Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Thứ tư - 18/09/2024 20:52 33 0

Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Nguyễn Trãi – Người anh hùng dân tộc-danh nhân văn hóa
Nguyễn Trãi – Người anh hùng dân tộc-danh nhân văn hóa

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, chào đời năm Canh Thân (1380) tại kinh thành Thăng Long. Cha ông là Nguyễn Ứng Long người làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời về làng Nhị Khê (tức làng Ngọc Ổi cũ), huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội). Thời trai trẻ, Nguyễn Ứng Long nổi tiếng là hay chữ nhưng vì nhà nghèo nên phải đi làm gia sư.

Nguyễn Trãi

Mẹ của Nguyễn Trãi là Trần Thị Thái, con gái yêu của quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán (1326-1390), thuộc dòng dõi của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Nhờ có công phò giúp Trần Nghệ Tông đánh kẻ tiếm ngôi là Nhật Lễ nên Trần Nguyên Đán được phong làm Tể tướng. Ông làm quan trải bốn đời vua là Trần Dụ Tông (1341-1369), Trần Nghệ Tông (1370-1372), Trần Duệ Tông (1372-1377) và Trần Phế Đế (1377-1388).
Trần Nguyên Đán còn là nhà thiên văn và lịch pháp nổi tiếng của nước ta đời Trần. Ông là tác giả của bộ Bách thế thông khảo và nhiều trước tác quan trọng khác. Khác với nhiều người thời đó, Trần Nguyên Đán muốn các con gái của ông cũng được học hành văn chương chữ nghĩa như con trai. Vì thế, khi nghe tin đồn về tài năng của Nguyễn Ứng Long, ông đã sai người đón về dạy cho con gái ông là Trần Thị Thái. Thầy đồ vừa trẻ vừa có tài, học trò vừa thông minh lại xinh đẹp, nên thầy trò rất tương đắc.
Chẳng bao lâu, tình yêu giữa họ nảy nở và Trần Thị Thái mang thai. Họ vô cùng lo lắng vì biết mình không chỉ làm trái những điều lễ giáo cho phép mà còn phạm vào điều cấm kỵ, bởi triều đình lúc đó không cho phép con cái nhà quý tộc kết hôn với con nhà thường dân. Trong khi đó, Trần Thị Thái lại là con nhà đại quý tộc, còn Nguyễn Ứng Long dẫu tài giỏi bao nhiêu cũng chỉ là một thầy đồ, địa vị xã hội thua kém hẳn. Sợ người yêu bị cha trừng phạt, Trần Thị Thái đã giúp Ứng Long tìm đường chạy trốn.
Không ngờ, khi biết chuyện, thấy Ứng Long là người có tài và đôi trẻ thương yêu nhau thực lòng, Trần Nguyên Đán không những không giận mà còn tác hợp cho hai người nên vợ nên chồng. Ông chỉ yêu cầu Nguyễn Ứng Long phải cố gắng học hành để đỗ đạt. Cảm động trước thái độ bao dung và tin cậy ấy, Nguyễn Ứng Long ngày đêm dùi mài kinh sử, quyết đỗ đại khoa để trả nghĩa cho nhạc phụ.
Quả nhiên, khoa thi Giáp Dần (1374), Nguyễn Ứng Long đỗ Thái học sinh. Rất tiếc là lúc bấy giờ, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cho rằng ông là con nhà thường dân mà dám cả gan lấy con gái nhà tôn thất nên không cho ông làm quan. Bởi lẽ này, Nguyễn Ứng Long bỏ về quê mình là làng Nhị Khê để mở trường dạy học. Học trò nghe tiếng ông theo về ngày một đông.
Kết duyên cùng Nguyễn Ứng Long, Trần Thị Thái đã sinh hạ tất cả năm người con trai. Nguyễn Trãi là con đầu, kế đến là Nguyễn Phi Báo, Nguyễn Phi Ly, Nguyễn Phi Bằng và Nguyễn Phi Hùng. Khi cha về dạy học ở làng Nhị Khê, Nguyễn Trãi vẫn ở lại tư dinh của ông ngoại cùng mẹ và các em của mình
Tháng bảy năm Ất Sửu (1385), Trần Nguyên Đán xin về trí sĩ và được triều đình nhà Trần chấp thuận. Ông dọn về ở hẳn tại Côn Sơn, dựng động Thanh Hư và bia đá. Vua Trần Duệ Tông ngự bút đề tặng ba chữ Thanh Hư động, còn Thượng hoàng Trần Nghệ Tông thì viết bài minh khắc vào bia.
Bấy giờ, Nguyễn Trãi cùng mẹ và các em của mình cũng theo ông ngoại về Côn Sơn. Tại đây, Nguyễn Trãi bắt đầu được đi học. Và người thầy đầu tiên của ông chính là mẹ ông, bà Trần Thị Thái. Nhưng tiếc là chưa được bao lâu thì mẹ ông lâm bệnh nặng qua đời. Ông và các em phải sống dựa vào ông ngoại.
Người thầy giáo quan trọng thứ hai của Nguyễn Trãi chính là ông ngoại của ông, nhà bác học, quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán. Đến năm 1390, Trần Nguyên Đán qua đời. Bấy giờ, Nguyễn Trãi và các em của ông mới chuyển về ở hẳn với cha tại làng Nhị Khê. Lúc này, Nguyễn Ứng Long trực tiếp dạy dỗ và kèm cặp các con mình.
Sinh ra trong một gia đình đặc biệt như vậy, lại may mắn có trí thông minh bẩm sinh, Nguyễn Trãi học hành tấn tới rất nhanh. Khoa Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên năm thứ nhất (tức là năm 1400 dưới triều Hồ), Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh(*).
Nguyễn Trãi cùng với cha là Nguyễn Ứng Long (lúc này đã đổi tên là Nguyễn Phi Khanh) cùng ra làm quan cho nhà Hồ. Nguyễn Phi Khanh được trao chức Hàn lâm Học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tu nghiệp và được phong hàm Đại lý Tự khanh. Đó là những chức hàm quan trọng dành cho hàng quan văn xuất thân từ khoa bảng. Lần đầu tiên sau 26 năm đỗ đạt, Nguyễn Phi Khanh mới được trao quan chức.
Nguyễn Trãi cũng được trao chức Ngự sử đài Chánh chưởng. Với chức vị này, Nguyễn Trãi có nhiệm vụ can gián bá quan và triều đình, thậm chí can gián cả nhà vua khi xét thấy cần. Chức này, nếu không phải là bậc đại trí, vừa trung thực và thẳng thắn lại vừa khôn khéo và kiên quyết thì khó mà làm được.
Không thấy sử chép gì về quá trình làm quan này của Nguyễn Trãi, có lẽ vì triều Hồ tồn tại quá ngắn (chưa đầy 7 năm, từ đầu năm 1400 đến giữa năm 1407). Tuy nhiên, căn cứ vào câu Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo: “Khoảnh nhân Hồ chính chi phiền hà…” (Nhân họ Hồ chính sự phiền hà), chúng ta có thể đoán là ông không bằng lòng với nhiều chính sách của nhà Hồ.
Cuối năm 1406, nhà Minh mượn danh nghĩa phù Trần diệt Hồ để xua quân xâm lược nước ta. Sau sáu tháng cầm cự một cách lúng túng và kém hiệu quả, toàn bộ lực lượng kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo đã bị tan rã. Tháng 5 năm Đinh Hợi (tức tháng 6 năm 1407), hầu hết vua quan nhà Hồ, từ Thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương đến tổng chỉ huy quân đội là Hồ Nguyên Trừng cùng đông đảo văn thần và võ tướng đều bị bắt và bị giải sang Trung Quốc.
Bấy giờ, thân phụ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh cũng ở trong số đó, nhưng không rõ vì sao Nguyễn Trãi lại không bị chúng bắt ngay. Một số thư tịch cổ cho biết rằng được tin ấy, Nguyễn Trãi cùng các em bám theo xe tù, tìm cách đi theo sang Trung Quốc để mong được phụng dưỡng cha già.
Tới ải Nam Quan, nhân lúc lính áp giải nghỉ ngơi, Nguyễn Trãi cùng các em đến tận xe tù nói rõ ước nguyện của mình với cha. Nguyễn Phi Khanh nghiêm mặt nói: “Nay là lúc nước mất nhà tan, đạo làm tôi phải lấy việc rửa nhục cho nước làm trung, đạo làm con phải lấy việc trả thù cho cha làm hiếu, có đâu lại cứ đi theo mà khóc như đàn bà con gái thì mới là hiếu là trung!”.
Nhận ra những ý nghĩa rất sâu sắc hàm chứa trong câu nói của cha, Nguyễn Trãi đã quay lại. Và đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của Nguyễn Trãi đối với người cha, cũng là người thầy của ông; nhưng câu nói của cha đã in dấu sâu đậm trong tâm hồn Nguyễn Trãi và có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời của ông sau này. Từ đây, những ngày Nguyễn Trãi trăn trở nghĩ kế “rửa nhục cho nước, trả thù cho cha” bắt đầu.
Nhưng trên đường quay trở lại, Nguyễn Trãi không may bị giặc phát hiện và bắt đem về Đông Quan. Tướng tổng chỉ huy quân Minh lúc đó là Trương Phụ biết Nguyễn Trãi là một trí thức tài ba nên đã dùng đủ mọi cách để dụ dỗ, mua chuộc, hy vọng ông sẽ cộng tác với chúng. Nhưng trước sau Nguyễn Trãi vẫn một mực chối từ.
Trương Phụ tức giận sai quân đem Nguyễn Trãi đi chém đầu. Nhưng ngay lúc ấy, quan Thượng thư của giặc là Hoàng Phúc liền ngăn lại. Hắn cho rằng dụ dỗ một người như Nguyễn Trãi thì không thể ngày một ngày hai được. Vì thế, Trương Phụ không chém Nguyễn Trãi, nhưng đem ông giam lỏng trong một ngôi nhà nhỏ trong thành Đông Quan.
Kẻ thù rất gian ngoan nhưng chúng đã lầm. Nơi bị giam lỏng cũng là nơi Nguyễn Trãi ngày đêm suy tính kế sách cứu nước cứu nhà. Ông tìm cách liên lạc với phong trào khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược đang bùng nổ dữ dội ở khắp nơi. Và cuối cùng, ông quyết định cùng với người anh em họ là Trần Nguyên Hãn, bí mật trốn khỏi Đông Quan, tìm vào Lam Sơn với Lê Lợi.
Sử sách cũ không nói rõ Nguyễn Trãi đã thoát khỏi Đông Quan bằng cách nào và vào thời điểm cụ thể nào. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, Nguyễn Trãi đã có mặt ở Lam Sơn trước năm 1416, tức là trước khi Lê Lợi tổ chức hội thề Lũng Nhai. Đến với Lê Lợi và các nghĩa sĩ Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã mang theo một công trình rất có giá trị, đó là cuốn Bình Ngô sách tổng kết tất cả những sách lược đánh giặc Ngô mà có lẽ ông đã suy ngẫm suốt những năm bị giam lỏng ở kinh thành.
Trải qua bao phen binh lửa, Bình Ngô sách nay không còn nữa, nhưng nhiều thư tịch cổ của các bậc tiền bối đã viết những lời rất trang trọng về tác phẩm hết sức đặc biệt này. Có thể nói, Bình Ngô sách đã đặt nền tảng tư tưởng cho toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi vẻ vang của phong trào Lam Sơn. Ngay từ đầu, Bình Ngô sách đã góp phần định hướng rõ rệt cho Lam Sơn là phải từ cuộc khởi nghĩa vũ trang phát triển thành chiến tranh giải phóng trên quy mô cả nước.
Cuộc gặp gỡ giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi quả đúng là anh hùng tương ngộ. Từ đó, Lê Lợi luôn cùng Nguyễn Trãi bàn bạc kế sách. Đáp lại, Nguyễn Trãi cũng một lòng trung thành với Lê Lợi và sự nghiệp cứu nước của các nghĩa sĩ Lam Sơn. Trong suốt cuộc kháng chiến, những ý tưởng sắc sảo của Nguyễn Trãi luôn được sự ủng hộ của Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn nên đã đem lại những kết quả tốt đẹp.
Ngày 12 tháng 2 năm Bính Thân (1416), Lê Lợi long trọng tổ chức hội thề Lũng Nhai. Về thực chất, đây chính là buổi lễ ra mắt dưới một dạng thức đặc biệt của Bộ chỉ huy Lam Sơn. Nguyễn Trãi tham dự và trở thành mưu sĩ số một của Lê Lợi. Từ đây, với cương vị mới mẻ này, Nguyễn Trãi đã dốc hết tâm lực vào cuộc khởi nghĩa.
Trong suốt quá trình tham gia khởi nghĩa, Nguyễn Trãi là người có công khai sinh ra một loạt những tư tưởng chiến lược lớn của Lam Sơn, đồng thời cũng là người trực tiếp chỉ huy thực hiện xuất sắc tất cả các tư tưởng chiến lược ấy. Ở một chừng mực nhất định nào đó, chúng ta có thể nói, Nguyễn Trãi chính là linh hồn của nghĩa quân Lam Sơn.
Không chỉ có những tư tưởng lớn vượt lên trên thời đại của mình, Nguyễn Trãi còn có những tài năng đặc biệt về quân sự. Ngoài việc vạch đường đi nước bước cho nghĩa quân trong Bình Ngô sách; khi lâm trận, ông đã chủ động, linh hoạt tấn công giặc đồng loạt trên nhiều mặt trận: vũ trang, binh vận, ngoại giao… Chính cuộc tấn công liên tục và đồng loạt này đã khiến giặc Minh bị động đối phó một cách lúng túng để rồi cuối cùng phải đành cam chịu thất bại.
Ngay sau ngày toàn thắng, được sự ủy thác của Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã viết bài Bình Ngô đại cáo. Đó thực sự là một tuyệt tác văn học, đồng thời cũng là một văn kiện chính trị có ý nghĩa thiêng liêng như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai(*) của nước nhà. Áng thiên cổ hùng văn này đã đưa Nguyễn Trãi vào hàng những tác gia kiệt xuất, góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến của dân tộc ta.
Nhờ liên tục có những cống hiến to lớn như thế, sau khi đánh đuổi được quân Minh và giải phóng đất nước, khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế và định công ban thưởng cho bá quan văn võ, Nguyễn Trãi được mang quốc tính là họ Lê, tước Á hầu, chức Hành khiển, quyền đứng đầu ban văn. Ông là một trong số 93 người được vinh dự khắc tên vào biển Khai Quốc Công Thần của triều Lê.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,472
  • Tổng lượt truy cập808,386
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây