26. KHOA MẬU DẦN- QUANG THIỆU 3 (1518) LÊ CHIÊU TÔNG A. TRẠNG NGUYÊN NGÔ MIỄN THIỆU (1499 - ?)
Người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn. Nay là thôn Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Con Ngô Thầm, cháu họ Ngô Luân, anh Ngô Dịch.
Năm 20 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thuận 3 (1518) đời Lê Chiêu Tông.
Làm quan với nhà Mạc đến chức Lại bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Chưởng hàn lâm viện sự, Nhập thị kinh diễn, tước Lý Khê bá.
(1) Khoa thi này (1518) lấy đỗ 17 Tiến sĩ.
Theo Ngô tộc gia phả, ông từng được Mạc Đăng Dung triệu vời để hoạ bài thơ vịnh Bèo của Mạc Bá ôn nhà Minh (1534), sau đó ở lại làm quan triều Mạc đến chức Lại bộ Thượng thư, Đông các đại học sĩ, Ngự sử đài, Đô ngự sử, Hàn lâm viện Thị thư, tước Trình Khê hầu.
Giai thoại về Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu
1 Ngô Miễn Thiệu quê làng Tam Sơn- một làng nổi tiếng hiếu học và khoa bảng, nơi duy nhất có đủ "Tam khôi" (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) mà chính ông là một trong hai người đoạt học vị Trạng nguyên (Nguyễn Quan Quang và Ngô Miễn Thiệu) và cha ông là Ngô Thầm, đoạt học vị Bảng nhãn khoa thi Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493).
Ngô Miễn Thiệu nổi tiếng thông minh mẫn tiệp. Là người hội tụ được truyền thống hiếu học và khoa bảng dòng họ Ngô. Năm hai mươi tuổi, Ngô Miễn Thiệu đỗ Trạng nguyên khoa thi Mậu Dần năm Quang Thiệu thứ ba (1518) đời Lê Chiêu Tông. Ông làm quan dưới triều Mạc, thăng tới chức Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Chưởng hàn lâm viện sự, Nhập thị kinh diễn, tước Lý Khê bá.
Ngô Miễn Thiệu không chỉ là bậc quan tài năng mẫn cán, mà còn là người thầy giỏi giang, mẫu mực về trí tuệ và đức độ. Vì vậy ông đã đào tạo nên nhiều bậc nhân tài cho đất nước, ngay trong lúc cư quan nhậm chức, cũng như lúc nghỉ hưu ông đều mở trường dạy học tại quê nhà. Với sự dạy dỗ rèn cặp trực tiếp của ông, hai người con trai đều đỗ Tiến sĩ: Ngô Diễn đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch thứ ba (1550); Ngô Dịch đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo thứ ba (1556).
Đặc biệt thầy giáo Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu chính là người đã dạy dỗ Nguyễn Gia Mưu đoạt học vị Tiến sĩ, và trở thành ngoại tổ của dòng họ Ngô Nguyễn ở Tam Sơn- một trong ba dòng họ nối đời khoa bảng ở làng quê nổi tiếng này.
Nguyễn Gia Mưu, quê làng Nghĩa Lập, nay thuộc xã Phù Khê, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh)- một dòng họ lớn và có truyền thống hiếu học. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Gia Mưu đã nổi tiếng thông minh và ham học,
(1). Theo cuốn Văn hiến Kinh Bắc.
song vì nhà nghèo và bố mất sớm nên không có tiền ăn học. Nhưng nhờ giúp đỡ của người chú ruột- Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thường, và lòng thương con hết mực, khát vọng mong con thành đạt của người mẹ, đã khiến Nguyễn Gia Mưu đến với thầy học- Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu.
Tương truyền rằng khi đỗ Tiến sĩ vinh quy về làng, ông nghè Nguyễn Hữu Thường đã bắt người cháu ruột của mình là Nguyễn Gia Mưu ra đường cái quan cáng võng bà quan nghè về quê bái tổ. Uất ức vì sự đối xử của người chú ruột, Nguyễn Gia Mưu cáng võng người thím ruột- vợ quan nghè Nguyễn Hữu Thường, về đến đầu làng, rồi bỏ quê tới Tam Sơn, xin học thầy Ngô Miễn Thiệu. Thấy người học trò đã cao tuổi (bấy giờ Nguyễn Gia Mưu đã 28 tuổi), thầy Ngô Miễn Thiệu liền thử ý chí và tinh thần hiếu học của Nguyễn Gia Mưu bằng việc ra điều kiện: Phải mang xôi trâu, nén bạc đến nộp cho thầy, Gia Mưu lẻn về nhà thưa với mẹ. Thương con, người mẹ bèn đem việc này bàn với quan nghè Nguyễn Hữu Thường. Thấy người cháu ruột quyết chí tiến thủ bằng con đường hoạn lộ, người chú ruột nhận lời giúp đỡ tận tình, nhưng giấu kín không cho cháu biết, để nuôi dưỡng lòng quyết tâm học tập của Nguyễn Gia Mưu. Với sự giúp đỡ trực tiếp của thầy Ngô Miễn Thiệu, Nguyễn Gia Mưu thực sự bộc lộ được đức tính của người học trò thông minh, chăm học và hiếu thảo. Chính vì vậy thầy càng yêu quý, tin tưởng vào tài năng của người học trò chắc chắn sẽ thành đạt, đi tới thuận lòng gả con gái của mình cho người học trò yêu: Nguyễn Gia Mưu. Thế là thầy học, đồng thời là bố vợ, Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu đã ngày đêm dạy dỗ, chỉ bảo cho người con rể của mình, đợi ngày đoạt chiếm bảng vàng. Nhưng lạ thay, thầy Ngô Miễn Thiệu nhận thấy từ ngày có vợ, Nguyễn Gia Mưu học hành có phần chểnh mảng. Ông liền hỏi con rể xem sự tình ra sao, thì được biết việc chăm sóc của con gái mình với chồng chưa được tận tình chu đáo. Thầy Ngô Miễn Thiệu đã khuyên bảo và yêu cầu con gái phải chuyên tâm trợ giúp chồng ăn học và đồng thời là người bố vợ, Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu đã được trả công thật xứng đáng. Năm năm miệt mài kinh sử văn sách, Nguyễn Gia Mưu đỗ Hương cống khi ông 33 tuổi, và đến năm 37 tuổi ông đỗ Tiến sĩ.
Ngày vinh quy bái tổ, Nguyễn Gia Mưu đã không về nơi sinh quán làng Nghĩa Lập, mà về quê vợ, nơi mà ông đã ăn học dưới sự dạy dỗ của người bố vợ Trạng nguyên Ngô Miên Thiệu. Cũng bắt đầu từ đó
Nguyễn Gia Mưu đã sinh cơ lập nghiệp tại làng Tam Sơn. Từ đây, nảy sinh một dòng họ nối đời khoa bảng, mà ngoại tổ chính là Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Mưu sinh ra Tiền đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Cấm y vệ, Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ, Triều Lộc hầu Ngô Tướng công tự Cường Nghị. Ông Cường Nghị sinh ra Ngô Tướng công tự Tính Thiện. Ông Tính Thiện sinh ra Ngô Sách Thí. Ngô Sách Thí đỗ Tiến sĩ năm 28 tuổi khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ hai (1659) làm quan sát sử. Đây là ông tổ khoa bảng dòng họ Ngô Sách ở Tam Sơn, mà gốc chính là dòng họ Nguyễn làng Nghĩa Lập. Chính là bắt đầu từ cụ Cường Nghị, tuân theo lời di huấn của người cha là Nguyền Gia Mưu, dòng họ Nguyễn ở đây đã chuyển sang dòng họ mẹ, để đời đời nhớ ơn và di tôn truyền thống thông minh, hiếu học và khoa bảng của vị ngoại tổ: Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu, người thầy tài giỏi và đã góp phần đào tạo nhiều danh nhân cho quê hương Tam Sơn, Kinh Bắc- Bắc Ninh.
B . BẢNG NHÃN NGUYỄN MẪN ĐỐC (1492 - ?)
Người xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi. Nay là xã Xuân Lũng, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Con của Nguyễn Khắc Cung. Nguyên quán xã Đông Viên, huyện Tứ Kỳ. Nay thuộc huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Năm 27 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thuận 3 (1518) đời Lê Chiêu Tông. Làm quan đến chức Thượng thư.
Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông theo vua Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hoá, sau ông cùng thầy học là Vũ Duệ tuẫn tiết. Đến thời Lê Trung Hưng, ông được truy phong Tiết Nghĩa vương.
C. THÁM HOA LƯU KHẢI CHUYÊN
Người xã An Đệ, huyện Đường An. Nay thuộc huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương.
Đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thuận 3 (1518) đời Lê Chiêu Tông.
Làm quan đến chức Hình bộ Hữu thị lang, về trí sĩ.
27. KHOA QUÝ MÙI- THỐNG NGUYÊN 2 (1523) LÊ CUNG HOÀNG
A. TRẠNG NGUYÊN HOÀNG VĂN TÁN
Người xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng. Nay là thôn Xuân Lôi, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523) đời Lê Cung Hoàng.
Ông cùng Nguyễn Văn Thái thảo tờ chiếu của Cung Hoàng nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung. Sau đó ông làm quan nhà Mạc, thăng đến chức Lễ bộ Tả thị lang.
B. BẢNG NHÃN NGUYỄN THUYÊN
Người xã Đào Tai, huyện Quế Dương. Nay là thôn Đào Tại, xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523) đời Lê Cung Hoàng.
Ông từng được cử đi sứ nhà Minh. Làm quan đến chức Thừa chính. Khi mất được truy tặng Thượng thư, tước hầu.
C. THÁM HOA NGUYỄN QUÁN ĐẠO (1504 - ?)
Người xã Bình Dân, huyện Đông Yên. Nay là thôn Bình Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Năm 20 tuổi, đỗ Hội nguyên, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523) đời Lê Cung Hoàng.
Trước tên là Nguyễn Quán Chi, vua phê đổi là Nguyễn Quán Đạo. Làm quan đến chức Đông các đại học sĩ.
Ý kiến bạn đọc