Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Thứ tư - 18/09/2024 20:57 33 0

Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Câu chuyện về những Ông Nghè Ông Cống

Câu chuyện về những Ông Nghè Ông Cống

Theo các tài liệu về khoa cử nước ta còn ghi lại, từ khoa thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), các triều đại nước ta đã lấy đỗ tất cả 2896 vị Phó bảng trở lên. Trong đó, chỉ tính riêng thời Lê sơ đã có 1005 người đỗ từ Tiến sĩ trở lên (thời này chưa có học vị Phó bảng). Con số này tương đương với số người đỗ đại khoa dưới thời nhà Mạc (1527-1592) và thời Nguyễn (1802-1945) cộng lại: 1026 người


Ông Nghè Ông Cống

Ngày xưa, nói tới trường học trước hết và chủ yếu là nói tới trường tư. Một viên quan về hưu mở trường dạy học ngay tại tư dinh của mình. Một người nổi danh hay chữ nhưng chưa đỗ đạt, mở trường dạy học để vừa kiếm sống, vừa chuẩn bị cho ngày đi thi. Và một nhà giàu đi đón người hay chữ về dạy cho con em của mình… Trường học ra đời một cách tự nhiên như vậy.
Có những vùng hầu như chẳng một ai hay chữ và cũng không hề có người nào nổi danh tài học từ nơi khác đến trú ngụ. Con em những gia đình khá giả của vùng ấy phải lặn lội đến miền xa xôi để tìm thầy mà học. Người xưa thường gọi hiện tượng này là “tầm sư học đạo”. Thành tài thật không phải là chuyện dễ dàng.
Muốn nhập học trước hết phải trình lễ với thầy. Lễ ấy gồm hai phần không thể thiếu. Một là lễ vật. Phần này tùy khả năng, miễn sao tỏ được lòng thành của mình. Hai là lễ nghi. Phần này luôn được tiến hành với thái độ thực sự cung kính. Cách thi lễ phổ biến thời ấy là chắp tay xá thầy hoặc là lạy thầy.
Người xưa dựa vào độ tuổi để chia học trò thành hai nhóm khác nhau. Từ khoảng 8 đến 15 tuổi gọi là tiểu tử. Từ 15 tuổi trở lên gọi là đại nhân. Tuy nhiên, sự phân chia ấy chỉ có ý nghĩa hết sức tương đối mà thôi. Dưới 15 tuổi mà giỏi vẫn có thể học chung với lớp của đại nhân, ngược lại, trên 15 tuổi mà mới nhập học thì vẫn phải học chung với lớp của tiểu tử.
Lớp tiểu tử trước hết là học chữ, học sao để có thể đọc thông, viết thạo và hiểu nghĩa một khối lượng từ vựng nhất định. Sau mới học đến phép đối, bắt đầu là đối chữ, kế là đối ý rồi đối câu. Cuối cùng, họ đã có thể tập diễn đạt được các ý tưởng của mình bằng những đoạn văn chữ Hán ngắn gọn.
Lớp đại nhân là lớp học ở bậc cao. Họ được trang bị kiến thức về các thể văn, được học các tác phẩm kinh điển của Nho học như Ngũ kinh (kinh Thư, kinh Thi, kinh Lễ, kinh Dịch và kinh Xuân Thu), Tứ thư (Luận ngữ, Đại học, Trung dung và Mạnh Tử), Bắc sử (sử Trung Quốc), Bách gia chư tử (sách của các nhà nổi tiếng ở Trung Quốc thời cổ đại)…
Cũng trong lớp đại nhân, những người thông thạo kinh sách, ứng đối trôi chảy, nắm vững các thể văn và điển tích… thường được dự các lớp giảng tập đặc biệt. Đó chính là cơ hội để họ thử tài và làm quen dần với văn chương khoa cử. Ở một chừng mực nhất định nào đó, có thể ví các lớp giảng tập với các lớp luyện thi ngày nay.
Học trò của bất cứ lớp nào cũng đều là nam giới. Người xưa cho rằng việc học là việc riêng của đàn ông con trai. Việc của đàn bà con gái là chợ búa, bếp núc và quán xuyến mọi sự trong nhà ngoài ruộng. Chỉ một số rất ít con gái của các nhà quyền quý và những gia đình khá giả mới có thể được học chữ nhưng cũng chỉ học trong một giới hạn nhất định nào đó và chắc chắn là không được đi thi.
Nội dung được học đầu tiên và nhiều nhất trong mọi nhà trường là học lễ: lễ giao tiếp trong gia đình, họ hàng và bè bạn; lễ trong mối quan hệ với thầy học và quan trên; lễ đối với người trong khắp thiên hạ và cả với muôn đấng thần thánh linh thiêng. Việc học này để tạo thói quen ứng xử có phép tắc trong cuộc sống, đó là cơ sở đầu tiên của đạo đức con người. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có câu rằng: Tiên học lễ, hậu học văn.
Để quản lý lớp học và để tạo mối quan hệ thuận tiện giữa thầy và trò, thầy giáo thường chọn một học trò tin cậy nào đó mà giao cho chức Trưởng tràng. Đại để, chức Trưởng tràng cũng tương tự như chức Trưởng lớp ngày nay. Lớp học xưa thường không đông, nhưng không phải vì thế mà Trưởng tràng được nhàn rỗi.
Việc học là việc rất tốn kém, vì thế, con nhà nghèo hầu như chẳng mấy ai dám mơ được đến lớp để học. Họ chỉ có thể nấp ở bên ngoài nghe lén để học lỏm mà thôi. Nhưng nếu là người có chí thì học lỏm cũng vẫn thành công. Trong khi đó, con em những gia đình khá giả, nếu không có ý chí bền bỉ, nếu không chịu khổ chịu kham, cũng khó có thể theo học được lâu. Xưa, có không ít người phải dở dang việc học là vì vậy.
Số người đi học đã ít mà số người có khả năng theo học đến cùng lại càng ít hơn, do vậy nhà nước thời Lê sơ (và cả các nhà nước trước đó) đã mạnh dạn miễn sưu dịch cùng một số khoản đóng góp khác cho học trò. Và để thực sự động viên sĩ tử, thi thoảng các vua Lê lại ban chiếu khuyến học. Trong xã hội, hai tiếng học trò cũng được trân trọng chẳng khác gì tên gọi của một dạng chức sắc.
Bởi học tập là một quá trình lâu dài và tốn kém, không ít học trò lớp trên đã cưới vợ ngay khi còn đi học. Ở thời việc học được đề cao, các cô gái sẵn sàng chấp nhận khó khăn để được làm vợ một người có học. Bởi thế, ca dao có câu: Chẳng tham ruộng cả ao liền. Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ.
Trong nhiều trường hợp, cả gia đình và họ hàng nhà gái cũng sẵn sàng góp công góp của cho việc học của chàng rể. Ai cũng lấy làm hãnh diện nếu con em mình giàu chữ hơn người. Học trò đi học không phải chỉ là học cho riêng họ, mà còn học cho tất cả những ai đã tận tâm lo lắng và hào phóng giúp đỡ cho họ.
Sau quá trình học tập, các học trò chuẩn bị để đi thi. Lúc này, họ không còn là học trò nữa mà được gọi chung là những sĩ tử (như bây giờ ta gọi là các thí sinh). Trước khi đi thi, bất cứ sĩ tử nào cũng phải viết tờ cung khai tam đại (nghĩa là khai lý lịch ba đời). Tờ khai đó phải tuyệt đối trung thực. Về sau, giả sử có ai phát hiện ra sự gian dối thì kẻ khai man sẽ bị nghiêm trị. Nếu đã đỗ đạt và đã được bổ làm quan thì học vị ấy vẫn bị hủy bỏ, chức quan ấy vẫn bị thải hồi.
Căn cứ vào tờ cung khai tam đại (và một vài căn cứ khác nữa), triều đình sẽ loại khỏi danh sách sĩ tử dự thi là con em của những kẻ phản nghịch hoặc là con em của những người làm nghề thấp hèn. Con em của những kẻ phản nghịch không được dự thi, tuy có khe khắt nhưng xem ra cũng là điều tương đối bình thường ở thời phong kiến.
Con em những người làm các nghề bị coi là thấp hèn mà không được dự thi thì là điều đáng tiếc bởi trong số đó có nhiều người thực sự tài giỏi. Trong những nghề bị coi là thấp hèn, có nghề hát xướng. Bấy giờ, người nghệ sĩ bị coi là kẻ mua vui cho thiên hạ, là xướng ca vô loài mà thôi. Đây là một trong những điểm khác hẳn giữa quan niệm của người xưa với quan niệm của chúng ta hiện nay.
Có tờ cung khai tam đại rồi, sĩ tử còn phải có thêm tờ bảo kết hương thí. Tờ này do chức sắc địa phương làm, theo đó thì chức sắc địa phương phải bảo đảm và cam kết sẽ chịu trách nhiệm trước phép nước về tư cách và phẩm chất đạo đức của các sĩ tử và gia đình của họ ở địa phương mình.
Cửa ải quan trọng thứ ba mà mọi sĩ tử phải vượt qua trước khi tới trường thi, đó là cuộc sơ tuyển ở cấp phủ hoặc cấp huyện (tùy từng địa phương). Tại đây, các quan địa phương sẽ lấy đề thi của trường Hương các khoa trước cho sĩ tử làm thử, nếu thấy có khả năng làm được mới cho dự các khoa thi do triều đình mở.
Thực ra, việc thi cử bắt đầu có từ năm 1075 dưới thời vua Lý Nhân Tông và được duy trì suốt cả các triều Lý – Trần sau đó. Nhưng sang thời Lê sơ mới có những quy định rõ ràng và cụ thể. Có ba khoa thi gồm hai khoa chính là thi Hương và thi Hội, còn một khoa phụ là thi Đình hay còn gọi là thi Điện. Học trò phải đậu được khoa thi Hương mới được đi thi Hội và đậu khoa thi Hội mới vào khoa thi Đình. Khó khăn của các khoa thi được người xưa ví như cá chép phải trải ba lần vượt thác ở Vũ Môn để được hóa rồng.
Khoa thi Hương đầu tiên trong lịch sử thi cử Nho học ở nước ta được tổ chức vào năm Bính Thân, niên hiệu Hưng Long thứ tư (1296), thời vua Trần Anh Tông (1293-1329). Trải hơn trăm năm, đến thời Lê sơ, thi Hương đã trở nên rất quen thuộc đối với sĩ tử nước ta, chỉ tiếc là sử sách không cho biết rõ bấy giờ nước ta có tất cả bao nhiêu trường thi Hương.
Thời vua Lê Thái Tổ (1429-1433), cứ đúng lệ ba năm triều đình tổ chức một khoa thi Hương và ngay sau đó là thi Hội. Nhưng, thời Lê Thái Tông (1433-1442) và Lê Nhân Tông (1442-1459) thì phải đến sáu năm mới có một khoa thi. Tới thời Lê Thánh Tông (1460-1497), chẳng những lệ thi Hương ba năm một lần được phục hồi mà số người lấy đỗ trong mỗi khoa cũng rất đông.
Hai tiếng trường thi dễ khiến cho người đời sau ngỡ rằng đó là một nơi có sẵn nhà cửa và phòng ốc, nhưng sự thực lại không phải vậy. Bấy giờ, người ta chọn sẵn một khu đất rộng mà bằng phẳng để đến kỳ thì tổ chức thi. Chung quanh khu đất ấy thường có cả nhà trọ và quán xá để sĩ tử có thể thuê mà ăn nghỉ trong suốt thời gian đi thi.
Khi có khoa thi toàn bộ khu đất ấy được rào kín, chỉ chừa bốn hoặc cũng có khi là tám cửa ra vào. Đất trong trường thi được chia thành từng khoảnh gọi là vi, thường mỗi trường thi có bốn vi như vậy. Ở giữa, người ta dựng lên một vài căn nhà lá dùng cho quan coi thi và chấm thi ở tạm. Mọi thứ cần dùng đều được chuẩn bị và để sẵn ở trong đó để phục vụ cho các vị quan này trong suốt thời gian ở trường thi.
Trước ngày thi, sĩ tử được gọi tên để vào nhận chỗ trong từng vi và ngay sau khi nhận chỗ, họ phải đem lều đến dựng. Lều ấy có lẽ thường làm bằng những tấm cót để mang đi cho nhẹ. Nó có tác dụng che mưa, che nắng, che gió và cả để che những cặp mắt ưa nhìn bài của người khác nữa. Trong lều có một chiếc chõng nhỏ để ngồi viết cũng là để nằm nghỉ giữa giờ làm bài vì thời gian thi không phải chỉ một hai tiếng như bây giờ.
Sĩ tử dựng lều và đặt chõng xong, các quan phải cùng nhau đi kiểm tra từng lều một. Họ coi xét từng khe nhỏ trong lều và trong chõng, kiểm soát từng dấu đất để xem sĩ tử có giấu hoặc bí mật chôn tài liệu trong lều không. Việc làm cẩn thận này đã bảo đảm cho các khoa thi được tiến hành một cách rất nghiêm túc.
Bấy giờ, nếu sĩ tử nào cố ý gian lận thì chẳng những bị đuổi ra khỏi trường thi mà có khi còn bị xử tội rất nặng. Nếu quan trường không phát hiện được mà sau đó có người biết rồi tố cáo, thì chính quan trường cũng sẽ bị xử tội. Lại cũng để tránh sự thông đồng giữa quan trường với sĩ tử, việc coi thi thường chủ yếu là giao cho các võ quan. Mỗi khoa thi Hương thường kéo dài trên mười ngày, chia làm bốn đợt làm bài khác nhau, mỗi đợt như vậy gọi là một kỳ hoặc một trường. Chỉ những ai đỗ kỳ thứ nhất mới được vào thi tiếp kỳ thứ hai, chỉ những ai đỗ kỳ thứ hai mới được vào thi tiếp kỳ thứ ba và cũng chỉ những ai đỗ kỳ thứ ba mới được vào thi tiếp kỳ thứ tư. Đỗ đủ cả bốn kỳ mới thực sự là người đỗ trường Hương.
Lệ thi Hương năm Mậu Ngọ dưới thời Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình thứ năm (1438), quy định các kỳ làm bài cụ thể như sau: kỳ thứ nhất thi Kinh nghĩa, đề thi được chọn từ các sách Luận ngữ, Đại học, Trung dung và Mạnh Tử, mỗi sách chọn một bài làm đầu đề và bài chọn làm đầu đề phải dài từ ba trăm chữ trở lên.
Kinh nghĩa là một loại cổ văn, gồm tám vế khác nhau, cũng có khi được gọi là bát cổ. Khoa cử xưa thường bắt sĩ tử dùng thể văn này để viết một bài giải nghĩa các sách kinh điển của Nho học. Để làm được một bài Kinh nghĩa, sĩ tử phải thuộc thật nhiều kinh sách và điển tích, đồng thời lại phải sử dụng thành thạo thể văn này.
Kỳ thứ hai là thi Chế, Chiếu và Biểu. Đây là ba loại văn kiện đặc biệt mà các bậc đế, vương thường vẫn ủy thác cho quan văn trong triều soạn thảo. Để có thể đảm trách công việc này, họ phải tập viết ngay khi còn là học trò. Chế và Chiếu là văn kiện do hoàng đế ban ra, còn Biểu là văn kiện của vua chư hầu dâng lên hoàng đế.
Kỳ thứ ba là thi Thơ và Phú. Hẳn nhiên, Thơ nói đến ở đây là thơ làm theo niêm luật cổ còn Phú là một thể văn cổ, nay hầu như chẳng còn ai sáng tác văn học bằng thể loại này nữa. Chúng ta chỉ có thể nhận diện thể Phú một cách dễ dàng qua kho tàng tác phẩm vãn học cổ điển của dân tộc mà thôi. Điều may mắn là kho tàng này hiện vẫn còn rất lớn.
Kỳ thứ tư là thi Văn sách. Đại để, cũng có thể tạm ví Văn sách với một bài nghị luận chính trị, được viết dưới dạng trả lời một vấn đề cụ thể của đề thi. Bấy giờ, mỗi bài Văn sách cũng có những quy định về cách viết rất riêng. Chúng ta có thể nhận biết điều này qua kho tàng văn học cổ điển như đã nói ở trên.
Tất cả những người vượt qua được bốn kỳ làm bài là những người chính thức đỗ trường Hương. Họ được ban học vị Hương cống hay Cống sĩ. Dân gian gọi họ là ông Cống. Khi yết bảng, tên tuổi của những người này được viết trên một tấm bảng riêng mà bảng ấy bao giờ cũng có hình vẽ con cọp, cho nên cũng gọi là Hổ bảng.
Xét rằng những người đi thi Hương đã đỗ được ba kỳ vào đến kỳ thứ tư mới hỏng, nếu đánh hỏng họ thì kể cũng không đang tâm, bởi vậy triều đình mới lấy đỗ vớt. Những người đỗ vớt được ban học vị Sinh đồ. Tên những người đỗ Sinh đồ được yết lên một tấm bảng riêng. Bảng ấy bao giờ cũng có vẽ hình cành mai, cho nên được gọi là Mai bảng.
Tất cả các học vị ban cho người đỗ đạt tại trường Hương, đến năm Kỷ Sửu (1829) đều được vua Minh Mạng thay đổi. Hương cống hay Cống sĩ thì đổi gọi là Cử nhân, còn Sinh đồ thì đổi gọi là Tú tài. Như vậy, Cống sĩ và Hương cống (hay Cử nhân) với Sinh đồ (hay Tú tài) là hai cấp đỗ của cùng một khoa thi chứ không phải là của hai cấp đào tạo cao thấp khác nhau như hiện nay.
Người đỗ Sinh đồ (hay Tú tài) lần sau muốn đi thi nữa thì phải thi lại ở trường Hương. Nếu không may bị hỏng ở ngay kỳ làm bài thứ nhất thì vẫn được giữ nguyên học vị Sinh đồ (hay Tú tài). Có người thi mãi mà vẫn chỉ đỗ có Sinh đồ mà thôi nên dân gian thường gọi những người ấy là Tú Kép (đỗ hai lần), Tú Đụp (đỗ ba lần), Tú Mền (đỗ bốn lần)…
Không thấy sử cũ chép thời Lê sơ ai là người đỗ Sinh đồ nhiều lần nhất, nhưng vào thời Nguyễn, người không ai có thể sánh trong lĩnh vực này là Phan Thúc Trực (1808-1852), người làng Vân Tụ, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông từng mười lần đỗ… Tú tài, vì thế dân địa phương gọi ông là Tú Mười. Vua Thiệu Trị (1841-1847) đã phải cảm phục mà đặc cách cho ông làm Cống sinh (tức là tương đương với Cử nhân). Năm 1847, ông đỗ Thám hoa. Từ đó, dân địa phương thường gọi ông là ông Thám Mười.
Thường thì ngay sau năm thi Hương là thi Hội. Khác với thi Hương, thi Hội thời Lê sơ luôn được tổ chức tại kinh thành Thăng Long. Vì thế, những ngày các Cống sĩ đi thi Hội thường được gọi là những ngày lai kinh ứng thí (đến kinh dự thi). Chịu trách nhiệm tổ chức các khoa thi Hội là bộ Lễ, do đó thi Hội cũng gọi là Lễ Vi.
Tuy tổ chức tại kinh đô Thăng Long nhưng nơi thi Hội cũng chẳng khác gì trường Hương. Cũng bãi đất trống với hàng rào bốn phía, cũng quán xá và nhà trọ chung quanh, cũng lôi thôi lều chõng… Dấu vết xưa của trường thi Hội tại kinh thành Thăng Long được lưu giữ cho đến ngày hôm nay chỉ là tên một đường
phố: phố Tràng Thi.

Thi Hội cũng gồm bốn đợt làm bài tương tự như thi Hương, chỉ có khác là đề thi khó hơn mà thôi. Thời Lê sơ, thi Hội thì chỉ có đỗ hoặc hỏng chứ không hề có chuyện đỗ vớt như thi Hương. Tất cả những người đỗ thi Hội đều được gọi là trúng cách và ngay sau đó, họ phải dự một khoa thi phụ để xác định thứ bậc cao thấp.
Sau khi đỗ hai khoa thi chính thức là thi Hương và thi Hội, sĩ tử được vào dự một khoa thi phụ. Khoa này gọi là Đình thí (thi Đình) hay Điện thí (thi Điện). Sở dĩ gọi là thi Đình hay thi Điện, vì khoa thi phụ này được tổ chức ngay tại sân điện của nhà vua. Người trực tiếp ra đề và lấy đỗ thường cũng chính là nhà vua.
Trong trường hợp vua còn nhỏ tuổi, chưa đủ khả năng để đảm trách công việc thì các bậc từng đỗ đại khoa đang là thầy của vua sẽ được ủy thác làm công việc này. Thời Lê sơ, vị vua tự đảm trách công việc này nhiều lần nhất là vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Trong 38 năm ở ngôi, nhà vua đã cho tổ chức 12 khoa thi, lấy đậu 500 Tiến sĩ.
Tên tuổi của những người đỗ thi Hội và thi Đình được yết trên một tấm bảng rất đặc biệt. Bảng ấy bao giờ cũng có màu vàng nên người đời vẫn nhân đó mà gọi là Kim bảng (bảng vàng). Thực ra, bảng ấy chỉ có màu vàng chứ không phải làm bằng vàng, nhưng người đời vì muốn tôn vinh mà gọi như vậy.
Đệ nhất giáp chỉ ghi tên của ba người là Đệ nhất danh (đỗ đầu) được ban học vị Trạng nguyên, Đệ nhị danh (đỗ thứ hai) được ban học vị Bảng nhãn và Đệ tam danh (đỗ thứ ba) được ban học vị Thám hoa. Tất cả ba người có tên trong Đệ nhất giáp được gọi chung là tam khôi (ba người đỗ cao nhất). Đệ nhị giáp ghi bên trái của bảng, người đứng đầu (đỗ thứ tư) được ban học vị Hoàng giáp. Sau Hoàng giáp là các Tiến sĩ xuất thân. Đệ tam giáp ghi bên phải của bảng và tất cả những người có tên ở đây đều được gọi là Đồng Tiến sĩ xuất thân. Trong dân gian, tất cả những người từ Đệ tam giáp trở lên đều được gọi chung là ông Nghè.
Tất cả những người đỗ đại khoa đều được vua ban cho áo mũ. Đó là sắc phục dành riêng cho các vị Tiến sĩ. Sau khi nhận áo mũ, họ được phép vào để lạy tạ ơn vua, đồng thời được vua ban yến tiệc. Và cũng trong nhiều trường hợp, các vị Tân khoa Tiến sĩ còn được phép đi xem vườn thượng uyển của nhà vua trong hoàng cung.
Một trong những nghi thức quan trọng nhất chính là lệ vinh quy bái tổ (nghĩa là vinh dự trở về bái lạy tổ tiên). Bản thân tên gọi của lệ này đã là rất đặc biệt. Càng có vinh quang lớn trong khoa cử thì càng phải biết chân thành bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và gia đình mình. Lệ này khiến cho ai có muốn quên đạo lý cũng chẳng thể nào quên được.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,440
  • Tổng lượt truy cập808,354
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây