Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Thứ tư - 18/09/2024 21:04 33 0

Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Quỷ vương Lê Uy Mục

Quỷ vương Lê Uy Mục

Mặc dù đã có di chiếu của Túc Tông đưa người con thứ hai của Hiến Tông là hoàng tử Lê Tuấn lên kế vị, Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Hằng vẫn kịch liệt phản đối. Lí do bà đưa ra là Tuấn xuất thân hèn kém, không được giáo dục tử tế, không có tư chất của bậc vương giả, nên không thể lên ngôi thiên tử. Nguyên mẹ của Lê Tuấn là Nguyễn Thị Cận vốn mồ côi cha từ nhỏ, nhà lại nghèo khó nên phải tự bán mình cho một viên quan ở Đông Đô. Người này sau phạm tội nên Nguyễn Thị Cận bị triều đình bắt vào làm nô tì trong Cấm thành. Bấy giờ đang là đời vua Lê Thánh Tông, Hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng bị vua ghẻ lạnh, phải ở cung riêng Vĩnh Ninh. Nguyễn Thị Cận được đưa vào hầu Hoàng hậu ở đó. Vua Hiến Tông, khi ấy đang là Thái tử vào thăm mẹ, thấy người nữ tì xinh đẹp liền đem lòng yêu mến ngay từ “cái nhìn đầu tiên”. Sau ông lấy Nguyễn Thị Cận làm thiếp, có với nàng một người con, đó chính là hoàng tử Lê Tuấn. Nguyễn Thị Cận sớm qua đời với thân phận thê thiếp, vì thế nên Tuấn bị bà nội tìm cách gạt bỏ sau khi Hiến Tông băng hà. Song triều đình vẫn tuân theo di chiếu của tiên vương. Ngày 22 tháng 1 năm 1505, Lê Tuấn lên ngôi, tức Lê Uy Mục, vua thứ tám của nhà Hậu Lê.

Quỷ vương Lê Uy Mục

Một trong những việc làm đầu tiên của tân vương 17 tuổi là giết hại chính bà nội mình, Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Hằng: Tháng 3 năm 1505, ngay khi chưa ấm chỗ trên ngai vàng, Uy Mục cho quân đến cung của bà nội giết chết bà. Đồng thời sai giết hai đại thần là Lễ bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ và Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật, vì lẽ các ông này đã theo ý Hoàng thái hậu không muốn đưa Uy Mục lên làm vua.
Máu hiếu sát của vua lộ rõ từ đấy. Ông thích xem người ta đánh giết nhau, nên thường tổ chức các cuộc tỉ thí của quân cấm vệ, hay giữa người hai bên ti Ngự Mã và Ngự Tượng, đến khi có người chết mới thôi. Đêm đêm, vua cho gọi các cung nhân, phi tần vào bày trò tiêu khiển, uống rượu say rồi hành lạc ngay tại chỗ, đến khi tan cuộc mây mưa thì đem giết đi.
Để thỏa mãn thói rông càn, ăn chơi vô độ, Lê Uy Mục dựa vào bọn nịnh thần, tin dùng đám ngoại thích, đồng thời xua đuổi người trong tôn thất và công thần về xứ Thanh (đất phát tích của nhà Lê) cho rảnh mắt. Ông ta còn bí mật sai người trong cung dò xét hết thảy anh em, chú bác, ai có biểu hiện hay chỉ cần bị vu cho là chống đối lập tức bị bắt giam, tra khảo.
Sự trác táng của Lê Uy Mục hiện ngay trên mặt. Sử chép rằng, trong lần sang sứ nước ta, phó sứ thần Trung Quốc là Hứa Thiên Tích trông thấy Uy Mục, đã làm bài thơ có câu như sau:

An Nam tứ bách vận vưu trường
Thiên ý như hà giáng quỷ vương?(1)
Từ đó, “Vua Quỷ” hay “Quỷ Vương” trở thành tên gọi Lê Uy Mục!

Tức nước vỡ bờ, sự tàn bạo của vua Uy Mục đã gây một làn sóng bất bình trong dân chúng, quan lại, và nhất là các tôn thất họ Lê bị bạc đãi, hay người nhà của những người bị hãm hại. Trong số các nạn nhân của Lê Uy Mục có cả vợ con của Kiến Vương. Ông là con thứ năm của Lê Thánh Tông, đồng thời là bác ruột của vua, vậy mà vợ và các con trai ông cũng bị bắt: người con trưởng là Cẩm Giang Vương Lê Sùng, người con thứ là Giản Tu Công Lê Oanh. Người con thứ khôn khéo đút tiền cho người canh ngục nên được ra, trốn về Tây Đô (Thanh Hóa). Ở đây, Lê Oanh được một công thần thất sủng là Nguyễn Văn Lang lập làm minh chủ, phất cờ chống lại Lê Uy Mục. Tháng 11 năm 1509, Lê Oanh, khi ấy mới 14 tuổi, đưa quân về Đông Đô, đánh chiếm kinh thành. Vua Uy Mục liền trả thù bằng cách giết Lê Sùng và bà mẹ. Tháng Chạp năm Kỉ Tị (1509), Lê Oanh vào được kinh thành, bắt Lê Uy Mục và bức vua tự tử.
Giết được Lê Uy Mục, Lê Oanh vẫn chưa nguôi giận việc vua giết hại mẹ và anh mình. Ông sai lấy súng lớn, nhồi thuốc vào, để xác Uy Mục lên trên rồi đem bắn cho tan xác. Đó là việc làm của Lê Oanh trước khi tự lập làm vua, tức Lê Tương Dực, vị vua thứ chín nhà Hậu Lê. Cũng như người tiền nhiệm, ông được sứ Tàu đặt cho một cái tên, sau trở nên quen thuộc trong dân gian và cả trong sử sách: Vua Lợn!

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,437
  • Tổng lượt truy cập808,351
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây