Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Thứ tư - 18/09/2024 21:12 84 0

Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Trạng Trình với bàn cờ thế sự

Trạng Trình với bàn cờ thế sự

Triều Lê đổ nát, không thể là nơi thi thố tài năng giúp dân cứu nước, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bỏ qua sáu kì đại khoa liền. Đến khi nhà Mạc lên thay, ông vẫn nghe ngóng, và tiếp tục… chờ xem. Mãi đến khoa thi thứ ba, năm Ất Mùi (1535), ông mới quyết định lên kinh ứng thí. Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ ngay Trạng nguyên. Năm ấy, ông đã 44 tuổi.
Thượng hoàng Mạc Đăng Dung và vua Mạc Đăng Doanh đều rất trọng vọng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông được bổ làm Đông các Hiệu thư, Tả thị lang bộ Hình, kiêm Đông các Đại học sĩ. Năm 1540, sự qua đời đột ngột của Mạc Đăng Doanh đã kết thúc giai đoạn thịnh trị nhất dưới triều Mạc, khiến cho mong muốn thực hiện hoài bão trị quốc của Nguyễn Bỉnh Khiêm mất đi một chỗ dựa. Mạc Phúc Hải lên ngôi, tin dùng bọn gian thần khiến Mạc triều bắt đầu suy vi. Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ đòi trị tội 18 tên lộng thần (trong đó có Phạm Quỳnh, Phạm Giao là thông gia và con rể ông), song nhà vua không đếm xỉa đến. Nguyễn Bỉnh Khiêm thác bệnh, xin về trí sĩ tại quê nhà. Tuy vậy, vì trách nhiệm của kẻ sĩ, ông lại ra tham chính khi được gọi trở lại triều đình…
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trải qua các đời Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp với các chức Tả thị lang, Thượng thư bộ Lại, Thái phó, Trình Tuyền hầu rồi Trình Quốc công, nên người ta thường gọi ông là Trạng Trình. Tuy không ở hẳn kinh đô, nhưng suốt gần hai mươi năm ông vẫn thường xuyên đi lại, cáng đáng nhiều việc triều chính, được các vua Mạc tôn kính như bậc quân sư. Mãi đến năm 73 tuổi, ông mới thực sự treo ấn từ quan.
Về quê nhà, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân cho dân qua lại, xây chùa và mở trường dạy học. Thiên hạ tôn ông là Tuyết Giang phu tử, coi ông như bậc thầy “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lí, trung tri nhân sự” (trên trời hiểu thiên văn, dưới đất tường địa lí, ở giữa hiểu con người). Học trò ông có nhiều người như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ… là những danh sĩ đương thời. Là người có nhãn quan chính trị bao quát và đúng đắn, dường như ông thấy trước được thế sự sẽ diễn biến ra sao, nên chẳng những nhà Mạc, mà cả nhà Lê Trung hưng, nhà Nguyễn cũng thường tìm đến, hỏi về những việc hệ trọng.

Bàn cờ thế sự Nguyễn Bỉnh Khiêm

Là nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn, bao trùm cả một thời đại kéo dài suốt ba thế kỉ, Nguyễn Bỉnh Khiểm để lại hai tác phẩm lớn là Bạch Vân am thi tập và Bạch Vân quốc ngữ thi. Bạch Vân am thi tập là một tập thơ bằng chữ Hán, mà theo lời Tựa của tác giả “cả thảy một ngàn bài”. Mặc dù các văn bản hiện hành chỉ lưu giữ được sáu, bảy trăm bài, nhưng với con số đó, ông là tác gia có số lượng thơ chữ Hán nhiều nhất trong văn học Việt Nam suốt bốn thế kỉ qua. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu suy tư, triết lí, phản ảnh nỗi băn khoăn, niềm khát vọng của cả một tầng lớp nho sĩ đương thời, muốn lí giải những biến đổi về thời cuộc và tìm kiếm phương hướng, vận hội cho xã hội, đúc rút những bài học cho mình và cho đời. Đó là tiếng nói của một nho sĩ nhập thế, hành đạo, tự thấy có nghĩa vụ trước đất nước và triều Mạc mà ông hết lòng phục vụ.
Trong khi khẳng định lẽ “biến dịch” như một tất yếu đối với mọi sự, ông lên án gay gắt những kẻ đắc thời, đắc thế và tin tưởng sự thịnh trị sẽ được lập lại. Để thích nghi với sự biến đổi, ông chủ trương sống theo lẽ tự nhiên, không bon chen danh lợi, lấy nhàn tâm, dưỡng tính, an nhiên tự tại làm thái độ ứng xử:

“Đêm đợi trăng cài bóng trúc, ngày chờ gió thổi tin hoa” hoặc
“Vườn rau sáng dạo, sương vương dép, bến cá đêm về, trăng đầy thuyền”.

Đó là thái độ sống của một người trong môi trường ô trọc mà vẫn giữ được thanh danh, tâm hồn không bị vẩn đục. Một tác giả đương thời là Vũ Khâm Lân nhận xét, Nguyễn Bỉnh Khiêm sống ẩn dật “mà lòng không ngày nào quên đời, ưu thời mẫn tục đều lộ trong thơ”. Chính nhờ đó mà ông đã có được nhận thức: “Sức dân như nước…, phải dùng chữ “nhân” để kết mối vững bền”.
Nhà nghiên cứu Trần Khuê đưa ra một hình ảnh thú vị: “Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân từ cửa Khổng, ông đi ngang qua sân nhà Lão Tử, rồi dừng lại trước cửa Thiền suy ngẫm về giáo lí và đạo lí, cuối cùng ông đã trở về với đồng ruộng và lũy tre xanh của làng quê Việt Nam, hay nói khác đi, ông đã trở về với dân tộc.”
Bạch Vân quốc ngữ thi là một tập thơ chữ Nôm, người đời sau khắc ván in, tập hợp thơ của cả những tác giả khác nên khó phân biệt. Từ những bài thơ được các nhà nghiên cứu khẳng định là của Nguyễn Bỉnh Khiêm (khoảng 140 bài), có thể thấy ông đã kế thừa truyền thống thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Việt hóa nhiều điển cố, từ ngữ Hán học, dùng lời lẽ của giới bình dân. Thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa hàm súc, điêu luyện, vừađậm đà phong vị dân gian. Nó mang tính luân lí sâu sắc, dạy đạo lí làm người một cách đơn giản. Vận dụng lời ăn tiếng nói của dân gian một cách tự nhiên, nhiều câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm như đã thành cách ngôn, tục ngữ.
Bên cạnh một Nguyễn Bỉnh Khiêm – nhà tư tưởng, nhà hiền triết, nhà thơ lớn còn tồn tại một Nguyễn Bỉnh Khiêm – nhà tiên tri, dường như biết trước cả những việc sẽ xảy ra 500 năm sau. Lưu truyền nhiều nhất là những giai thoại liên quan đến “bàn cờ thế sự” cả một thời trung đại. Được Nguyễn Hoàng cho người hỏi ý kiến khi gặp vấn đề nan giải, Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng cách nói bóng gió, bâng quơ, đã mách nước cho Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn (Đèo Ngang) lập cơ nghiệp muôn đời. Cũng thế, ông mách cho Trịnh Kiểm dựa vào vua Lê mà nắm mọi việc triều chính; gợi ý cho Mạc Mậu Hợp tiếp tục vương triều thêm 80 năm ở đất Cao Bằng nhỏ hẹp… Nói cách khác, ông là một Khổng Minh – quân sư cho cả ba thế lực chính trị đương thời. Có người cho rằng ông cố ý tạo ra thế chân vạc, để các thế lực đó kiềm toả lẫn nhau ở những nơi khá cách biệt, tránh cho đất nước rơi vào thế hỗn chiến tam quốc, muôn dân tránh được cảnh đầu rơi máu chảy, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn…
Trong dân gian còn lưu hành sấm kí Nôm thường gọi là sấm Trạng Trình, phần lớn được viết theo thể lục bát, như Trình quốc công sấm kí, Trình tiên sinh quốc ngữ. Đó là một hiện tượng đang được các nhà khoa học tìm hiểu, xác minh thêm. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thời Lê mạt nhận định: “Trạng Trình đã nắm được huyền cơ của tạo hóa”. Tiếng tăm của ông vang sang cả Trung Quốc. Sứ giả nhà Thanh là Chu Xán sang ta, cũng viết: “An Nam lí học hữu Trình Tuyền” (ý nói ở nước Nam có Trình Tuyền hầu là người thông giỏi khoa lí số).
Năm Ất Dậu (1585) ở tuổi 95, Nguyễn Bỉnh Khiêm bị ốm nặng. Biết mình khó qua khỏi, ông dâng sớ lên vua Mạc Mậu Hợp. Trong sớ có những lời tâm huyết như sau: “Thần suy tính độ số thấy vận nước nhà đã suy, vận nhà Lê đã đến hồi tái tạo, ý Trời đã định, sức người khó theo. Song nhân định có thể thắng thiên, xin nhà vua hết lòng tu nhân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng, trong sửa sang văn trị, ngoài chuyên cần võ công, may ra giữ được cơ nghiệp tổ tông, thì thần chết cũng được thỏa lòng”. Mạc Mậu Hợp cử Phụ chính đại thần Mạc Đôn Nhượng cùng văn võ bá quan về lễ tang để tỏ sự trọng thị. Triều đình lập đền thờ ông tại quê nhà, đích thân vua đề chữ lên biển gắn trước đền thờ: “Mạc triều Trạng nguyên Tể tướng từ”. Tất cả ở Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đạt đỉnh cao của thời đại và tỏa rạng vào tương lai. Ông để lại cho đời một bài học lớn: Người trí thức chân chính dẫu gặp khó khăn nguy khốn vẫn phải giữ vững khí tiết và niềm tin, hành động vì đại nghĩa của dân tộc. Người bạn đồng liêu là Trạng nguyên Giáp Hải từng viết về ông khi bước vào tuổi 90: “Danh quán Nho gia lôi phần địa / Lực phù nhật cốc trụ kình thiên / Tứ triều huân nghiệp nhân trung kiệt /Cửu lão dung nghi thế thượng nguyên” (dịch: Long bảng đứng đầu, tên sấm dậy / Chống trời cột vững, sức cường kiên / Bốn triều nghiệp lớn, tay anh kiệt / Chín chục dung nghi, dáng khách tiên).

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,451
  • Tổng lượt truy cập808,365
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây