ – Lý Quốc Sỉnh, Trần Văn Lý – Nguyễn Văn Đương, và có cả liên danh đối lập của Trương Đình Dzu. Như thế, Mỹ trở thành “người cầm lái” cho cuộc chạy đua vào dinh Độc Lập, Ở nước rút, Kỳ thừa hiểu khi đứng vai ứng cử viên “phó”, vai trò “toàn quyền” của mình ở vị thế thủ tướng trong hai năm 1965 – 1967 sẽ chuyển sang tay Thiệu (với vị thế tổng thống). Điều đó được quyết định từ sân sau của tòa đại sứ Mỹ.
Để chia sẻ quyền hành, không thả hết cho Thiệu, các tướng mưu lập một hội đồng giám sát hành pháp. Hai tướng Nguyễn Đức Thắng và Linh Quang Viên soạn nội quy với sự chấp nhận của Thiệu: “Sau này dầu là Tổng thống nhưng Nguyễn Văn Thiệu lại là hội viên của Hội đồng tướng lãnh (quân ủy hội) nên phải chịu sự giám sát của Nguyễn Cao Kỳ”!
Liệu “một tổ chức bí mật, ngoài quy định hiến pháp” kiểu như vậy được Mỹ để cho thành cơm, thành cháo không? Nội tình chính trường Sài Gòn đang loay hoay quanh dinh Độc Lập thì ngoài kia, xa hút phía ngoại ô, những cơn sấm sét sắp về theo ngọn đông phong 1967.
 

Nguồn tin: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới Các bài viết trên trang thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Dự án Nghiên cứu Quốc tế. © Bản quyền các bài viết và bài dịch thuộc về các tác giả, dịch giả và Dự án Nghiên cứ:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay4,967
  • Tháng hiện tại83,871
  • Tổng lượt truy cập1,761,004
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây