Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Thứ tư - 18/09/2024 21:01 32 0

Những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay nhất qua từng thời kỳ

Hậu Lê Thánh Tông và lời tiên tri của Trạng Lường

Hậu Lê Thánh Tông và lời tiên tri của Trạng Lường

Nhà Lê đến đời Lê Thánh Tông đã đạt đến đỉnh cao thịnh trị. Dưới sự trị vì của ông, vị vua anh minh bậc nhất trong lịch sử Đại Việt, nước ta đã có bước phát triển toàn diện, từ việc tổ chức nhà nước, xã hội cho đến việc chăm lo đời sống của nhân dân. Bản thân nhà vua cũng cảm thấy yên tâm khi ông nghĩ mình có tới 14 con trai, không sợ thiếu người nối dõi. Ông thường mãn nguyện nói với các quan: “Trẫm có lắm con trai, cơ nghiệp sau này vững bền không phải lo gì nữa.” Không ít người hùa theo tán tụng, riêng Lương Thế Vinh lấy làm lo cho vua, ông thẳng thắn tâu bày: “Lắm con trai chỉ là đầu mối của loạn lạc.” Nhà vua có ý không bằng lòng, nhưng nể Lương là người tài, nói thẳng, nên không phạt tội. Ông chỉ quở trách: “Trạng Lường tính toán như thần, nhưng lần này khanh lầm rồi. Xưa nay người ta chỉ thấy không có con nối dõi thì mất cơ nghiệp, làm gì có chuyện ngược đời như khanh nói!”

Tiên tri của Trạng Lường

Thế rồi, theo quy luật tự nhiên, cả Lương Thế Vinh và Lê Thánh Tông lần lượt qua đời. Lương Thế Vinh mất trước, nhà vua vô cùng thương tiếc, làm bài thơ khóc Trạng, trong đó có câu: “Danh lạ còn truyền để quốc gia”. Một năm sau, đến lượt Lê Thánh Tông ra đi, nhưng xem ra ông không được hưởng cái chết tự nhiên như Trạng Lường. Nguyên Lê Thánh Tông có nhiều vợ. Hoàng hậu là bà Trường Lạc Nguyễn Thị Hằng vốn bị vua xa lánh lâu ngày, nên nuôi lòng oán hận. Năm 1497, khi Lê Thánh Tông bị bệnh phù thũng, bà lấy cớ vào thăm bệnh vua, rồi ngầm bôi thuốc độc vào tay xoa lên những chỗ loét của ông. Do đó bệnh vua càng nặng thêm và chẳng bao lâu sau thì mất. Hoàng thái tử Lê Tranh, con trưởng của Lê Thánh Tông với Hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng lên nối ngôi, tức Lê Hiến Tông, vị vua thứ sáu nhà Hậu Lê. Là con trưởng, lên ngôi khi tuổi đã chín (vừa tròn ba giáp), bản thân cũng là người thông minh, nhân hậu, ở ông hội tụ đủ các yếu tố khiến cho việc làm vua diễn ra suôn sẻ. Ông luôn tâm niệm Lê Thái Tổ đã gây dựng nên cơ đồ, vua cha đã sắp đặt mọi việc đâu ra đấy, đến lượt mình chỉ nên lo giữ gìn nếp cũ, đặng làm sáng rõ công đức của ông cha. Trong những năm ông trị vì, đất nước yên ổn, không có loạn lạc. Nhà vua chú trọng chăm sóc bảo vệ đê điều, khai sông, đắp đường; khuyến khích nông dân làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm; ngăn ngừa tệ quan liêu, nhũng nhiễu chốn quan trường… Có thể nói, bảy năm dưới thời Lê Hiến Tông mọi việc vẫn y theo đời Hồng Đức, khác chăng người đứng đầu triều chính không có được tầm vóc như đức vua Lê Thánh Tông.
Năm 1504, Lê Hiến Tông mất do bệnh nặng. Hoàng thái tử Lê Thuần lên ngôi, tức Lê Túc Tông, vị vua thứ bảy của triều Lê. Cũng giống như vua cha, Lê Túc Tông là người hiền hòa, được sử cũ miêu tả là vị hoàng đế có tính cách “vui điều thiện”. (Ông nguyên là con trai thứ ba, nhưng do chăm ngoan, hiếu học, nên được vua cha phong làm Hoàng thái tử kế vị.) Không lâu sau khi lên nối ngôi, ông đã làm được nhiều việc tốt, như phóng thích phi tần, giảm bớt sức lao động của nhân dân, giữ vững nền quân chủ, kỉ cương khiến người dân được sống thanh bình… Nhưng thật không may, cho ông cũng như cho vương triều, Lê Túc Tông lên ngôi khi 16 tuổi, ở ngôi mới được nửa năm thì bị bệnh nặng mất. Do chưa có con, nên ông chỉ định người anh em cùng cha khác mẹ là Lê Tuấn lên ngôi. Di chiếu của ông có viết về việc này như sau: “Bệnh trẫm chưa khỏi, lo rằng việc phó thác nặng nề e sẽ không kham nổi. Con thứ hai của Tiên hoàng đế là Tuấn, là người hiền minh, nhân hiếu, có thể nối được ngôi chính thống, để thừa kế tổ tông, vỗ về thần dân.”
Thực hiện di chiếu của vua, đầu năm 1505 hoàng tử Lê Tuấn được đưa lên ngôi, trở thành vị vua thứ tám của nhà Hậu Lê. Song Lê Tuấn không phải là người “hiền minh, nhân hiếu” như Túc Tông trông đợi, mà ngược lại, là một ông vua hoang dâm tàn bạo khét tiếng trong lịch sử Đại Việt. Đó chính là Lê Uy Mục, hay Quỷ Vương, như dân gian vẫn gọi.
Việc Lê Tuấn lên làm vua không chỉ là một trang sử buồn của đất nước, mà còn mở đầu cho sự suy vong của nhà Hậu Lê. Từ đây cho đến khi nhà Lê mất về tay nhà Mạc còn 22 năm nữa, nhưng đó là 22 năm kéo dài trong loạn lạc của một vương triều đã bị tha hóa từ những năm trị vì của vua Uy Mục. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho lời tiên đoán ngày nào của Trạng Lường Lương Thế Vinh: “Lắm con trai chỉ là đầu mối của loạn lạc”!

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Rằm

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,075
  • Tháng hiện tại47,455
  • Tổng lượt truy cập808,369
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây