Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các Triều đại phong kiến Việt Nam

Thứ ba - 18/02/2025 01:23 14 0

Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các Triều đại phong kiến Việt Nam

Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các Triều đại phong kiến Việt Nam

57. KHOA QUÝ HỢI- CHÍNH HOÀ 4 (1683) LÊ HY TÔNG
A . TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN ĐĂNG ĐẠO (1651- ?)
Người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du. Nay là thôn Hoài Bão, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Sau đổi tên là Đăng Liên. Con của Nguyễn Đăng Minh (Tiến sĩ khoa Bính Tuất- 1646), em của Nguyễn Đăng Tuân (Tiến sĩ khoa Quý Sửu - 1673), cháu của Nguyễn Đăng Cảo (Thám hoa khoa Bính Tuất- 1646).
Năm 33 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hoà 4 (1683) đời Lê Hy Tông.
Năm Đinh Sửu (1697) ông được cử đi sứ sang nhà Thanh thương lượng về việc đòi lại 3 động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc huyện Vị Xuyên xứ Tuyên Quang (1607) theo (Cương Mục).
Ông làm quan trải các chức Đô ngự sử, Nhập thị kinh diên, tước Thọ Lâm tử, thăng Binh bộ Thượng thư, Tham tụng kiêm Đông các đại học sĩ, tước bá, thọ 69 tuổi. Khi mất được truy tặng chức Lại bộ Thượng thư, tước Thọ quận công. Vua ban cờ và câu đối sai quan về tế, phong làm phúc thần xã Hoài Bão.
Câu đối rằng:
Dịch:
Tiến sĩ, Thượng thư thiên hạ hữu, Trạng nguyên tể tướng thế gian vô.
Thiên hạ có tiến sĩ làm chức Thượng thư, Thế gian hiếm Trạng nguyên lại làm tể tướng.
Khoa thi này (1683) lấy đỗ 18 Tiến sĩ.
Giai thoại về Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo
(1) Sinh trưởng nơi quê hương văn hiến, trong một dòng họ nho gia, một gia đình có người mẹ thông minh nhân đức, một người cha phong độ hiền tài, Nguyễn Đăng Đạo thuở nhỏ đã tỏ ra hơn người, thông minh đĩnh ngộ, chăm chỉ học hành, có chí nối nghiệp cha ông dòng họ.
Tương truyền khi phu nhân Ngọc Nhĩ có thai ông, một đêm mùa hạ trăng sáng như ban ngày, bà ra giếng lấy nước, chợt thấy một ngôi sao lớn rơi vào thùng nước bèn lấy khăn bịt miệng thùng lại mang về. Sáng hôm sau, bà nói chuyện lại cho Đông các Nguyễn Đăng Cảo (anh trai của Nguyễn Đăng Minh, bác ruột Nguyễn Đăng Đạo) nghe việc sao rơi vào thùng nước đêm qua, ông Đăng Cảo cho là điềm lành, khuyên dùng nước ở thùng đó để ăn uống sẽ sinh quý tử. Bà Ngọc Nhĩ nghe lời, khi có mang đến ngày đến tháng bà đã sinh được một cậu con trai, mặt mũi khôi ngô sáng sủa, đặt tên là Nguyễn Đăng Đạo. Bà đỡ thấy thằng bé khác người cũng nói rằng đây chính là Trạng nguyên nên phải tắm rửa sạch sẽ nuôi nấng chu đáo.
Lúc mới một tuổi, Nguyễn Đăng Đạo thường được bác ruột là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo rất yêu quý, lúc nào cũng theo bên cạnh hoặc bế đi chơi và thường khoe với mọi người về Nguyễn Đăng Đạo rằng: “Triều đình ghét ta không cho đỗ Trạng nguyên, nhưng còn thằng bé này ngày sau không cho nó đỗ là không được đâu!”.
Nguyễn Đăng Đạo khi lên ba tuổi, lại được bác Nguyễn Đăng Cảo cho theo lên biên giới nhân một chuyến đi tiếp sứ nhà Thanh. Sứ nhà Thanh trông thấy Đăng Đạo còn nhỏ tuổi rất lấy làm kinh ngạc, sứ liền hỏi rằng: "Bé như vậy mà đã vượt qua trăm núi nghìn sông lam chướng hiểm trở, vẫn nhanh nhẹn tháo vát, thật là kỳ đồng!". Đôi câu đối còn lưu được tại nhà thờ Nguyễn Đăng Đạo ngày nay.
Tam tuế kỳ đồng kinh sứ bắc,
Thập niên tể tướng trọng triều Nam.
Trong đó có vế đối "Tam tuế kỳ đồng kinh sứ Bắc" (Ba tuổi kỳ đồng làm kinh ngạc sứ giả Bắc triều) chính là nói sự kiện này trong cuộc đời Nguyễn Đăng Đạo xưa.
(1) Trạng Bịu – Tài liệu của Nguyễn Thị Huế.
Lên sáu tuổi Đăng Đạo được gia đình cho đi học, ông nổi tiếng thông minh, nghịch ngợm và học giỏi. Đường đi học phải qua Cầu Chợ, tục gọi là Cầu Giếng. Gặp những hôm trời rét nhiều, Đăng Đạo thường phải vào Cầu trú chân cho đỡ rét. Còn lưu truyền câu chuyện về cuộc đối đáp giữa ông và viên quan huyện Tiên Du. Một hôm, quan huyện đi qua thấy ông đang nằm trong cầu trú rét mà không dạy chào, cho là vô lễ quan huyện bèn tức giận hỏi:
- Mày là đứa nào mà thấy quan không dậy chào hỏi?
Ông ngẩng đầu lên đáp:
Tôi là học trò.
Quan huyện nói: .
Nếu có phải là học trò dòng dõi nhà nho trong huyện này hãy ngồi dạy làm thử một bài thơ nôm tả cảnh trời rét xem có được không?
Nguyễn Đăng Đạo trả lời:
- Tôi làm được.
Nói rồi ông suy nghĩ chỉ trong một lúc và ngồi dậy đọc một bài thơ
như sau:
Phù phù gió thổi bụi đường quan
Rét phải nằm co hả có cuồng Cá chửa dương vây miền Bắc Hải Rồng còn uốn khúc bãi Nam Dương Cất đầu ngoảnh lại càn khôn đế Cuốn gió mang chào cảnh thổ vương Bĩ cực đã rồi thì đến thái
Sang xuân đầm ấm sẽ thung dung.
Quan huyện nghe xong hết lời khen ngợi, nói ông đến kỳ thi tới thế nào cũng chiếm bảng vàng.
Trên đường đi học, Nguyễn Đăng Đạo cũng thường ngang qua chùa Phật Tích. Chùa nằm trên núi Lạn Kha do vua Anh Tông nhà Lý dựng nên, cung son, điện vẽ san sát. Chính trong thời kỳ Lê Trung Hưng này, vị sư Trung Hoa Thuyết Công thiền sư, người đã từng đi thuyền vượt bể chở hơn ba vạn quyển kinh Tam Tạng sang Nam, lên
núi Lạn Kha bỗng như hiểu ra điều gì đã nhận là sư trụ trì ở chùa Phật Tích. Nhà sư rất yêu quý Nguyễn Đăng Đạo, mỗi khi ông qua chùa, sư thường lấy trầu cau ra mời. Một hôm, Nguyễn Đăng Đạo đùa, lấy hộp trầu cau ra, viết một chữ “Hiến" vào dưới đáy hộp rồi đi học. Lúc sau ông trở về, sư đón đường mời vào và bảo rằng:
- Đó là chữ “Nam" và chữ "Khuyển" hợp lại. Ta vốn biết nhà thầy sẽ là Trạng nguyên của nước Nam, nhưng thầy có muốn nổi tiếng cả ở triều đình Trung Quốc hay không?
Nguyễn Đăng Đạo nghe xong giật mình sụp lạy, xin sư bảo cho, Sư trao cho ông một quyển sách mà dặn rằng:
- Đó là quyển sách bí mật, khoảng năm Sùng Trinh Thuận Trị (niên đại Trung Hoa) bản in bị cháy, nhà thầy nên đọc kỹ sẽ thành tài.
Nhờ vậy, Nguyễn Đăng Đạo vốn đã thông minh lại càng trở nên thông minh hơn, biết được nhiều điều vượt ra ngoài ý nghĩ của người thường.
Năm 16 tuổi, Nguyễn Đăng Đạo đi thi đỗ tam trường. Đến năm 19 tuổi ông đi thi Hương đỗ đầu Hương Cống, được theo giới đường quan vào học ở Quốc Tử Giám. Nhà ông ở làng Hoài Bão cách kinh thành Thăng Long xa, thế mà sáng nào Đăng Đạo cũng dậy sớm nấu ăn để ra kinh đô kịp nghe giảng sách buổi sáng. Ông tiếp thu kiến thức rất giỏi, tỏ ra có sức học phi thường, được bạn bè đồng học mến phục.
Vào những ngày Nguyễn Đăng Đạo học tập ở kinh đô này, một lần vào tiết Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng) chùa Báo Thiên mở rộng cửa đón khách thập phương vào lễ Phật và xem hoa nở. Đăng Đạo cũng vừa đi nghe giảng sách về, thấy ngoài cổng chùa dừng lại một chiếc xe loan có một tiểu thư xinh đẹp cùng đám thị nữ vào tam bảo lễ Phật. Đăng Đạo bèn đi theo, khi tiểu thư xinh đẹp bước vào đứng lễ, Đặng Đạo cũng tiến lên đứng cạnh nàng và khấn to lên rằng:
- Nam mô a di đà Phật! Cầu Phật tổ phù hộ cho vợ chồng con bách niên giai lão.
Chuyện xảy ra đột ngột bất ngờ, đám thị nữ cả sợ bèn thi nhau xỉa xói, mắng nhiếc Đăng Đạo là vô lễ. May mắn tiểu thư biết đấy là trò nghịch của đám học trò, nên không giận, lại sẽ sàng nói đám con hầu: - Ngày xuân lễ Phật, người ta đùa các em đừng nặng lời như thế? Nói rồi sẽ sàng lên xe về phủ.
Đăng Đạo thấy cô gái đã đẹp, lại ăn nói trang nghiêm nên mê mẩn tâm thần, lẽo đẽo theo sau xe, quyết định tìm cho rõ ràng ở đâu để tìm cách gặp lại.
Khi biết tiểu thư ấy là con một viên quan lớn nhà ở chỗ nọ, đêm ấy Đăng Đạo khăn áo chỉnh tề đi vòng ra ngõ sau dinh tìm cách vượt tường vào phủ, ngồi ở một chỗ khuất gần phòng tiểu thư.
Một người thị nữ thoáng thấy bóng người vội báo cho tiểu thư biết. Tiểu thư ra, Đăng Đạo đứng lên chắp tay nói luôn:
- Tôi là danh sĩ Kinh Bắc đến xin quan lớn cho vào làm rể!
Tiểu thư hoảng sợ vô cùng bảo thị nữ lấy vàng bạc lụa là ra tặng Đăng Đạo và nói rằng:
- Thôi đây có chút quà giúp thầy ăn học, thầy nên ra ngay kẻo cha tôi biết được thì nguy đến tính mạng của thầy.
Nhưng Đăng Đạo vẫn không chịu trở chân, vẫn ung dung nói:
- Thưa tiểu thư, tôi đến đây để cầu hôn chứ không xin vàng lụa.
Tiếng của Đăng Đạo vang vang làm cho cả phủ đều giật mình. Thân phụ tiểu thư vốn là quan Đề lĩnh (quan chỉ huy quân nội thành) nghe chuyện hầm hầm tức giận thét lính trói Đăng Đạo lại chờ đến sáng sớm mai sẽ khai đạo. Đám lính quát mắng ầm ầm nên kinh động cả quan Tham tụng Phạm Công Trứ ở kề đó. Phạm Công Trứ bèn cùng lính xách đèn sang thì được Đề lĩnh kể lại sự việc trên.
Phạm Công Trứ nghe chuyện cả cười nói với Đề lĩnh:
“Hữu phi thường nhân, tất hữu phi thường sự”.
Việc khác thường, chắc người cũng khác thường. Xin ngài hãy cho tôi hỏi vài câu cho rõ đã.
Đề lĩnh chấp thuận cho giải Đăng Đạo vào. Phạm Công Trứ hỏi:
Anh xưng là danh sĩ Kinh Bắc vậy thử làm bài phú mới ra ở
trường Giám hôm nay xem thế nào?
Ông sai cởi trói và đưa đầu bài, giấy bút cho Đăng Đạo. Đăng Đạo đọc đề dưới trăng, lập tức mài mực cầm bút viết một lèo. Viết xong trao cho lính cầm vào, đoạn quẳng bút bảo đám lính:
Các anh vào mời tiểu thư ra đón tân lang đi chứ!
Cả bọn lính cười ồ cho Đăng Đạo là điên. Trong khi ấy Phạm Công Trứ mở bài soi đọc thì thấy quả là văn tài, bèn nói chuyện với viên quan Đề lĩnh rằng:
Nếu ngài có ý kén rể hiền thì có lẽ khó ai hơn chàng trai này được. Văn này nếu không đỗ Trạng nguyên thì cũng đỗ Bảng nhãn chứ chẳng thường.
Đề lĩnh nghe lời, đổi giận làm mừng, gọi Đăng Đạo tới bảo:
- Ta bằng lòng nhận anh làm rể, nhưng nhà ta hiếm hoi chỉ có một đứa con gái ấy thôi. Anh bây giờ đang chân trắng mà con ta đang chịu tang, ta cho anh vào ở trong dinh học hành nhưng phải đại đăng khoa (Thi đỗ) thì mới có thể tiểu đăng khoa (lấy vợ) được.
Đăng Đạo hớn hở vui mừng về chùa Báo Thiên đem hành lý sách vở vào trong dinh Đề lĩnh ăn học.
Một năm sau, Đăng Đạo thi Hương đỗ đầu. Đến năm Chính Hoà thứ tư (1683) thi Đình ông đỗ Trạng nguyên, viên quan Đề lĩnh đúng như lời hứa cho phép ông sánh duyên cùng với tiểu thư. Đăng Đạo cùng một lúc được thoả cả hai điều mong ước lớn, thật là bõ công đèn sách bấy lâu nay.
Ngày ấy, đoàn sứ bộ ta do chánh sứ Nguyễn Đăng Đạo dẫn đầu, suốt mấy ngày ròng phải nằm lì ở công quán (nhà khách) vì nhà Thanh cố tình gây những chuyện khó dễ không cho vào triều yết kiến vua. Đêm hôm đó có trăng sáng, Đăng Đạo đang đi đi lại lại nơi tiền sảnh bỗng thấy một thiếu nữ xinh đẹp đến trước sảnh cắm một cái biển có đề chữ Nguyệt (trăng), vái ba vái rồi bỏ ra về. Đăng Đạo nghi hoặc chưa hiểu ý tứ gì nhưng thấy cử chỉ của thiếu nữ dưới trăng có vẻ lạ nên tức cảnh sinh tình nghĩ luôn ra một bài thơ, rồi một bài phú với đầu đề Vịnh trăng sáng và Bái nguyệt đình phủ.
Sáng hôm sau, sứ bộ ta được yết kiến vua Thanh, buổi tiếp sứ này còn có cả sứ thần của các nước khác nữa. Vua Thanh ra cho các sứ thần một bài phú để thử tài, đề là Bái nguyệt đình phú, đúng với đề mà Đăng Đạo đã nghĩ đêm qua. Trong khi sứ các nước còn đang ngẫm nghĩ cân nhắc từng câu thì Đăng Đạo ung dung huơ bút viết những nét rồng bay phượng múa. Vua quan triều Thanh đều hết sức kinh ngạc.
Sau đó, viên Hàn lâm nhà Thanh thân đến mời sứ thần Đại Việt
đi vãn cảnh trong vườn Thượng uyển thưởng trăng ngắm hoa cùng sứ thần các nước. Đăng Đạo đang cùng các sứ thần say sưa ngắm cảnh thì bỗng viên quan Hàn lâm viện nhà Thanh tức cảnh ra ngay một vế đối.
- Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt thiêm hoa sắc, phong tống hoa hương, hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tự khách hứng tương tự khách.
Dịch nghĩa:
Đêm xuân, trăng gió, trăng nhấm sắc cho hoa, gió đưa hương hoa, hương theo sắc, sắc theo hương, hương hương sắc sắc tràn ngập đêm xuân, khách tương tự nhớ thương tương tư.
Mọi người đều trầm trồ khen vế đối của viên quan nhà Thanh là âm điệu luyến láy đầy chất thơ bổng trầm đầy chát nhạc, khiến các sứ thần bối rối không biết đối ra sao.
Sứ thần Cao Ly (Triều Tiên) lên tiếng trước:
- Tùng viện trúc mai, mai sinh ngọc diệp, trúc hoá ngọc chi, chi tỷ điệp, điệp tỷ chi, chi chi diệp diệp liên tùng viên, hữu tình nhân thức hữu tình nhân.
Dịch nghĩa:
- Mai trúc lầu tùng, mai nở là đẹp, trúc hoá cành đẹp, liền lá, lá liền cành, cành cành lá lá sát lầu tùng, người hữu tình biết kẻ hữu tình.-
Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đối tiếp rằng:
Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tình, cầm ngụ ngã tính, tính viện tình, tình viện tính, tính tính tình tình thư hạ nhật, tri âm nhân thức tri âm nhân.
Dịch nghĩa:
Ngày hạ đàn thơ, thơ ngụ tình ta, đàn hoà tâm tính, tính nương tình, tình nhờ tính, tính tính tình tình ngày hè nhàn rỗi, người tri âm hiểu người tri âm.
Nghe xong, viên Hàn lâm nhà Thanh nhận xét:
Sứ Cao Ly nói đến trúc mai cùng cành lá tươi tốt, sực nức một nhà chắc đời sau cũng có công nghiệp lớn. Còn sứ thần nước Nam lấy đàn thơ nói đến chuyện đàn thơ cùng hoà nhã chung đúc tạo hoá vào cả ở thân mình, từng câu từng chữ chọi nhau chan chát, tất đời sau sự
nghiệp sẽ hiển vinh rực rỡ ngang trời. So với câu của sứ Cao Ly thì câu của sứ thần nước Nam mang sắc riêng biệt. Ôi! Quả là lời đẹp ý hay.
Văn tài của Đăng Đạo đã làm cho vua Thanh cùng triều đình và sứ thần các nước thán phục. Chính nhờ vậy mà triều đình nhà Thanh đã thay đổi thái độ kẻ cả. trịch thượng, việc luận bàn về biên giới được tra xét rõ ràng.
Nguyễn Đăng Đạo được nể trọng, vua Thanh quyết định phong cho ông là Trạng nguyên của Bắc Triều, ban mũ áo võng lọng và cho ông vinh quy về nước. Đăng Đạo cùng đoàn sứ bộ hoàn thành nhiệm vụ trở về, xứng đáng với sứ mệnh vua giao. Đoàn sứ bộ nước ta khi đi qua các tỉnh của Trung Quốc, đi đến tỉnh nào tỉnh ấy cũng phải đón rước long trọng.
Làm đến chức Tể tướng Thượng thư nhưng ông không bao giờ quên rằng dân ta còn rất đói khổ lam lũ. Nguyễn Đăng Đạo đã thường xuyên quan tâm đến đời sống dân chúng. Những dịp từ triều đình về quê ông thăm hỏi khuyến khích việc cần lao, việc học hành của dân quanh vùng. Tôn trọng truyền thống tín ngưỡng của một vùng quê nhiều chùa chiền thờ thần, ông còn góp tiền cho xây dựng tu bổ đình đền miếu mạo ở quê hương, chùa Bách Môn tương truyền là do ông cho tu bổ xây dựng lại trong thời kỳ này.
Nhân dân làng Hoài Bão vẫn còn nhớ câu chuyện quan Trạng chia ruộng vua ban cho dân xưa kia. Đấy là do việc Nguyễn Đăng Đạo được triều đình ban cho ruộng lộc, vốn tính liêm khiết ông nhất mực từ chối không nhận. Vua và các triều thần nói mãi, ông Đăng Đạo bèn xin lĩnh khu ruộng bỏ hoang đầy lau lách và cỏ dại, xấu nhất gọi là cánh đồng cầu Vực. Sau đó, ông cho các gia đình nghèo khó ra đó phát cỏ, cải tạo để làm thành ruộng cày cấy được. Khi đã trở thành khoảnh ruộng tốt ông chia hẳn cho các gia đình.
Nhân dân quanh vùng còn nhớ ơn ông Nguyễn Đăng Đạo cứu đói cho dân. Một năm kia, trời làm mất mùa, dân chúng quê ông đói khổ làng xóm tiêu điều. Thấy vậy ông liền viết thư về khuyên phu nhân phát tiền gạo cứu giúp người nghèo đói, với lời lẽ cảm động và tình thưởng dân sâu nặng của vị quan đại thần:
“Ta nhân danh làm quan đại thần coi việc triều đình không nỡ ngồi mà nhìn nhân dân ta đói mà không xót thương, phu nhân hãy đem
tiền thóc của nhà ra mà cứu đói, cấp thóc cho dân gieo mạ cấy tái giá". Nhờ đó mà dân địa phương qua được bước khó khăn, làm vụ sau bội thu. Dân chúng được no ấm, cảm ơn ân nghĩa và công đức của quan Trạng Nguyễn Đăng Đạo đã có lời ca truyền tụng:
Bất hữu Trạng nguyên tiền,
Ngô dân hà dĩ an.
Bất hữu Trạng nguyên túc,
Ngô dân hà dĩ dục.
Tướng công chi đức,
Lịch vạn thế nhi bất uong.
Nghĩa là:
Không có tiền quan Trạng, Dân ta làm sao sống yên lành.
Không có lúa của quan Trạng,
Dân ta làm sao nuôi nhau được.
Đức của Tướng công,
Công ơn của Tướng công,
Trải muôn đời nhắc nhở khôn cùng.
Thấy dân đi từ làng Khắc Niệm ra chợ Bịu, phải lội qua một ngòi nước giữa đồng, đi lại rất khó khăn, Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo liền lấy tiền riêng của gia đình cho dân làm một chiếc cầu, có mái lợp để mọi người qua lại được thuận tiện và làm chỗ tránh mưa nắng. Tục gọi đó “Cầu Còng”, còn nhân dân địa phương thì yêu mến gọi đó là “Cầu uồng quan Trạng”...
B . BẢNG NHÃN PHẠM QUANG TRẠCH (1653 - ?)
Người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm. Nay là thôn Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Tp Hà Nội. Cháu xa đời của Phạm Lân Định (Tiến sĩ khoa Giáp Tuất- 1514), tằng tôn Phạm Thọ Chỉ (Hoàng giáp khoa Đinh Sửu- 1577), cháu họ Phạm Hiển Danh (Tiến sĩ khoa Bính Tuất- 1646), chú Phạm Quang Hoàn (Tiến sĩ khoa Giáp Tuất 1694), Phạm Quang Dung (Tiến sĩ khoa Bính Tuất- 1706), cha Phạm Quang Ninh (Tiến sĩ khoa Tân Hợi- 1731).
Năm 31 tuổi, đỗ Hội nguyên, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hoà 4 (1683) đời Lê Hy Tông.
Làm quan đến chức Lễ bộ Hữu thị lang, tước nam. Khi mất được truy tặng chức Tả thị lang, tước tử.
C. THÁM HOA QUÁCH GIAI (1660 - ?)
Người xã Phù Khê, huyện Đông Ngàn. Nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cháu xa đời của Quách Toàn (Tiến sĩ khoa Mậu Tuất- 1478).
Năm 24 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hoà 4 (1683) đời Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Thái thường tự khanh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay5,894
  • Tháng hiện tại28,310
  • Tổng lượt truy cập1,705,443
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây