Việt Nam là một đất nước có truyền thống lịch sử lâu đời, trải qua hàng ngàn năm phát triển đấu tranh giữ nước và dựng nước. Lịch sử gắn với nhiều giai thoại, nhiều câu chuyện từ thời sơ khai cho đến hiện tại. Hãy cùng Moretravel tìm hiểu những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ:
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn-Vị tướng kiệt xuất của Triều Trần
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn. Ông là con trai thứ của An Sinh vương Trần Liễu và là cháu gọi Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông) là chú ruột. Sử sách không ghi lại năm sinh của Trần Quốc Tuấn. Một số sử gia, sau khi đối chiếu nhiều sách vở, nhiều sự kiện, cho rằng Trần Quốc Tuấn sinh vào khoảng 1229-1230. Như vậy, khi ông ra đời, nhà Trần đã nắm ngôi báu được mấy năm.
Ông nội của Trần Hưng Đạo là Trần Thừa. Cuối thời Lý, nhờ công phò giúp lúc nội biến, từ một gia đình đời đời làm nghề đánh cá ở Tức Mặc (Nam Định), Trần Thừa trở thành quan Nội thị Phán thủ. Khi Trần Cảnh lên làm vua, Trần Thừa được tôn là Thái Tổ mặc dù chưa làm vua ngày nào. Trong số 6 người con(*) của Thái Tổ Trần Thừa, thì Trần Liễu là con trưởng. Như vậy, về thế thứ, Trần Quốc Tuấn thuộc dòng trưởng trong hoàng tộc nhà Trần.
Năm Trần Quốc Tuấn khoảng 5-6 tuổi, hoàng tộc nhà Trần xảy ra biến cố lớn. Do bị Thái sư Trần Thủ Độ buộc phải nhường vợ là công chúa Thuận Thiên đang có mang ba tháng cho em trai là vua Trần Thái Tông(*), cha Quốc Tuấn là Trần Liễu làm loạn chống lại vua và triều đình. Dù anh em đã hòa giải, nhưng từ đó, giữa hai gia đình có sự rạn nứt sâu sắc khó hàn gắn được.
Quốc Tuấn được cô ruột là Thụy Bà công chúa nhận làm con nuôi. Tuy còn nhỏ, nhưng Quốc Tuấn đã tỏ ra thông minh nhanh lẹ. Thấy con sáng dạ, Trần Liễu không tiếc tiền của công sức, mời thầy giáo có tiếng tăm khắp nơi về dạy dỗ với mong muốn Quốc Tuấn trở thành người tài giỏi để giúp ông rửa hận xưa.
Trần Quốc Tuấn học một biết mười, có năng khiếu cả về văn chương lẫn võ nghệ, 7 tuổi đã biết làm thơ, lớn lên cưỡi ngựa bắn cung đều giỏi. Với tài thao lược, ông chú tâm nghiên cứu binh pháp của người xưa, nghiên cứu những trận đánh nổi tiếng của những anh hùng dân tộc mà sử sách đã lưu truyền, rút ra cái hay cái dở và tự phô diễn trận đồ rất linh hoạt. Năm 21 tuổi, Trần Quốc Tuấn nên duyên với công chúa Thiên Thành(*) và sinh hạ tất cả 5 người con, 1 gái 4 trai(**). Các con của ông sau này đều là người thành đạt. Người con gái cả là Trinh công chúa, sau là hoàng hậu của vua Nhân Tông, vị vua sát cánh cùng Trần Quốc Tuấn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Con trai bà chính là Thái tử Trần Thuyên, tức vua Trần Anh Tông
Bốn người con trai của Trần Quốc Tuấn là Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiển, Hưng Trí vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Hưng Hiến vương Trần Quốc Uy đều là những võ tướng có tài, đã giúp ông rất nhiều trong công cuộc đánh Nguyên. Trần Quốc Hiển sau này là phò mã của vua Thánh Tông, còn Trần Quốc Tảng có con gái là hoàng hậu của vua Anh Tông. Riêng Trần Quốc Nghiễn còn có công khẩn hoang, biến vùng đất hoang vu ở Hải Dương thành những cánh đồng phì nhiêu, xanh tốt.
Năm 1251, Trần Liễu, cha của Quốc Tuấn lâm bệnh nặng. Trước khi qua đời, Trần Liễu cầm tay Quốc Tuấn trăng trối: – Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ (ý nói cướp ngôi vua) nếu không cha nằm dưới đất cũng không sao nhắm mắt được.
Biết lâu nay cha vẫn không quên oán hận cũ, Quốc Tuấn rất thương cha. Là người con có hiếu, ông không khỏi suy nghĩ về di huấn của người. Nhưng vua Thái Tông thật sự là một minh quân, ngài chấn hưng đất nước khiến thiên hạ thái bình, lại đối xử với anh em trong họ thân ái, độ lượng, Quốc Tuấn rất kính phục. Ông không thể vì những lời nói của cha mà gây cảnh nồi da xáo thịt. Nghĩ vậy, ông giữ kín những lời trối của cha không cho ai biết.
Là bà con gần với vua, nên Trần Quốc Tuấn được phong tước Hưng Đạo vương. Vì vậy, ông thường được gọi là Trần Hưng Đạo. Ông được phong thái ấp ở vùng Vạn Kiếp (Vạn Yên, Chí Linh, Hải Dương). Đây là nơi có núi cao rừng rậm, lại gần nơi hội tụ của 6 con sông(*) cùng đổ ra biển (Lục Đầu) nên vị trí rất hiểm yếu.
Bằng con mắt của một nhà quân sự, lại biết nhìn xa trông rộng, Trần Hưng Đạo đã cho xây dựng Vạn Kiếp thành một chốt cứ điểm lợi hại, có thể phòng chống giặc phương Bắc bằng cả hai mặt thủy bộ. Ở đây, ông còn xây dựng một khu vực trồng cây thuốc nam để trị bệnh cho quân lính và dân trong vùng. Nơi trồng thuốc của ông đến nay vẫn mang tên là ngọn Dược Sơn.
Phủ đệ của Trần Hưng Đạo luôn mở rộng cửa để đón bậc anh tài. Những người có chí, có nhân hoặc dũng lược mà trung tín, dù xuất thân nghèo khổ, ông đều giúp đỡ trau dồi tài năng rồi tiến cử cho triều đình thu dụng. Nhiều danh nhân thời ấy như Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão đều là môn khách (khách được nuôi ăn và ưu đãi trong nhà) của ông.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc